Sunday, May 30, 2021

Khánh Trường

 

NHỚ NGÀY MẤT CỦA NGUYỄN TẤT NHIÊN, 3/8/1992

nhà văn Khanh Truong


Người ta tìm thấy Nguyễn Tất Nhiên chết trong xe hơi, ở khuôn viên một ngôi chùa thuộc thành phố Westminster, Nam California, USA. Bên cạnh xác Nhiên là một ống thuốc ngủ rỗng ruột. Nhiên đã tự kết liễu đời mình, một cuộc đời đầy ắp khổ đau.
Nhiên ra đi, là một mất mát cho Văn học VN, cho bạn bè thân quen.
Nhưng tôi nghĩ, với Nhiên, lại là một giải thoát.
Có nhìn thấy Nhiên những tháng ngày trước khi rời bỏ cõi trần gian này mới hiểu điều tôi vừa nói là đúng. Ban ngày, lang thang vất vưỡng mọi nơi. Ban đêm ngủ trong chiếc xe cà tàng lẽ ra đã nằm trong nghĩa địa xe hơi từ lâu. Hoặc đến nhà bạn bè xin ngủ nhờ, nếu là mùa đông, vì thời tiết bên ngoài lạnh cóng, nếu ngủ trong xe, sáng ra nhiều khả năng biến thành cây nước đá.
Nhiên bị bệnh, tôi nghĩ Nhiên bị tâm thần phân liệt, càng lúc càng nặng. Rất nhiều lần đang ngồi quán uống cà phê với anh em Nhiên bỗng đứng dậy:
“Tao phải đi”.
“Đi đâu? Cà phê chưa uống hết mà.”
“Không được, tao phải đi, bọn CIA (hoặc FBI hoặc KGB hoặc Công An…) sắp đến, nó đang tìm bắt tao”
Và thế là Nhiên vội vã rời khỏi quán, lầm lũi trên vĩa hè, mất hút.
Nhà tôi là một trong vài địa chỉ Nhiên thường ghé mỗi lần cần ngủ qua đêm. Nhiên đến rất khuya, thường, sau 1, 2 giờ sáng.
Đang ngủ, choàng thức khi nghe tiếng gõ. Tôi mở cửa, nhìn thấy Nhiên mặt mày tái mét, co ro trong bộ quần áo mỏng manh, run bần bật.
“Lạnh quá!”
“Vào đi”
Nhiên vào, bước vội đến sofa, gieo mình xuống.
Chưa đợi khí nóng của máy hit sưởi ấm, Nhiên đã lên tiếng:
“Có gì ăn không? Tao đói quá.”
Vợ tôi từ phòng ngủ ra, lên tiếng:
“Đợi một lát, có ngay.”
Bà ấy đến tủ lạnh soạn ra một ít thức ăn, hâm lại cho nóng bằng macroweve, rồi dọn lên bàn, kèm theo 2 lon bia. Xong, vào trong bê một mớ chăn gối vất trên sofa (nhà tôi chỉ có 2 phòng, một cho hai đứa nhỏ, một của vợ chồng tôi, Nhiên dĩ nhiên sẽ ngủ ở sofa như mọi lần). Không câu nệ màu mè, Nhiên vớ ngay chén đũa, xới cơm, ăn ngấu nghiến. Thường, tôi uống với Nhiên thêm vài lon bia nữa, rồi đứng lên:
“Thôi, tao đi ngủ đây. Mày cũng thế, ngủ đi.”
Trời chưa sáng hẳn, tôi ra phòng khách, nhìn thấy một mớ lon không lăn lóc dưới thảm, Nhiên bỏ đi từ lúc nào.
Bẳng đi một thời gian dài không thấy Nhiên xuất hiện. Sau đó tình cờ gặp Nhiên trong quán cà phê. Tôi hỏi:
“Sao lâu quá không ghé tao?”
Nhiên đưa tay gải gải sau ót (một cố tật, Nguyễn Hoàng Nam, em của Nhiên, cũng làm thơ và cũng có tật gải gải sau ót, như Nhiên. Mỗi lần Nam đến nhà tôi, khi cậu ấy về, vợ tôi thường hỏi tôi” Giống ông NTN quá, hắn có… điên như anh hắn không.” Tôi cười: “anh đâu biết, bữa nào hắn tới, em hỏi hắn xem.”):
“Tao không thể đến nhà mày được.”
”Tại sao?”
Nhiên trả lời, rất nghiêm trọng:
“Vì… vì… vợ mày yêu tao quá. Nếu tao đáp lại tình yêu ấy thì tao có lỗi với mày. Cho nên tao không thể đến nhà mày nữa.”
Trời ạ! Đúng là… Tôi phì cười nhìn Nhiên, cứng họng.
Ngoài ám ảnh lúc nào cũng bi CIA (hoặc… ) tìm bắt, Nhiên còn có một “nỗi niềm” khác. Đó là bát cứ người nữ nào, già trẻ, đẹp xấu không thành vấn đề, nếu nói chuyện, dù chỉ một hai câu, là đều… yêu Nhiên. (Nhân viên nữ ở tòa soạn nhật báo NV hẳn chẳng lạ gì vơi “nỗi niềm” này, của Nhiên.)
Nhưng có một điều, cho đến bây giờ, sau 24 năm ngày N mất, tôi vẫn không hiểu nổi: dù đầu óc không bình thường như thế, Nhiên vẫn làm thơ, thơ lại rất hay và rất tỉnh.
Một lần N đưa tôi một chùm thơ, 3 ngày sau N trở lại,
“Đưa lại tao bản thảo hôm trước, một vài câu tao muốn sửa.”
Sau hai ngày nữa, N đến trao cho tôi bản thảo mới, 11 bài thơ, trên 11 tờ giấy trắng, chữ viết ngay ngắn, rõ ràng, không tẩy xóa.
Cái gì khiến N tỉnh táo, sáng suốt như thế, với thơ?
Tôi không hiểu, mãi mãi không hiểu.
Mời các bạn đọc 11 Minh Khúc N trao cho tôi không lâu trước ngày tự hủy. Có lẽ đây làn những bài thơ cuối cùng.
MINH KHÚC, 89
ví dù lá đỏ đường xưa
ngoài hiên những nụ tình chưa muốn tàn
ví dù tóc gọi thời gian
ngàn mây phiêu lãng cũng cần suối sông
ví dù gối đã lìa chăn
thì chăn gối cũng bao lần với nhau
ví dù trước đã lìa sau
thì sau trước trước sau sao vẫn là
ai gieo tiếng dữ rồi ra
lược gương nhau nhé tình ta với mình!
Westminster, CA, 14.7.89
MINH KHUC 2
khi mà, dòng đã xa sông
thì trăng vẫn chiếu buồn trong tháng ngày
khi mà, chim đã xa bay
thì cây vẫn trái tình hoài trông mong
khi mà, mồ cỏ thu đông
thì xuân xanh vẫn phượng hồng hè xưa
khi mà, lạnh bếp tàn tro
me long lanh lá rừng chưa hết ngàn
đường duy tân – chợ bến thành
chân ai thả bộ còn in khoé cười
đời quên sao có ngậm ngùi
đời nhớ sao lại có người cố quên?
Westminster, CA, 19.7.89
MINH KHÚC 3
khi em cùng nắng tan trường
áo đơm hương gió lòng thơm hương chiều
có người không biết rằng yêu
phần ai quả tráp khăn điều phúc ai?
khi em mỏng mảnh hình hài
nơ nhung cho tóc đừng bay mất hồn
có người ngơ ngẩn hoàng hôn
hay hàng trụ điện suốt đường tương tư?
khi em bước nhẹ dường như
không gian mà một tờ thư tỏ tình
có người vừa tức giận mình
vừa không biết phải theo nhìn... để chi?
khi em là nắng xuân thì
là mưa trung học ước gì song đôi
có người – không phải là tôi
vì thơ tôi đẹp hơn tôi thất tình!
Westminster, CA, 22.7.89
MINH KHÚC 4
chút lòng, đáp lễ cho nhau
vết đau hạnh ngộ kiếp sau bù đền
chút tình, đáp nghĩa nhân duyên
dấu sinh ly mãi còn riêng vợ chồng
chút son thô, chắc đủ hồng
cho môi ai dễ thương còn thương thêm
em cười, không sót chút duyên
cho anh chê xấu mà quên chữ tình
em tươi, không sót chút hiền
cho anh chê nết không thèm dây dưa
thôi thì tan hợp nghìn xưa
thì thôi gió đập đò đưa mặc đò...
Santa Ana, CA, 25.7.89
MINH KHÚC 5
tay đèn ngoắc bóng phố khuya
phố khuya khuya phố chia lìa ước mơ
và, cô đơn giết mòn chờ
và, hun hút có ai ngờ vẫy theo?
cô liêu tôi đứng nghe chiều
bảo đêm khua thức bao điều tàn phai
và, mang cũ kỹ thêm vài
và, tôi đứng đợi ngày mai chút già...
Westminster, CA, 26.7.89
MINH KHÚC, 90
đường không gian – đã phân ly
đường thời gian – đã một đi không về...
những con đường mịt sương che
tôi vô định lái chuyến xe mù đời
cu tí ngủ gục đâu rồi?
băng sau, ngoái lại, bời bời nhớ con!
đường trăm năm – nát tan lòng
đường ngàn năm – hận, xin đừng trả nhau!
những con đường cuối năm nào
cho tôi tìm lại cành đào ba sinh
khi em lễ mễ với tình
thắp nhang tạ tội sinh thành con đi...
đường chung đôi – đã chia đời
đường chia đôi – vẫn hơi người quẩn quanh
chim đêm hót tiếng đau tình
đau tim tôi chở lòng thành kiếm em...
Westminster, CA, 2.1.90
MINH KHÚC 7
ơn đời tha thứ cho nhau
ơn người buông thả nhau vào nhớ quên
ơn sông kỷ niệm dòng hiền
mang mưa hiện tại kêu thềm nhà xưa:
nhà xưa có lửa hương vừa
có đau đớn đủ có chưa trọn đời
có dòng nhẫn nhục rơi rơi...
xuống môi run rẩy khóc muồi trăm năm
có chung mang một chỗ nằm
có riêng quang gánh nên đường đôi nơi!
ơn chim hót tiếng thương người
sáng nay thức dậy vườn đời thiếu nhau!
Westminster, CA, 9.1.90
MINH KHÚC 8
tình cần chăng?
một làn hương ngát đau thương
trái tim mòn mỏi trông!
tình cần chăng?
một dòng sông thuỷ chung
cùng bóng trăng nghìn trùng xa!
tình cần nhau chén khổ qua
chồng chan vợ húp thiệt thà khen ngon!
tình cần nhau cọng hành thơm
chút tiêu cho ngọt râu tôm ruột bầu!
tình đày nhau đến bao lâu
một duyên hai nợ thì âu cũng là...
tình đày nhau đến chia xa
lẽ đâu là... lẽ đâu là... qụa kêu?
Santa Ana, CA, 1.2.90
MINH KHÚC 9
đong tình đong nghĩ cho nhau
trái tim nhân loại dù sao cũng còn
đâu đây, đâu đó, bên đường...
có thêm một tấm lòng thương tấm lòng!
nợ đời, trả kiếp chưa xong
ai đem đổ biển đổ sông nợ tình...
cho nhau nhiều ít chân thành
cũng như hương lửa ba sinh hãy còn
sẻ chia khúc ruột đoạn trường
kẻo vua lê trách chàng trương phũ phàng!
nợ đời, trả chút văn chương
nợ tình, ừ, trả con đường em đi...
sông không trách nước không về
qua sao trách bậu lỗi nghì trúc mai
chỉ xin sợi vắn sợi dài
tóc mai nhắn gió thương hoài ngàn năm...
bữa qua qua bỗng đau lòng
nhớ hôm bậu hát bài đừng xa nhau...
Westminster, CA, 27.4.90
MINH KHÚC 10
đẩy nhau đến tận tàn đời
đủ chưa? đau khổ bật lời yêu thương
hiu hiu gió nhẹ nhàng, thường
bóng cây thư thả động lòng tháng năm...
xô nhau cuối tận đường hầm
gặp chưa? tia sáng từ tâm nhiệm mầu
hay là hóc hiểm thâm sâu
vẫn nuôi ích kỷ cho màu tàn phai...
dìu nhau trên những đường dài
đâu đâu cũng tiếng người thay đổi lòng
rồi sao? có thấy chi không?
con ơi, bố mẹ diễn tuồng sinh ly...
Santa Ana, CA, 21.6.90
MINH KHÚC 12
bây giờ em đã xa tôi
hay là sông núi xa đời lãng du
bây giờ đêm dã nghìn thu
hay là nhật nguyệt thôi bù đắp nhau
bây giờ tình đã chai đau
hay là cây cỏ bạc đầu tuyết sương
bây giờ ảnh đã lìa guơng
hay hoa vạn thọ trong lòng thu đông?
bây giờ chín khúc cửu long
hay sông vẫn một dòng trăng không là...
bây giờ mây của hôm qua
tiếng con qụa khản kêu ca một mình
sương hoàng hôn đẹp bình minh
nắng ban mai mới tinh trên nấm mồ
á à lệ vẫn chưa khô
a ha trời đất mơ hồ hay tôi

NGUYỄN TẤT NHIÊN

 

Saturday, May 29, 2021

Nguyễn Vy Khanh

 Nhà thơ Nguyễn Đức BạtNgàn

Ông tên thật Nguyễn Đức Cẩm, sinh năm 1948 tại Vĩnh An, Thừa Thiên và mất tại Calgary Canada ngày 27-9-2019. Trước 1975 đã xuất-bản chung với Miên Hành và Trần Huyền Thoại tập Giã Từ Ân Phúc (1970), sau đó các bản thảo đem theo tị nạn ra hải-ngoại mới xuất-bản: Từ Giã Ngày (1971;xb 1989), Giữa Triền Hạn Reo (1972, Toronto: Làng Văn &TGXB, 1988) và Bình Minh Câm (1975, xb 1985). Sau khi định cư ở Canada, ông tiếp tục làm thơ và thêm tập bút ký tự truyện Thầm Lặng Trời, Thầm Lặng Đất.

Giữa Triền Hạn Reo, một trường ca lục bát gồm 320 câu, viết năm 1972 lý do cùng thái độ sáng tác đã nói trong bài bạt ở cuối tập. Trường ca tình-yêu khai mở ở đoạn 1:

“cỏ yên tỉnh ngủ trên đồi
dưới hồn rêu mục đâm chồi kết hoa
không lời như bóng mây qua
đầy hoa bướm gọi an hòa đỉnh cây
cuối ngàn tình dụ say ngây
đành thôi nhức buốt sau này hạ phân
cùng nhau dăm ngụm tẩy trần
nhớ thuyền quyên khóc tử phần ban sơ
lưu linh tắt tiếng ai ngờ
xôn xao bãi cạn lấp bờ hồng nhan
đại hồ thổi nhịp hoài lang
sờn vai áo rách điêu tàn cõi xa
hiền ngoan đằm thắm lượt là
truyền thân hịch vọng yêu ma dại quằn …”

Và kết thúc với đoạn 7:

“đất mềm dìu dịu thiên lương
em đơm hạt phúc cúng dường trăng hoa
thượng nguồn điệp điệp hào ca
lộc non bừng nhụy mượt mà chồi xuân
tuần hoàn đốt nến thanh tân
mưa nghiêng nghiêng sợi ân cần lả lơi
hân hoan ngạo thế kiêu đời
chắp tay hư hoại dâng lời cùng đinh
từ đây tâm hướng viễn trình
cánh thiên di vạn dặm tình tiêu sơ
qua thân thềm đá ơ hờ
qua truông với khói nhang chờ quạnh mông
từ nghi sắc giới song trùng
vườn sinh linh mọng tơ chùng nhã quan
bên bờ hạ tứ vừa sang
vầng dương em đợi cung đàn viễn âm” Huế, 10-1972
(Bản điện tử TGXB, 2015, tr. 10-11 &57-58)

Thi ca ở Nguyễn Đức BạtNgàn là tình tự với người yêu, người thân, bạn bè, và đồng thời biểu tỏ tâm thức trai thời loạn trước thực cảnh đất nước:

“bây giờ thì em trôi xa
giữa tim anh nở hàng bông trắng
trong bàn tay tìm lại lần về
trong đời anh men tình dậy trắng
         hồn thì theo đêm khuya
em thì về biển cả / giữa vườn xanh nghe nước mắt đầm đìa
những lần sau là trăm lần vội vã
         còn mốt mai em ngoài hiên tìm nhau
trên tàng lá thẫm
có anh chong theo hơi hướng quê nhà
có anh lao xao trên thời rong ruổi
         nụ hôn thì sơn khê
anh ngã ngược trên tim mình
cùng xót xa em / giăng hàng mộng ảo
anh đứng thẳng trên đời mình
cùng tình yêu em giong buồm xa ngoài / hải đảo
         bây giờ anh biệt xứ
nhưng làm sao anh tự nhận mình là kẻ / lưu đày
cũng như lần anh đi ngang da thịt em
nghe mồ hôi / rỉ buồn / trách cứ
         em có còn là tiếng chuông
trên đỉnh trán mòn theo đầu ngón tay khô
làm hình tượng tặng nhau vùng trời quá khứ
trên ngọn tóc còn vương se một ý tình hoài
anh sẽ còn gì không sau cuộc đời / lỡ dở
         ngày mai là chuyến xe
với khi anh tìm môi em thì rượu
vẫn quay quắt / như đã bao giờ
anh uống cạn và / nghe núi sông
dâng đầy / một màu / quạnh quẽ
         cám ơn em, u tối
ánh sáng có còn là vòng đai như vòng tay anh
ánh sáng có còn là bóng đêm
như sau bờ lưng em
đang kiên nhẫn kiếm tìm
còn gọi em là một đời bất phục
         cám ơn em, nồng nàn
cùng hoan lạc đầu tiên
trong máu xương chúng mình / tinh khiết
cùng mỏi mê như hoài vọng chuyền tay
         anh tình nguyện làm tên giữ ngọn hải đăng
giữa biển đời lệ ứa
em hãy tự tay làm vòng hoa kết gió trên đầu
với băng giá đi theo
và cùng nhau như riêng phần / lần lữa
         cám ơn em, tù đày
hãy trở về cùng anh như những lần đi xa / thuở trước
bởi vì trong tim anh luôn là một kẻ dại khờ
bởi vì trong máu anh / đã là tinh anh
trút dần / cho kẻ khác
         xin hãy chào bóng anh cùng anh
xin hãy rời xa nhau giữa giờ hoan lạc
một đứa con là một chuyện buồn
em đã đến hợp tình / như sợi khói bay theo
một / đời / sống / khác”

1971 (Từ Những Tấc Lòng Cũ)

“Cám ơn em, tù đày”, người tình hay tha nhân đồng nghĩa như nhau, mà dù biết vậy mà kẻ lụy tình vẫn mong kinh qua chốn đày ải con tim!

“lúc ngái ngủ nắng vỡ bờ lên mặt
tự trấn an như nước chảy theo triền
nơi quán chợ có tình em đem bán
đừng hỏi rằng làm sao anh vui
nghe lấp ló hình hài vừa tượng hình
rồi cũng như tao
mày sẽ ăn / sẽ ngủ / sẽ thở
rồi mày thù hằn như đêm
mày căm hờn như tối
bước chân lạ trong khu vườn thánh
thật vàng son như đồng đen
và mặn nồng hơn bão tố
ta ngửa mặt tặng người
ta ngửa mặt tặng đời
tặng em chuyến tàu khởi hành chín giờ mai
hẹn em bên kia đèo năm ngoái
trời có khuya như em tự tình
trời có xưa như em kể lể / một vì sao
động nhật nguyệt đã rơi vào bụng
chuột bỏ cống theo người trú ẩn
trên hầm rác hôm qua / có ta vừa khai tử
nhụy tình em cho gió bụi đời
thuở thủ thỉ đã chờn vờn cánh hạc
thuở hẹn hò còn ngời lại trong cây
thuở với nhau cầm tay thật ấm
thuở khánh kiệt như sáng mười đồng
thuở ấu thơ ta cho em cục đường
thì sá gì một vì sao đã rụng
thì sá gì cả chòm sao / đã rụng
nửa đêm hết lửa tau tìm mày
tìm mày trong túi áo
tìm mày trong túi quần
tìm mày trong đồ lót
tìm mày trên đỉnh mùng / cũng vô vọng
tại sao mày bỏ đi / không cho tao biết trước
có con đường sắt dẫn tàu xuống biển
anh bước lên làm hành khách một mình
em ẩn mặt đâu đây nghe mặn
có tìm theo tiếng hát mù lòa
tiếng hát nửa chừng đã thành định hệ
khi sóng vỗ mạn thuyền báo hiệu
đã ngút ngàn ngày tháng đem theo
trong thân ta có muối
và ngăn chia hồn sâu mọt gia tài
đã gió cuốn thời em u tối
đã hút mình theo cánh chim bay
em hãy vui ôm tình đóng cửa
làm hành trang cho ý đại hùng
làm ân phúc cho bọt réo trong lòng
anh hoang phí nhìn hoài có thấy”

(Hành Trang Cho Sao Đại Hùng, Trích từ Thơ Tự Do Miền Nam, TẤQ, 2008, tr. 350-352).

Nhà thơ trừu tượng hóa chiến-tranh như sự thể không chối bỏ được, như kiếp người Việt-Nam hôm nay:

11- khi bầy chim kia bay về đầy trời trắc ẩn
là vạn hồn oan trải lá hoang đường
có ta lũi sâu trong chiến hào / buổi giao tranh
tặng người / sự sống
em giữ nỗi lòng mình để làm vốn liếng mai sau
có thấy gì không trong đêm trăng mờ / đã khuyết
còn mơ gì không trong bóng tối mịt mùng
người thợ đóng hòm cuối đời mỏi mệt
tính nhẫm trên tay từng / mỗi một / quan tài
ta còn nước mắt tặng thời đọa kiếp
em còn không em yêu dấu nồng nàn
mai cũng hết trong thân người
mai cũng đành như em giọt lửa
ta hiện hình đầy râu tóc
ta mỏi mê ta / ta yêu em
như bạo động / kẻ thù
ta hôn em như giờ / khai hỏa

17 – em ngồi trơ vơ kết sợi tình hoài
như kiếp tằm trải hồn lên mặt lụa
ta đứng bên này giữa mảnh vườn âm u
em làm sao khai phá
những ưu tư làm ruột thắt lưng còng
em hiện hình trái phá / bắn ra ngoài đại dương
anh hóa thân tiếng nổ / nhuộm phai hàng tà dương
em có hẹn cùng đôi vồng lá cỏ
sáng mai nay sương phủ ướt mặt người
bên nớ bên này chừ xa vạn dặm
em ngồi không chờ đợi trong mình
(ta là ai trở về từ đêm khuya khoắt / ta là ai ra đi)
thân xác nhiễu nhương
trong bóng tối giữa ngày đầy mặt trời
giữa thân oan ngậm vành thân ái
em đứng trong đời / gõ hai bàn tay
từng âm vang em xanh mù mưa nắng
em thở hương mùa / bông cau / đầy thân ta
như chuyến tàu giữa biển theo hải đăng em phụ tình
như thuở ta thì thầm yêu em
như thuở ta vẽ vời
nỗi niềm gửi gió ngại ngần
giữa thân biển hồn trở về đại lục
hơi thở em đã mùa đông
hương phấn bay bay hàng song trắng
cho em vành khăn tang tự cuộc đời mình
như đầu tiên ta mĩm miệng cười làm dấu
em làm sao soi được mặt mình
khi ánh sáng đã đè ngang thân bóng
em làm sao thấy được nỗi lạ lùng
trong tim mình / với máu người / trú ẩn”
 – 1972
(Thuở Hẹn Người. Trích từ Thơ Tự Do Miền Nam, sđd, tr. 352-353).

Nhịp thơ Nguyễn Đức BạtNgàn thiết tha, kể lể, lời thơ trau chuốt, cẩn trọng với nhắc nhở và kỷ niệm nhưng đầy bất ngờ của thơ Tự do cộng với tâm thức muốn và chấp nhận sống cái hôm nay trong cõi nhân sinh đa đoan đầy mưu chước, bất ngờ!

Nguyễn Vy Khanh

[Nguyễn Vy Khanh. Văn Học Miền Nam 1954-1975. Quyển Hạ: Tác-giả]

 

Cuongtruc Lam

 
CỠI TRÂU THỜI NIÊN THIẾU
Trần Mạnh Hảo
Đêm mơ được cưỡi trâu về tuổi nhỏ
Con đường làng mê mẩn cỏ đời tôi
Nghe gió gặm vạt sương chiều nghé ọ
Tuổi thiếu niên theo chú Cuội lên trời
Mặt trăng ấy có còn trâu gặm cỏ?
Mục đồng mây nghe sáo gió thay mùa
Ai mơ phất cờ lau thành lịch sử
Cưỡi trâu về con trẻ hóa thành vua
Mặt trời cũ trên lưng trâu nhún nhảy
Ngoan nhé trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ruộng kéo cày nuôi hết thảy
Trăng hóa liềm tôi cắt cỏ heo may
Tôi đã lấy lưng trâu làm chiếc ghế
Học vỡ lòng với sáo sậu chân quê
Tuổi thơ hóa thiên đường trâu biết thế
Nghểnh trâu cười làm nắng cũng ngô nghê
Tôi đã đánh trâu lồng như ngựa vậy
Buổi cha cày, ngủ muộn, toát mồ hôi
Roi nỡ quất mình trâu hằn đỏ tấy
Hình như trâu cũng biết khóc như người?
Nghé tơ gọi may ra về bé dại
Xin mục đồng trở lại sáo thiên thai
Mùa xuân được cưỡi trâu về đồng bãi
Tìm lại hồn tôi trong cỏ rả dông dài...
 
CHÙM THƠ ĐƯỜNG LUẬT MỪNG XUÂN TÂN SỬU
 
VỊNH TRÂU
Ồ! Chú trâu sang thật lớn ù...
Ung dung đủng đỉnh vẹt sương mù
Cặp sừng cong vút như vành nguyệt
Đôi mắt ngoan hiền tựa lá thu
Không ngại nắng mưa vì cốt dũng
Chẳng màng hậu bạc bởi lòng tu
Đêm khuya nào ngủ nằm nhai lại
Nghiền ngẫm sự đời ai hát ru…
 
CẢM XUÂN
Ngày qua tháng lại cứ đong đưa
Có phải xuân về ai nấy ưa?
Năm mới bày ra không những mới
Lời xưa ôn lại chẳng hề xưa
Càn khôn cửa mở lò sanh tử
Thuận nghịch duyên cười chuyện nắng mưa
Quẩy túi xem người vui trẩy hội
Về chùa giăng võng giấc say sưa
 
TRẦN CẢNH
Cảnh đẹp trần gian quả diệu kỳ
Núi sông biêng biếc biển lâm ly
Lung linh nắng điểm long lanh mắt
Lất phất mưa buồn ủ rủ mi
Xuân gọi đông tàn cây đổi sắc
Hạ chờ thu lại lá thay y
Mỗi mùa mỗi vẻ bao chan chứa
Ai đến đây rồi chẳng muốn đi
 
CẢM ĐỜI
Trần thế ai qua có tái tê
Đêm mơ ngày gặp quá đê mê
Sáng đông nắng rọi như vàng đến
Trưa hạ mưa bay tợ lộc về
May ngủ trên hè người quẳng chiếu
Lỡ say giữa phố kẻ đưa lề
Dặn lòng vui sống cho tròn đạo
Bởi nghĩa tình đời đẹp chẳng chê…
 
VỊNH MAI
Mai đến trần gian đã mấy rồi
Qua bao tục lụy để lên ngôi
Đêm đông gió lạnh luồn cây cắt
Trưa hạ nắng hầm hắt lá sôi
Khuya ngủ sương buông tình thắm thiết
Sáng nghe chim hót dạ bồi hồi
Đợi xuân về diện y vàng rực
Mộng đẹp trao người lả tả thôi…
 
TẾT NGHÈO
Lòng chạnh nghe con hỏi Tết chưa?
Cái nghèo đeo đẳng có ai ưa!
Thân cò lầm lũi trong sương sớm
Quang gánh liêu xiêu giữa phố trưa
Trời chẳng xót thương còn rét buốt
Đất không nâng đỡ để dây dưa
Đêm đông gió thốc lay nhà trọ
Lây lất nợ đòi đâu lấy đưa?

Tuệ Sỹ 5: Lục Bát thơ Hoài Khanh - Thơ tứ tuyệt

 Lục Bát, thơ Hoài Khanh
 
Một thời xa xưa, đã qua rồi; tuổi thơ được nuôi lớn bằng lời ru của Mẹ. Những buổi trưa nhiệt đới, mặt trời nóng chảy, hoang vắng như tàn bạo, song đẹp một cách huyền ảo ngây người bởi giọng ru tha thiết theo nhịp tiếng võng đưa, quyện theo âm điệu bất chợt vang vọng xa vời.

Tuổi ấu thơ ấy, những ngày đầu tiên mới mở mắt chào đời ấy, không ai còn nhớ. Lớn lên một chút, tôi biết lắng nghe cô bé hàng xóm ru em, để mường tượng lời Mẹ ru khi mình còn tấm bé. Bé cũng bằng tuổi tôi thôi; còn bé lắm, chưa ẳm nổi em mười mấy tháng. Cô bé đưa võng em, những lời ru liên miên bất tận, không biết từ đâu, mà cô hát lên theo cảm hứng ngẫu nhiên, theo vần điệu tự nhiên. Cô bé không được đi học, không biết chữ. Thơ là hơi thở của Mẹ ru, đã thấm vào da thịt, thấm sâu vào tim. Vần điệu theo lời ru, như con gió qua đồng lúa chín rì rào, không vì sao, không vì ai. Sự sống được nuôi dưỡng, được lớn lên trong những chuyển động hồn nhiên như vậy.

Lời Mẹ ru, khi ta còn quá bé bỏng để nghe và nhớ. Cơ hồ như hoài niệm mông lung về một quá khứ huyền thoại hoang sơ, vừa thoáng qua trong khoảnh khắc mà thôi.  Một cái gì đó vô tình, hồn nhiên và tinh khiết, vẽ lên những ảnh tượng mơ hồ, không hình thù, không tên gọi, chập chờn theo nhịp sáu-tám, như à ơi theo tiếng võng đưa. Nó chập chờn trong tôi suốt cả một đời, thăng trầm theo sông nước.

Lớn lên theo năm tháng, như dòng suối trôi qua bến bờ hoang vu, tĩnh lặng, rồi bất chợt đổ xuống ghềnh thác, gào thét và bắn tung bụi nước, qua làng mạc, qua phố thị, ngập tràn khói lửa. Từ đó, trong giấc mơ, nghe lời Mẹ ru rơi trong tiếng khóc nghẹn ngào của chinh phụ. Một thế kỷ đảo điên, điệu lục bát bỗng nghe trong cung bậc lạc loài. Lời thơ thay đổi; điệu thơ thay đổi; một thế kỷ thi ca thay đổi. Nhưng những ai từng lớn lên trong tiếng Mẹ ru, làm sao quên được những câu thơ lục bát? Tôi biết mình không thể làm được một bài thơ lục bát; mà hồn thơ đã bị đẽo gọt qua những khúc quanh phố thị. Phố thị với những khủng hoảng cơ giới. Rồi những đêm, theo dõi bóng trăng mờ, tìm về “cây đa bến cũ, con đò năm xưa”, âm hưởng lục bát của Nguyễn Du chợt đẩy tâm tư vào những bước đường phiêu lưu của lịch sử. Tình cờ, những câu thơ lục bát của Hoài Khanh chợt khuấy động. Nó ngân vang từ phương trời đồng vọng của Nguyễn Du, ngay giữa dòng lịch sử cuồn cuộn sóng, hay bên lề cuộc Lữ tồn sinh. Ấy là âm vang đồng vọng trên những bước chân:

Ngược xuôi bao kẻ đi về
Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong
Chuyện đời có có không không
Phù vân một áng bụi hồng xa xa
Cớ sao thiên hạ người ta
Vẫn chưa tròn một Quê-nhà-bao-dung?
Vẫn chưa tỉnh giấc hãi hùng?
Trong cơn-trường-mộng-vô-cùng-thời-gian
(Nhớ Nguyễn Du)

Nó hồn nhiên như lời ru của Mẹ, mà lại cay đắng như thân phận Thúy Kiều. Đó là ngữ điệu của nông dân chất phác, không văn hoa hay tráng lệ như các thể điệu cũ, mới, lại mang nặng trong nó trường thiên bi kịch lịch sử.

Lịch sử bồng bột như tấn kịch trên sân khấu ồn ào. Trong những lúc tỉnh cơn tàn mộng, ta cảm thấy mình như nghệ sĩ giữa đám khán giả cuồng nhiệt nhưng bạc tình. Để cho Thúy Kiều “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, giật mình mình lại thương mình xót xa.” Một ánh sao cô độc, mà vẫn chung thủy, chân tình muôn thuở. Song,

Chắc chi thiên hạ người ta,
Cũng thương cho một cành hoa héo tàn
(Theo Nguyễn Trãi)

Ta yêu người, sao người chối bỏ? Ta yêu đời, sao đời ruồng rẫy? Không đâu. Bóng thời gian đi qua, mấy ai không đầu bạc. Bởi vì con nước trôi xuôi cho nên bến bờ cô độc. Bởi vì thời gian hóa thân thành lịch sử, để cho mặt đất dậy lửa, và khung trời khói ám, người chơi vơi trong cuộc chiến tình-thù. Hãy chờ khi dứt cuộc chiến trong ta, khi mặt trời đổ màu xám xanh lên tử thi trên chiến địa, ta đi nhặt những ngôi sao đã tắt trong con mắt lịm của một thời, yêu và hận, sống và chết:

Một phương đã rực suối nguồn
Vai mang xiềng xích vẫn thương bạo tàn
(Cát và sông)

Ta hận người, vì bóng chiều tàn hoang dại. Ta vẫn yêu người trong hơi thở còn ấm giọng Mẹ ru. Vẫn lầm lì trên phố thị, cho hết buổi thanh xuân. Bỗng chốc, phố thị, điện đường, lâu đài, tất cả biến mất. Trong bóng tối mịt mù của ngày tận diệt, ta ngữa bàn tay, chờ đợi. Bất giác, long lanh một ánh sao rừng, như giọt sương ngưng tụ trong tinh thể tồn sinh. Ngày xưa, ta ngủ say trong lòng Mẹ, chợt thấy trên tóc Mẹ một đóa sao cài. Ngày sau, trong cuộc Lữ đi tìm tính thể tồn sinh trong tính thể hủy diệt, đâu đó mơ hồ một đóa sao cài:

Tóc em nửa đóa sao cài
Đã long lanh nỗi lạc loài sương vây

Và tôi hột cát xa mờ
Một đêm nào bỗng tình cờ sương tan
(Trong giọt sương tan)

Hai câu thơ đẹp kinh hồn. Làm sao ta có thể tĩnh lặng, âm thầm, lắng đọng, để nhìn thấy giọt sương lấp lánh trên tóc Ai? Giọt sương soi bóng ngôi sao nào đó lẻ loi, heo hút; giữa một trời sương lạnh buốt kinh người. Đấy thôi, tàn cuộc nhân sinh. Một trời sương bãng lãng. Một vì sao cô độc, lấp lánh, và long lanh như khóe mắt vương nỗi sầu thiên cổ, nỗi sầu trường mộng nhân sinh.

Rồi anh bước đi, và tôi cũng bước đi, từ giã nơi này, vô định, như hột cát xa mờ, để mà

Ngùi nghe trái đất thì thầm
Nhỏ dòng máu lệ kiếp trầm luân sâu.

Trong mỗi bài thơ, trong cả tập thơ, tôi nhặt từng hạt sương, mà chợt nghe lạnh buốt âm thầm, bởi đâu đó trong hoài niệm xa xôi, đôi mắt u huyền của một thời, một đoạn đời đã thành thiên cổ. Những hạt sương trong lòng tay chợt thoáng tan; dòng thời gian ngưng động, để đông cứng thành hạt bụi, ray rứt.

Còn gì nữa chăng?
Trong ta là núi là rừng
Là trăm tiếng hát đã dừng trên môi.

Vẫn còn ngân vang mãi đó, lời ru của Mẹ, trong vần thơ sáu-tám.
Tuệ Sỹ

       BÀI THƠ TỨ TUYỆT CỦA TUỆ SỸ 

Nhân ngày sinh của Đức Phật Thích Ca - Phật đản sinh ngày trăng tròn tháng Vesakha/ Vaisakha theo lịch Ấn Độ (ngày 15/4 theo âm lịch), tôi có vài hàng về thầy Tuệ Sỹ- Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ.

 Sơ lược về đại lễ Phật đản Vesak:

Lễ Phật đản là 1 trong 3 ngày lễ lớn của đạo Phật: gồm có lễ Vu Lan, lễ Thành đạo và lễ Phật đản.

Theo quan niệm Phật giáo, lễ Phật đản là ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chào đời tại vườn Lâm Tỳ Ni vào 15/4 âm lịch năm 624 trước Công Nguyên. Phật giáo Nam Tông và Tây Tạng còn gọi đó là ngày Tam Hiệp (kỷ niệm ngày ra đời, ngày thành đạo và ngày nhập Niết bàn của Đức Phật). Mỗi nước tổ chức kỷ niệm ngày Tam Hiệp (Vesak) vào thời gian khác nhau tùy theo quan niệm.

Một số nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản...thì thường tổ chức lễ Phật đản vào 8/4 âm lịch hàng năm. Các nước theo Phật giáo Nam Tông tổ chức vào 15/4 âm lịch hoặc 15/5 dương lịch. Tại Ấn Độ, Bangladesh, Nepal và các nước theo Phật giáo nguyên thủy, lễ Phật đản diễn ra vào ngày trăng tròn của tháng Vaisakha theo lịch Phật giáo và lịch Hindu (tháng 4 hoặc tháng 5).

Đại lễ Phật đản Vesak năm nay, Phật lịch 2565, rơi vào ngày Thứ Tư Wednesday, May 26, 2021, tức vào rằm tháng 4 âm lịch.

 

I. VÀI HÀNG VỀ THẦY TUỆ SỸ

Thầy Tuệ Sỹ là một trong những người bất khuất mà tôi kính trọng nhất trong đời. Xin được ghi ra vài lời về Thầy.

 

1. Thầy Thích Tuệ Sỹ đã từng bị nhà nước CSVN kết án tử hình về tội "Âm mưu lật độ chính quyền": Vào ngày 1- 4-1984, Thượng Tọa Tuệ Sỹ bị nhà cầm quyền Hà Nội bắt giữ cùng giáo sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát, 19 Tăng ni và sĩ quan cũ của VNCH; các ông bị kết án "âm mưu võ trang lật đổ chính quyền". Trong phiên tòa kéo dài nhiều ngày, cuối tháng 9 - 1988 Thầy bị kết án tử hình cùng giáo sư Lê Mạnh Thát.

Những lời tuyên bố của người tù lương tâm Tuệ Sỹ tại Tòa Án, cũng như khí phách kiên cường lúc trong tù là tấm gương sáng chói, niềm tự hào của Phật giáo và của dân tộc: "Lập trường của chúng tôi là lập trường của Phật giáo, là lập trường của toàn khối dân tộc".

Tháng 11 năm 1988, sau một cuộc vận động giảm án, bản án được giảm xuống còn tù chung thân. Ngày 1 tháng 9 năm 1998, ông được thả tự do từ trại Ba Sao - Nam Hà ở miền Bắc Việt Nam. Trước khi thả, nhà cầm quyền CS yêu cầu ông ký vào lá đơn xin khoan hồng để gửi lên Chủ tịch nước Trần Đức Lương. Ông trả lời: “Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi!”. Công an nói không viết đơn thì không thả, Thầy không viết và tuyệt thực. Chính quyền Cộng sản đã phải phóng thích ông sau 10 ngày tuyệt thực .[1]

 

2. Lời phát biểu gần đây của Thầy Tuệ Sỹ

"Đúng là ở trong đất nước nào thì phải tôn trọng luật pháp đó, nhưng nếu tự mình đặt ra luật pháp để dùng luật pháp đó xâm phạm tới giá trị, xâm phạm lý tuởng của người khác thì tôi không chấp nhận luật pháp đó, tôi sẵn sàng chịu chết. Tôi đã từng đứng trước bản án tử hình rồi, tôi không sợ, tôi chấp nhận nó. Đây không phải tôi thách thức, mà là vấn đề lý tưởng của mình…

NAM MÔ ĐẠI CƯỜNG TINH TẤN DŨNG MÃNH PHẬT" -

- Tụê Sỹ - (Trích bài "Định hướng tương lai với thế hệ Tăng sỹ trẻ" của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, nói với Tăng Sinh Thừa Thiên Huế)[2]

 

II. PHẠM CÔNG THIỆN VIẾT VỀ THƠ TUỆ SỸ

Trước khi vào trích đoạn bài viết của thi, triết gia Phạm Công Thiện, tôi xin dẫn ra đây lời của Phan Đạo - người bạn danh tiếng trên FB- mà cá nhân tôi cho là chính xác: " Tôi dám nói, ngay cả đại sư Thái Hư, nhà sư cải cách Phật giáo triều nhà Thanh, với bộ sách Thái Hư Bồ Tát tạng, 60 cuốn cũng không so được với thầy Tuệ Sỹ. Nếu thắc mắc phát ngôn của tôi, thì cứ tìm đọc"

Giờ mời các bạn đọc trích đoạn bài viết của Phạm Công Thiện:

[ ... Tuệ Sỹ bị CS nhốt tù từ năm 1979 cho đến năm 1981, và sau cùng từ năm 1984 cho đến năm nay, mười năm liên tục, Tuệ Sỹ vẫn bị CS nhốt tù và bị xử tử hình, rồi giảm xuống chung thân hay hai chục năm cấm cố. Lần cuối cùng tôi gặp Tuệ Sỹ thì Tuệ Sỹ mới 26 tuổi. Chiều nay, tôi giựt mình chợt nhớ rằng năm nay Tuệ Sỹ đã 50 tuổi rồi. Thế thì không còn là chú tiểu Tuệ Sỹ mà là một đại thượng tọa Thích Tuệ Sỹ! Dù trong cảnh tù ngục đói khổ trăm điều, thiền sư thiên tài Tuệ Sỹ vẫn bất khuất và hùng khí vẫn ngùn ngụt cao ngất như đỉnh Trường Sơn mà nhà thơ Tuệ Sỹ vẫn trọn đời ngưỡng vọng, yêu thương trên những con đường oanh liệt, khai mở cho Sử Tính quê hương được vượt thoát ra ngoài chế độ CS, cái chế độ hoang phế, tàn tạ mà Tuệ Sỹ gọi là "tha ma mộ địa". Chúng ta hãy lắng nghe bài thơ "Ngục Tối" của Tuệ Sỹ:

Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế
Một kiếp người ray rứt bụi tro bay
Tôi ngồi mãi giữa tha ma mộ địa
Lạnh trăng tà lụa trắng trải rừng cây
Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỉ
Quì run run hôn mãi lóng xương gầy
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã
Để hồn ta theo đốm lửa ma trơi.

Bốn câu thơ cuối đã nói hết tất ca thế giới điêu tàn của CS hiện nay:

Khuya rờn rợn gió vèo run bóng quỉ
Quì run run hôn mãi lóng xương gầy
Khóc năn nỉ sao hình hài chưa rã
Để hồn tan theo đốm lửa ma trơi

Hai câu thơ cuối cùng của bài "Ngục Tối" nói lên ý chí hực lưa đốt cháy tất cả gỗ mục của tâm thức hạ liệt:

Khi tâm tư vẫn chưa là gỗ mục
Lòng đất đen còn giọt máu xanh ngời

Bài "Trầm Mặc" đưa chúng ta đi vào sự trầm mặc ung dung, không hẳn bi quan và không hẳn lạc quan, coi cuộc đời "như quáng nắng, như giấc mộng, như thành phố giữa sa mạc: tất cả sự hiện khởi, tồn tục và biến mất đều như vậy" (như câu kệ của Long Thọ mà Tuệ Sỹ đã trích dịch trong quyển Triết Học Về Tánh Không của mình:

Anh ôm chồng sách cũ
Trầm mặc những đêm dài
Xót xa đời khách lữ
Mệnh yểu thế mà hay
(Trầm Mặc)

Tuệ Sỹ là một trong số ít đạo sĩ thi nhân với pháp khí phi thường là Trí Huệ Bát Nhã cùng với lòng Đại Bi Thơ Mộng, Tuệ Sỹ là một trong số ít thể hiện được ý nghĩa trọn vẹn của Ý thức chính trị toàn diện, ý thức hành động Bi Trí Dũng dẫn đường soi sáng Thế Mệnh của Sử tính quê hương.

California, ngày 20 tháng 6, 1994.

Phạm Công Thiện ...][3]

 

III. BÀI THƠ TỨ TUYỆT CỦA THẦY TUỆ SỸ

Sau đây là bài thơ tứ tuyệt chữ Hán "ấn tượng" của Thầy Tuệ Sỹ làm khi còn trong tù: "Cúng Dường"

"Cúng Dường" là bài thơ được Thầy Tuệ Sỹ làm trong những năm tháng giữa ngục tù CS . Bài thơ vỏn vẹn chỉ 4 câu, mang sự nhẫn nhịn chịu đựng và tâm từ bi rộng lớn nhìn thế gian đầy những tranh chấp trong hận thù, máu lệ.

1. Nguyên văn - phiên âm bài thơ

 Cúng dường

Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn

Tuệ Sỹ

Bản dịch:

Đây bát cơm tù con kính dâng
Cúng dường Đức Phật đấng Tôn Thân
Thế gian chìm đắm trong máu lửa
Lệ nhỏ không lời, lòng xót thương.

(Tuệ Sỹ Đạo Sư trang 91- Thích Nguyên Siêu dịch)

2. Phỏng dịch của nhà thơ Vân Nguyên:

Dâng chén cơm tù lên
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian tràn oán hận
Ôm chén lòng khóc thầm

3. Phỏng dịch của Nguyên Lạc:

Cúng dường

Cơm tù hẩm kính Thế Tôn
Lòng thành đảnh lễ cúng dường Tôn sư
Thế gian không dứt hận thù
Ôm bình bát lệ xuân thu không lời

***

Mong thầy Tuệ Sỹ sức khỏe và an lạc nhân ngày Phật Đản.

Nguyên Lạc

….................

Nguồn:

[1] Vài Nét Về Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ - Viên Linh

http://www.gdpt.net/tailieu/tuesy/tuesy.htm

[2] Duyên Giác Ngộ

https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=848810485322783&id=461201424083693

[3]: Trang FB thơ Tuệ Sỹ

https://www.facebook.com/Thotuesi

MDTTA 17

  Pháp đệ 68 xuân thu Hôm nay Kỷ niệm Pháp đệ 68 xuân thu, Đã đi qua 2/3 đời người Như lão ngựa vượt dặm trường gian khó Qua cõi người s...