Friday, December 31, 2021

Tuệ Sỹ 11: Thơ Người tù thế kỷ

 

Thơ Người Tù Thế Kỷ

 

Nói đến cõi thơ như mây trời viễn xứ, giăng giăng, nhè nhẹ, mảnh mai và bềnh bồng, thong dong thư thả, tự tại hồn nhiên như cõi hư không vô cùng. Như tiếng rì rào trùng dương bát ngát, từng đợt sóng nhấp nhô, lấp lánh vô biên đang tấp vào bờ nằm xoải dài thiên thu vô tận. Đại dương của cõi thơ là lâu đài thành quách, lung linh, huyền ảo của những con sóng nghìn khơi. Là bãi cát vàng như tấm lụa dệt bằng ánh sáng của mặt trăng, tia nắng của mặt trời, và lốm đốm vô ngần các tinh thể.


Đá với nước, bóng chiều và cuộc chơi là hành trang để đi vào cõi mộng, hay chất liệu để gây dựng cơ đồ cho cuộc lữ. Mộng hay thực chỉ là cách nói của nhà thơ giầu ngôn ngữ, để pha lẫn, biến thành hình hài đồng tử ước mộng trường sinh:

“Đá mòn phơi nẻo tà dương
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi”

Đá mòn vì nhiều dấu vết thời gian đi qua, nhiều sự ngóng chờ mòn mỏi. Thời gian đó đã làm đá mòn rêu nhạt dưới ánh tà dương, chiều buồn da diết. Một sự thi gan cùng tuế nguyệt, chịu đựng bao ngày tháng nắng mưa, đá của đất trời gầy dựng vẫn trơ mình kiên cố bất động. Một hình bóng lẻ loi, nhưng chất ngất kiêu hùng, xông pha, vững chãi mặc cho bóng tà dương sắp lặn về Tây. Bỏ mặc cho ai độc hành cô lữ để nằm nghe âm thanh ào ạt của nước đổ về từ rừng sâu núi thẳm.


Trong cuộc tử sinh, Người Tù đi vào cát bụi, làm cuộc lữ phương trời viễn mộng, đọa đày như cánh hải âu nghìn trùng bạt gió, như dấu chân Người trên cát nóng mù khơi, xa xăm mòn mỏi:


“Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc
Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu....
Khuya còn lạnh sương mù và gió lốc
Thở hơi dài cát bụi cuốn chiêm bao.”
 

Nhưng dù có chôn vùi một ước nguyện vẫn không nhạt nhòa hương xưa cũ. Hương xưa của màu tóc hung hung, bay vào chiều thu, sương mơ, lá vàng rơi rụng. Hương của bóng xế nhạt nhòa, còn lất phất bờ vai, của một thời son trẻ, nhiều mơ ước. Mộng kiêu hùng. Mộng trùng khơi xa tít:

 
“Màu nắng xế, ôi màu hương tóc cũ
Chiều chơ vơ, chiều dạt mấy hồn tôi
Trời viễn mộng, đọa đày đi mấy thuở
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa trùng khơi”
 

Rồi đến một hôm nào đó, mắt Người Tù thâm huyền và trầm sâu vô tận, vì Người Tù bâng khuâng, thao thức, hoài niệm nhớ mong những vì sao lạc lối bên kia đỉnh núi, bên kia đồi sao mọc. Bên kia khung trời cũ, khung trời hội ngộ đã một lần hẹn hò trong chuyến tàu đêm, hay bên ánh lửa bập bùng thâu đêm nhiều tâm sự. Chỉ một đêm thôi không ngủ, mắt Người Tù sâu hoắm, tóc Người Tù bạc phơ, mặt Người Tù hõm lại, chân thân hiến dâng cho muôn trùng, cho ước hẹn lên đường phiêu lưu:

“Một đêm thôi, mắt trầm sâu đáy biển
Hai bàn tay khói phủ tóc tơ xa
Miền đất đỏ, trăng đã gầy vĩnh viễn
Từ vu vơ bên giấc ngủ mơ hồ.”


Cũng đôi mắt ấy, lại cưu mang những giấc mộng tàn, những giấc mộng qua đi. Người Tù mãi chếnh choáng trong trối trăn của tâm thức, trong sự hao gầy của tự thân, mà không thể bay bổng tuyệt vời như cánh chim hồng trên chín tầng xanh. Gối đã mỏi, chân đã mòn, tóc đã bạc khi tuổi đời chưa đến tuổi, nhưng cứ mãi loanh quanh trong bốn bức tường, mà suối nguồn xa xăm kia vẫn biền biệt. Suối nguồn đang réo gọi, cát bụi đang nằm chờ, rừng sâu đang mong đợi, biển nước mây trời vẫn hiện hữu thênh thang mà bóng dáng Người Tù vẫn biệt tăm. Người Tù đối diện với chính mình, với bóng đèn khuya trong bóng đêm nhạt nhòa ủ rũ. Tâm sự đầy lại vơi:


“Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vác tường ủ rũ
Suối nguồn ơi ngược nước xuôi ngành”
 

Rồi một buổi sáng hôm nào, Người Tù đi bách bộ trên đồi Trại Thủy, trong dáng dấp khẳng khiu, gió thổi muốn bay, thì ra suốt một tuần lễ Người Tù tuyệt thực chỉ uống nước chanh.  Người Tù tuyệt thực để phản đối mình, phản đối sự hiểu biết  nghịch thường mà người thường không hiểu biết. Tuyệt thực  để đóng cửa ở một mình trong phòng, không muốn gặp ai, không muốn tiếp xúc với ai, không muốn nói chuyện với ai, và cũng chẳng muốn thấy ai cho bận lòng, cho tốn thời gian, cho mất thời giờ, phung phí mất những điều cần nói, những việc cần làm để lưu lại cho đời một hình ảnh đơn sơ, như đôi tay gầy, vầng trán cao. Như đôi mắt sâu, như mái tóc bạc màu hủy hoại theo sự đọa đày nhục thể. Người Tù ở tù để làm thơ trong tù, để viết bản thảo, để đánh dương cầm, tấu lên khúc nhạc tâm tư, mà thân phận lạc loài như cánh én chiều xuân, như đôi cánh bướm rừng mơ, chập chùng hoa tàn nhụy rã. Đời người  trôi qua như từng tiếng vu vơ, như lá dạt xa bờ, như lòng sông nhuộm nắng, như chiếc lá xa mùa, như ngày cũ xa xưa. Hình bóng đó vẫn đứng đếm thời gian, giữa những chiều nắng nhạt, mỗi sáng tinh sương, nhưng tất cả chỉ là phù hư ảo ảnh, là giấc mộng con, mộng lớn, mộng kiếp tử sinh:

 
“Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng
Người mãi đi như nước chảy xa nguồn
Bờ bến lạ chút tự tình với bóng
Mây lạc loài ôi bến cũ ngàn năm”
 

Nỗi đời và tình người bẽ bàng như nhau, cùng chung số phận không khác. Người đau, cảnh sầu có lẽ muốn chia xẻ như bãi dâu ngàn suối hoang liêu tiêu sơ dưới mắt ai cái nhìn đại cuộc, mà làm cho kẻ lãng du cô thân chích ảnh gối mỏi, gót xiêu bên triền núi khi trên vai còn nặng nợ ân tình, còn vấn vương mây chiều lãng đãng, còn ráng hồng bám víu, chiều hôm. Một kiếp lữ khách, dừng chân nơi quán trọ, gởi chiếc thân như bóng tàu qua đêm, lầm lũi trong sương mù, gió cuốn, cát trắng, nắng vàng trên cánh đồng hoang của kiếp người nhiều mộng mị:

“Gởi thân gió cuốn xa mù
Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng
Chênh vênh hoa đỏ nắng vàng
Gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều
Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu
Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu.”
 

Người Tù đã vào cuộc lữ, như con người vào cõi phù hư quanh quẩn đâu đây như là cát bụi, như sự chìm nổi, đá mòn chiêm bao, quán trọ, thông già để nghe mối hận dâng cao. Hận mùa thu mây trắng, hận rừng thu lá vàng, hận trời thu hiu hắt, hận gió thu mang mang, mà xuôi đôi chân trần về miền cát bụi, lăn lóc trơ trọi. Người Tù hóa thân vào cát bụi, như Bồ Tát hóa thân làm hạnh độ sinh, chẳng biết từ nan bất cứ nơi nào. Địa ngục, trần gian, thiên giới, long cung đều có dáng từ Bồ Tát cứu khổ độ mê, đưa chúng sinh về miền tịnh lạc. Đó là hạnh nguyện, tư lương độ đời kham nhẫn mà mạnh dạn Bồ Tát bước chân vào dòng cuồng lưu sinh tử. Hành trang và sự nghiệp của Người Tù đi vào thế giới lãng du cát bụi là đá mòn, tà dương, đào tiên, mục tử, là cánh chim trời, nỗi hao mòn, tiếng kêu và nỗi lạnh sương khuya; là gió lốc, chiêm bao, con tàu, tóc trắng; mắt sâu và dòng máu phiêu lưu; là màu nắng, là hương tóc cũ, là chiều bơ vơ, là mộng kiêu hùng, muối mặn, trùng khơi; là đáy biển, là trăng gầy, là điêu tàn, khói phủ; là tuổi vàng, đồi hoang, trăng tàn, núi lạnh, là đỉnh đá, hạt muối, mùa hạ, bụi đường, suối rừng, nước cuốn, tóc huyền sương mai... Đó là chất liệu để Người Tù làm cuộc rong chơi, in dấu chân mòn trên mặt đất, độc hành, cô lữ, héo hon:

 
“Quỳ xuống đó nghe hương trời cát bụi
Đôi chân trần xuôi ảo ảnh về đâu
Tay níu lại những lần khần chìm nổi
Hận thu cao mây trắng bỗng thay màu.
....
Còi rộn rã bởi hoang đường đã đổi
Bởi phiêu lưu ngày tháng vẫn con tàu
Vẫn lăn lóc với đá mòn dứt nối
Đá mòn ơi cười một thuở chiêm bao
Quỳ xuống nữa ngủ vùi trong cát bụi
Nửa chừng say quán trọ khóc lao xao.”

Cõi thơ, Người Tù không còn ranh giới. Người Tù đã nhập thể vào cõi thơ. Thơ là người, người là thơ không còn khác biệt, đồng điệu như cung đàn xưa. Cung đàn lướt đều dưới mười ngón tay xương xẩu, xanh mét, như những cọng lau gầy phiêu diêu trước gió.

Sáng nay, Người Tù ngồi bên bếp lửa hồng đun nước sớm.  Tiếng lửa reo tí tách, tiếng nước reo vui trong ấm, mà tự dưng mơ màng rừng sâu phố thị. Mắt Người Tù đăm chiêu nhìn bếp lửa, môi mấp máy, tay lần khần khơi từng cục than lăn qua trở lại như lăn đời mình nhục nhằn trong tù ngục trên đỉnh Trường Sơn để mà:

“Nằm ôm một bóng trăng gầy
Vai mang tủi nhục hờn lay mộng tàn
Rừng sâu mấy nhịp Trường Sơn
Biển Đông mấy độ triều dâng ráng hồng”

 

Tâm sự của riêng mình, hay nỗi bơ vơ lạc loài giữa đất trời mênh mông hoang dã, Người Tù cảm thấy hụt hẫng, vì quanh mình chẳng thấy ai chung lối. Trao thân cho cát bụi thì người yêu cát bụi chẳng chung tình, gởi một nguyện ước cho muôn trùng thì trùng khơi dậy sóng, chỉ còn là tự tình, để yêu đốm lửa đêm sâu bập bùng, và gởi thân tạo dựng quê hương cùng với nỗi hờn thiên thu khổ lụy, cho một khoảng trống vắng mênh mông. Sau lưng, bụi đường khỏa lấp, chôn chân mục nát rêu phong, từ đó thì thầm nghe một phương trời nào là gác trọ:

 
“... Trời ơi tóc trắng rủ lòng quê cha
Con đi xào xạc tiếng gà
Đêm đêm trông bóng Thiên Hà buồn tênh
Đời không cát bụi chung tình
Người yêu cát bụi quê mình là đâu?”


Dưới bóng đổ dài, ngôi Kim thân Phật Tổ ngự trên đồi Trại Thủy nhìn ra biển Nha Trang, lồng lộng gió chiều, được mệnh danh là miền thùy dương cát trắng, Người Tù đưa tay bẻ cành hoa Tứ Quý, một loài hoa dại mọc nơi sườn đồi, chung quanh  tượng Phật, xoay xoay theo chiều gió. Dường như Người Tù muốn gửi hương theo gió bay về một phương trời nào đó. Hương của hoa rừng, hay hương của một tấm lòng cho mây ngàn, cỏ nội, làn hương thơm lây đến tất cả các loài thảo mộc, nơi miền xa xôi. Nơi có mây trắng và núi cao, có sương sớm và đò ngang nước lạnh đang ngóng chờ khách bộ hành sang sông. Người Tù có lẽ là lão chèo đò, đưa người qua bến hay là tiễn biệt lữ hành đi vào cuộc lữ của “phương trời viễn mộng”.

 

Người Tù đứng nhìn ra biển khơi, xa xa là những rặng núi mờ vì sóng nước. Những dãy núi này được gọi là Hòn Tre hay Hòn Yến chắn ngang cửa biển làm dịu lại những cơn sóng nước muôn trùng, nhờ vậy mà bãi biển Nha Trang êm ả, nên thơ. Dưới chân núi là những hàng dừa xanh bát ngát, chạy vòng bao quanh từ những chân núi xa Đồng Bò, Đồng Đế, Diên Khánh, Phước Hải ... đến mép bờ biển Cầu Đá, Cửa Bé, Lương Sơn... Rừng dừa được nuôi lớn từ nước mặn và cát trắng, xanh tươi mượt mà nhờ làn gió biển thổi vào từ đại dương bao la cho thêm sum xuê, đầy trái ngọt. Khung cảnh thơ mộng thành phố Nha Trang đã giữ được bước chân Người phiêu lãng qua những năm tháng phiêu bồng, thể hiện tấm lòng gầy dựng tương lai của một thế hệ, nhưng rồi thời cuộc đẩy đưa, trời chẳng chiều lòng người nên tất cả chỉ là những rong chơi, bâng quơ như giã biệt, hay tiễn đưa ai trên con đò ngang qua dòng sông lạnh, để người ra đi còn mình ở lại với bóng đèn u tịch:

 
“Một bước đường thôi nhưng núi cao
Trời ơi mây trắng đọng phương nào
Đò ngang neo bến đầy sương sớm
Cạn hết ân tình nước lạnh sao?
 
Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi
....
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng thu mưa máu dạt lều tranh
Tay so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm hay máu xanh.”

 

Người Tù đã dứt áo, bỏ lại sau lưng những dấu chân mờ còn phong kín xanh rêu. Lá rừng nơi đây được đổi thay, lá rừng Vạn Giả. Ngày cuốc đất trồng khoai, tỉa ngô vun sắn; tối ngắm sao trời bên mái tranh xiêu, Người Tù vùi chôn ngày tháng với cuốc, mai, nương rau, liếp cải.

Một tay cầm cuốc, xới lên luống đất mới của núi rừng Vạn Giả để gầy dựng sự sống; một tay cầm bút viết nên những vần thơ ven rừng, suối mây, cỏ dại: 

“Ta muốn đi làm thuê
Đời không thuê sức yếu
Ta mộng phương trời xa
Trời buồn mây nặng trĩu
 
Ven bờ thân cỏ dại
Sức sống thẹn vai gầy
Tóc trắng mờ biên ải
Nỗi hờn mây không bay.” 

Sự sống được khơi nguồn, những ngày tháng vật vã trên luống đất mới, qua lát cuốc sâu, lầm lũi như người nông phu yêu ruộng vườn, rẫy nương, lúa mạ. Mạch sống của liếp cà, giàn bí, mướp đắng, bầu xanh dưỡng nuôi lý tưởng, Người Tù cặm cụi, một nắng hai sương. Sự sống ấy được chăm sóc, nâng niu bằng đôi tay trang trọng, bằng đôi chân nhẹ nhàng thảnh thơi để gieo mầm hy vọng:

 
“Người không vui, ta đi về làm ruộng
Gieo gió Xuân chờ đợi mưa Hè
Nghe cóc nhái gọi dồn khe suối
Biết khi nào phố chợ chắn bờ đê”
 

Những liếp cà xanh, luống tía tô phơi mình trong nắng hạ, Người Tù nâng niu từng quả cà tím sẫm, giàn ổ qua, dây bí rợ bò lan tràn trên mặt đất, đùn thành những ụ cao như gò mối. Chính sức sống mạnh mẽ nơi đây là do sự cố gắng, hít thở khí trời, sương khuya gió sớm để un đúc, trưởng thành.  Người Tù đứng nhìn công trình xây dựng của mình đượm màu xanh, màu ước mơ hy vọng: 

“Ta biết mi bọ rùa
Gặm nhắm tàn dãy bí
Ta vì đời ganh đua
Khổ nhọc mòn tâm trí
 
Ta biết mi là dế
Cắn đứt chân cà non
Ta vì đời đổ lệ
Nên phong kín nỗi hờn
 
Ta biết mi là giun
Chui dưới lòng đất thẳm
Ta vì đời thiệt hơn
Đêm nằm mơ tóc trắng

Người Tù với vóc dáng mảnh khảnh, yếu gầy, mẫu người không phải sinh ra để cày sâu cuốc bẫm, khai hoang nương rẫy, ruộng đồng để tìm mưu sinh trong chốn khốn cùng; Người Tù bất đắc chí, quăng bút nghiên ở ẩn chốn hoang sơ nên “độc hành kỳ đạo, độc thân kỳ sinh” không nương nhờ cậy ai. Bằng sức người nhỏ nhắn, giữa đêm tối mông lung, giữa ngày hè nắng gắt, không nhụt chí phấn đấu trên vùng đất mới vỡ, Người Tù vẫn không nguôi ngoai ước nguyện cho đời, cho một phố xưa nhiều hương sắc, dẫn khởi cho Người một niềm an nhiên tịnh lạc. Người Tù bỏ lại sau lưng thành phố cũ, bụi mờ khói nhạt, mây bay, lầm lũi nơi xó rừng, bên nương dâu rẫy bắp, nhưng ước vọng một ngày về góp bàn tay xây dựng cơ đồ, quê hương đổ nát. Sự đổ nát cứ âm ỉ, gặm mòn tiêu hao cho đến ngày gục ngã. Đó là viễn ảnh trong mắt Người Tù đã nhận diện sự hư thực của đời qua guồng máy bạo tàn. Ngày về trên đôi chân trần, còn vương bụi đỏ, còn phảng phất hương đồng cỏ nội của miền Soi Đê:

 
“Mười năm sau anh về thăm phố cũ
Màu Trường Sơn pha nắng rực trưa hè
Anh vẫn nhớ những con đường bụi đỏ
Và tình yêu trong ánh mắt rã rời.”
 

Tiếng hát của thi nhân, hay tiếng đàn của người nghệ sỹ là chất liệu sống chảy xuôi theo mười ngón tay lả lướt trên thùng đàn tồn đọng trên khóe môi nồng ấm tự thuở đầu đời, Người Tù đã sống từ thuở ấy. Cái thuở của buổi ban sơ, khi tâm tư con người còn trong trắng, thuần tịnh, như sáng hôm nay, tia nắng chiếu xuyên qua mành, lọt vào khe cửa sổ, soi tỏ từng hạt bụi li ti trong không gian, Người Tù ngồi đăm chiêu bên dương cầm chẳng buồn gõ, vầng trán ấy như vọng về nơi đâu, xa xăm để nhớ lại những lời tiễn biệt, những nụ cười tiếng hát năm xưa. Ấy là một thời đôi tay Người không bị còng, đôi chân Người tự do rảo bước các miền thi ca, âm nhạc, triết lý Đông Tây. Là thuở của Người tự do ca hát, hát bài tình ca tự do: 

“Lời tiễn biệt nói gì sau tiếng hát
Hỏi phương nào cho nguyện ước Trường Sơn
Lời em ca phong kín nhụy hoa hờn
Anh trĩu nặng núi rừng trong đáy mắt
Mờ phố thị những chiều hôm suối tóc
Bóng ai ngồi so phím lụa đàn xưa.” 

Đáp chuyến tàu đêm từ rẫy Soi Đê – Vạn Giả vào lại Viện Nha Trang những khi vắng người, vì ai cũng phải đi làm, Người Tù một bóng một hình ít được biết tới. Khi đi sớm lúc về khuya, Người Tù thoạt hiện thoạt biến như những cơn gió biển khơi thổi ngang qua gác chuông khuya Chùa Hải Đức, đìu hiu, cô quạnh. Khuya nay ai sẽ là người gióng quả Đại Hồng Chung, để tiếng chuông ngân vang trong lời kệ thỉnh: “Nguyện tiếng chuông này siêu pháp giới, các cõi tối tăm thảy đều nghe. Nghe rồi thanh tịnh chứng viên thông, tất cả chúng sanh thành chánh giác.”  Quả Đại Hồng Chung có từ lâu đời, trước khi Người Tù dừng chân đứng lại trên đồi Trại Thủy. Tiếng chuông ngân lên buổi sáng mai lành, lúc mọi người còn đang say giấc ngủ. Nhưng, tiếng chuông đã đánh thức Người qua giấc mộng êm đềm để Người choàng tỉnh cơn mê. Mái gác chuông đã nhuộm màu rêu phong, cột gác chuông xám xì theo năm tháng phế hưng, lớp da bọc dùi dộng chuông đã rách mòn cũ kỹ. Nhưng quả Đại Hồng Chung vẫn lầm lì cổ kính, dửng dưng giữa cuộc phong trần, mặc cho năm tháng phôi pha, ai đến ai đi quả chuông vẫn đứng đấy. 

Nép mình dưới tàng Bồ Đề xanh thắm, chen giữa cánh phượng đỏ trưa hè, quả Đại Hồng Chung như được bao người mến mộ, thỉnh tiếng chuông cho vơi bớt bụi trần. Đó là tâm tình của khách viếng cảnh, thăm Chùa vào những thập niên trước với những khách vãng lai nhộn nhịp. Giờ thì không, chỉ là dấu mòn rêu nhạt, dẫu biết rằng gác chuông trên đồi Trại Thủy được bao quanh bởi xóm làng phố thị đông đúc. Nhưng dù có sao đi nữa, cảnh vật có hoang liêu tiêu sơ, núi đồi có khô cằn sỏi đá, quả Đại Hồng Chung Chùa Hải Đức vẫn thâm nghiêm, kính cẩn, soi mình dưới bóng trăng thanh, u huyền, tao nhã; vẫn sừng sững vững chắc để bảo tồn một chứng tích công phu của Tổ Đức một thời tâm huyết; lưu giữ lời di chúc vô ngôn mà thừa truyền cho hàng hậu duệ. 

Người Tù cũng mang tâm nguyện ấy, muốn truyền đạt sở học của mình cho đàn con cháu, nhưng mấy ai đủ thiện duyên, đủ hiểu biết để tiếp thọ. Người Tù rơi lệ cho chính mình, cho lý tưởng giải thoát giác ngộ, cho một cõi vô cùng trên đỉnh tuyết sơn mà mấy ngàn năm qua vẫn lưu giữ hình hài của Sơ Tổ Ca Diếp nơi đó. Khóc cho quê hương mấy ngàn năm văn hiến, giờ như viên đá bụi đường, vết tích tang thương. Một tấm lòng u uẩn lạnh tanh: 

“Tiếng ai khóc trong đêm trường uất hận
Lời ai ru trào máu lệ bi thương
Hồn ai đó đôi tay gầy sờ soạng
Là hồn tôi tìm dấu cũ quê hương
 
Ai tóc trắng đìu hiu trên đỉnh tuyết
Bước chập chờn heo hút giữa màn sương
Viên đá cuội mấy nghìn năm cô quạnh
Hồn tôi đâu trong dấu tích hoang đường?”
 

Giá có ai đi qua dưới chân tháp sắt của Viện sẽ thấy còn lại những chứng tích tàn phá của thời gian. Nền tháp còn kia, nhưng tháp cao mười hai tầng đã bị ai phá sập. Bên cạnh tháp sắt là Quán Âm Các, bây giờ cũng hóa thân vào cát bụi, như hạnh nguyện độ sinh của Bồ Tát hóa thân vào đời trầm luân. Nơi đây, Người Tù đã bao lần ngồi kể chuyện Thiện Tài Đồng Tử, trong Kinh Hoa Nghiêm đi tham học qua 53 vị Tổ Sư. Một trang Thiện gia Nam tử vì sở cầu, chí nguyện tham vấn mà một thân, một mình đi từ hải đảo này đến đỉnh núi kia. Khi nghe một vị Tổ Sư nào danh tiếng dù ở chân trời góc biển xa xăm, Thiện Tài Đồng Tử đều đi đến đảnh lễ tham học. Đó là chí nguyện của kẻ xuất trần, giàu lòng nhân, xây dựng đời bằng tấm lòng khoan dung, độ lượng, biết thương đời, biết thương người, giải thoát chốn tối tăm. Người Tù cũng bước theo dấu chân ấy, bước đi khắp nẻo quê hương, vì Người Tù là đứa con của quê mẹ, nên Người Tù chẳng rời xa quê mẹ. Sinh ra từ quê mẹ, thì có chết cũng chết trên quê mẹ. Dù quê mẹ nghèo đói, đất mẹ gầy hao thiếu áo cơm, đói rách, nhưng chí nguyện Người Tù vẫn hực lửa để soi sáng quê hương. Người Tù đi tham học các miền, các vị Tổ Đức Tòng Lâm, trang bị cho mình một kiến văn quảng bác. Nhưng khi con phượng hoàng đủ lông đủ cánh thì cất cánh bay cao. Khi rồng thiêng ẩn mình dưới đầm lầy đủ nanh vuốt thì vẫy vùng  nơi bể sâu sóng cả. Do vậy, khi “Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn”, Người Tù mang nỗi đau lớn, nỗi đau của một người sống trong lòng quê hương bị dập vùi theo cát bụi quê hương. Người Tù mất quê hương giữa lòng quê hương, nên Người Tù nguyện ở tù cho quê hương được có trọn một mùa Xuân:

 
“Quê hương ơi, mấy nghìn năm máu lệ
Đôi vai gầy dâng trọn cả mùa Xuân.”
 

Người Tù khóc cho quê hương sao nhiều máu và nước mắt. Suốt một dòng lịch sử mấy ngàn năm quê hương bị xâm lăng, đô hộ, quê hương bị cướp đoạt, tương tàn với biết bao nỗi thống khổ:

“Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông trào máu lệ quê cha.”


Đến hôm nay, Người Tù là chứng nhân của một chặng đường lịch sử. Nhìn dòng sử mệnh quê hương trôi nổi, điêu linh với bao nỗi xót xa, Người Tù giở lại từng trang lịch sử để thấy từ thủa bình minh lập quốc, dòng máu của các chiến sĩ, các anh hùng dân tộc, đã thấm sâu trong từng tấc đất quê hương, trải dài trên giang sơn gấm vóc, mở rộng bờ cõi biên cương, cho cánh đồng lúa ngày thêm mượt mà xanh thẳm. Máu xương của các bậc tiền nhân khổ công dựng nước, xây nước và giữ nước cho đến bây giờ. Sự kiến tạo quê hương, mở mang bờ cõi, giữ gìn quê Cha đất Tổ được thanh bình. Sự hy sinh đó, máu chảy thành sông, xương chất thành núi qua bao thế hệ, bao lớp người ngã xuống, nuôi sống cỏ cây, nuôi sống dòng lịch sử dân tộc hào hùng. 

Lần giở lại lịch sử quê hương, dân tộc, biết bao công đức của các bậc Tổ Đức Tiền Nhân, các anh hùng, chiến sĩ vô danh vùi thây ngoài chiến địa cho sự trường tồn của dân tộc. Không ngồi yên nhìn gót giày quân giặc tàn phá quê cha, nhìn sự ngược đãi bạo tàn của quân xâm lược. Một Trưng Nữ Vương đã phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân thù ra khỏi biên cương, tạo dựng một quê hương độc lập tự chủ, với hiến pháp kỷ cương luật định. Ngồi trên bành voi vì nợ nước thù nhà, để xiển dương dòng máu nữ lưu anh kiệt. Một Triệu Thị Trinh, đã “cưỡi cơn sóng dữ, đạp luồng kình phong, quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, mà không là nữ nhi thường tình.” Một tướng quân Trần Bình Trọng dõng dạc, khẩu khí, kiêu hùng: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm Vương đất Bắc.” Một Trần Khánh Dư ngồi đan sọt mà lo việc nước. Một Đại tướng Trần Hưng Đạo: “Ngày nào đầu tôi còn trên cổ, thì ngày đó xin Vua đừng lo.” Đem chí nguyện của một con dân, hiến dâng cho Tổ quốc, tiếp nối mạch sống giống nòi, lấy da ngựa bọc thây, lấy áo bào làm mồ chôn thân xác đáp đền ơn nước.

Một Lý Thường Kiệt hào hùng, bất khuất, minh định: 

“Nam quốc Sơn hà Nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại Thiên Thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhử đẳng hành khan thủ bại hư.” 

Một Lê Lai liều mình cứu Chúa, một Lê Lợi nếm mật nằm gai, mười năm kháng chiến chống quân Minh trong rừng núi Chí Linh, không sờn lòng nhụt chí. Một Nguyễn Trãi: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần.” Tất cả đã đều đóng góp xương máu vào dòng sử Việt. Một Đại Đế Quang Trung thống nhất sơn hà, để hơn hai mươi vạn quân Thanh vội vã, chen chúc rút lui bỏ thây nơi cầu phao, cũng vì dòng máu quật cường của dân tộc Việt Nam. Người Tù, cũng nổi trôi theo dòng sử mệnh đó.

Người Tù chứng kiến thảm trạng của quê hương hôm nay mà nhớ lại bước đường lịch sử xa xưa của các bậc khai quốc công thần.

“Tiếng trẻ khóc ngân vang lời vĩnh cửu
Từ nguyên sơ sông máu thắm đồng xanh
Tôi là cỏ trôi theo dòng thiên cổ
Nghe lời ru nhớ mãi buổi bình minh.”

Ý thức phận mình trong thân phận quê hương hiện nay, Người Tù đi làm hạt cát. Một hạt cát trong bãi cát nóng muôn trùng. Hạt cát nóng đó lăn vào mắt kẻ quan quyền, bạo chúa, kẻ hưởng thụ trên máu xương của dân tộc, kẻ thống lãnh cai trị một chế độ phi nhân.

“Nữ Vương ngự huy hoàng trong ráng đỏ
Cài sao hôm lấp lánh tóc mai
Bà cúi xuống cho đẹp lòng thần tử
Kìa, khách lạ, người là ai?
 
Tôi sứ giả hư vô
Xin gửi trong đôi mắt Bà
Một hạt cát.”

Trên dòng sử mệnh quê hương, Người Tù đã bềnh bồng trong dòng sông từ khơi nguồn tiến hóa tự thủa man khai. Người Tù bước đi trên tinh thần quê hương dân tộc, làm nghĩa vụ của một con dân. Là cọng cỏ trong đám cỏ. Là chiếc lá trong rừng lá. Là giọt nước trong dòng sông. Là hạt cát trong bãi cát. Là hạt mưa trong cơn mưa làm mát dịu khí trời oi bức, làm tắt lịm cơn nắng sốt trưa hè. Nhưng Người Tù làm mát dịu lòng dân thì lại xốn xang, cay rát mắt người thống trị. Vì sự đau nhức đó, Người Tù phải lãnh bản án tử hình, hay tù khổ sai chung thân qua hai thế kỷ.


Tất cả là bài học của thời gian, xoi mòn và sụp đổ. Người Tù nói với quê hương “mặt trời kia sẽ tắt.” Đó là bài học lịch sử muôn đời, bất biến. Rồi một ngày nào đó những gì của quê hương, hãy trả lại cho quê hương, những gì của giống nòi dân tộc hãy trả lại cho dân tộc giống nòi. Chẳng ai có thẩm quyền cướp đoạt, tẩu tán tài sản của cha ông ngàn đời xây dựng.

 
“Nắng lụa đỏ phủ tường rêu xám bạc
Lá cây xanh nghiêng xuống mắt mơ màng.
Người có biết mặt trời kia sẽ tắt?
Tôi yêu người từ vết rạn thời gian.”


Đó là lẽ tất nhiên được khẳng định qua bài học dấu mòn bên lịch sử. Một chân, Người Tù đi trong lòng quê hương; Một chân, đi trong lòng Đạo pháp, theo vết tích hoằng dương của Chư Lịch Đại Tổ Sư. Một Thiền học, Khương Tăng Hội chống tích trượng dựng Phật nghiệp cùng Mâu Tử, Chi Cương Lương, Lý Miễu, Đạo Cao, Pháp Minh... Khương Tăng Hội là bậc kỳ vĩ, đồng thời với những bước chân của các bậc Thạch Trụ Thiền Gia trong sứ mệnh dựng xây ngôi nhà lịch sử Phật giáo đầu tiên. Công đức và tài năng của Chư Vị Lịch Đại Tổ Sư đã sống trọn vẹn, huy hoàng, thù diệu trong lòng quê hương, Đạo pháp.


“Nội dung giáo dục Phật giáo Việt Nam vào thời Khương Tăng Hội như thế, không phải là một nền giáo dục thuần túy Phật giáo hay tôn giáo, mà là một nền giáo dục tổng hợp toàn diện, có thể nói đại diện cho nền giáo dục Việt Nam thế kỷ thứ ba. Nền giáo dục này không chỉ giới hạn trong chức năng truyền giáo, đào tạo ra những con người Phật giáo, mà trên hết và trước hết là đào tạo ra những trí thức dân tộc toàn diện có tánh bách khoa, am hiểu và lãnh hội được hết tinh hoa dân tộc và nhân loại của thời đại mình, rồi trở lại đóng góp những thành quả của mình cho kho tàng hiểu biết của loài người. Cho nên Khương Tăng Hội không chỉ học ba tạng kinh điển của Phật giáo, không chỉ học sáu kinh của Nho giáo, và chắc chắn là các giáo khác nữa, mà còn học tới thiên văn đồ vỹ, khoa ăn nói và nghệ thuật viết lách. Chính nền giáo dục tổng hợp toàn diện và phóng khoáng này đã đào tạo cho lịch sử dân tộc những thiên tài trong các lãnh vực khác nhau, thậm chí đối lập nhau như nghệ thuật và khoa học, chính trị và âm nhạc, văn và kỹ thuật. Từ Lý Miễu cho đến Lý Công Uẩn, từ Lương Thế Vinh cho đến Ngô Thời Nhiệm, Từ Lê Ích Mộc cho đến Trần Cao Vân, từ Tuệ Tĩnh cho đến Võ Trứ, chứ khoan nói chi với Vạn Hạnh, Chân Lưu, Pháp Thuận, Quảng Đức... Dựa trên học phong thiết thực, nó đã trang bị cho những đối tượng cần đào tạo những kiến thức rộng rãi, phóng khoáng của tất cả các ngành tri thức của nhân loại thời đó, mà không nhất thiết đóng khung vào một chủ thuyết nào nên đã tạo được những vùng trời tự do cho khả năng tư duy, và tư tưởng sáng tạo của từng cá nhân.


Nền giáo dục Phật giáo này không chỉ tồn tại vào thời Khương Tăng Hội, mà còn được tiếp tục kế thừa, tiếp nối cho đến ngày hôm nay và mai sau.


Chính cái cột sống dân tộc ấy đã nâng đỡ cho những người con xa quê khỏi ngã gục trước gánh nặng của trách nhiệm và trước những cám dỗ tha hóa của vật chất. Họ có thể đứng thẳng người lên trông ngắm quê hương gấm vóc và thương nhớ quê hương diệu vợi. Mà quê hương là gì? Là những câu hò của Mẹ, là nét mặt của Cha, là lời dạy của Thầy và là nhiều thứ nữa...


Phật giáo Việt Nam vào thời Khương Tăng Hội đã xây dựng thành công một cơ cấu giáo dục tổng hợp khá hoàn chỉnh và đa dạng, bao gồm toàn bộ tất cả các ngành tri thức có mặt ở thời đó mà không đóng khung vào một giới hạn chật hẹp nào. Người ta không chỉ học ba tạng kinh điển Phật giáo, sáu kinh của Nho giáo, còn phải học tất cả khoa sấm ký, thiên văn, thậm chí cả khoa học ứng đối và đặc biệt truyền thống dân tộc Việt Nam. Nền giáo dục ấy vì vậy có thể nói là đại diện cho nền giáo dục Việt Nam vào thế kỷ thứ II và thứ III, đối kháng lại nền giáo dục nô dịch của Trung Hoa đang tồn tại song song cùng nó. Nhờ thế, qua lịch sử nó đã đào tạo ra những thiên tài đáp ứng được nhu cầu của đất nước và tiếp nối cho đến ngày nay.”


 (Khương Tăng Hội Toàn Tập I - Tu Thư Đại Học Vạn Hạnh 1975 - trang 43. Lê Mạnh Thát)


Người Tù đã bước theo những bước chân đầu tiên của thời đó cho đến hôm nay còn in rõ, dấu vết, hình hài của những người tù Cha - Hòa Thượng Thiện Minh chết trong tù năm 1978, Hòa Thượng Trí Thủ bị chích thuốc độc năm 1984... Hòa Thượng Huyền Quang tù treo lơ lửng mấy mươi năm ròng rã cho đến nay, Hòa Thượng Quảng Độ cấm cố, biệt giam và giam lỏng cho đến bây giờ. Ngang qua những chứng tích hoang tàn, đổ nát, Người Tù chợt mơ giấc mơ kinh dị:

 
“Đêm qua chiêm bao ta thấy máu
Từ sông Ngân đổ xuống cõi người
Bà mẹ xoi tim con thành lỗ
Móc bên trong hạt ngọc sáng ngời.”
 

Bước vào cõi thơ Người Tù, mông lung huyền diệu quá, cả một trời tâm sự được gửi gấm qua những ngôn từ sâu thẳm. Tâm sự đó được ký thác từ thuở còn măng sữa, cưu mang thân phận làm người, đã u hoài một kiếp nhân sinh, nhiều mộng mị. Càng thấy rõ sự mộng mị đó từ thập niên 75 về sau ở miền Nam và 45 ở miền Bắc. Người Tù đã đi lên đỉnh núi nhìn xuống đồng bằng, sự đời trôi qua nhiều nước mắt. Người lầm than, kẻ cơ cực. Kẻ chiến thắng hung hăng, tàn bạo, với guồng máy thống trị hà khắc, coi dân như rơm rác, mặc sức đàn áp đày ải. Xã hội băng hoại, từ đạo đức tâm linh. Một xã hội loạn tưởng suy đồi, vì lãnh đạo chỉ biết nghĩ đến đời sống vật chất cá nhân, đất nước nghèo nàn vì những chủ thuyết ngoại lai.


“... Hoàn cảnh đất nước Việt Nam như thế cho nên dân ta phải chịu quá nhiều đau thương và tủi nhục. Đối với giới trí thức nói riêng, mà xã hội Việt Nam truyền thống rất tôn trọng. Điều tủi nhục lớn nhất là họ không thể nói thay những người dân thấp cổ bé miệng, nói lên một cách trung thực tất cả những uất ức, những khổ nhục mà họ phải chịu. Bởi vì tại Việt Nam ngày nay những người có thể nói thì ngòi bút đã bị cong; những người muốn nói thì ngòi bút đã bị bẻ gẫy.

Nhưng tôi rõ một điều, và điều đó đã được ghi chép trong lịch sử: Trí thức chân chánh của Việt Nam không bao giờ khiếp nhược.”


Đó là một chút lương tri, tự tình quê hương, dân tộc không thể phôi pha trong người con dân nước Việt:

 
“Ơ kìa, nắng đỏ hiên chùa
Trăng non rỏ máu qua mùa mãn tang
Áo Thầy bạc phếch bụi đường
Khói rêu ố nhạt vách tường dựng kinh.”
 

Lời Kinh khuya nơi chánh điện chùa Già Lam trầm hùng thanh thoát. Bài kệ trong Kinh Lăng Già được Ôn Già Lam xướng tụng 108 danh hiệu Đức Phật A Di Đà mỗi thời công phu sáng mà thấy lòng mình bình an tĩnh lạc, rải Tâm Đại Bi đều khắp chúng sanh:

- Thế gian ly sanh diệt
Do như hư không hoa
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng Đại Bi Tâm


Nguyện cầu cho quê hương Việt Nam ngời sáng Tâm Đại Từ Bi.

MĐTTA 12

 Minh Đức Triều Tâm Ảnh: Ý tưởng sáng nay

Ý tưởng sáng nay của tôi
Tan trong mù sương
Và dập dờn nỗi nhớ
Ánh trăng tri âm xưa
Cứ dòm vào khung cửa
Muốn hỏi rằng
Giọt mực có buồn không?  

Thế kỷ đã sang trang
Đã lạnh tím mặt trời đông
Tiếng kinh rớt giữa sông thu
Khuya khoắt tiếng ai chèo
Vỗ hoài đau lòng sóng

Tôi sống giữa hoang vu
Giữa bồng bềnh mây đen và gió xám
Hạt bụi bên này
Con mắt bên kia
Một nửa niềm vui
Nhìn giọt sương
Ngọn cỏ gió lùa
Một nửa nỗi buồn
Nhặt cánh hoa tàn
Đề câu thơ
Thả vào cõi điêu linh rỗng không văn hóa

Số phận muôn loài đỏ đen mặc định
Gõ enter thiện ác lập trình ngay
Ký hiệu nhân gian
Đầu bút ngón tay
Bao định mệnh
Bao chương đời
Thực hư ảo giác 

Ý tưởng sáng nay của tôi
Là hoa hay là rác
Chảy trăm trang
Tim óc đã khô rồi
Nhớ ánh trăng xưa soi mãi mặt người
Sợi tóc bạc
Còn lang thang giữa dặm cầu bất trắc 

Muốn hội thoại với đông tây huyên náo
Sử triết văn mối mọt rỉ dung phàm
Từ, nghĩa rã rời
Sa mạc kiến tri hoang
Tay vỗ núi
Bụi cay rơi lòng suối
Ý tưởng sáng nay của tôi

Muốn bay theo màu nắng mới…
 
 Lời Từ Thuở Ấy
 
Nhớ thuở ấy tôi về miền đất lạ
Có nắng hồng có mây vướng bên chân
Có suối trong có rêu đá thì thầm
Có lau cỏ bâng khâng chiều cuối hạ
Lối đi nhỏ bông trắng hồng tứ quí
Tiếng chim kêu, về núi, mảng sương xanh
Có am mây, trăng ngủ, biết bao tình
Núi chụm lại mở lời chào thiên cổ
Nhớ buổi ấy tôi về miền sóng vỗ
Ghềnh đá cao nghe biển hát bên tai
Tôi ngất ngây như cốc rượu thuở thời trai
Khi gặp lại trái tim hồng nguyên vẹn
Tôi yêu quá cõi sương bồng khói quyện
Nơi có gió lành non nước gần xa
Thương ánh trăng không vướng bụi ta bà
Thương chái bếp nhỏ vẹo xiêu như quê hương ẩn sĩ!
Nhớ buổi ấy tôi ngủ chùa trên núi
Cõi nguyên sơ xanh thẳm một phương trời
Đầu gối đỉnh vô cùng
chân duỗi đạp ngàn khơi
Thở hơi thở trong lành không nhiễm độc
Thơ thẩn, đường chen hoa lũng cốc
Gió như hương suối như mộng trưa hè
Có nương rẫy ân tình sắn, khoai, cam, bưởi, mít, chè!
Những trái hạnh to, thơm, ngon
ngọt ngào xao xuyến!
Thương thương quá đám môn,
rau xanh bên giếng
Ớt bốn mùa đỏ lịm trĩu đầu cây
Ôi! cành vả hồn nhiên quanh cội trái đầy
Những buồng chuối thường to dài quá sải!
Nhớ thuở ấy và tôi còn nhớ mãi
Bài thơ trong tim máu vẫn chảy dạt dào
Phải đến nơi này để hồn với tới chiều cao
Bởi chiều rộng nơi nào tôi cũng chật!
Như độ ấy tôi ở miền đất Phật
Thuở xưa kia Ca Diếp ngó hoa chơi?
Tôi không nghĩ rằng tâm ấn truyền đời
Tôi biết rõ nhưng tôi chưa muốn nói!
Ôi Linh Sơn Linh Sơn diệu vợi
Đường ta đi hoa nở đã lâu rồi
Muốn Niết bàn cũng vọng tưởng mà thôi
Hải Vân nhé! Ta chào ngươi
như chào thiên đường đã mất!
(1987)
 
Từ Độ Nhổ Neo...!
(Kỷ niệm ngày Huyền Không rời Hải Vân
sương khói 17/11 mậu Ngọ 1978)
 
Từ độ nhổ neo miền biển lặng
Ta cũng lênh đênh ngày tháng vui buồn
Đâu hẹn tuổi xanh con trăng vàng ước vọng
Thả đời mình trăm bên nước trôi suôn
Mấy thuở ly hương sầu quán trọ?
Ngửa bàn tay, con mệnh số không rời?
Chuyện sinh tử và cuộc cờ bỏ dở
Ta cũng bơ ngơ thảng thốt nói cười
Như cọng cỏ qua đêm sương ngấn lệ
Khói nhân tình mắt đỏ cay se
Trời đoạ xứ, hư không cài chữ nghiệp
Nên trong ta lủi thủi bóng đi về!
Ta chiếc lá trên sông bồng bềnh cơn mộng trắng
Vỗ giọt nguồn đưa đẩy chiếc bè hương
Ai không hiểu những nỗi đời hư huyễn
Thì nghìn trùng thân thế phải mù phương!
Từ độ vỗ tay ca bài thương hải
Chuyện đời mình chẳng kể ai nghe
Sông nước thong dong thuyền không chẳng lái
Cánh bèo nào nở trái hoang mê?
Từ độ nhổ neo miền biển lặng
Nghĩa ba ngàn sóng chở một vầng trăng
Thương thương quá tình không đổ bến
Cõi cô liêu đã mỏi cánh chim bằng
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

Thầy kính thương!

Mừng khánh nhật Thầy, con nghẹn ngào và khắc khoải biết bao nhiêu vì biết rằng bày tỏ sao cho hết được ân đức của ngày đặc biệt đó. Khánh nhật Thầy, quá đỗi bao la so với câu chuyện của một ngày. Khánh nhật Thầy, mênh mông nỗi niềm của cả một đời đã hẹn.

Khánh nhật Thầy, con hiểu đó là những lạnh giá nhọc nhằn nơi Người để dựng lên dáng núi, con hiểu đó là những trải nghiệm thực chân để làm nên màu mực khói sương với tâm nguyện viết nên những bức thư pháp vô hình.

Khánh nhật Thầy, con hiểu đó là cuộc trò chuyện từ trong vô thỉ. Người ôm bình bát đem vẻ đẹp Cho - Nhận chiếu vàng rạng rỡ giữa đời bể dâu.

Khánh nhật Thầy, con hiểu đó là bóng dáng trường cửu những sớm hôm ngày hè, con hiểu đó là bóng hình Người thân thương dưới đêm trăng mỗi lần đi Phật sự ở xa về, có lời thơ nào chứa đựng được vẻ đẹp của “ngọn đèn” ấm áp giữa non ngàn đó. Vải áo tuy đã sờn cũ, nhưng sắc thái ung dung ấy ngày càng đậm vị hơn. Người đã tô phần cuộc đời một gam màu thanh thoát thâm tình như thế.

Khánh nhật Thầy, con mỉm cười trước vẻ đẹp của vắng bặt ngày tháng, con hiểu trong sự nhỏ bé của thời gian ấy, là sự phủ trùng những khoảnh khắc, sát na bất diệt đáng kính nơi Người. Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, không có một ngày sinh nào trụ ở một mùa nào, nhưng khoảnh khắc lại tất hữu mùa nào cũng dung tròn.

Khánh nhật Thầy, con hiểu đó là những lời tự vấn, thân cận chính mình - bậc đại hiền trí trong cuộc hành trình tử sinh, điều mà những năm tháng qua Thầy đã thực hành để giờ đây chúng con mới đang chập chững bước đi từng bước thật nhỏ. Người - lối đi nào cũng chẳng hề, cuộc tìm về nào rồi cũng là sự chuẩn bị cho một lối ra.

Huế mùa này lạnh thật nhiều.

Người nhẹ nhàng từ phía sau choàng lên cổ con chiếc khăn của Người: "Cho con".

Khánh nhật Thầy, con tạc dạ, mãi mãi khắc ghi một tiếng thiêng liêng: "Thầy!".

Con

Đức Toàn

Tịnh thất Phước Viên Đắk - Lắk

Quảy Gánh Phiêu Bồng
 
Lỡ quảy gánh phiêu bồng một thuở
Thì quê hương là vạn kiếp lưu đày
Hành trang mây chiều tóc rối phương say
Trong tim lớn tam thiên hồ mộng
Ngồi kể cho nhau nghe chuyện đời đã tạnh
Ngoài hiên người những lá xác vi vu
Những mái nhà ai trăng chiếu vô từ
Nhớ kỷ niệm trong khoang đời hèn mọn
Dăm bảy gánh càn khôn, nửa vời thư động
Vệt khói thời gian câu chuyện đèn mờ
Hắt hiu bên mành gió thoảng vu vơ
Từ quá khứ những tri âm đứng dậy
Đã ba đào xưa ai cười sóng dội
Để ngày xuân nay ai đuổi mộng vàng
Đời chúng mình quê quán lang thang
Không ngoảnh lại những phương cầu lận đận
Không thao thức bạc vàng, danh vọng
Không cau mặt đau những chuyện tình cờ
Có ải trạm biên đầu gió hú làm thơ
Có suối ngọc mười phương trăng tụ lại
Chuyện thế gian dù ai mời ai hỏi
Nụ cười bỉ nhân: đá lạnh rêu nhờ!
Một chung trà uống cạn cổ sơ
Một tách rượu mời hư không bằng hữu!
Đốt lửa đồi cao soi mặt mày túy tử
Bên đống than hồng họp hội quần tiên
Kinh và thư trộn lẫn tâm huyền
Tăng và đạo bá vai chàng cuồng sĩ
Gác chân lên nhau nụ cười như nhị
Lũ sơn nhân này thế trí đã quên
Óc não loài người tục tử vô duyên
Gương lồng bóng, sân khấu đời đã vãn!
Anh em ta trăm năm còn hào sảng
Cạn mấy bầu sương khói mênh mông
Lửa tuyết băng phơi phới cháy bên lòng
Mười phương khách ta bà vô ngại
Anh em ta cánh bồng rong ruổi mãi
Hướng vô cùng mà chẳng hướng về đâu
Ngắm bụi mù vó ngựa cuốn theo sau
Thế giới ba ngàn: sát-na tâm ảnh!
Từ vô đích: trăng sao giá lạnh
Từ thiên thu: nhất thiết hiện tiền
Vẫy tay chào lý sự Hoa Nghiêm!
(Hải Vân, 1977)
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)

MDTTA 17

  Pháp đệ 68 xuân thu Hôm nay Kỷ niệm Pháp đệ 68 xuân thu, Đã đi qua 2/3 đời người Như lão ngựa vượt dặm trường gian khó Qua cõi người s...