Monday, May 30, 2022

Phạm Thiên Thư 3 và các tác giả

 
Đạo Sĩ
Phạm Thiên Thư
 
Có một người đạo sĩ,
Ẩn trên đồi hoa lau.
Túp lều cỏ trắng phau,
Mái bạc cùng nhật nguyệt.
Bên suối vàng chảy miết,
Dõi mặt mình xa xưa.
Bè bạn những bóng mưa,
Hẹn hò từng cánh gió.
Một túp lều nho nhỏ,
Trên quả đồi ban sơ.
Người đạo sĩ đi về,
Cõi trăng sao tịch mịch.
Trong tim Người bi kịch,
Hội dẫn bốn nghìn năm.
Nơi đáy mắt xa xăm,
Thả cánh diều tư lự.
Một dòng xanh ngôn ngữ,
Qua cánh rừng si mê.
Người đạo sĩ đi về,
Trên đỉnh đồi lau bạc.
Như bóng con chim hạc,
Mặt trống đồng ngân bay.
Ngôi giảng đường tụ mây,
Người thuyết cùng sỏi đá.
Cùng nhành hoa xuân hạ,
Trong nhật nguyệt vô cùng.
Bên ngọn suối mông lung,
Người thả lời vi diệu.
Sen nghìn năm vi tiếu,
Trên đỉnh đồi mãn khai…
 
Người Về
Phạm Thiên Thư
 
Tìm Người như Chúa Hoa,
Nơi đỉnh rừng ngọn nước.
Tên Người như hương ướp,
Qua nghìn đời gió bay.
Người về trong mê say,
Là mặt trời tỉnh thức.
Trong than hầm lửa vực,
Người là cơn mưa xanh.
Người là khối tinh anh,
Cả trần gian kết lại.
Người mở ra thời đại,
Hết mê lầm thiên thu.
Trong hang tối sương mù,
Người đèn vàng chỉ lối.
Trong khu rừng cằn cỗi,
Người xanh nụ cười xuân.
Người là đấng Thánh nhân,
Trong thung lũng nước mắt.
Người chỉ con đường tắt,
Dẫn về nguồn chính chân.
Thơ ca tụng hồng ân,
Mực phải là Đông hải.
Một cõi đời hoang dại,
Người dong thuyền nghiã nhân.
Chờ Người đêm Long vân,
Giữa trái tim tịch mặc.
Dòng sông thơ dằng dặc,
Đợi Người về rửa chân.
 
 
Vườn Hoa Ðạo là nơi khách trần tạm dừng bước lãng du dăm ba phút viếng thăm hoa thơm cỏ lạ cuộc đời.
Tuy mệnh danh là Vườn Hoa  Ðạo, nhưng, ở đấy, không hẳn chỉ có hương thơm giới hạnh, vi ngôn diệu pháp hay áo nghĩa kinh thư là mục đích của những hành giả mong cầu pháp tối thượng vô vi, người ta có thể bắt gặp một nụ hoa mộc mạc bên đường, phô bày hết tính chất thuần phác của thiên nhiên, cũng có thể là một ngọn cỏ phơ phất gió lùa khơi gợi ta ít nhiều hoài cảm tuổi ấu thơ thả diều đá dế, cũng có thể là một vạt nắng chiều hôm hiu hắt trên con đò chơ vơ bến vắng, cũng có thể là một sợi khói hoàng hôn lờ lững cuối trời phiêu lãng và ....nhiều , nhiều hơn nữa, nhiều lắm lắm, tất cả đều là pháp, tất cả đều là quà tặng cuộc sống quý giá, đều là những sợi tơ lòng, dù mong manh hay bền bĩ, dù óng ánh hay thô kệch, tất cả cũng đều trải qua một quá trình thành tựu gian nan. Dù bạn bước vào với bất cứ tâm cảm nào, xin cũng cứ hết lòng thưởng ngoạn, biết đâu, bạn sẽ tìm thấy cho mình một ý nghĩa nhân sinh nào đó, và như thế cũng đã không phụ lòng những kiếp tằm tơ.
 
Cát bụi thời gian, xóa sạch dấu chân xưa,
thôi phiêu lãng một thời ôm gối mộng.
Trắng dã cõi lòng, nâng niu gót hài Phật,
bạt trầm luân mấy độ ở nhân gian. 
(Khải Thiên mùa Đông 2005)
Sa lộ, Kim lộ dẫn về đâu
Sơn lộ, Pháp lộ bắt nhịp cầu
Đưa vào thế giới chân Hoa Tạng
Chấm dứt tử sinh hết muộn sầu. (HT. Thích Minh Đạt (Mùa Xuân, Tháng 02 năm 2006).)
Cát Trắng đạo tràng thanh tịnh quá
Từng hạt sương sa biến ngọc ngà
Hãy thôi mang kiếp thân cùng tử
Về đây tiếp nhận Phật trong ta.
HT. Thích Minh Đạt (Mùa Xuân, Tháng 02 năm 2006).
Cát bụi cát đá hiện hữu muôn đời hóa kiếp làm chúng sinh vô tính,
Trắng cơm trắng gạo công năng một kiếp biến dưỡng nuôi vạn loại hữu tình.
TT. Thích Phước Trí (Khóa tu mùa Đông năm nay – 2005)
Cõi Phật Cát thơm mùi hương thủy
Đường mưa Trắng mộng sắc cao sơn
TT. Thích Nguyên Hạnh (Kỷ niệm Khóa tu mùa Hạ, 2006)
Vô Tình Thuyết Pháp
Mưa rừng quét sạch vô minh
Sáng nay thức dậy thấy mình trắng phau
Đất trời cây cỏ xanh màu
Vô tình thuyết pháp nhiệm mầu chân như
Lắng trong vũ trụ bây chừ
Hòa trong nhịp thở nay xưa lối về
Diệu âm vang vọng sơn khê
Chừ nghe mặt đất trăm bề trổ hoa.
TT.Thích Nguyên Tâm (27-5-2006)
Cát nhuốm màu mây, hương sắc ba thu bừng nắng hạ,
Trắng phai bọt biển, mơ huyền một cõi rộn hương xuân.
Nhất Thanh (2006)
Bên thềm tu viện Cát Trắng
Qua mấy dốc rừng một ngày nắng nhạt,
Con về đây, thăm cây lá chùa xa,
Như phiến lá trong ngàn cây rậm lá,
Lòng cũng xanh xanh khe khẻ nhịp bồi hồi,
Sương trắng mộng bên sườn đồi lắng đọng,
Dưới triền xanh tha thiết quá rừng cây,
Và sương mưa khí trời thưa ảo diệu
Cứ đùn lên bên quãng dốc mơ màng,
Cát Trắng đó ngỏ thôn làng nhè nhẹ,
Rải bước ngập ngừng, thấp thoáng mái thảo am,
Nghe đất chạy mềm lòng trong thanh đạm,
Cánh rừng im nẻo đạo nghĩ không lời,
Như nguồn kinh nổi sóng dưới hồ trôi,
Bồng bênh qúa khói lam chiều mộng mị,
Đưa con về tận bến bờ sơ thủy,
Gặp lại chính mình sau ngày tháng phiêu linh,
Về nơi đây như gặp lại chính mình,
Xin soi mặt xuống dòng đời mới lạ,
Trong giây phút tịch nhiên hòa nhịp thở,
Dìu dặt trời thơ bàn bạc cõi yên vui,
Thung lũng xuống chập chùng lên quãng dốc,
Gậy thiền sư khua động bóng sa mù,
Gõ vào đá nở màu hoa ‘vô sở trú’,
Ôi hoa ngàn cỏ nội trổ bao dung,
Cùng lúc ấy những màu trăng vĩnh cữu,
Rải xuống lòng con, xua dạt hết ưu phiền,
Xin cúi lại khắp mười phương cảm tạ,
Một ngày dừng chân bên Cát Trắng sơ nguyên.
Mùa Hè 2006.
(Thích Nguyên Hiền-Vĩnh Minh Tự Viện)
Cuộc sống hạnh phúc thực thụ của bạn vốn không cần đến một bản ngã để hiện hữu.
- Khải Thiên, Lời từ Trái Tim Tuệ Giác
Qua thiền môn: thấy trời xanh
Kim Cang kinh tụng chân thành từng trang
Khói hương quyện, cảnh mơ màng
Hư không là chiếc y vàng quấn thân
Thiền môn xưa sạch phong trần
Kim Cang kinh khép trầm luân thoát rồi
Ta từ sanh tử về chơi
Ngồi trên chót đỉnh mỉm cười với trăng
Thân ta là giải đất bằng
Tâm ta là nước sông Hằng mênh mông
Tình ta là đóa hoa hồng
Ý ta là cả cánh đồng tâm linh
Còn đâu nữa Kim Cang kinh
Thiền Môn biến mất mà mình vô ngôn
Bình minh về ngập hoàng hôn
Kêu lên một tiếng tỉnh hồn ngàn xưa
 
Cổ Phong 
Lên đồi dựng một thảo am
Xuân thu khoác áo màu lam mây ngàn
Tiếng chuông hay tiếng suối tràn
Đã vang từ những đạo tràng xa xưa
Tâm truyền tâm pháp Phật thừa
Xe trâu một cỗ, người đưa người về.
 
Lên đồi mài đá đề thơ
Vẽ mây xanh với tư bề cỏ cây
Bụi và đất đá quanh đây
Còn nghe ngàn hạc vàng bay lưng trời
Ai khai hóa, ai tô bồi
Sáo ai nhã nhạc trên đồi cổ phong. 
* Trích Thi Phẩm “Lung Limh Hoa Tạng" của TK. Thiện Hữu và Lý Thừa Nghiệp. Sắp phát hành
 
 
Như Các Loài Hoa 
Cõi trần thế như vườn hoa tuyệt mỹ
Đủ hương thơm, đủ mùi vị cuộc đời
Viên đá nhỏ cũng thành nơi tri kỷ
Cùng chung tay vun vén cuộc trùng khơi. 
Này hoa Cúc đến mùa Thu chớm nở
Nọ hoa Mai, Tết đến mãi hạnh thông
Đoá Phong Lan, Đào trắng vẫn đượm nồng
Cùng nô nức rộn hương lòng thơm ngát. 
Nhánh Huệ trắng trinh anh thơm ngào ngạt
Dạ Lý Hương chờ sương xuống trao hương
Dẫu hoa chi cũng uống nước vô thường
Rồi khoe sắc mừng mười phương hạnh phúc. 
Xin chớ đặt hoa Mai là hoa Cúc
Đừng đổi tên Vạn Thọ biến Phong Lan
Đời đảo điên cũng bởi quá bạo tàn
Sống vọng tưởng để lầm than muôn thuở!! 
*Trích Thi Phẩm “Lung Linh Hoa Tạng" của TK. Thiện Hữu và Lý Thừa Nghiệp. Sắp phát hành.
 
Đổi Thay 
Đốt đi từng lá thư tình cũ
Lớp lớp trong tim, vạn chữ mù
Nhân nghĩa đỗi thay mùi thế sự
Hồng hoang sót lại áng mây thu!.
Lệ Hoàng 
 
Bài Thơ Hai Chữ 
Bài thơ hai chữ. Chữ gì?
Chữ thương? Chữ nhớ? Chữ lìa? Chữ tan?
Bài thơ hai chữ mơ màng
Mưa bay sương tỏa ôi làn phù vân. 
Tôi vòng tay đứng bâng khuâng
Chiều đăm chiêu nắng nghe chừng buồn tênh
Bài thơ hai chữ mông mênh
Con sông sóng vỗ tưởng ghềnh thác reo. 
Bài thơ hai chữ mai chiều
Con chim hót tiếng đìu hiu. Giật mình
Lá vàng rụng đó thưa anh
Bơ vơ thu lạc về thành phố. Ôi! 
Huệ Thu  
   
Cánh Diều Trắng 
Bỗng hiển hiện tuổi hồng
Qua cánh diều mầu trắng
Diều chở đầy gió nắng
Chở đầy tình quê hương. 
Ơi! cánh diều quê hương
Cho tôi tròn tuổi mộng
Giữa trời cao lồng lộng
Chao nghiêng nghiêng cánh diều. 
Dù chỉ có bấy nhiêu
Cánh diều và trời thẳm
Mà trời ơi! nhớ lắm
Một thời tuổi thơ đi. 
Ước mình là thi sĩ
Để thêu dệt trời cao
Với tuổi thơ ngọt ngào
Cánh diều quê - Đất Việt.
Lê Hồng Sơn

Đan Phụng 
Ai ngồi đối bóng đề thơ
Tấm lòng thiên cổ bỗng mờ mịt sương
Thiếp về bên bến sông thương
Mới hay quạnh quẽ cả trường giang xưa
Mới hay thăm thẳm hương thừa
Mới hay lòng thiếp cơn mưa chưa tàn. 
Lý Thừa Nghiệp 
 
Nhật Phương Lan 
Tào khang ơn nghĩa vợ chồng
Nên thơ nhỏ xuống dòng dòng yêu thương
Quỳnh hương nở đỏ góc vườn
Mình đang đi giữa thiên đường nào đây
Tư bề hoa sứ hoa mai
Hoa tâm dăm đóa vừa khai bên người. 
  TK. Thiện Hữu 
 
Bước Chân Siêu Thế 
Bước chân qua ngàn lối cỏ
Nghe bao điệu hát câu hò
Trở thành diệu âm đây đó
Lời vàng sáng toả Chân không. 
Bước chân đi trong cay đắng
Lắng nghe Bát nhã vọng về
Bao điều lê thê mưa nắng
Trở thành giai điệu tình quê. 
Bước chân não nề phủ kín
Tâm linh vẫn sáng dạt dào
Bước chân truyền trao thánh giáo
Ngàn đời thắm quyện vào nhau!! 
  Lý Thừa Nghiệp 
 
Chở Lá Về Rừng 
Mai ta chở lá về rừng
Chở mây về núi, chở thần về tâm
Chở tôi khẵm nặng mê lầm
Chở người về đất, chổ nằm thiên thu
Chở mưa về với sông hồ
Mười phương quốc độ chung bờ Như-Lai. 
Cuối ngày bỗng thấy trắng tay
Sau lưng là biển sương bay hàng hàng
Cỏ xanh bỗng trổ hoa vàng
Bước lên đồi thấy một càn khôn xưa
Mênh mang vàng đá nắng mưa
Đất đai vừa chở một Mùa Xuân sang. 
TK. Thiện Hữu 
 
Chén Trà Ngày Tết  
Sớm mai lòng thanh thản
Tinh sương tiết trinh tường
Ấm nước đun ngày Tết
Chén trà đượm tình thương
Thao thức vầng mây vỡ
Sầu vương nát cung đàn
Mịt mù cơn lốc dữ
Nhường bước hạt Kim Cang
Gió não phiền sớm tắt
Hư ảo cũng lụi tàn
Áng trăng vàng xuất hiện
Chân, Thiện… trải trần gian! 
 
VỌNG VÔ TÂM THỂ  
Đào hồng rụng xuống bên hiên
Trang thơ vẫn nét tâm thiền nở hoa
Nắng xuân điểm sắc Ta Bà
Giửa lòng nhân thế đậm đà tâm linh
Dấn thân vào cuộc hành trình
Bên đời gió bụi đượm tình thế nhân
Dẫu xa cách mấy cũng gần
Vọng vô chân thể tần ngần dáng xưa! 
 Trần Phù Thế 
 
Thơ Cuối Năm 
Thưa Mẹ, năm nay Tết con xa nhà
Cây mận bên hè quên nở trái
Ngày con đi muôn trùng còn ngoái lại
Bóng Mẹ hiền lãng đãng giấc chiêm bao.
 
Ngày con đi thiếu vắng một cành đào
Hoa mai nở rụng vàng trước ngõ
Mẹ mờ mắt lệ nhòa cứ ngỡ
Bóng thằng con còn lẫn khuất bên mình.
 
Thưa Mẹ, cuộc đời khổ nhất tử sinh
Con và Mẹ cách xa nửa vòng trái đất
Không sinh tử, nhưng cũng gần như mất
Nếu mai này con chưa trở lại Quê hương.
 
Mẹ tuổi già như khói như sương
Con xứ lạ từng đêm trăn trở
Mẹ thương con xin tha tội bất hiếu
Đứa con trai duy nhất của Mẹ già.
 
Tết năm nay mình Mẹ ở Quê nhà
Ngày mùng Một ai mừng tuổi Mẹ
Ai đốt nén hương trên bàn thờ Tiên tổ
Để Mẹ hiền nghe ấm buổi Xuân sang. 
 Vĩnh Hảo 
 
Trà Khuya 
Phật điện không cài cửa
Tha hồ ánh trăng loang
Sư vào xin tí lửa
Nhúm một bình trà sen. 
 
Thể Nhập 
Trăng rơi vào tách trà
Trà loang trong lòng sư
Sư lăn trên nền chùa
Ðánh một giấc phù hư. 
Thích Nử Phước Hoàn 
 
Vô Ngại 
Áo nhựt bình lam chiếc đãy nâu
Bóng dài trên đất bước về đâu?
Đủ duyên cây đã xanh xanh lá
Giòng nước xuyên qua mấy nhịp cầu.
Chiều xuống ngày qua đời ngắn lại
Lưa thưa tóc trắng điểm ngang đầu
Con thuyền năm uẩn về neo bến
Chở hạt minh châu chẳng đổi màu.
 
KHOẢNH KHẮC RONG RÊU  
Thơ ngậm cát sẽ trùng khơi tiếng hát
Mượn sạch dơ để gội mát tâm tư
Mỗi lời thơ dù thật thật, hư hư
Nghĩa trọn vẹn vẫn Chân Như Phật Tánh
Trong sa mạc nụ hoàng anh chớm nở
Cõi rong rêu phảng phất bóng chân thường
Trao em nhé tình yêu thương tuyệt diệu
Giữa đất trời vẳng tiếng Sám Vua Lương
Lòng bừng sáng, sáng như đôi mắt ngọc
Trời bao la mây gió cũng lạnh lùng
Ngần sương ấy đủ che đầy vũ trụ
Phút giây này là phút của thiên thu!
  
PHIỀN NÃO KẾT TRĂNG SAO
Nụ cười cõi thiên thu
Ngát thơm hương đồng nội
Thời gian không đến vội
Xóa sạch đời âm u.
Cánh lục bình chao chao
Ðường đời chút bạc màu
Tay hứng bao phiền não
Ðem vào kết trăng sao.
Đàn không dây thanh thót
Giọt cạn nước trong veo
Ngữ ngôn vô cùng tận
Không nửa lời thanh tao.
Ðừng khép lòng cát bụi
Chớ nản chí nghiêng chào
Gió mưa làm bạn pháp
Thêm giai điệu xôn xao.
Giây phút cũng ngàn năm
Sinh tử đã xa xăm
Tâm bỏ ngoài vạn dặm
Có gì chốn dư âm!
 
MIỀN ÐẤT LẠ
Lững lờ mây trắng đi qua
Nhịp nhàng hơi thở cũng hoà trên môi
Nụ xương rồng đã đâm chồi
Trong bùn cát bụi bồi hồi trổ hoa
Một miền đất lạ không xa
Là nơi vĩnh cữu để mà ghé chân
Sương tan đọng đã bao lần
Kết thành tượng đá để trần mình xem
Nguyên sơ tiếng khóc cũ mèm
Mà sao tuyệt tác bên triền cỏ xanh
Giữa trời én lượn vòng quanh
Hiển bày pháp tánh, tung hoành gió mưa
Hôm qua quẳng gánh thượng thừa
Ngày nay còn một chút vừa để chơi
Như Lai tạng tánh gọi mời
Đâu đâu cũng thấy rạng ngời pháp viên
 
NHỚ CÂU KINH CHIỀU
Chiều về mây xuống ong ong
Ðể ong phiêu bạt muôn ngàn cõi xưa
Dù cho dầm dãi nắng mưa
Hoa kia vẫn nở thượng thừa vẫn trao
Dù cho xuôi ngược phương nào
Câu kinh dâng Phật ngọt ngào diệu âm
Vui buồn uống cạn phù trầm
Xa xôi vẫn ngọt tình thâm vẫn ngào!

ÐÊM ÐÔNG TRONG NGUYÊN SƠ
Đêm gió lạnh tâm dung hoà đại cuộc
Mộng bình sanh vẫn tiếng nói nụ cười
Lòng từ hiện trong dung nghi ngôn hạnh
Vẳng đâu đây tiếng hát giữa trời xanh
Sương nhỏ giọt lần rơi vào thành trụ
Dòng thời gian không cứ ngụ nơi này
Tâm vắng lặng pháp hiện bày Thánh điển
Tiếng khổ đau nhường lối giọng Hoa Nghiêm
Chuông chùa dưới chợ thanh thoát dịu êm
Ðể nhắc nhở khách bơ vơ trần tục
Em ghé lại bờ sông bùn vẩn đục
Vớt nụ sen còn trong búp nguyên sơ!
 Thành tâm kính tặng Thiền Sư Đại Đức Khánh Hỷ nhân khoá tu Thiền ở Tu Viện Phật Đà, Úc Châu, tháng 06 năm 2002.
 
TRỒNG SEN
Lặng im ngắm ánh nắng chiều
Mà nghe lặng cả tịch liêu cõi lòng
Bước chân vẫn cứ tầng ngần
Ði về nơi chốn thiền phong một mình
Lượm chút cát, nhặt chút sình
Ðể trồng sen trắng nguyên sinh dâng đời
Cũng hay lời Bụt cao vời
Chúng sanh Phật tánh sáng ngời tâm hoa
Lá sen rụng hát Từ ca
Thành cây Thất Bảo chói loà Thánh Thiên!
 
GIÓ VẪN LÊN ĐƯỜNG
Từ vô thể nghe thấy đời tươi thắm
Hoa trên cành rộ nở nụ tâm không
Trong thăm thẳm sao thấy gần gũi lắm
Rực sắc vàng trực chỉ cỏi Thiền tông
Lòng dù vẫn rạt rào bao triều mến
Gió thắm sương, gió vẫn phải lên đường!
 Đê đầu cung kính, Thiện Hữu      
                                   
Cây khô trổ nụ
Quạ kêu, nắng tắt, trời chiều
Hoàng hôn dẫn đến tịch liêu cõi lòng
Tuyết hoa phủ trắng rừng phong
Cây khô trụi lá chờ mong Xuân về
Đông đi, xuân lại trở về
Cây khô trổ nụ chim về hót vang
Cành không có cánh hoa vàng
Một cây liễu rủ muôn ngàn sợi không. 
 THIỀN SƯ THÍCH KHÁNH HỶ

 CÁNH NHẠN NGÀY QUA
KÍNH TẶNG THIỀN SƯ ĐẠI ĐỨC KHÁNH HỶ 
NHÂN NHẬN THƠ ĐÁP CỦA ĐẠI ĐỨC
Tiết đông giá buốt lạnh
Ngàn hoa bổng dại khờ
Nửa đời tâm vắng lặng
Bậc thành tiếng hoang sơ
Mấy mùa bao lá rụng
Đường vẫn bụi mịt mờ
Gió xuân se ấm lại
Tay viết một vần thơ
Chim có hồi mơ mộng
Lưu dấu chốn rừng già
Ôi sao đời lồng lộng
Như cánh nhạn ngày qua!
Thiện Hữu.

KHÚC CA AN LẠC TẠI TRẦN GIAN  
Ngày tỉnh lặng, quì bên hồ tỉnh thức
Nghe dạt dào nô nức tiếng thông reo
Hoa người giao cảm trong veo niềm thanh thản
Bóng vô dư nâng vạn đóa hoa vàng
Nhẹ nhàng!
Dâu bể trái ngang bắt giàn cho ánh đạo vàng xuất hiện
Rong rêu in dấu nụ cỏ xanh nung nấu buổi đăng trình
Thông reo lách tách khắc tâm vào tiếng kệ lời kinh
Đây ngọc chảy tung mình trong nước động
Lặng sóng!
Hạnh phúc có từ hơi thở vào ra
Như nhật nguyệt có từ trờI đất
Hạnh phúc có từ tốI tâm tỉnh giấc
Như sông Tiền mang đắp cõi phù sa
Thiết tha!
Tháng 06 năm 2002
By Thiện Hữu  
 
ĐÊM TRĂNG TRUNG THU
Trung Thu em đến chùa
Ngắm trăng dung ngôn hạnh
Hân hoan tâm thạnh lạc
Toả rực nền trời xanh
 
Lữa bập bùng chiếu sáng
Đốt tan bao não phiền
Em an nhiên vui vẻ
Sống trong cảnh Thần tiên 
Tung tăng em ca hát
Lòng thanh thản nô đùa
Tâm chân như sống động
Không bợn niệm hơn thua
 
Trên tay đèn rực rở
Ánh trăng sáng nhiệm mầu
Có gì đẹp hơn thế
Tuổi thơ trong đêm thâu
 
Ta vui trong thanh vắng
Tình thân hữu thêm gần
Các em là sao sáng
Soi thấu nẻo trần gian
 
Ô trăng sáng Trung Thu
Ô ngày Rằm tháng tám
Như nhiên và lắng đọng
Dẹp tan đời lầm than
 
Trong giây phút lặng yên
Tâm em bổng tịnh thiền
Tham sân đều tan biến
Theo vọng tưởng đảo điên
 
Dòng thời gian tên bay
Trăng hạnh-đức hiển bày
Thênh thang miền đất rộng
Trăng Anh Nhi- Như Lai
 
Tâm trăng bình lặng lắng
Hiển hiện từng phút giây
Rõ ràng và trôi chảy
Hạnh phút là nơi đây
 
Cho dù đời đắng cay
Và thay đổi, đổi thay
Em vẫn nhớ đêm này
Không phai nhạt tàn phai
 
Từng niệm chớ buông lung
Ánh trăng sáng vô cùng
Tình thiêng liêng tuyệt đẹp
Chỉ một niềm vui chung!!
    
BỤI MƯA CUỘC ĐỜI  
Tâm vắng lặng nhẹ nhàng hôn chiếc lá
Lượm phân dơ làm trầm ngát ươm mình
Tâm định thiền vào tận cõi vô minh
Để thấy rõ nguyên sinh mầu nhiệm quá
Anh vững bước trên con đường sỏi đá
Bụi trần gian ôi đẹp quá em ơi
Không ngữ ngôn, không nói hết một lời
Chính bụi phấn làm gấm hoa tuyệt diệu
Mưa trút hạt vào tận miền Linh Chiếu
Vẫn ngọt ngào, vẫn tinh thể trắng phêu
Dẫu trăm năm vẫn nhắn nhủ một điều
Hạt mưa đó là Kim cang kỳ diệu!

HÔN CÕI CHÂN KHÔNG  
Bước bước lòng em cứ bước
Ra vào trong cõi thiên lao
Bước bước dòng đời xuôi ngược
Vẫn đầy như áng trăng sao.
Buổi chiều tình dâng vô thể
Long lanh trường tại tâm này
Nhánh cây phủ đầy dương thế
Ngọt ngào trào mật Tào Khê.
Em quỳ hôn lên cát bụi
Tìm xem có ánh hoa cương
Em quỳ nâng niu sỏi đá
Ôi sao dào dạt tinh tường
Em quỳ hôn lên thành trụ
Phủ đầy bóng của thiên lương!
Mười viên gạch
Đã khép lại vai trời đôi cánh
làm bằng mây buổi chiều em qua
bằng màu tối kí ức tôi
thật êm đềm trong hơi thở mỏng
Ta lao theo mũi tên ngoài vạn dặm kia
mơ hồ tiếng nấc của sóng
âm âm
Ngôi nhà có hai chiếc cốc đầy em đã về chưa
kẹt cửa run nắm tay dịu dàng
em đã về chưa
không có tiếng đáp lời, không còn ai
Không còn tiếng mộng mị trong khuya 
bầy chuột líu ríu kéo từng đàn kí ức về xây bão
nơi chúng giăng sự nghi ngờ mỗi ngày 
nghi ngờ cả sự chân thật của tôi
Em trốn mãi nơi đâu trong mùa mưa úa 
hỡi những cọng rơm dưới chân tôi đã rách bươm 
và đêm nay em mang chúng về xây tổ
hay làm đầy nhứt buốt nơi nơi…
TTO - Qua rồi bao nao nức trước thời gian của một mùa lễ hội, tháng giêng đã sắp tàn, có lẽ đây là lúc để mênh mang, hòa cùng những vần thơ hoài nhớ xôn xao của nhà thơ xứ Huế - Lâm Thị Mỹ Dạ. Và hiểu hơn, đồng cảm hơn qua góc nhìn của một người nữ khác đã rất yêu tác phẩm này.
Nhẹ nhàng và rất nhiều da diết, ấy là Tháng giêng của Lâm Thị Mỹ Dạ, một Tháng giêng “nhoẻn cười”, một tháng giêng trong bao tháng giêng đã đi qua cuộc đời thăng trầm một người phụ nữ.
Bài thơ nữ tính một cách kỳ lạ, vừa hồn nhiên lại vừa từng trải, như một đôi mắt trong veo được đặt trên khuôn mặt của người đàn bà. Khuôn mặt ghi những dấu ấn của thời gian.
Không một người phụ nữ nào không nghĩ đến thời gian, không một người phụ nữ nào không nghĩ đến tuổi xuân của mình, không nghĩ đến những gì đã qua, những gì đã mất, những gì sẽ tới khi một mùa xuân lại về. Và Tháng giêng, tháng bắt đầu của một năm, tháng giao hòa giữa sự lụi tàn và mơn mởn, như một cánh đồng mà nơi đó mỗi bước chân đi qua thửa ruộng là một quãng đời đã mất. Để rồi khi giật mình đứng lại, rồi ngoảnh lại, người ta mới thấy bao nỗi nuối tiếc xa xôi:
Biết bao giờ trở lại
Màu trong vắt của trời
Khép làn mi trinh nữ
Tháng giêng tràn lên môi…
Sự nuối tiếc ấy không đau đáu. Bởi chẳng ai đau đáu cho những gì là tất yếu, tất nhiên của cuộc đời. Nhưng có lẽ không ai đọc những câu thơ này mà không thấy một nỗi hoài niệm xôn xao và đẹp đẽ. Sự xôn xao đầy nữ tính, đầy gợi cảm… Thật ra màu trong vắt của trời thì có thể vẫn trở lại, không có buổi đẹp trời này thì có buổi đẹp trời khác, không có tháng giêng này thì có tháng giêng khác, nhưng điều quan trọng là mắt mình có còn trong để thấy những điều tươi đẹp, có còn xanh để đón nhận những gì mới mẻ của cuộc đời? Bởi vì làn mi trinh nữ chỉ có ở một thời tuổi trẻ mà thôi. Một thời tuổi trẻ, thanh xuân với những bóng dáng của tình yêu:
Bông lay ơn ai tặng
Tháng giêng giấu nơi nào
Để màu hoa lửa cháy
Chập chờn trong chiêm bao…
Chỉ một bông lay ơn thôi, nhưng người đọc đã biết có một tháng giêng đầy hạnh phúc. Chỉ một “ai” thôi đã thấy bóng dáng một tình yêu ngọt ngào. Tháng giêng ấy đã đi qua mất rồi, chỉ còn lại trong những giấc mơ đốm lửa chập chờn của một tháng giêng nào xa lắc. Để rồi hôm nay, nhìn trên những búp non, lại thấy tháng giêng đã về. Chỉ có ta, chỉ ta là đã ở “phía cội cây già”, ta đã đứng ở một nơi để mà “ngoảnh lại”, mà thương mến cho “quãng đời mình đã qua”. Chỉ ta đã sang tháng mười của cuộc đời.
Vì sao lại là tháng mười mà không phải là tháng nào khác. Có phải vì tháng mười chưa phải là nơi kết thúc, nhưng nó cũng đã chậm những nhịp đi trong hành trình của một năm? Nếu ví cuộc đời như một năm, thì hẳn tháng mười cũng là lúc người phụ nữ “toan về già” mất rồi. Nhìn lại cuộc đời mình trải nghiệm, thấy xa lăng lắc những vết dấu đầu tiên bởi những ngọn gió của tháng tiêng đã thổi thời gian vèo trôi đi lúc nào.
Chỉ biết khi đứng lại, vẫn thấy nơi xa xôi đó, một “tháng giêng nhoẻn cười”. Người đọc sẽ thấy dường như những ranh giới thời gian bị xóa nhòa, chẳng biết đâu là tháng giêng của ngày xưa, đâu là tháng giêng của ngày nay. Nhưng điều đó cũng chẳng còn gì quan trọng, bởi lẽ, nụ cười tháng giêng bao giờ cũng là nơi bắt đầu cho một năm, một khoảng đời mới mẻ…
Năm khổ thơ xinh xắn trong một bài thơ, mỗi khổ lại gói trong đó một tháng giêng, để khi ta đọc xong, mới thấy ngỡ ngàng bởi dòng thời gian chảy trôi dào dạt trong đó. Sự luân chuyển qua mỗi tháng giêng là sự luân chuyển qua những quãng đời của người phụ nữ, với những nơi kết thúc và nơi bắt đầu. Dẫu rất nhiều nuối tiếc nhưng bài thơ không đem lại nỗi buồn mà chỉ là những xuyến xao. Bởi lẽ đi đến tận cùng thì vẫn chỉ có nguyên nụ cười ấy, nụ cười tháng giêng, nụ cười thanh xuân trong tâm hồn mỗi con người…
NGUYỄN THU THỦY (Hà Nội)
 

MDTTA 17

  Pháp đệ 68 xuân thu Hôm nay Kỷ niệm Pháp đệ 68 xuân thu, Đã đi qua 2/3 đời người Như lão ngựa vượt dặm trường gian khó Qua cõi người s...