Tuesday, December 22, 2020

Nguyễn thị Hoàng bình thơ


Nguyễn Thị Hoàng

Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan


1.

Như tiếng rơi từng giọt của vô thinh, và tiếng đồng vọng đáp lại trong vũ trụ thu nhỏ từ đời kiếp nào hồn nhiên, phần trích vô tỉ lệ của một huyền không mặc tịnh.

Như con chim chân tu không bao giờ nếm thịt, như hoa tuyết băng trinh không bao giờ điểm trang, chân thiện và kỳ mỹ thường hằng trong tạng thức, cho đến ngày lộ diện tươi cười, khi tia sáng mặt trời chân thể phản chiếu dịu dàng trong sấm chớp hào quang xúc động từ giao cảm tương ưng.

Mỗi một nhân vật rực rỡ nồng nàn cá tính trong ngoại giới vô tận ấy, chính là một li ti bụi hồng của hàng-triệu-một-tôi-đánh thức. Nên cũng chẳng cần một đồng cảm giữa vật giới và tâm giới, mà chính là nhau, cuộc giao hưởng hoà âm những tuyệt thể, dưới đũa thần nhạc trưởng tình yêu khoáng đại.

Xa nhà từ bao lâu? Đã từ lúc sinh ra nơi Cõi Khổ này, nhưng như vừa mới từ biệt quê nhà xa vời tít tắp trên cao để về đây, để xuống đây, nên mãi hoài xa lạ, trong thân cận. Vì, cái cảm giác lạnh lẽo nhuốm khắp châu thân, đẫm cùng hồn tính từ đấy, chỉ ấm áp yên vui khi bắt gặp thoáng qua chút bóng dáng hư huyễn mà yêu dấu của chân trời cũ. Cho nên ta yêu người vô cùng tận, mà chỉ trong chớp mắt duy nhất trước khi ta và người mất hút trượt qua nhau.

Cái khoảnh khắc vô tận ấy âm vang suốt những kiếp phù du tại thế, nhưng kỳ thực, chẳng có gì, chẳng là gì trong tâm thế hoàn không, vì ta phải sống cùng một-xung-quan quá thấp lùn hạ giới.

Tất cả vội vã, lướt trôi, thoáng qua, bằng tốc độ không khí, bằng thanh âm ánh sáng, vì ta đang rảo bước về nhà. Cái Cõi Gốc tưởng hàng triệu năm mới đến, mà kỳ thực, đang mở cửa, giang tay đón đợi trong chính tự thể chôn vùi, dưới sắc bóng phù hoa khoác mặc.

Trở về, về đến nơi, khi ta nghe tiếng mình gọi mình, kẻ lạ mà người thân bên trong Uẩn Thức thâm u. Gối đầu lên Chân Thể, như trên chiếc lông chim, như trên cánh bông hoa. Nghe mùa trở lại theo giọt mưa đầu tiên gióng giả hồi chuông chùa trên Hải Đăng Biển Lớn. Ai nghe ra tiếng chuông từ Huyền Không ấy thì nghe lắng được, yêu mến được, chan chứa được cùng ta, chút xúc động dẫn khởi để yêu thương đích thực được Con Người trong Bào Thai Vũ Trụ cưu mang nó.

2.

Đừng hòng tìm thấy nơi 
thơ Thái Kim Lan những vần điệu du dương cổ điển, hay những chữ nghĩa gồ ghề của cái gọi là đương đại. Nên, không có gì cho những phê bình, nhận định, khen chê, trong và ngoài thơ. Chỉ là những góp nhặt, hoặc ngược lại, trang trải, những nỗi niềm xúc động hồn nhiên của một thân phận, không chỉ về mình, mà về kể khác, những thể loại và tầng giới khác, khi đi qua chính cuộc đời mình. 


Vì thế, thơ Thái Kim Lan ít mà nhiều. Ít về những gì được góp nhặt để trang trải. Mà nhiều vì mỗi một hình ảnh, âm thanh từ ý tưởng, chất chứa và khêu gợi quá nhiều cảm nhận, về những sự việc, những tính cách, những ký hiệu được tâm giới hoá quanh cõi tạm bình thường này. Ai muốn nhận ra cái nhiều ấy, phải đi xuyên qua Triết và Đạo để đến cùng. Không phải Triết Đạo đóng váng trong tàng thư hay cổ kinh, mà phần chuyển hoá kết tinh, như máu sau thức ăn, với một liều lượng đủ phóng hoá Vẻ Đẹp và Nguồn Yêu khỏi thực thể nó.

Văn chương bác học hay văn chương bình dân chỉ khác nhau về ngôn từ hay phương thức diễn đạt, nhưng vẫn đồng nhất về một diễn cảm, khi, từ một ẩn dụ, một biểu tượng từ ngoại giới khúc xạ hay phản chiếu được nội tâm, vẫn là tín hiệu phát sáng được phương hướng và tính cách nhân vật. Nên, có thể rất thâm sâu trong lời giản dị, mà cũng có thể rất bình thường quen thuộc, từ những nguyên lý, định đề.

Nên, phải xuyên qua phía tươi sáng hồn nhiên để truy nguyên uẩn khúc, hay ném vỡ giọt nước mắt, để cảm nhận được nguồn vui. Cái phức-thể này ẩn náu rải rác trong thơ Thái Kim Lan, đúng hơn là trong hồi ức một cuộc đời cuốn theo dòng nước nhưng luôn luôn tìm kiếm nhìn ngắm lại mình qua những mảnh thời gian rạn vỡ long lanh.

Chưa đi, đã muốn về. Chưa xa, đã thấy nhớ. Đó là tình Huế, của người xa xứ đêm đầu tiên (“Gặp gỡ”).

Nơi dãi phân cách ngôn ngữ giữa hai nền văn hoá Đông và Tây, giữa tĩnh và động của đời và đạo, cô bé trẻ thơ mãi hoài thơ trẻ hồn nhiên, vì khởi nguồn từ Vô Tánh (“Nói với người bạn Đức”).

Mưa, phận người rơi xuống trần gian. Trần trụi, đơn độc, thiếu vắng tình thân, hơi ấm, cảm thông. Trên tất cả là cảm giác thiếu một ấp ôm, vỗ về, che chở, từ một đoàn viên, không đơn giản chỉ là gia đình, người thân, mà với một ai đó chính là mình không bao giờ có dẫu tìm kiếm trăm vòng trái đất, hay đã có rồi mà chưa theo về kịp trong hiện kiếp vẫn phải…chèo queo (“Mưa sáng ở xứ người”).

Nên đếm từng ngày cơn lạnh không cùng tận của đơn độc, cái khấc thời gian li ti trong vô số kiếp một hành trình chuyển hoá.

Cái nhìn màu hồng tím phản chiếu tịch dương trong con mắt cực kỳ hội hoạ, phác thảo từng sợi bong bóng hay lông tơ mượt mà trên áo choàng vũ điệu bay lên nền trời nhuộm thắm ánh trần gian (“Xuân sớm”, “Mùa xuân”). Còn nhìn xuyên qua cái thấy, đối ảnh long lanh của sáng tối mất còn, là vẫn nhận ra chút Không Thể thơ ngây mông lung trong giới hạn chập chùng này. Mãi mãi xanh non, mãi mãi trẻ thơ, bất chấp biến hiện quen mòn của Sáng Tối.

Có em bé mồ côi quê hương, ngồi đâu đó bên bờ đời lưu lạc, nhìn ra Cõi Vắng Con Người, nhìn trái đất quay, thách đố thời gian bằng tri cảm cội nguồn xuân xanh mình bất tận.

Mùa xuân đâu chỉ trong bốn mùa lập lại trần gian. Mà cuộc sinh khởi bàng hoàng, chấn động vang rền vẫn chỉ trong sấm chớp vô thinh, sau chuyển nghiệp. (Khi chạm phải chữ này trên bản thảo thơ đọc lướt, đã muốn nói Kim Lan đổi chuyển nghiệp thành chuyển kiếp. Bởi theo chứng nghiệm, nghiệp không thể chuyển, mà ra khỏi nó, phóng thích khỏi nó bằng tiêu diệt được nguồn cơn nghiệp khởi.) Nó không ngoài ta. Nó không trong ta. Nó chính là ta. Nên tất cả tràn ngập trong mỗi một, đã trở thành thiền tịnh, mà cũng chính là vũ điệu.

Vũ điệu vô tướng nơi đôi chân. Sóng gió hồn nhiên bên bờ tóc. Cái ta dòn dã tươi cười lao phóng về phía trước, trên những con đường cao tốc hồi sinh.

Thế nhưng thức tỉnh nào cũng còn vương âm ba của mộng, thế giới hư thực hoà hợp thu nhỏ vào tín hiệu, biểu tượng tĩnh-động-sinh-thể là cuộc giao thoa dịu dàng giữa tâm và cảnh giải thoát (“Buổi sáng bên hồ”). Từ đó, cái nhìn khúc xạ trong thiên nhiên vẻ đẹp thuần khiết, an tịnh, nét quyến rũ thiêng liêng thầm lặng của sự sống tắm đẫm hào quang từ sắc bóng chuyển hoá. Đức Phật, con chim, nụ cười, vạn giới hoá sinh làm một trở về Nguồn Cội.

Nhưng khi mưa về, mùa ấm, cõi người ta, những góc tranh não nùng thao thức ngoài đời cũng còn làm ta xao xuyến, chạnh lòng (“Hạ mùa”), nỗi chạnh lòng của người tình-nữ lẽ loi. Đôi khi buông thả xúc động tự tìm kiếm trong đối cảnh vẻ đẹp rưng rưng, như ánh cười trong mắt, nhận ra mình chỉ còn mình (“Mùa hè”).

Tần ngần nuối tiếc vẻ đẹp héo tàn nơi thực thể, nhưng niềm yêu như cơn mưa trở về, đẫm ướt, thấm đượm hồn không, mãi mãi.

Một khúc phim nào xưa, Gregory Peck thả trái bóng lăn trên đường, khi quyết định vượt dãy Pyrenée về nhà thăm mẹ. Khúc phim này của Thái Kim Lan, thả ngọn lá đỏ bay trở lại bầu trời xanh, cảm hiểu được, cũng đủ cùng nhau qua bên kia bờ, mỗi một và nhiều hơn (“Tiết thu”).

Dẫu mỗi một hay muôn ngàn ca vịnh, cũng chỉ là bay biến với đời cho đủ món (“Ca vịnh”). Quanh co, rồi cũng đến lúc phải chấn động vì cuộc phục sinh tuyệt vời kỳ ảo, trong vóc dáng và tính tướng người-đẹp-đàn-bà, đúng hơn là femme-enfant (“Tuyết đầu tiên”). Có lẽ, tình yêu gõ cửa bên ngoài, đâu đó, hay trong góc tối riêng tư chưa khám phá.

Trên tất cả qua thơ Thái Kim Lan là âm hưởng mênh mang, vời vợi của một lòng yêu chứa chan với thân phận người (“Người ta tìm thấy em bị giết”), với bạn bè thế giới (“Việt tình”), với bà con (“Viết cho những người bà con di tản”), với một người đàn ông (“Thư không bao giờ gửi”), với mẹ (“Tóc sâu của mẹ”), với chị (“Tưởng nhớ chị”), ngộ nghĩnh cho con (“Cho bé Tường Nhi”), với cả gáo nước mưa trong khi trở về nhà sau năm tháng tha phương. Lòng yêu ấy không tan nguôi, nhập cùng khí thể, nên chiêu niệm hay lặng câm, vẫn êm đềm theo hơi thở khổ vui.

Nhưng tình yêu lại không giống như lòng yêu ấy. Nó chớp sáng bất ngờ trong khoảng tối, trong rỗng không, trong chán chường mệt mỏi, trong chao đảo cuồng điên mọi gánh nặng miệt mài cuộc sống vây quanh. Cái chớp sáng biến trở thành sức hút, đủ nhận ra nhau, đủ nhận lấy nhau, và thế là…hoả diệm sơn phun lửa. Không chỉ là một đoạn phim, mà một thiên sử, đủ dệt nên chăn nệm ấp ám một đời yêu. Sau hoả diệm sơn vẫn chỉ là phun xuất thạch. Rồi tro than. Điều còn lại, là niềm hoang vu tịch mịch không cùng tận mỗi lần không phải nhớ lại, mà nhìn thấy toàn thể màn ảnh thầm lặng ấy thoáng hiện trong không. Chẳng có gì mất. Chỉ là đã có, mà không còn. Ta không còn Em. Bởi vì, ta cũng chẳng còn Ta. Không còn Em lúc ấy và không còn Ta lúc ấy. Chỉ vậy thôi (“Thiền luận về một câu chuyện tình”).


3.

Thôi không nói chuyển nghiệp hay chuyển kiếp. Mà chỉ là chuyển. Chuyển thể (như chuyển thể tiểu thuyết thành kịch bản phim, ở cái thời điện ảnh tung hoành này). Chuyển một Etre thành Néant, trong nghĩa hiện hữu trong hư vô hay trong hư vô có hiện hữu. Chỉ là một cách nói, hoặc nói đùa. Đúng điều muốn nói là chuyển tình qua Đạo. Đạo không hư vô. Đạo không hiện hữu. Mà Đạo trong hiện hữu, không cùng tận trong mỗi giới hạn, như vũ trụ cưu mang nuôi dưỡng lấy con người.

Cuộc đời cứ trôi, người cứ theo dòng, mọi thứ tưởng như còn chồng chất ngỗn ngang trong cõi sống xung quanh. Nhưng không còn níu giữ được, không còn tác hại được, không còn ràng buộc được, bởi vì ta ra khỏi, đúng hơn là lên khỏi, những vòi độc của thuồng luồng dưới những triền sông.

Chỉ một chuyển niệm, một xoay mình, ngồi xuống xếp chân, khoan hoà hít, thở. Thế giới cũ tiêu tan, thế giới mới sáng ngời rộng mở. Một ngụm trà xanh, để tuần hoàn điệu sống luân lưu, để bình an cõi bờ tâm thể. Uống, ngoài đời, vì khát. Uống, trong thiền, vì hết khát. Hết luôn cả cái khát nhức nhối cuồng điên nhất là khát Ái năm xưa (“Trở về với thiền”).

Với Thái Kim Lan, ở cây số đường đời này, ngồi xuống chỉ để đứng lên, để còn quay mòng mòng nhịp điệu trần gian.

Bà Ackermann cho là tác giả, căng thẳng giữa hai đầu thế giới, trong lời dẫn tập thơ Lạnh Hơn Xứ Mình
 của Thái Kim Lan. Có lẽ không một ai hơn bà ấy về việc xuyên qua (Triết, còn Đạo?) để đến với một trường hợp độc đáo.

Nhưng, như trong một góc vườn rừng nào đó, người đang viết có chút cảm nhận khác về Thái Kim Lan. Không hẳn luôn luôn tác giả Lạnh hơn xứ mình bị căng thẳng giữa hai áp lực, níu kéo hay gọi mời, mà căng thẳng vì chính tự do chọn lựa của mình. Cái căng thẳng này thường trực đôi khi, vì những chèn ép, xô đẩy gay gắt của bờ bên này làm cho ý thức sáng tĩnh quyết liệt dứt lìa để qua bờ bên kia, nhưng bên kia lại từ chối những điều kiện khoác mặc ngoại thân một hoá trang bóng ảnh vì đời. Từ đó chọn lựa ở lại bên này phố thị phồn hoa hay đoạn diệt tất cả để về bên kia bờ chỉ còn vắng lặng vườn rừng vắng hoe lạnh ngắt. Đó mới là nơi Lạnh hơn xứ mình. Nên không thể, chưa thể.

Mỗi cuộc phóng vút chỉ là vòng chao lượn thể nghiệm để lại trở về với Ta trước, cộng sinh Ta sau lồng lộng mây trời. Từ ấy, không gian sáng ngời rạng rỡ, thời gian không lập lại, mà mỗi ngày một mới, mời mọc ân cần. Nên không đoạn mà chuyển. Chẳng phải chuyển bây giờ, mà từ ngàn muôn năm trước. Chuyển mà cóc cần lay bởi thể tính đã là không khí.

Đường đi xa nhất của kẻ hành hương là lối về ngôi chùa tịch mịch bên trong mình. Quét hết lá vàng khô, lau chùi hết bụi bặm, gõ tiếng chuông phóng sinh cái Ta lận đận nghìn muôn năm cũ bên bờ này, bay về bờ bên kia chỉ với một chớp mắt bàng hoàng nhận ra bóng ảnh mình đậm nét trong không.

Thái Kim Lan đã có khi căng thẳng giữa đôi bờ, đã có khi níu giữ bên này, rồi chao lượn bên kia.

Nghiệp cứ chuyển, mà kiếp thì chưa, nên không phân vân gì nữa bên kia hay bên này bờ.

Hãy là cầu nối giữa Này và Kia, giữa Chưa Qua và Đến Bờ. Để không còn lạnh, cũng chẳng còn lạnh hơn. Vì, cứ xúc động chứa chan. Cứ tri cảm tuôn tràn. Nhưng không gì xúc nhiễm được vòm cao lồng lộng giữa hai bờ, đã bên trên, cách xa dòng nước chảy.

12.2007


Nhận định về văn chương của các nhà văn Việt Nam
---
1. Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người.
(Nguyễn Văn Siêu).
2. Văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật.
(Nguyễn Tuân).
3. Nhà văn phải là người đi tìm gắng đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người.
(Nguyễn Minh Châu)
4. Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.
(Nguyễn Minh Châu)
5. Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.
(Thạch Lam).
6. Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức.
(Thạch Lam)
7. Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ.
(Thạch Lam)
8. Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết.Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời.
(Vũ Trọng Phụng)
9. Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn.
(Nam Cao)
10. Cái nghề văn, kỵ nhất cái lối thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào"
( Nam Cao)
11. Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện…. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có.
(Nam Cao)
12. Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các bậc tình cảm, chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói,tình cảm của người viết là khâu đầu tiên cũng là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng tác phẩm lớn.
(Nguyễn Khải)

13. Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo, không nên ăn bám vào người khác. Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay…Cũng cùng một vốn ngôn ngữ ấy nhưng sử dụng có sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước. Có vốn mà không biết sử dụng chỉ như nhà giàu giữ của. Dùng chữ như đánh cờ tướng, chữ nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó. Văn phải linh hoạt. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ thấp khớp…
(Nguyễn Tuân)

Nhất Thanh bình thơ

 

Hơn một ngàn năm trước, thi sĩ Trần Tử Ngang có lần lên chơi trên đài Ô Châu, nghĩ đến cái man mác vô cùng của thời gian, tự dưng để cho hai hàng lệ lăn dài xuống má:

"Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi lệ hạ".
Tạm dịch:
(Bao người kim cổ nay đâu
Ngàn xưa cho đến ngàn sau bẽ bàng
Mênh mang trời đất mênh mang
Một mình bất chợt hai hàng lệ sa).

Hơn một ngàn năm sau, nhà thơ Huy Cận, cũng một lần một mình rong chơi vào cõi mênh mang vô tận của thời gian, bất giác rùng mình khi nhác thấy con người nhỏ bé quá giữa vũ trụ đại ngàn, giữa không thời gian vô tận. Thi sĩ viết:

"Một mảnh linh hồn nhỏ
Mênh mang thiên cổ sầu".

Một mảnh hồn Đường, một mảnh hồn Việt, cũng như muôn vạn tâm hồn phù du cõi mộng sẽ phải bật khóc khi cảm thấy buốt lạnh tồn sinh một chút thân bèo bọt, sẽ phải rờn lạnh kiếp người giữa cùng thẳm hư vô. Ta hoa đốm giữa thái hư ngát lạnh. Ta bọt bèo trên đại dương chơi vơi. Ta làm gì? Ta là gì? Tuệ Trung Thượng Sĩ đã có lần viết:

"Trường không túng sử song phi cốc
Cự hải hà phân nhất biển âu".

Trường không giả sử đôi vành chuyển, thì xá gì một điểm trắng giữa trùng khơi bát ngát. Ta ở đâu? Ta có hay không? Nhìn phía trước chẳng thấy người xưa, nhìn phía sau thì chưa ai đến. Có phải người trước là ta bây giờ? Hay là cha ta, mẹ ta, anh em, bầu bạn của ta? Ai giải đáp được câu hỏi này? Có ai không? Có ai không?

"Cổ nhân bất kiến kim thời nguyệt
Kim nguyệt tằng kinh chiếu cổ nhân".

Người xưa không thấy được mặt trăng ngày nay, nhưng trăng ngày nay đã từng chiếu đến người xưa đấy. Ta hụp lặn trong vòng sanh tử luân hồi, bao nhiêu kiếp số rồi? Hằng hà sa số ư? Ổ! Ít quá!

Đức Phật dạy: "Không có một tất đất nào trên thế gian này mà không có thân ta đã từng bỏ mạng ở đó. Không có một người nào, một loài vật nào ta gặp trên thế gian này mà chưa từng là cha mẹ, anh em, vợ chồng, bầu bạn của ta".

Mất cha mẹ, ta khóc; mất người yêu, ta khóc... "Nước mắt của chúng sanh nhiều hơn nước bốn biển". Nhưng ta chỉ biết khóc trước nỗi mất mát hiện tại, nước mắt của ta là nước mắt của thất tình lục dục. Còn Đức Phật – người đã chứng được Lậu tận minh, Ngài thấy hết nghiệp thức của chúng sanh trong suốt quá khứ, hiện tại, vị lai rõ ràng như thấy kẻ chỉ ở bàn tay. Thế thì trước đống xương khô lâu đời, Ngài trực nhận ra tất cả cha mẹ, anh em, vợ chồng, bầu bạn, lục thân quyến thuộc và chính thân xác của mình bao lần để lại trên đống xương này, rõ ràng như chỉ mới hôm qua. Nói như cách nói của Vũ Hoàng Chương: "Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương", làm sao không cảm động? Thương nghĩ về sự luân hồi sanh tử của tất cả muôn loài, tìm phương hóa độ, đó mới là Đại hiếu.

Đọc một câu kinh, nếu biết tư duy thì một chữ trong kinh Phật cũng hàm chứa tất cả ba ngàn đại thiên thế giới. Trần Tử Ngang rơi lệ khi nhác thấy cái vô tận của thời gian, nhưng thời gian của nhà thơ nghĩ đến vẫn là hữu hạn, cái hạn định ở điểm cuối cùng của dòng tâm thức. Còn cái thấy của Phật thì vượt ra khỏi tình thức, tuyệt đối đãi, siêu nhị biên. Giọt lệ ấy mới là giọt lệ của bậc đại trí, giọt lệ chứa đựng tất cả lòng chân từ bình đẳng, kết quả của sự quán tưởng triệt để chân tướng của các pháp. VU LAN BỔN KINH TÂN SỚ của ngài Trí Húc đời Minh trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (trang 573, quyển 16 ) có đoạn viết: "Từ hiếu có ba thứ:, một là Sanh duyên từ, hai là Pháp duyên từ, ba là Vô duyên từ".

Sanh duyên từ tức là nghĩ đến tất cả chúng sanh như là cha mẹ, ta đời đời không có kiếp nào là không thọ sanh từ cha mẹ. Khi quán tưởng như thế, tất cả kẻ oán người thân đều bình đẳnh, lấy đó để điều phục sự sân hận, san tham và tật đố, cho đến chứng đắc Từ Tâm Tam-muội. Phàm người nào có duyên với ta, ta đều đem niềm vui đến cho họ, vớt cái khổ não của họ. Cha mẹ đối với ta thâm ân trời biển nên ta phải báo đáp trước.

Pháp duyên từ tức quán tưởng tất cả các pháp đều là duyên sanh, cho nên Kinh Phạm Võng nói tất cả đất, nước đều là thân ta, tất cả gió, lửa đều là thân ta. Tất cả chúng sanh đều do Tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành, cho nên không có sự khác nhau giữa ta và người, không có sự khác nhau giữa thọ mạng và kiếp số. Tứ đại đã không hai, cho nên từ tâm duyên đến tất cả cũng bất nhị. Khi quán tưởng như thế thì chứng đắc được Từ Tâm Tam-muội, năng lực cứu khổ còn thù thắng hơn Sanh duyên từ nhiều lần nữa.

Vô duyên từ tức là biết rõ Tâm, Phật và Chúng sanh, cả ba chẳng có gì sai khác. Cả pháp giới là nhất tướng, chân thật bình đẳng, không trụ ở tướng của các pháp và tướng của chúng sanh, quán Bồ-đề tức là phiền não, Niết-bàn tức là sanh tử, khởi thệ nguyện vô tác, cứu bạt hết cái gốc của khổ. Quán phiền não tức Bồ-đề, sanh tử tức Niết-bàn, khởi thệ nguyện vô tác, ban cho tất cả niềm an lạc. Từ ở đây chính là Bi, Bi ở đây chính là Từ, thuận theo tính chất của pháp tánh mà tu tất cả pháp... Đó chính là Đại Từ Đại Bi.

Giọt lệ của Phật chính là giọt lệ Đại Từ Bi.

Mùa Vu Lan lại đến trong lòng mỗi người con Phật. Ta đọc tụng kinh điển Đại thừa, ta có đủ sức tin những điều Phật dạy không? Nếu tin được lời Phật thì ta không bao giờ rắp tâm làm hại một ai cả. Ngay cả Nho giáo còn dạy: "Vô cố nhi thương nhất côn trùng, phi hiếu dã; Vô cố nhi tổn nhất thảo mộc, phi hiếu dã" (Vô cớ mà làm thương tổn một loài sâu kiến thì không phải là người có hiếu; vô cớ mà làm tổn hại đến một loài cây cỏ cũng không phải là người có hiếu). Huống hồ mưu hại một ai. Nếu hiểu và tin lời Phật dạy thì tự nhiên mọi người sẽ yêu thương nhau, thế gian này sẽ bình yên và hạnh phúc biết mấy.

Dòng sông Ái vẫn chảy trôi mãi hoài không dứt, ta lang thang, vất vưởng nẻo luân hồi bao kiếp số. Ta yêu, ta ghét, ta hận thù, ta chém giết... Tất cả bởi vô minh, tất cả do mê mờ không biết. Duyên khởi trùng trùng đã may mắn cho chúng ta một lần được ngồi đọc tụng kinh Phật, nghiền ngẫm một câu kinh là chiêm nghiệm một chân lý, là thắp sáng hiện hữu nhiệm mầu lung linh qua một giọt lệ của Đấng Đại Từ Bi. Xin đảnh lễ A-nan Tôn giả cho con lời kinh vàng ngọc, xin đảnh lễ Mục Liên Tôn giả cho con niềm tin hiếu hạnh, xin đảnh lễ nụ cười, giọt lệ, hạnh phúc và khổ đau, cho con một lần biết yêu thương thắm thiết trần gian điên dại này.

Thursday, December 10, 2020

Toại Khanh 2

 
Bi chừ ấy ở mô
Từng bữa ngang qua mấy chuyến tàu
Chở những nỗi đời đến tận đâu.
Tàu rồi về bến, người rớt lại
Lại những sân ga, lại ngóng tàu!
Những mảnh đời trôi từ tứ xứ
Một ngày gặp gỡ ở sân ga.
Ở một trạm nào tôi ghé lại
Người tiếp tục về những bến xa.
Kẻ đến, người đi không hò hẹn
Như lục bình qua những bến sông.
Bỗng nhớ người xưa mà thấy thẹn
Quên về … có phải phụ nhau không?
Tôi từ đất lạ về đất lạ
Làm hạt bụi đời những sân ga.
Một chiều quán khách lần tay đếm
Chuyện chục năm rồi … hệt bữa qua!
Ngày tháng vô tình chẳng đợi ai
Xin chớ vô tâm kẻo một ngày
Đất khách khuya nào nằm mất ngủ
Bóng tối tay buồn dụi mắt cay …
 
Ta chở em qua bờ giải thoát
Em gạt ta sang bến luân hồi
Trên sông hai đứa cùng cười
Thì ra em cũng một người độ sinh!

 

Thơ Hải Thệ

Hải Thệ là bút danh của một nhà sư hay là một lời thề của biển?

Không biết nữa. Chỉ tác giả của những bài thơ này mới có thể trả lời, bởi vì, ta còn bắt gặp đâu đó trên cõi ảo một vài bút danh khác của cùng tác giả, tác giả có khi tự xưng mình là cuồng tăng, là du sĩ, những bài thơ dưới đây nằm trong tập Hải Thệ nên mạo muội gọi nó là thơ Hải Thệ, nói là của tác giả Hải Thệ cũng được, nói là thơ trong tập Hải Thệ cũng được, vì vỏn vẹn ba chữ Thơ Hải Thệ tự nó nói lên nhiều ý nghĩa, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu - Là ẩn dụ, là danh xưng, là một ý nghĩa nào đó...hải thệ sơn minh, thề non hẹn biển ...non cao biển thẳm, thiên địa man man...đời người chẳng qua một thoáng nhạn không thủy để, nỡ lòng nào ta tự bắt ta phải quyết liệt thủy chung với một kiến giải nào, gặp thơ hay thì ta cứ đọc, hứng thú thì nguệch ngoạc đôi câu mà chơi cho vui vậy đó thôi...

Một Lần Đi Xa
Ta vẫn mười năm đợi một người
Thì ra duyên kiếp chỉ trò chơi
Quen, thân, thương, hận, xa rồi nhớ
Phút cuối ngỡ ngàng áng mây trôi
Ta bỏ lên đường một buổi mưa
Biết ngày trở lại hết buồn chưa
Mang theo chút lạnh từ viễn phố
Như tí quà cho một dáng xưa
Em còn có nhớ người du sĩ
Đã một lần quên mộng gió sương
Từng đêm thức trắng làm thơ vụn
Đễ thấy em về trong cõi sương
Tay cầm tâm pháp Vô Sở Trụ
Lòng vẫn nặng lòng với Vô minh
Giờ mất nhau rồi ngồi nhớ lại
E ngại đèn khuya, sợ bóng mình
Vẫn những bài thơ không chỗ gởi
Ta ngồi đắp cát bãi hoàng hôn
Ngước mắt lên vầng trăng diệu vợi
Bỗng nhớ vô cùng một dấu chân.
 
Mùa Xuân Lạnh
Trách chi xuân vẫn lạnh lùng
Tết mình đến giữa mùa đông xứ người
Cũng may, còn có nụ cười
Ta ngồi an lạc giữa đời mù sương
 
Nào Phải
Ta bỏ đi, mà chưa từng bỏ cuộc
Về Tây Thiên đâu chỉ một lối mòn
Quên phố xá, ta lên ngàn hái thuốc
Gióng chuông chiều trên đỉnh đá chon von
Hỏi mượn nhau một chút tình rêu cỏ
Về làm thơ tiêu sái những đêm khuya
Và đâu đấy những buồn vui nho nhỏ
Đã hóa thân từng chiếc lá chia lìa
Mai ta đi, với chốn về mù mịt
Nẻo tà dương, đời mạt pháp lâu rồi
Nhớ người xưa, ta về ngồi diện bích
Trăng trên đầu...theo tuế nguyệt đầy vơi
 
Ngày Trở Lại
Mười năm sau giữa tịch liêu
Vết người là một mái lều vắng không
Ta đi muôn dặm phiêu bồng
Buổi về am cũ chỉ trông thấy mình
Em xa xôi mấy tràng đình
Phương trời hò hẹn giờ mênh mông trời
 
Nhớ Bùi Giáng
Nến khuya ngồi đọc thơ ông
Đang thê thiết, bỗng nghe lòng thênh thang
Nghe ra trời đất mênh mang
Nghe ta một cõi lá vàng mù khơi
Nghe trần gian một cuộc chơi
Nghe em chiếc lá bên đời một khuya...
 
Quasimodo
Cũng cứ một lần không dám nói
Con nước thời gian mấy ngã trôi
Mười năm gặp lại, tình đã cỗi
Mới hay gì cũng một mùa thôi!
 
Qua Sông
Mười năm nữa Ta giã từ phố xá
Về rừng xưa Làm ẩn sỹ vô ngôn
Bao thân quen rồi cũng thành xa lạ
Chuyện nửa đời Một nhát cuốc vùi chôn
 
Quỷ Cũng Xin Bùa
Thấy sư quét lá sau chùa
Nhỏ xin chiếc lá làm bùa hộ thân
Sư rằng lá rụng đầy sân
Muốn nhiêu cũng được đâu cần phải xin
Nhỏ cười một nụ tinh ranh
Ðây cần chi lá, xin tình đấy thôi
Sư cười: sao phải chọn tôi
Ngoài kia kẻ muốn luân hồi thiếu chi
Tôi giờ nương bóng Ðại bi
Trái tim hoá đá còn gì để cho
Vi vu gió quyện mặt hồ
Đâu đây có tiếng nam mô thật buồn
Nhỏ về trong nắng hoàng hôn
Sư nghe tiếng lá vỡ giòn trong tim
Đời tu là cuộc trốn tìm
Người tu cũng có nửa tim luân hồi
 
Sân chùa lá vẫn cứ rơi
Vô tri đâu biết có người bâng khuâng
Ngó lên toà Phật khói dâng
Sư buồn mình lại một lần tình si
Đời giờ bình bát, lá y
Mốt mai về núi thêm chi nợ đời
Sư thầm niệm Phật trên môi
Đài cao Phật tượng mỉm cười vô ngôn
 
Rồi Như Chiếc Lá
Viễn phương lắm bữa quên cười
Mưa xiên nắng xế hỏi người buồn không
Rồi như chiếc lá trên sông
Ta trôi biền biệt, đời không chỗ về
 
Sơn Miên
Triền non Phiến đá xanh rêu
Thiền sư nằm ngủ Bóng chiều sau lưng
Đáng gì thế sự phế hưng
Ô hay! Đáy nước mấy từng phù vân
 
Ta Về Với Ta
Ta ngồi ngó núi không phải núi
Núi của phố rồi, xa lạ nhau
Ta lại lên đường không tên tuổi
Bè cỏ bên đời ngó biển dâu
 
Thiền Quán
Ðêm tịch mặc ta làm con ếch nhỏ
Ngó bóng mình vời vợi ánh trăng khuya
Nghe sinh tử đi qua từng hơi thở
Một lần đi sẽ mãi mãi không về
Ao nước nhỏ chở hết niềm biển lớn
Ta ngồi nghe cuộn chảy những ba đào
Những chân trời màu thiên thanh vô tận
Mắt Phật hiền giữa lồng lộng trăng sao
Chợt xa khuất những phố đời huyên náo
Ta buông tay niềm nhân ngã sau lưng
Dốc đồi hẹn, em về sương ướt áo
Xa lạ rồi…những tri kỷ cố nhân
 
Thì thôi
Thì thôi, thôi nhé, thì thôi
Sòng đời bạt mạng nên tôi cứ buồn
Thì thôi tình cứ khói sương
Thì thôi em cứ vô thường phụ tôi
Thì thôi tình cứ như vôi
Thì thôi tôi cũng thấy tôi một chiều
Thì thôi thế cũng đã nhiều
Mất nhau để được cái điều thiền sư
Đời tu hăm mấy năm dư
Một lần tim nát, bất ngờ qua sông!
 
Thơ Đề Tranh
Mây về đâu, nước về đâu
Người vung tay áo qua cầu phù sinh
Bạc đầu hai chữ nhục vinh
Bên sông tỉnh giấc, ra mình chiêm bao
 
Thơ Đề Tranh
Thương ai múc nước trên nguồn
Vớt trăng Vớt cả nỗi buồn tử sinh
 
Thương Phật
Một chiều vắng, ngồi ôm chân Phật tượng
Thương quá chừng, ôi! Bóng dáng Từ Tôn
Con bé nhỏ bên tình Ngài vô lượng
Lá me nằm giữa cõi nắng hoàng hôn
 
Tình Khúc Tháng Mười
Sơ ngộ cũng buồn như chia tay
Ðược ở bờ kia, mất bến này
Mai mốt theo nhau về lòng đất
Mộng mị ngày xưa theo khói bay
Ở nghĩa trang nào không hẹn trước
Mỗi đứa nằm riêng một nấm mồ
Chung thủy, phụ tình giờ vô nghĩa
Còn gì toan tính giữa hư vô
Kẻ ở khóc đưa người đi trước
Chẳng biết ngày sau ai khóc mình
Mây trắng đùn nhau thành nhân thế
Ta vì sao lạc giữa mông mênh
Biết không, bát ngát trùng dương đó
Là lệ ngàn xưa người khóc người
Kỷ vật cho nhau đừng châu ngọc
Xin hỏi gì hơn một nụ cười
Từ thuở hồng hoang người phụ người
Cũng là tôi phụ bạc riêng tôi
Vó ngựa mỏi mòn cơn lốc xoáy
Buổi nào xương trắng trắng như vôi
Tóc em rồi bạc theo ngày tháng
Ta cũng mòn hao những tuổi đời
Ai đem trăng giải lên giòng nước
Khói sương gì cũng một lần thôi
Sinh tử chẳng bao giờ hò hẹn
Mai mốt biệt nhau mỗi phương trời
Chớp mắt, mù sương thành miên viễn
Một tối giao tình với xa khơi.
 
Tọa Thiền
Chân xếp kiết già, nghe hơi thở
Buồn vui từ đó cũng mù sương
Em về trong một làn khói mỏng
Ta ngó bình yên, quán vô thường
 
Trăm Tuổi
Rồi mai xác gửi lại đời
Những chiều mộ lạnh, ai người nhớ thăm
Đôi ngày hay mấy mươi năm
Người rồi như lá...âm thầm một khuya
 
Trăng Vô Ngã
Chờ trăng Trăng chẳng về cho
Sương khuya không hẹn Bất ngờ ướt vai
Trường Ca Kẻ Lên Nguồn
Rồi thì ta ném bút
Thôi làm thơ, vẽ tranh
Chuyện lòng quăng xuống vực
Nẻo về ngập trăng thanh
Lên non ngồi tập thở
Cười lên chuyện tử sinh
Sá gì tam thế mộng
Chi rồi cũng mong manh
Khuya ngồi thở vào ra
Bình yên thế kiết già
Buồn vui vo tròn lại
Vào giữa đóa liên hoa
Nhẹ nhàng thân giả tướng
Từng hơi thở luân hồi
Mai lìa thân huyễn tượng
Một lần hoa héo thôi
Trả hình hài về đất
Chờ giả hợp ngày sau
Huyễn thân dù tan nát
Xin lòng phàm không đau
Dặm trần không cố lý
Đời lẫn lộn vàng thau
Đã một lần tri kỷ
Xin trầm luân có nhau
Gỡ bàn chân thật nhẹ
Những vướng bận luân hồi
Từng bước chân thật khẽ
Đài hoa theo nước trôi
Ơ hay! Hương trầm thoảng
Từ phương nào xa xôi
Chợt nghe mình tan loãng
Không người, không cả tôi
(lời viết cho một nhạc khúc)
 
Trường Tương Tư
Mưa đời làm ướt áo tu
Sa môn không nón, không dù nhỏ ơi
Đêm về ngồi trãi áo phơi
Còn nghe đâu đó cuối trời mưa khuya
Gọi nhau, em vẫn chưa về
Mênh mông bóng tối bên hè dế ru
Mòn tay xâu chuỗi thiền sư
Chỉ còn mấy hạt kể từ một đêm
Tờ kinh cũng bớt thân quen
Kể từ cái buổi gặp em trong đời
Hết rồi, giờ chỉ còn tôi
Với câu Yết Ðế…ngậm ngùi những khuya
Mặc ai đi, với ai về
Tôi đem lá kết làm bè qua sông
Mốt mai có dịp tương phùng
Tặng nhau bè lá đã dùng quên nhau
 
Unnamed
Mòn tay mài mực làm thơ
Mấy năm chửa được một tờ tâm kinh
Một đêm bất giác giật mình
Hỏi tâm, tâm động, hỏi tình, mênh mông!
 
Vác Tượng
Rồi mai biền biệt dặm ngàn
Tay ôm tượng Phật, hành trang trên đường
Những chiều nắng, những đêm sương
Những khuya ngồi thắp tâm hương ngậm ngùi
Ô hay, Phật vẫn mỉm cười
Thì ra Ngài vẫn bên đời với con!
Dẫu mai biển cạn, non mòn
Nét môi vi tiếu xin còn thiên thu…
Vẫn Nhớ Từng Đêm Cổ Thư Ơi
Mai kia còn dịp về quê cũ
Hái sậy bờ sông kết thảo lư
Cuối năm chong mắt chờ nước lũ
Bên dòng thả hết chuyện tâm tư
Những bếp lửa chiều ngồi nấu thuốc
Nắng quái nhuộm vàng áo lão sư
Có con bìm bịp kêu nước lớn
Người gỏ ấm trà hát vô tư
Thiên hạ rằng ngoài sông có quỷ
Với những tràng cười suốt canh khuya
Những chiều mưa gió qua bãi sậy
Có bóng lêu khêu vẫn đi về
Ðôi lúc giữa trời nước mênh mông
Tiếng ai rờn rợn suốt bãi sông
"Ðời mạt pháp rồi, trời sắp tối
Ðò sang bờ Giác, ai đi không?”
 
Vệ Sử
Cưỡi tâm ngưu xuống ruộng đồng
Gặp trăng núi cũ trên dòng thôn giang
Trôi về đâu những lá vàng
Người qua sông nhớ một hoàng hôn xưa
 
Voiceless
Gởi nhau tấm ảnh không hình
Trang kinh vô tự, chút tình hư không
Còn đây nữa, một đóa hồng
Từ lâu hóa thạch trong lòng thiền sư
 
Vọng Tưởng
Chiều đi qua bờ cỏ
Ai bỏ quên chiếc giày
Người đi từ lâu lắm
Sao vẫn còn quanh đây
 
Vũ Vô Thiết Tỏa
Rồi ta cánh bướm bồng phiêu
Và em là trận mưa chiều bữa qua
Thơ ngây bướm ghé hiên nhà
Vũ vô thiết tỏa...thế là nhỏ ơi!
Tạnh mưa, ta ngó lên trời
Hỏi đôi cánh nát ai người vá khâu.
 
Xin Lỗi Mẹ
Về mới thấy, đi là tìm
Ta mười năm đó cánh chim mù lòa
Ta đi những phố phù hoa
Cửa khuya thao thức, mẹ ta ngồi chờ
Ta lưu lạc kiếm vần thơ
Thứ thơ của một gã khờ đa mang
Trót yêu giếng đá trăng vàng
Mười năm một chuyến đò ngang chửa lần
Buổi chiều qua phố bâng khuâng
Ðỉnh chung mộng cũ, liệu cần lắm không
Chợ đời nhóm những chiều đông
Ta buôn hết vốn, tay không ngại về
Ngồi đây nhớ gió ven đê
Thấy ra một gã nón mê giống mình
 
Xuân Lưu Lạc
Ta vẫn từng đêm với cổ thư
Và những bâng khuâng thật bất ngờ
Nhiều khuya nghe gió qua song cửa
Lòng chợt chạnh lòng những tứ thơ
Ta chửa bao giờ là thi sĩ
Cũng chẳng dám là lão thiền sư
Giữa cõi đời buồn không tri kỷ
Chuyện lòng khệnh khạng chép ra thơ
Xuân đến rồi kia, biết về đâu
Chỉ tưởng vu vơ một nhịp cầu
Chân bước qua rồi, không quá khứ
Lòng gửi theo từng con nước mau
Ta đón xuân về không trà mứt
Một bóng ven trời vui với ai
Chợt nhớ trong nghiên còn chút mực
Tự vẽ tặng mình một nhánh mai
Băm mấy tuổi đời vẫn thế thôi
Đôi chút ưu tư, tí nổi đời
Em ghé ngang thềm, rồi đi mất
Còn gì, ngoài một cánh hoa rơi
 
Xuân Đất Khách
Thế đấy, rong rêu thời trẻ dại
Mươi năm lữ khách giữa trần gian
Thế cuộc khuya nào ta ghé lại
Tình người ghẻ lạnh dúm tro than
Gió lộng y vàng ta lưu lạc
Gót mòn biết mấy nẻo phù vân
Ta đi, như gió về sa mạc
Vạn lý giang hà vô cố nhân
Bình bát ngậm ngùi quà khất thực
Có gì? Ngoài những thứ thị phi
Cơm bánh chợ đời …thường mặn đắng
Nếu chẳng duyên lành quen biết chi
Gió lạnh xứ người chừng đã thấm
Ta về đốt lửa giữa mù sương
Lần tay bóng tối ngồi tính nhẩm
Thôi lại một mùa xuân tha hương
Ta đã có gì? Băm mấy tuổi
Ðôi bàn tay trắng, tương lai đen
Một tuổi trẻ buồn nhiều bóng tối
Với những nổi đời… đang cố quên
Mà, sao cũng được, xin quên hết
Ðời đón xuân về, ta rán xuân
Giao thừa khép cửa, ngồi thắp nến
Ngó chiếc bóng mình, gọi tri âm…
Hải Thệ

 

 

MDTTA 17

  Pháp đệ 68 xuân thu Hôm nay Kỷ niệm Pháp đệ 68 xuân thu, Đã đi qua 2/3 đời người Như lão ngựa vượt dặm trường gian khó Qua cõi người s...