Saturday, August 29, 2020

Du Trốc Tử

 Buổi ta về - Cuộc lữ - Đi tìm bóng tôi – Nỗi niềm phố thị - Trước mộ phần sám hối – Về lại thăm nhà – Một đêm trong lòng thác đổ - Vu vơ…Mẹ


Buổi ta về

Buổi ta về cầu chỉ còn một nửa
Đứng trơ vơ bên nửa nhánh sông buồn
Mẹ ra đứng gọi đò bên bến vắng
Dáng mẹ nhòa se thắt giữa chiều buông

Buổi ta về lúa sắp sửa ra bông
Cha tần tảo ra đồng khơi mạch nước
Cái thúng tròn vo chèo lên mạn ngược
Vớt mớ chà chươm phòng đến độ mưa dầm

Buổi ta về trời trở rét căm căm
Chị hái dâu nuôi tằm rồi dệt lụa
Sợi tơ giăng, sợi tơ vàng héo úa
Mà tin sương biền biệt buổi quay về

Buổi ta về cỏ dại phủ bờ đê
Anh vất vả bộn bề cùng đồng ruộng
Trên rẫy trồng ngô dưới đầm rau muống
Nửa đời trai chưa biết ngựa kinh thành

Buổi ta về trăng vẫn đủ năm canh
Em nũng nịu thích dỗ dành bánh kẹo
Áo trắng qua cầu, cầu tre lắt lẻo
Tóc thề buông mơ mộng mắt nai hiền

Buổi ta về trời sắp sửa ra giêng
Bé đi học bắt chuồn chuồn bươm bướm
Con bướm bay la đà con bướm lượn
Bé theo hoài mất hút ở trong hoa

Buổi ta về ta hỏi với riêng ta
Rằng cuộc lữ biết đâu là chốn đến
Dòng sông nào rồi chẳng trôi ra biển
Còn mong chi rong ruổi mộng miên trường

Buổi ta về nghe giọng nói quê hương
Buổi ta về rưng rức một niềm thương!

 Cuộc lữ

Người đi qua giữa đìu hiu phố thị
Lặng im trao bén nửa nụ xuân hồng
Nửa nụ kia nhờ mây trời bữa nọ
Giấu mang về gửi lại cõi hư không

Én chao nghiêng thả rớt lời thơ vụng
Giữa đường khuya lữ khách vẫy tay chào
Con sáo nhỏ qua sông rồi mới hỏi
Giọt thơ chiều có nhuộm nắng hanh hao?

Vàng cuộc lữ giữa bờ sương bến khói
Vẫn còn đi cho đến kịp trăng rằm
Con dế nhỏ cũng im lìm dưới cỏ
Giọt lệ này đâu phải bởi trăm năm

Còn đi mãi mới hay người vẫn đợi
Nụ vô thường rưng rức một niềm riêng
Quỳ xuống cỏ cúi hôn lòng đất lạnh
Tạ ơn đời một cuộc lữ thiêng liêng.

 Đi tìm bóng tôi

Cuối đêm gõ xuống đầu ngày
Đi qua với nhịp tim này hoang liêu
Tôi tìm tôi giữa tàn xiêu
Tôi tìm người giữa sớm chiều lặng câm

Nghe ra sóng dạt chỗ nằm
Bóng tôi lẫn trốn mù tăm chiều tàn
Tôi tìm tôi giữa khuya tan
Vô tình bước hụt vào mang mang hồn

Vẳng trong thể điệu sinh tồn
Du du đỉnh mộng chập chờn cuộc say
Ngỡ ngàng cắn thử ngón tay
Vẫn tê điếng mộng vẫn ngây ngất tình

Bỗng dưng gặp lại chính mình
Tự bao giờ vẫn lặng thinh giữa đời
Thôi thì tiếp tục cuộc chơi.

Nỗi niềm phố thị

Một tối đi về giữa phố đông
Lạc lõng bên đời một nỗi không
Một nửa vừng trăng treo cuối phố
Mây trỗ tầng cao một đóa hồng

Ta hỏi người hay hỏi riêng ta
Nửa đời rong ruỗi mộng du ca
Dừng chân quán trọ cười như khóc
Ai kẻ phiêu lưu chẳng nhớ nhà

Thắp ngọn đèn khuya soi bóng mây
Gió về thủ thỉ hát trong cây
Mở trang kinh mộng ươm vườn mộng
Sương xuống buồn nghiêng một chén đầy

Danh vọng ừ thì như bóng hoa
Chùa xưa còn mãi nhịp chuông tà
Kể chuyện thần tiên cùng nến vụn
Một đời đâu dễ để phôi pha

Thẹn với Nghiêm từ thẹn núi non
Vẫn hẹn ngày mai dẫu mỏi mòn
Nào phải sa đà nơi phố thị
Cố quận trong lòng vẫn sắt son

Dẫu biết quay về là tất cả
Xin để ngày mai hãy vẫn còn.

 Trước mộ phần sám hối

Con quỳ xuống
Giữa thiên thâu cùng hoa ngàn cỏ nội
Trải lòng ra giữa chiều vàng sám hối
Trước linh phần của mẹ cũ màu rêu

Con vẫn còn nguyên màu áo đất quê nghèo
Với tấm hình hài mẹ cho con thuở nọ
Mẹ bỏ con đi mười năm không một lời bày tỏ
Con hơn gì: bỏ mẹ đã hai mươi năm

Buổi mẹ ra đi
Con về lại cúi hôn lòng đất lạnh
Nghe lại từng lời ru nhớ nụ cười đen nhánh
Mưa đầy trời năm tháng cũ phôi pha

Con lãng đãng trời xa
Tìm kiếm bóng mình giữa chiều tà mộng thực
Mẹ lạy bốn phương trời cho con tỉnh thức
Nguyện hứng hết nghiệp trần cho con được bình yên

Sanh tử là gì ai hiểu được nhân duyên
Con gàn dở để ưu phiền lòng mẹ
Chiều nay quỳ giữa đồi hoang lặng lẽ
Cây lá nghiêng mình chim mỏi cánh thiên di 

Chiều ơi!  Chiều ơi! Úp mặt làm chi
Để bóng tối giao hòa con với mẹ
Cho con được thấy lượng Từ mở hé
Để lòng riêng trút nhẹ nỗi ưu phiền

Cắn ngón tay tìm một nỗi đau riêng
Gió thổi lộng qua cõi miền thơ dại
Như cuộc đời con giữa nghìn trùng quan tái
Còn đó muôn đời bóng mẹ choàng ôm

Bóng mẹ nhạt nhòa trong đêm thảo ngày thơm
Hiện giữa trang kinh chập chờn ánh sáng
Soi thấu đời con cả gừng cay muối mặn
Xin lạy tràn cảm tạ hết nhân duyên

Trong im lặng của bóng mình khắc khoải
Cảm nghe đầy tiếng mẹ gọi thiêng liêng.

 Về lại thăm nhà

Con về lại thăm nhà
Áo vướng bụi đường xa
Từ gửi thân cát bụi
Rưng rức những chiều tà

Mộ mẹ nằm bên đồi
Cỏ hoa làm ấm lạnh
Cha tuổi cũng đã già
Trước thềm nhìn cô quạnh

Chị tôi thay làm mẹ
Nuôi nấng đàn em thơ
Tuổi xuân qua mấy độ
Chị ơi! đến bao giờ?

Anh trai chừ lận đận
Mấy em đã có chồng
Còn dăm ba đứa nhỏ
Trường lớp vẫn chưa xong

Tôi về nhà vui mừng
Quây quần mâm cơm tối
Cơm tấm và canh rau
Rộn ràng nên bổi hổi

Cha bảo tội má mày
Suốt một đời lặn lội
Chưa sướng được một ngày
Đã về nơi chín suối

Mười năm từ trôi dạt
Bao nghĩa bạn ơn thầy
Chút danh còn chẳng trọn
Thì biết nói chi đây?

Lệ còn không biết nhỏ
Thì thơ sao nên lời
Con cúi đầu khấn nguyện
Thầy ơi! mẹ cha ơi!

Còn tấm thân bèo bọt
Rong rủi phận ươn hèn
Nghĩ đâu công báo đáp
Chỉ biết chuyện sách đèn

Con về lại thăm nhà
Áo vướng bụi đường xa
Từ gửi thân cát bụi
Rưng rức những chiều tà.

 

MỘT ĐÊM TRONG LÒNG THÁC ĐỔ

 

"Nhiều đêm thấy ta là thác đổ,

                         Tỉnh  ra  có  khi  còn  nghe".

                        (Trịnh Công Sơn).

 

Năm ấy, tôi vừa tròn 20 tuổi.

Mưa vẫn không cản được những bước chân rồ dại xăm xăm nẻo cuối rừng chiều. Đêm vội vã phủ chiếc lồng bí mật xuống thung lũng như muốn vồ lấy nguyên vẹn những gì ở đó, không cho thoát ra. Trên đỉnh của cái lồng bàn đêm chất ngất ấy, trớ trêu thay lại vắt cẩu thả một mảnh trăng the thé, vừa đủ rọi đường cho những tên trộm vô hình đến ngắm nghía những bảo vật rừng thiêng. Tiếng thác ầm ầm như những tảng đá to từ trên cao đổ xuống. Tôi ướt sũng. Lạnh. Đông cứng.

 

Bây giờ ngồi nghĩ lại, chỉ tưởng tượng một người đang đứng trong lòng thác Bongour giữa đêm mưa xám xịt cũng đủ thấy rùng mình kinh hãi. Chỉ với cái tuổi hai mươi, cái tuổi muốn gì làm nấy, cái tuổi khát vọng và đẩy nỗi khát vọng lên đến đỉnh, muốn thỏa mãn sự hiếu kỳ lẫn quằn quại, mới dám lầm lũi vào chốn thâm u một mình khi trong người chỉ có duy nhất một cái hộp quẹt, không đủ làm hun khói những lá cây sũng nước, nói chi đến một ngọn lửa sưởi ấm hồn đơn.

 

Tôi chọn một tảng đá to dưới cội trâm già, bên dòng thác lũ, lấy thân mình che mưa cho đống củi mục, nguyện cầu một ánh lửa bùng lên mà mãi không đỏ được, ngoài những ụ khói cứ xông thẳng vào mắt cay nồng. Tảng đá to hơn một cái bàn, nhưng cảm giác trong tôi chỉ là một miếng gỗ bồng bềnh trên ngọn nước. Cây trâm già nghiễm nhiên trở thành một vị hung thần quái ác, mang đầy đủ trên mình đôi mắt cú vọ và rắn độc lẫn những nụ hoa lan sặc sỡ sắc màu. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, nhưng không thổi tắt được cái đèn thuyền treo lủng lẳng trên ngọn cây. Nếu không có ánh trăng, mọi vật hoàn toàn chìm trong bóng tối, như thế có lẽ dễ chịu hơn. Còn bấy giờ thì mọi vật lại bắt đầu chập chờn chuyển động với những hình thù kỳ dị. Tôi lạc vào cõi nào chẳng biết. Tự dưng, mọi hình ảnh xung quanh mình cái gì cũng có hai mặt, vừa thiên thần vừa quỷ sứ, vừa thánh thiện vừa phàm tục. Và mỗi hình ảnh đi qua tôi đều chứa đầy hai cảm giác trái nghịch, vừa hạnh phúc vừa đớn đau, vừa quằn quại gan lì vừa tê mê chất ngất.

 

Vách đá dựng đứng, xếp đều từng lớp hệt những tháp Chàm ở Thánh địa Mỹ Sơn. Tháp Chàm di chuyển chập chờn. Từ trong cửa tháp, bóng hai thiếu nữ bước ra, mình đeo đầy còng cườm lục lạc, nhảy múa những vũ điệu ma quái của giống dân Hời, rồi họ đi vào, cửa tháp khép lại. Tháp Chàm hóa thành những bức lập thể của Picasso, tiến tới bóng tôi, mỗi lúc một gần. Tôi dùng hết tâm lực đẩy chúng ra xa, vách đá ngã sóng xoài trên thảm cỏ, biến mất.

 

Ánh trăng lại lóe lên, vàng rực cả lòng thác, đẩy rừng cây ra xa, xa lắm. Cả rừng cây nhuộm vàng ánh lá, lung linh và đầy huyền hoặc như bức "Mùa thu vàng" của Lévital. Rồi bóng tối như một mảnh vải, xỏa lần xuống che đậy bức tranh. Ở góc vàng cuối cùng tôi còn nhìn thấy, một con mèo hoang nhảy ra, cắm hai ánh nhìn vào lòng đá tảng.

 

Mưa, lại mưa.

 

Ngọn thác hùng vĩ dựng đứng như một mảnh thiên y mịn màng che vách núi, chốc chốc lại tung ra từng đợt sóng mù khơi, giăng mùng tứ phía. Tôi mải miết nhìn ngọn thác, từ đầu đến chân, rồi tự nhiên thấy thác chảy ngược, chảy từ dưới lên trên, chảy tới đâu khô tới đó, hệt như bàn tay vô hình nào đang cuốn bức lụa trắng ngần từ chân tới đỉnh. Vén lên tới đầu ngọn, thác im thin thít, không còn một âm thanh nào của nước, cái im lặng đến rợn mình, đến nỗi nghe rõ được từng giọt rơi tí tách trên lá, nghe rõ được âm thanh của một loài dế du mục đang gậm nhấm cỏ non. Bãi cỏ xát xô dựng hình loạn tứ bên bờ suối cạn, gợi nhớ đến bức "Hoa diên vĩ" của Vangogh. Rồi trên đỉnh cao, bóng Bồ-tát Quán Thế Âm lồng lộng theo mây đi xuống, màu áo hay màu mây mà mênh mông quá. Bồ-tát tay cầm nhành dương liễu, tay cầm bình cam lồ, Ngài nhúng nhành dương vào bình nước rồi rảy một cái, tự dưng thác chảy lại, như tự bao giờ vẫn vậy, như một cổ máy huyền vi có thể ấn nút tắt mở một cách tự nhiên, thật là kỳ diệu. Tôi thảng thốt, cúi đầu đảnh lễ với lòng thành kính vô biên. Chợt nghe có cái gì đi ngang qua trên đầu tôi, vùn vụt như một cánh đại bàng. Ngẩng đầu lên, mọi sự trở lại như cũ.

 

Ngồi tĩnh tọa trên phiến đá dưới rừng mưa, tôi hít thở thật sâu để cố tìm trở lại một ngọn thác Bongour thật sự sau những ảo giác mơ hồ. Nhưng có cái gì là thật sự đâu! Rừng cây xung quanh như những bóng người đang đứng, kẻ cúi đầu, người chắp tay, có nhiều người nắm tay nhau nhảy múa, hay cúi mình soi bóng xuống dòng nước cuồn cuộn nhập nhòa ánh sáng. Phải chăng tất cả mọi sự mọi vật chỉ là sự biến hiện của tâm thức con người? Phải chăng mọi khái niệm thiện ác, đẹp xấu, hạnh phúc hay đau khổ đều từ tâm cảm mông lung này? Thế thì tất cả xung quanh tôi lúc ấy, cái gì là giả, cái gì là thật? Đến những vách đá sừng sững bên ngọn thác Bongour kỳ vĩ kia cũng giả nốt sao? Chỉ có thằng tôi là thật thôi sao? Ồ mà tôi cũng chẳng thật, tôi cũng tan ra từng đợt theo khói, theo sương, theo hơi nước mơ hồ. Vậy ở đây cái gì là chủ thể, cái gì là khách thể? Nếu không có chủ khách thì thật là vô lý, ai sẽ là người cảm nhận mọi sự vật kia đây?

Mưa mỗi lúc một lớn, rào rạt trên những cánh rừng. Nước mỗi lúc một mạnh, chảy tuôn trào từ đỉnh thác xuống từng kẽ đá, dâng cao dần, cao dần. Tôi lạnh cóng, những tưởng ngồi lại tới sáng ở đây có lẽ tôi sẽ chết cứng vì lạnh. Tôi chợt nghĩ ra tại đây chỉ có cái lạnh là thật, còn cái gì cũng giả, kể cả tôi. Nhưng cái lạnh là cái gì? Chẳng qua cũng chỉ là cái nghiệp cảm của mình. Tôi nghĩ vậy. Tôi chợt muốn lao mình xuống dòng thác lũ kia, cho nó trôi đi đâu thì đi, không phải tôi muốn chết, muốn tự tử, mà là muốn buông xuôi tất cả. Thế rồi bỗng dưng, tôi chợt nghe có một con rắn đang gát đầu lên đùi của mình, lạnh tanh. Tôi run rẩy, sợ hãi. Té ra bây giờ chỉ có cảm giác sợ hãi là thật. Chỉ cần nó cắm đầu vào đùi tôi là chấm dứt tất cả. Nghĩ đến đó tôi thật sự hoảng hốt khi mường tượng phải xa lìa hẳn cuộc đời, cha mẹ, thầy bạn, người thân. Cảm giác đau khổ lại là cảm giác thật. Tôi lẹ làng dùng tay hất đầu con rắn ra xa rồi rùng mình đứng dậy. Về thôi!

Mưa vẫn rả rích, những tàn cây le le quất vào mặt túi bụi, đá lại quá trơn, tôi vội vã nên cứ trượt chân, đá đập vào ống quyển đau không thể tưởng, nhưng vẫn cố lao nhanh cho ra khỏi lòng thác, hướng về phía hừng đông mà chạy.

Về đến cô thôn, tiếng chuông khuya trầm ấm tỏa lan, rồi bao nhiêu chuông mỏ từ các thảo am lần lượt trỗi dậy, nhưng tiếng thác vẫn còn rền trong tâm khảm, từ ấy đến tận bây giờ.

 

Vu vơ ... Mẹ

 

Bỗng dưng! tôi chợt muốn viết về Mẹ. 

Vu vơ? Ừ thì vu vơ, chứ biết viết gì, nói gì? Nếu có gì để viết, để nói, thì thiên hạ đã nói giùm tôi hết rồi. Còn tôi, mỗi chữ "con thương Mẹ" tôi cũng chưa một lần nói ra được, nữa là ...


Người Việt Nam khác với người nước ngoài nhiều lắm! Chỉ một chữ "thương Mẹ", không bao giờ ta nói ra được. Nó linh thiêng quá! Nó kỳ diệu quá! Linh thiêng và kỳ diệu đến nỗi giả sử có ai đó nói từ ngữ này trước mặt mẹ thì thành ra giả tạo, trâng tráo. Trong âm nhạc Việt Nam chỉ có một lần, một lần duy nhất, ở bài Bông Hồng Cài Áo nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mới cho mọi người được một lần ấp úng, một lần ngần ngại : "Mẹ ơi! mẹ ơi! Mẹ có biết hay không? Biết gì? Biết là ... biết là ... CON THƯƠNG MẸ lắm không?"

 

Chỉ có một lần liều lĩnh, như thu hết cả can đảm, và mượn lời nhạc chuyển giao, con mới thốt lên được lời thầm kín thiêng liêng ấy!

 

* * *

 

Con về lại Di Linh trong mùa mưa ngâu vần vũ. Ngồi bên mộ mẹ, mưa hay sương không biết, cứ từng đợt giăng hàng qua chiều vàng cổ độ (!). Chiều nay, trên lưng đồi này, chiều nay. Ngày qua, năm năm, mười năm, một ngày, một giờ, chiều nay. Mẹ vẫn nằm đó, từ độ con qụy xuống hôn vào lòng đất lạnh, từ độ bỏ thầy bỏ mẹ ra đi, lang thang khắp chợ cùng quê, vất vưởng trở về bên xác mẹ. Từ bữa nọ tới bữa nay, từ mỗi phút giây hay từ vô lượng kiếp giữa thiên thu vời vợi? Mẹ nằm cô liêu trên lưng đồi gió lộng, nhìn xuống mặt hồ biêng biếc giữa hoàng hôn. Phía Đông là rặng núi xanh, quanh năm mây trắng chít khăn tang buồn trên đỉnh. Chập chùng đồi núi Di Linh, ngan ngát hương đồng cỏ nội. Con ngồi đây, nén hương ấm để nói rằng trời lạnh, áo con ấm để nói rằng đời lạnh, lạnh vì mẹ không còn ở bên con.


Ngôn ngữ của con đã hóa thành ngọng nghịu. Sao mẹ lại không còn? Mẹ còn đó chứ! Trên mảnh đất này, giữa bầu trời này, nơi ngọn cỏ, cành hoa, nơi cánh chim trời, vệt nắng. Bây giờ con thèm hát, bài hát mà con yêu thích nhất: Quán Thế Âm. "Có bà mẹ đi tìm con, trên đỉnh đồi lan trắng, có bà mẹ đi tìm con, trên động hoa lan vàng..."


Bên thung lũng chiều vàng

Cỏ hoa bừng trỗi hát

Thoát nhiên tự trần gian

Mẹ hóa thành Bồ-tát.


Con tự hỏi nhân duyên gì mà mẹ làm mẹ con? Nhân duyên gì mà con làm con mẹ? Với con, con nghĩ rằng mẹ đã từng phát một đại nguyện đời đời làm mẹ của con chứ đâu phải đầu thai vào trả nợ. Không những thế! Mẹ còn là mây trời cho con ngắm, làm mặt nước cho con soi. Mẹ làm đá sỏi ngân vang giữa bụi đường đìu hiu quạnh vắng, mẹ làm tiếng thác rì rào giữa rừng khuya cô tịch. Nắng sớm, sương tà, trăng khuya, gối mộng, đâu đâu con cũng thấy mẹ hiện hữu, như chẳng bao giờ lìa xa con nửa bước.

Mẹ hiển hiện trên đường về, trong từng ngõ ngách của cuộc đời đầy đau khổ. Mẹ ban cho con hình hài ấm lạnh, mẹ ban cho con tình cảm ghét thương. Nhưng con giận mẹ, con trách mẹ nhiều lắm, bởi mẹ chẳng nói lời nào bằng ngôn ngữ thế nhân. Con làm sao hiểu được lời mẹ trong đường chiều là rụng? Con làm sao thấy được mẹ trong gió sớm trời quang? Con chỉ thích thấy mẹ mang tơi đội nón ra ruộng hái rau má về cho con ăn. Con chỉ thích thấy mẹ ngồi bên bếp lửa hồng à ơi câu cổ tích. Con đã từng yêu sách mẹ như thế, mẹ đã hứa với con, mẹ hứa mẹ sẽ suốt đời ở bên con, sao mẹ lại thất hứa?


Giờ mẹ nằm đó, trên lưng đồi này, chiều nay. Giờ thì con hiểu rằng mẹ thất hứa để tròn nguyện, nguyện của mẹ lớn quá, nên lời hứa với con trẻ trở thành vô nghĩa khi tấm hình hài của mẹ về với đất, hương hồn mẹ trở về với trời, và con về lại với đời, cuộc đời của con, cuộc đời mà mẹ cho con. Phật đã dạy con như thế!


Phật còn dạy rằng chỉ vì chữ Ái mà mọi chúng sanh phải tự ràng buộc nhau, đau khổ với nhau. Mẹ nghĩ đi! Có con nào không là con của mẹ, có ai trong cuộc đời này chẳng đã từng là con của mẹ, tất cả chì vì nhân duyên mà ràng buộc với nhau, đau khổ với nhau. Rồi bao nhiêu nước mắt, máu xương phải chất chồng để trả vay vì chữ Ái. Có Ái là có Thủ, có Thủ là có Hữu, có Hữu là có Sanh, có Sanh thì có Tử. Rồi vòng vô minh cứ mãi xoay tròn, xoay tròn như thế. Khi nào lượng Từ của mẹ không còn xem con là CON CỦA TA nữa, vô ngã, thì mẹ mới thoát khỏi ái ân triền miên muôn kiếp. Con tiếc nuối lắm, nhưng con vẫn muốn mẹ dứt hẳn nguồn yêu suối lệ, hóa thân thành vạn vật trong pháp nghĩa nhiệm mầu mà con đang phảng phất thấy nơi từng ngọn cỏ, cành hoa. Mẹ có hiểu ý con không?


Con vẫn thèm nghe điệu hát ru à ơi theo nhịp võng, con vẫn thèm hơi ấm bàn tay mơn trớn lúc bế bồng, ánh mắt ấy, nụ cười ấy còn hơn ngàn lời kể lể, nhưng con vẫn ước ao mẹ giũ sạch oan thân để về bên cõi Phật, làm một vị Bồ-tát, làm một Quán Thế Âm, làm một bà mẹ của tất cả chúng sanh, như đã từng làm mẹ của con. Chắc lúc ấy, mẹ là người đẹp nhất trên đời (!)

 

* * *

 

Hoàng hôn. Tiếng tù và của mục tử gọi trâu về du dương dưới chân đồi gió lộng, nhắc tôi trở về với mình trong hiện tại. Đàn trâu dấy bụi đỏ lên quyện với sương chiều bảng lảng, rồi thong thả đàn trâu lội xuống hồ xanh, đằm mình dưới nước, ngước đôi mắt long lanh lên nhìn trời mây lá cỏ. Từng vệt sáng tự trời cao nối dài xuống chân trời xa thẳm, như muốn pha màu cho bức tranh chiều Di Linh thêm phần huyền ảo.

 

Chiều theo gió xuống tự chân mây

Chiều xuống lưng đồi bên khóm cây

Chiều leo xuống cỏ, vờn thăm cỏ

Lìa cỏ, chiều ra bến nước đầy.

 

Tôi vẫn còn ngồi bên mộ mẹ, nghe bóng tối chìm dần vào cõi hồn ngát lạnh. Bất giác, từ vô ngôn mặc ngữ, tôi cất tiếng hát : Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ có biết hay không? Biết gì? Biết là... biết là... con thương mẹ lắm không?


Một cánh hạc bay qua, vạch một đường sáng cho bóng đêm dựng hình cô tịch. Tôi xuống đồi, vất vưởng, không biết rằng hai ống quần ướt đẫm vì cỏ ngậm hơi sương, và côn trùng đã dạo đầu bản giao hưởng đêm đêm giữa tư bề trống vắng.

 

Tuesday, August 25, 2020

Thông Nhã

Biết đời mình rong rêu,
Thì ngại gì mưa nắng
Biết nẻo về tang trắng
Ngại gì bàn tay không.
Đứng trước ngọn gió đông
Cười cành hoa năm cũ
Đôi khi mình du thủ
Để thấy mình mênh mông.
Biết dẫu động ngày đêm
Sóng tan về với nước
Ta một đời xuôi ngược
Thoảng bóng gầy khôn nguôi.
Nay mượn thân cát bụi
Sống trọn kiếp phù du
Bước ngang bờ hư thực
Ca lên lời thiên thu.


Trở về hứng giọt sương mai
Vo tròn vạt nắng vuốt dài sợi mây
Về nghe tiếng suối vơi đầy
Tiếng thông vi vút tiếng Thầy dịu êm
Trở về nương tựa chị em
Bao đời phiêu bạt triền miên tháng ngày
Hư hao một tấm thân gầy
Mê mê tỉnh tỉnh vũng lầy thế nhân
Được thua còn mất tranh phân
Đi tìm ảo ảnh vạn lần trắng tay
Về đây hoa cỏ hiện bày
Mát trong bóng nguyệt tỏa đầy đêm thu
Chỉ còn có một chữ tu
Buông đi đừng giữ mây mù làm chi
Hải môn đã mở lối đi
Vầng dương đã tỏ mong gì nữa hơn.


Phổ Đồng

 Sư về muộn - 


Sư Về Muộn

Đêm nghiêng ngõ gác trăng vàng
Mấy tầng chuông điểm đổ tràn thái hư
Sư về gõ cửa phù hư
Tam sinh đế mộng trầm hư vỡ bờ

Uống tàn sương, giọt xuân mơ
Điểm trang hồng nguyệt kinh thơ vô phiền
Trăng lay bóng chếch giường thiền
Tụng âm đá dựng tiếng rền vọng không.

Mùa xuân én trải nắng hồng
Nụ xanh say gió vàng hong hiên chùa
Gió về mở mắt nghìn hoa
Gốc mai năm trước rụng vài đóa hoa!

Trà xanh Thềm thoảng hương mùa
Gió hây hây thổi ngày đưa qua ngày
Niềm vui còn một chút này
Dâng người ở lại từ rày về sau.

Đặng Tường Vy – Người đàn bà làm thơ bằng trái tim nhân hậu - Xuân Trường

 Đặng Tường Vy – Người đàn bà làm thơ bằng trái tim nhân hậu

 

Đi trong nắng gió Sài Gòn, hòa mình vào nhịp sống vội vã của thành phố đông dân nhất nước này. Những đa đoan, những toan tính, những hối hả áo cơm thúc giục con người quay như chong chóng đến nỗi không còn nhìn nhận kịp thời những giả tạo, những ngụy trang, giữa cá nhân và tha nhân. Nhất là trong lĩnh vực tình yêu. Cái đề tài muôn thuở của nhân loại. Làm sao ta đếm được có bao nhiêu người phụ nữ đã và đang chia tay với cuộc tình của họ giữa cuộc đời này. Mặc dù đó là những điều đã xảy ra ngoài ý muốn của họ, vì rằng người đàn bà luôn luôn tha thiết được yêu, họ cưng như cưng trứng, hứng như hưng hoa cái hạnh phúc ban đầu tuyệt vời ấy. Vậy mà phải chia tay, phải xoay vần theo con tạo, thân phận đưa đẩy cuộc đời vào vòng xoáy của tồn tại xã hội.

 

Đặng Tường Vy, người phụ nữ giỏi giang, tài sắc vừa đủ để chị định hướng cho mình một hành trình đi đến tương lai như bao nhiêu người phụ nữ khác. Thế mà gian truân, thế mà hồng nhan, thế mà tài mệnh tương đố. Chị đã không may lạc vào dòng xoáy ấy. Đã biết rằng đời người có những khoảng trống không cần phải lấp đầy, nhưng sự đổ vở của một cuộc tình khi đã vẹn câu thề với nhau dẫn đến sự hụt hẩng mênh mông vô cùng, vô tận biết bao nhiêu lượng thời gian cần thiết để lấp cho đầy. Những mất mát cứ còn mãi trong chị. Chị đang lang thang trong khoảng trống của đời mình thì gặp thơ, chị yêu thơ rồi làm thơ, duyên nợ với thơ. Lại thêm một lần nữa cho phép ta xác quyết rằng khi tột cùng của hạnh phúc hoặc là khổ đau thì con người vẫn đến với thơ và thơ tồn tại như một đấng thiêng liêng cứu rỗi linh hồn thiên hạ.

Có lẽ những trải nghiệm hành trình đã làm nên một thứ chất liệu cho thơ Đặng Tường Vy nhẹ nhàng mà sâu lắng, âm thầm mà dữ dội, tục lụy mà thanh tao: 

Nhẹ nhàng thương nhẹ nhàng đau
Nhẹ nhàng quay gót chào nhau nhẹ nhàng,
 
hoặc là: 
 
Trăm năm con sóng ru đời bạc
Lành, dữ, đục, trong… cũng rã rời,
 
và đây nữa: 
 
Hạ về con nắng se lòng nhớ
Hồn ngẩn ngơ hồn lạc cõi riêng 
 
và dữ dội hơn: 

Xin anh một chút thật thà
Để cho em được đàn bà với anh. 

Đấy là những câu thơ chị đã mở cửa cho ta vào nhìn tận mắt những đợt sóng ngầm trong tâm hồn chị đang vỗ đến vô biên những khát vọng yêu thương, những giùng dằng thân phận, những đa đoan cuộc đời. Những đợt sóng ngầm ấy càng ngày càng mở rộng biên độ dao động căng nức tâm tư, bứt phá, để rồi bật ra những âm thanh bén nhọn đến xé lòng: 

 
Xin đừng nói tiếng chia xa
Trong vàng lá đổ sinh ra xanh mầm
Tận trong sâu thảm lặng câm
Trăm năm nhịp đập nói thầm yêu anh,
 
hoặc là: 
 
Tình em nốt nhạc không lời
Nhẹ nhàng len lỏi tình rơi giếng tình
Con tằm khát lá tồn sinh
Riêng em khát tiếng ơi mình mình ơi (Xin đừng bước vội)
 
và đây nữa: 
 
Gió ghì hôn môi em
Mây chung thủy bốn mùa
Mưa thủ thỉ nhiều đêm
Anh tình còn mặc cả (Chiều vàng câm nín).
 

Tìm người dưng, được người dưng, mất người dưng, phép toán tình yêu giờ đã thành vô định, một cộng một bằng không, chị đã trở về tìm lại chính mình trong cái mênh mông cô đơn vỗ chiều lên biển vắng mà hát khúc độc hành:

 
… Nghiêng mình hong gió biển
Sóng dỗi hờn xô nhau
Cát nhẫn nhượng im tiếng
Tình biến thể bạc màu
Phố triệu người lại qua
Người quen rồi người lạ
Người đến rồi lại xa
Me nhiều lần thay lá
Ta độc khúc tìm ta (Ta- Tìm ta).
 

Không những chị luôn đau đáu với nỗi niềm riêng, để tìm ra những thấu cảm cho thơ, cho đời, mà chị còn nhìn thấy muôn hình vạn trạn cái khổ đau mà trời đất đã không thương, đem đến cho con người: 

 
Lũ giận đời, lũ giận ai
Ùn ùn kéo đến thiên tai cho người
Nhà tan trong ngấn lệ trời
Người như chiếc lá cuốn trôi bềnh bồng.
 
Nhiều khi con người đã tự gieo rắc khổ đau lên chính mình: 
 
Sừng tê
Cao hổ
Hương chồn
Tiếng la vang vọng xé hồn quê hương
Lũ về gieo rắc tai ương
Kẻ nhà cao rộng đứng giương mắt nhìn.
 

Ở đây chị lại thấy tâm tư mình cháy bỏng trước sự truy sát của con người làm cho loài thú cũng không còn những bước chân đi hoang trong khu rừng tự do của mình.

Trong những tháng ngày trống không, trong lang thang đâu đó chị bỗng giật mình: 

 
Đừng hóa kiếp thiêu thân
Giết mình trong ảo ảnh
Đừng khát đời tình nhân
Đêm chiếu giường hoang lạnh
Em sợ loài cá cảnh
Khóc ngục tù trăm năm
Soi bờ mi ráo hoảnh
Lạc lầm chốn cùng thâm (Xin đừng làm lữ khách).
 

Có những ràng buộc yêu thương đã từng xác định miền tự do cho nhau của hai người đang yêu. Đó là sự nuôi dưỡng tình yêu, không là nơi cá chậu chim lồng, ngục tù trái tim, làm cho “đời hết vui khi đã vẹn câu thề”. Đây cũng là một triết lý của tình yêu vậy. Nếu chúng ta chủ quan thì sự ràng buộc quá đỗi đôi khi dẫn đến chia tay.

Cõi vô thường là cõi chết, nơi có giấc miên trường của nhân loại, thế mà có một loài hoa uống cạn vô thường rồi mới nở phải chăng hoa Tường Vy uống cái chết vào để nở ra sự sống: 

Lòng em nung nấu
Bến đậu yêu thương
Nuốt cạn vô thường
Hoa Tường Vy nở. (Điền vào trang vở)

chị đi giữa có, không, sống, chết như vậy làm sao không bé bỏng bồng bềnh và chuyển tải đến chúng ta những cảm xúc lạ của thi ca. Đã có lúc chị vô vi muốn mượn cửa thiền để chôn lấp mạch sầu thương và phôi pha những nỗi niềm tâm tư: 

Khánh ngân động trí lay
Chồi giác ngộ bung cánh
Quán trọ thôi nài nỉ
Vai gầy rời quang gánh
Một lần ngộ sắc không
Chén hương đời bọt bóng
Phù sa khuôn sáo rỗng
Gặt hái mùa rêu phong (Mùa rêu phong).
 

Rồi có lúc chị kiêu bạc muốn làm những việc lớn lao như chẻ đôi ngọn núi, tác cạn sông sâu và biển cả để tìm chân lý yêu thương nhưng rồi cũng không thấy đâu: 

 
Tôi muốn chẻ đôi ngọn núi tìm viên sỏi thật thà
Không thấy
Tôi tác cạn sông sâu
Tôi băng qua biển rộng
Tôi chới với hụt hẩng và tuyệt vọng…
Tôi chợt hiểu ra tất cả
Thôi
Không tìm kiếm nữa (Bước về phía trước).

Ngày xưa Xuân Diệu đã cảm xúc sự gần gũi nam, nữ qua những câu thơ như: “Hãy trộn nhau hai mái tóc ngắn dài” hoặc “Hãy nghe đây đôi hàm ngọc răng”. Ngày nay đã nhiều lần tôi gặp các nhà thơ trẻ dùng hình tượng cỏ để nói lên cảm xúc ấy mới nghe thì xa, nhưng lại rất gần, rất thanh tao nhưng lại khiến cho ta giật mình: … 


Tường rêu trách kẻ đầu môi
Ngày xưa cỏ mặn hứa rồi lại quên
Lạc lòng lạc cánh chim Quyên
Về phương trời lạ nhớ quên bãi bồi
Đêm nay gió thổi ngang đồi
Hỏi chăng cỏ rối còn lời trăm năm (Còn lời trăm năm).
 

Đăng Tường Vy là bút danh của Đặng Thị Lụa. Chị và thơ chị cũng mềm như lụa vậy. Từ các tập thơ Giọt sương khuya, Lá thu phai đến Sóng ngầm là những thông điệp bình yên chị gửi đến cho chúng ta những vui buồn, những thăng trầm, những được mất của cuộc sống. Buồn mà không giận, không thù hận, thơ dã mở lòng chị ra với tha nhân, với thiên nhiên với đa đề tài, thể loại, nhiều cung bậc cảm xúc.

Trong tập Sóng ngầm chị có một bố cục rất riêng, đọc nhiều nay tôi mới thấy đó là chị dùng một tản văn rất ngắn thay cho lời bạt ở phần cuối tập thơ với tựa đề “Chuyện đêm khuya”. Tôi không thể nói hết những gì phải nói cho thơ Đặng Tường Vy, xin giành lại sự cảm nhận cho quý vị. Tôi tin rằng dù ở bất cứ nơi đâu, Đặng Tường Vy cũng vẫn là Đặng Thị Lụa, bản lĩnh trong cuộc sống, đời chưa đẹp vẫn nhìn đời để phát hiện, để trải nghiệm, bằng trái tim nhân hậu mà làm thơ, mà bạn bè, để phiêu bồng trên ngọn cỏ ngày xưa, mà chiết xuất thành những nỗi buồn trong veo. Tôi tin chị sẽ thành công!


XUÂN TRƯỜNG

Đặng Tường Vy

Bán thêm mùa nhớ - Chải mượt từ tâm - Còn lời trăm năm - Đàn bà xếp chữ - Dòng sông kỷ niệm - Em của ngày hôm nay - Giấc mơ đàn bà - Khói hôn mê - Em đi rồi biển bồi hồi đan sóng - Lạc nhịp quê hương - Nụ hôn ký gửi - Phổi có còn xanh - Tiếng Thạch Sùng - Vãng sanh Tịnh dộ - Vén trời Paris

BÁN THÊM MÙA NHỚ

Chiều nay vắt cạn túi sầu
Sông sâu mấy khúc nhịp cầu mấy gang
Cuối mùa bến đợi xanh giàn
Nhân gian dẫu biết tuổi vàng lá rơi
Anh đừng là áng mây trời
Bước chân rong ruổi nụ đời héo khô
Ước anh mặt nước sông hồ
Em bồng bềnh giấc cõi bờ vô ngôn
Môi này còn đó nụ hôn
Bờ Tây chiếc bóng sóng cồn cào dâng
Mùa sang nỗi nhớ rất gần
Ngậm sương cỏ lá nhớ lần có nhau
Hẹn anh mùa trước mùa sau
Hẹn thêm mùa nữa bạc màu ái ân
Mang thơ xếp chữ ân cần
Bán thêm mùa nhớ cho lần yêu anh
Mỗi mùa chim én lượn quanh
Nụ hôn chín rụng lòng canh cánh chờ
Bao giờ mây ngủ cuối bờ
Ta thêm lần nữa tình cờ nói yêu
Đan tay cột nhớ vào chiều
Tuyệt cùng ý vỡ trời yêu dậy bừng
Trà ngon phải biết thưởng dùng
Tình thơm phải biết thổi lừng ngọn rơm.


CHẢI MƯỢT TỪ TÂM

Chải lòng cho mượt từ tâm
Gỡ từng tết bím đợi rằm sáng trăng
Lòng tôi dặn với tôi rằng
Chẳng gì giữ lại ngoài cân nghiệp đời
Tôi về gói lại mơ tôi
Núi ngàn năm cõng mây chơi đã đành
Tôi ngồi khâu rách đan lành
Bóng tôi còn đó bích xanh chưa mài
Non chiều già bóng chim bay
Từng xưa ngày tát cạn ngày quay lưng
Gió ru giấc lỡ giấc chừng
Líu riu líu ríu bóng trùng trùng xa
Niệm tròn khi ý nở hoa
Lộng khung con chữ rất xa muộn phiền
Nêm lành vị ngọt an nhiên
Trái từ tâm chín bãi yên bình chờ.


CÒN LỜI TRĂM NĂM

Giật mình tôi lạc bóng tôi
Kéo chăn che kín nỗi chơi vơi tràn
Ghé tai dỗi gió mây ngàn
Chuyến tàu định mệnh rẽ làn sóng đôi
Tường rêu trách kẻ đầu môi
Ngày xưa cỏ mặn hứa rồi lại quên
Lạc lòng, lạc cánh chim Quyên
Về phương trời lạ nhớ quên bãi bồi
Đêm nay gió thổi lưng đồi
Hỏi chăng cỏ rồi còn lời trăm năm?
18.01.201 

ĐÀN BÀ XẾP CHỮ

Đêm đêm mang chữ ra phơi 
Giấc buồn không ngủ à ơi giấc buồn 
Đàn bà dặm mỏi mười phương 
Tàn thu gió lạnh hứng sương làm quà 

Đêm đêm mang chữ kết hoa 
Đàn bà yêu chữ khói lòa xòa buông 
Nhạt môi bởi mảnh tình suông
Nhạt lòng bởi khúc nghê thường mờ phiên 

Lá sương tan hợp bởi duyên 
Em anh tan hợp bởi tiền định chăng 
Úa chiều buồn xuýt xoa giăng 
Bèo trôi con nước anh đằng đẳng xa 

Đàn bà xếp chữ nở hoa 
Đàn bà đưa tiễn mùa qua cạn mùa 
Đàn bà đi sớm về trưa 
Đàn bà phơi chữ gió đưa đàn bà

Dịu dàng cơn rét mùa qua 
Dịu dàng con chữ úa ta dịu dàng 
Đêm đêm phơi chữ thẳng hàng
Đàn bà xếp chữ dịu dàng đêm đêm. 


DÒNG SÔNG KỈ NIỆM 

Noisy le grand lặng 
Mây bảng lảng, gió rít từng cơn 
Căn phòng lặng 
Em lặng 
Mở khoá trái tim, lật tìm chiếc bóng yêu thương 
Chúng dậy sóng cựa mình  
Thổn thức 
Trời Noisy le grand bình yên 
Bồ câu tắm nắng 
Em tắm dòng sông kỉ niệm 
Ngụp lặn
Nhớ... cõng nhớ! 
Đêm Sài Gòn vội vã, quên ánh nhìn trìu mến, 
quên lời chào từ biệt 
Nụ hôn đành ký gởi đợi mùa thanh lý
Hẹn ngày về... bội thu! 

EM CỦA NGÀY HÔM NAY

Em của ngày hôm qua
Là bài thơ viết vội
Lửa đời ngun ngút khói
Gió cuộn về khơi xa
Em của ngày hôm qua
Nét chì lem trang vở
Tuột chân con bến lỡ
Cầm cố hết niềm tin
Em của ngày tái sinh
Ngát hương mùa trái chín
Tiếng chim đùa khua tĩnh
Nét cười điểm bình minh
 
Em là của gia đình
Bình yên bên khung cửa
Tình yêu trong bếp lửa
Vị đời chan chứa chan
Em đếm từng bậc thang
Em ngoái đầu nhìn lại
Không gì là mãi mãi
Chuyện tình như luống khoai
Em của ngày hôm nay
Bình yên như nắng trải
Em không tình quảng đại
Đủ ấm, sưởi bàn tay.

 GIẤC MƠ ĐÀN BÀ 

Đêm phản bóng quay lưng 
Người đàn bà úp mặt 
Tức tưởi  
Lật gói hành trang cuộc đời 
Tơ giăng chi chít 
Người đàn bà chưa lần lướt sóng  
Cô độc cháy xém tâm hồn 
bừng lên ngọn lửa khát khao
Lá xanh cành nhớ 
Ủ lòng đêm, loay hoay tìm nhặt bóng 
Chiếc bóng biệt tăm 
Người đàn bà mất phương hướng 
Cùng kiệt 
Khát điều ước 
Khát bờ vai 
Tựa lòng đêm dệt giấc mơ... đàn bà. 

KHÓI HÔN MÊ 

Có những ước mơ không bung khỏi lồng ngực 
Âm ỉ... âm ỉ... 
Khói hôn mê, than hồng chín lựng  
Mùa lật, gió úp ngược những ước mơ lưng lững 
Về phía nỗi nhớ không gọi tên 
Nhịp thở mồ côi
Trời đất mồ côi  
Thuyền chưa kịp ra khơi, sóng siết ghì ôm lấy   
Chìm sâu gót biển 
Đuối tâm bão đời 
Ngạt! 
Từng dấu chấm lửng nắm tay bão bùng thanh lý niềm tin 
Sóng chứng khoán cuộc đời nhảy parabol
Ngạo nghễ, cuồng điên  
Ta cắt hợp đồng bằng cách bẻ sóng 
Giá trị về không 
Sóng hận tình ruồng rẫy... bỏ đi 
Biển lặng 
Niềm tin được nấu chín 
Ta cúi mình yêu mắt bình minh phơi đáy sóng.
Rét, chiếc lá buông mình từ giã đời nhau
 
Điệu bolero buồn thay lời muốn nói với thời gian
Cây nghiêng phố, gió nghiêng lòng, em nghiêng tình con gái
 
Thực hư, thành bại, em tù mù trong vòng xoáy vực sâu
Bóng anh khuất, bóng thời gian khuất, em vội vã nắm chặt tay
Quá khứ trôi, bước chân anh lăn dài trên thềm kí ức.

Em đi rồi, biển bồi hồi đan sóng

Biển vẫn sâu, tình vẫn xanh, lòng em muối mặn
Tự bao giờ em đóng khung ngăn nhịp tình trước biển
Em bước ra khỏi đời anh, rời xa biển, quay lưng với sóng
Biển thinh lặng đến bạc đầu chờ vết hằn in trên cát trắng
Em về với phố ôm phận đàn bà bong bóng đầy tay.

Thế giới đâu ngờ một ngày mê sảng

Hoa xuân dậy thì bừng bừng góc phố, xuân gọi phố
Xuân gọi mùa trên nóc nhà châu Âu, xuân quặn đau

Mùa xuân năm Canh Tý, một mùa xuân khắc dạ ghi lòng
Mùa của sự lo âu, mùa dịch bệnh, mùa tang tóc, mong manh
Anh về đâu? Em về đâu? Khi con chim sắt nói lời từ giã.  

Dừng chân quán trọ, em gặp mình, mình ơi!

Đời xanh màu đốm lửa em không bước lẻ loi
Bên kia là nỗi nhớ, hoa cỏ may, nối nhịp chờ
Mình đi có nhớ, khói vời em vợi, gói nỗi buồn lên men
Mây quán trọ bóng gió lùa em lạnh, men tìm men, em say
Gió chiều qua tay, mình ơi, cỏ ngọn ướt mùa xa nhau.


LẠC NHỊP QUÊ HƯƠNG 

Chân bước ra khỏi bản đồ hình chữ S 
Nơi cách xa nửa vòng trái đất
Ngôn ngữ lạc 
Phong tục tập quán lạc 
Ánh nhìn lạc 
Cánh chim phương nam lạc 
Hơi thở bay ra ngoài Tổ quốc 
Sương rơi tuyết tụ, cây trơ lá trụi
Mắt trời lim dim ngủ 
Vạt nắng trốn tìm chơi trò cút bắt với thời gian 
Cánh chim phương nam mỏi
Trái tim đập lạc nhịp quê hương
Khát tình quyến thuộc 
Khát hương quê nhà 
Khát chùm khế ngọt 
Lật tìm hơi ấm quê nhà từ phương trời lạ
Tay bắt mặt mừng 
Thơ lồng trong thơ 
Nhặt hơi ấm bàn tay khi hơi thở bay ngoài vòng Tổ quốc 
Nhớ da diết nhớ 
Cũ, mới... đan xen
Khắc mảnh hồn quê hương qua vần thơ viết vội. 

NỤ HÔN KÝ GỬI

Đắm chìm vào cõi tôi - nghe ngôn ngữ của chính mình lên 
tiếng 
Vai diễn chạm đỉnh Himalaya 
Tình đời nghi ngút khói, 
đón mặt trời mọc từ hướng tây
Để rồi:
Sự trung thực, thật thà, thẳng thắn lại trở thành chiếc gai nhọnSự dối trá trở mình lên ngôi"
 Đấy là sự thật, dù sự thật khiến tim ta nhói đau giữa đời   sống lọc lừa này. Chuyên mục "Trang thơ Chủ nhật Hương Quê Nhà" tuần này xin 
gửi đến quý vị chùm thơ Nụ Hôn ký gửi của nhà thơ Đặng Tường Vy!


PHỔI CÓ CÒN XANH

Phổi Thế Giới còn xanh
Hay nhịp tàn đang trút
Quạ thắng thế chuyền quanh
Phố trườn mình cắn bút
Đợi chân người hối hả
Đợi bước quen ngày qua
Ông mặt trời tất tả
Nụ đời còn kiêu sa
Rêu phủ xanh con phố
Câm lặng xót đời nhau
Con sâu quên làm tổ
Cái kén hẹn mùa sau
Ai làm đau viên sỏi
Nằm rên nhịp chiều trôi
Giun dế cung đàn trỗi
Hát thương đời nằm nôi
Người bất di bất dịch
Ẩn mình chờ ngày qua
Lời Vanga cũ rích
Thấm vào sớ thịt da
Phổi còn xanh màu lá
Người còn mạng bước xa
Thiên mệnh dường như đã
Có từ thời Vanga.

TIẾNG THẠCH SÙNG

Thạch sùng treo ngược cuộc đời trên tấm vách
Mắt lim dim vờ khép
Tiếc thời gian chật
Tiếc lòng người chật
Tiếc ánh nhìn chật
Thạch sùng đêm đêm tắc lưỡi với đời
Ngẫm chữ vô thường
Triệu người biết, vạn người đọc, trăm người nghe
Hỏi:
Mấy người hiểu


 VÃNG SANH TỊNH ĐỘ

Con thuyền Bát Nhã nơi đâu
Đưa Ba tôi khỏi biển sầu nhân gian
Tôi chưa thắp được nén nhang
Tiễn người về cõi địa đàng xa xôi
Khói lòng nghi ngút trong tôi
Bẻ đôi hạnh ngộ mồ côi câu chào
Lênh đênh trên ngọn ba đào
Đêm nằm nghe sóng thét gào biệt ly
Phương xa con tiễn Ba đi
Bằng câu lục bát Tường Vy ngọt ngào
Én con bay liệng cánh chao
Quê nhà phủ trắng một màu khăn tang
Ba đi thong thả nhẹ nhàng
Đứa con gái nhỏ nuốt hàng lệ rơi
Mong Ba nở trọn nụ cười
Vãng sanh tịnh độ nghiệp dời chướng tiêu.

 (Ngày di quan - tiễn Ba từ phương xa)


 VÉN TRỜI PARIS

 Gió lộng trời Paris níu gót chân Sài Gòn riu ríu 
Một bản photocopy mờ nhạt
Bản chính, bản phụ sản sinh ra một loại vi khuẩn không thuốc đặc trị
Kẹt xe
Ách tắc giao thông
Đi sâu lòng mạch Paris nghe trái tim Sài Gòn ngạt
Một mê cung tráng lệ
Một ẩn số cho người Sài Gòn chân ướt
Một ma trận cho người Sài Gòn chân ráo
Gió lạc... ta lạc!  
Tay run rẩy vén trời Paris
Ta lặng, quá nhiều ẩn số 
Đất nước chưa có đáp án
Nền giáo dục
An sinh xã hội
Y tế 
Kinh tế thương mại
Nhiều dấu hỏi chờ hiền tài của Đất nước giải đáp
Ta hi vọng, ta chờ, ta đợi
Một ngày không xa, nắng Sài Gòn mượt mềm thời nhung lụa.



MDTTA 17

  Pháp đệ 68 xuân thu Hôm nay Kỷ niệm Pháp đệ 68 xuân thu, Đã đi qua 2/3 đời người Như lão ngựa vượt dặm trường gian khó Qua cõi người s...