Wednesday, December 14, 2022

MĐTTA - Khánh Nhật

 
KHÁNH NHẬT THẦY 2022

Kính bạch Thầy quý kính,

Hôm nay là ngày Khánh Nhật Thầy, chúng con ở xa không về kính viếng thăm Thầy được, tâm khắc khoải hướng về Ngọa Tùng Am cung kính đảnh lễ Thầy, thầm nguyện hồng ân Chư Phật Chư Thiên gia hộ đến Thầy, nguyện mong Thầy luôn được tăng phước tăng thọ, mãi là tàn cây đại thọ tỏa ngát hương thơm và bóng mát cho Chư Tăng Ni và Phật tử chúng con quy ngưỡng hướng về. 
Kính Thầy,
 
Chúng con biết, Thầy đã an nhiên cùng sanh tử, Thầy,

“Vốn xưa là hạc là sương
Luyến lưu nào đọng mà vương dấu hài
Trời cao biển rộng sông dài
Chút thân huyễn nọ, trần ai sá nào!”
(Thơ Thầy)
 
Tuy nhiên, tâm hàng Phật tử chúng con luôn như reo vui khi được ở bên Thầy, luôn hân hoan khi nhận được những lời nhắn nhủ dạy dỗ đong đầy tình thương và lòng bi mẫn của Thầy, và có nhiều khi tất cả chúng con chợt xao lòng khi lặng vắng tin Thầy…
 
Một đại nhân duyên mà chúng con hội tụ về tại lớp học Phật Pháp Căn Bản được Thầy hướng dẫn. Một lớp học mà Thầy là bậc đại trí giảng dạy cho chúng con tinh yếu cốt lõi tu tập, là bậc đại bi dẫn dắt chúng con không đi lạc lối, Thầy còn là một người bạn kính quý mẫn tiệp cho chúng con có niềm vui tiếng cười vô tư trong trẻo mỗi lúc Người hiện diện.
 
Với sự uyên bác về kinh điển Phật học sử học, cùng với năng lực bút pháp của một nhà văn nhà thơ nhà thư pháp đại tài, gia tài pháp bảo Thầy đã để lại cho chúng con vô cùng trân quý:
 
• Cuộc đời Đức Phật, câu chuyện về các vị đại đệ tử Phật, câu chuyện về các vị Thánh Tăng, Tổ sư, Thiền sư… cho chúng con hiểu và có niềm tịnh tín nơi Phật Pháp Tăng Tam Bảo
 
• Sử học Phật Giáo Ấn Độ, Trung Quốc, Phật Giáo Nam Tông Việt Nam… cho chúng con có tri thức sâu rộng về Đạo Phật và phát sinh lòng tri ân những bậc thánh tăng, tổ sư đã giữ gìn và truyền thừa giáo pháp chân truyền.
 
• Giáo pháp Phật Học Căn Bản, Abhidhamma, Pháp thoại thiền… đã trang bị cho chúng con đầy đủ giáo pháp tinh yếu Phật học.
 
• Kho tàng văn thơ với những áng văn thơ bất hủ chuyên chở không chỉ minh triết Phật học đạo học nhân học… mà cả giá trị nghệ thuật văn thơ.
 
• Bảo tàng thư pháp của Thầy đưa người đến tầng cung bậc thưởng thức giá trị cùng tột nhất của Chân Thiện Mỹ.
 
Không chỉ dừng lại ở kinh điển giáo pháp văn thơ thư pháp… mà sự quý báu nhất là Thầy đã bằng thân chứng thực chứng một đời 50 năm hành đạo để tận tụy giảng dạy truyền trao pháp bảo cho hàng hậu học chúng con.
Con đã nhiều lần vô cùng xúc động trước hình ảnh Thầy, một đại lão thiền sư, ngồi nhẫn nại dạy học trò thiền niệm đếm hơi thở! Hình ảnh một bậc vĩ nhân thi ca của thế kỷ tận tụy dạy đệ tử luật bằng trắc! Hình ảnh một bậc cao nhân thư pháp cẩn trọng nhặt chiếc lá trúc ngoài sân để cho chúng con biết lá trúc nào cũng chỉ có 5 nhánh! Với con, không có hình ảnh nào giản dị mà cao đẹp tuyệt vời hơn thế!
 
Với lòng tận tụy thương yêu chúng sanh vô bờ, Thầy đã truyền trao cho chúng con tất cả giáo pháp tinh yếu cốt lõi của Đức Thế Tôn mà tự thân Thầy đã chứng nghiệm. Và sau tất cả những bài học tinh yếu, bài học sau cùng quan trọng nhất Thầy dạy luôn là bài học “Tự nhiên và Buông xả”.
 
“Giọt sương rơi từ lá
Nó chẳng niệm chẳng tu
Mà tự nhiên buông xả
Từ định luật thiên thu!”
(Thi Kệ Thầy)
 
“Tự nhiên và Buông xả" là hai pháp mà con yêu thích nhất trong quá trình học Phật.
 
Sống Tự nhiên - được trở về là chính mình, được như mình đang là, tự tại an nhiên thong dong trước muôn sự ngàn việc!
 
Tâm buông xả - không gì được, không gì mất, không tham ưu không dính mắc việc gì ở đời!
Cho đến một ngày, con nhận ra đây chính là hai pháp tu tập rốt ráo của Đạo Phật mà Thầy đã dạy và luôn nhắc nhở chúng con, chỉ cần “Tự nhiên - Buông xả" thì cái “Ta" và cái “của Ta" dần lặng mất!
 
Viết đến đây, chợt nhiên con nhận ra, chính từ pháp “Tự nhiên - Buông xả" này, với tự thân hành đạo nghiêm mật thông suốt, mà Thầy đã có thể từ đỉnh cao trăm trượng buông tay nhẹ vèo! Chính từ tâm “Tự nhiên - Buông xả" này mà Thầy, một đại trưởng lão Hòa Thượng tôn quý, có thể giản dị thong dong từ hòa, hồn nhiên vui đùa cùng tứ chúng!
 
Thì ra, Tâm Đại Từ-Bi-Hỷ đã tan hòa ngay trong chính Tâm Đại Xả này!
 
“Xả tâm, tịnh định tuyệt vời
Trạm nhiên, thanh thoát, nụ cười nhẹ không!”
(Thơ Thầy)
 
Ngưỡng bạch Thầy quý kính,
Ngôn ngữ thế gian không thể diễn tả hết được ân đức của Thầy dành cho hàng hậu học chúng con. Chúng con biết rằng chúng con có đại phước duyên lành mà trên con đường trở về tìm lại bản tâm, con đã gặp lại Thầy, người Thầy vô cùng kính quý của chúng con. Nhân ngày Khánh Nhật Thầy, chúng con xin cung kính đảnh lễ Thầy với lòng tri ân vô hạn, thành kính chúc Thầy phước thọ miên trường, mãi mãi là đại tùng, là tàn cây bóng cả che mát chúng con, là nơi cao cả thanh lương cho chúng con hướng về nương tựa.
Kính Thầy,
 
Thuần Như
Thay lời Phật tử Lớp Phật Học Căn Bản
 
 
NGOẠ TÙNG SƯƠNG TUYẾT
(KÍNH DÂNG THẦY NHÂN DỊP KHÁNH TUẾ LẦN THỨ 79)
 
Thầy bậc thi vương “vén chữ tìm trăng” soi sáng thực tại, thức tỉnh người say trong cô miên trường mộng.
Thầy bậc thi giác diệu dụng vô bố úy, khởi đại bi bố trận “ván cờ sinh tử”, giúp kẻ mê lầm viễn ly tham chấp, hồi đầu thị ngạn.
 
Thầy bậc thi pháp “chèo vỡ sông trăng” như thị, tự tại rong chơi miền đất thực, tiêu nhiên rũ lớp miên trường tuế nguyệt, trực thấu diện mục ngữ nguyên xưa.
Thầy bậc thi thiền, nhen “lửa lạnh non thiêng” sưởi lòng văn bút. Hoắc nhiên cảm ngộ: trời đất dung dị vô ngôn tải đạo, đá cỏ hư tâm trưởng hạnh lành.
Thầy bậc thi đạo, ươm “hoa vàng trên đỉnh non không”, nhìn tuyết hoa tung bay chiều gió lộng, thấu cảm nhân sinh kiếp người. Thương cánh thiên di trầm lao viễn mộng, thương phận bèo rong dặm ruổi ba đào, thương cùng tử miệt mài gió bụi trần sa. Tình đại hải vô cương ấy, tụ đọng lại trong câu thơ:
 
“Rong chơi ba cõi, mười phương bụi
Để thấy hư vô đạo có tình…”
 
Thầy bậc thi danh “nhi vô bất nhi”, vọng “tiếng hú trên đỉnh cô phong” buốt lạnh hư vô, xé toạc màng sương thiên cổ phủ dày trên mộc bản bối văn thư tịch, tứ từ hoa đốm nhập nhoè rơi xuống, hiện hiển lời kinh ngọc sơ nguyên như thị.
 
Ôi ! Thi ca tư tưởng, tột đỉnh lý trí là chân trời ảo mộng, tận cùng xúc cảm là hố thẳm mù sương, cái ranh giới chân thực hiện tồn mới mẻ sao khó thế. Vậy mà, “Thầy quảy gánh nguyệt bồng đi vào cõi thơ sương khói huyền vi, vô duy, vô tác”.
 
Từ “bụi trăng và lửa” đến “đá, rác và cỏ thơm”chất ngất “đạo, thiền, pháp” ngút ngàn vi diệu lô hỏa thuần thanh, trên đỉnh cuộc trăm trượng ngôn ngữ rụng vô tình, bên mé rừng hoàng hoa nở, dáng Thầy khẽ bước qua.
 
Ôi! Thi ca Lý Trần sương khói ngàn năm lạnh lẽo, trầm mặc cô liêu bên bờ uyên tư là khoảng trống mênh mông u tịch tang điền, bỗng nhiên rực sáng tiếp lửa nền thi ca đương đại, “Ngoạ Tùng đỉnh tuyết” trao trả lại đời tính thể nguyên ngôn, bị phủ trùm bởi bóng tối miên trường, kể từ đây trên bầu trời văn bút, xuất hiện một vì tinh đẩu như lời hạnh ngộ đã ngàn năm.
 
Ôi ! Hồn văn cốt chữ khinh linh siêu xuất mười phương. Tình phương bối thi lục cảo thơm ngát danh mộc hoa gương ấy, Thầy phủi nhẹ xuống ngoài cổng sài. Con lỡ mạo, tung nét mực hư linh vào tờ mây trắng, nào ngờ chữ câu ý cạn, tâm hành lai khứ, tứ từ bất lực trước tuệ nghiệp thi hạnh của Thầy, phận lau lách ven sông lại lạm bàn tinh đẩu, múa cuồng văn bút ngu ngơ thiển cận, kính mong Thầy lượng thứ.
 
Ôi! Đông tàn nguyệt tận chút lòng se sắt khơi vơi, chỉ còn dăm hôm bấy bữa nữa là khánh tuế, mà con ở tít tận trời xa, chuyến tàu chiều hối hả viễn phương có kịp về thăm Thầy, dâng lên lời phụng chúc chăng ? Cứ nghĩ lại nhớ, nhớ Thầy, nhớ đệ huynh, nhớ mái chùa xưa cũ, nhớ chén trà am trúc đêm sương quây quần bên Thầy ngày ấy, người thì dâng hoa, kẻ dâng thơ, lời thọ chúc, dẫu mộc mạc chân phương nhưng ấm tình đạo vị.
 
Bên cạnh Thầy bao mùa Xuân thu đông hạ, ngót nghét cũng mươi năm vậy mà chẳng làm nổi một câu thơ văn tạ dâng Thầy, giờ viễn khách ly hương nghĩ lại có lỗi quá, cứ ăn năn day dứt mãi không ngừng. Nhưng mà bút măng non dại, sao dám khinh suất hoạ cuộc đời đạo nghiệp cổ tòng sương tuế trên thạch đỉnh vô ưu. Con đê đầu kính ngưỡng quy bái Thầy với tâm thành tri tạ, dẫu ngôn từ khiên cưỡng vụng dại, dẫu câu tứ rạc rời tản mác cũng xin được một lần nói về “cái tâm, cái hạnh, cái tuệ” của Thầy đã phụng hiến cho đời, chút lòng mọn này xin tuế nguyệt chứng tri.
 
Huyền Không Sơn Thượng “cõi Phật giữa chốn nhân gian” nơi chiêm bái học đạo của thiện tín mười phương. Nhưng ít ai biết xưa kia là đất trống đồi trọc, chỉ có một cây duy nhất bên triền núi, gọi là “độc thụ sơn”, ven chân đồi kéo dài là khe mương trũng bùn cùng hằng trăm hố bom đạn, đất sỏi cằn khô, qua bàn tay “hữu hạnh vô tác” của Thầy đã kiến tạo nên một cõi sơ huyền sương khói hữu tình. Toàn bộ không gian bố trí mượn “từ, khí, lực” của thiên nhiên, khởi chứa “nội tĩnh nhất tâm, tàng phong tụ thuỷ” từ cụm đá, khóm cây, giậu trúc, đình tạ, thi trai văn các đều thấm đẫm hồn đạo, lặng thầm chuyển tải đức tính tự nhiên của trời đất như: vững chãi trúc Tùng xanh lá, diệu mềm lan thảo thơm hương, hạo khí nước mây trầm mặc, hoang sơ đá cỏ an nhiên, ngũ hồ Sơn Thượng ẩn mật vô ngôn “công thành danh thoái”, thất cảnh Huyền Không hàm tàng hữu đức “phúc tụ tâm buông”.
 
Lối vào Am Mây, phía trên cổng sài có treo cặp liễn đối chân mộc, xương kính đoan nghiêm, khí bút thượng thừa “long phi, phượng vũ” như nét kiếm sắc lạnh xẹt hư không
 
“Ngõ trúc sương len hồn Trí giả
Cửa không mây níu áo nhân hiền…”
 
Giữa mộng trần lãng đãng mười phương khách “vô trụ xứ”, với gã phàm tăng kiêu bạc bất kham “ngạo đời cợt thế” chỉ “bứt một sợi lông chân đổi hết cả thiên hạ cũng chẳng thèm” nhưng lại khuất phục trước lòng từ bi, trí tuệ, thân giáo Thầy. Đỉnh chiều lất phất mưa bay, một gánh phiêu bồng tự lự tháng năm, khẽ thả xuống đoạn tục kiều nghìn trượng “ trăm năm cuộc mộng qua cầu đánh rơi…” Duyên Thầy trò là thế ấy, tình sương tuyết nghĩa tháng ngày, không phô trương chẳng màu mè, đến vì tâm lành cầu đạo, đi với chí nguyện mười phương.
 
Cả đời Thầy thân giáo mô phạm “tri hành hợp nhất” nghiêm ý cẩn lời. Với tâm thượng sĩ cao tột, lòng bi mẫn vô biên, nguyện đem tấm thân tứ đại phúng hiến nhân hoàn, kể từ đó bao thiện sự thầm lặng, bấy pháp lành mênh mông được khởi tạo, nào là trạm xá, học đường, cầu cống lẫn nhu yếu xóm núi vùng sâu. Trái tim lớn chứa cả tam thiên hồ mộng, đôi vai gầy gánh hết trăm sự nhiên tư, rồi như “cánh nhạn trời không vô tích, dấu chân trên cát hư tâm” sang sông chẳng lụy đò, trả bến chiều một dòng trong lặng lẽ trôi giữa nghìn trùng lau lách vô danh
 
“Thượng kiều Bạch Yến đò chiều ai có nhớ
Thuở ấy thiền tăng gánh đạo nối đôi bờ…”
 
Thầy bậc trượng Tùng đỉnh tuyết ươm hồn nhật nguyệt vào văn bút, vén màn sương siêu huyền ảo mộng, phủi lớp bụi tầm thường dung tục bị phủ dầy sở ngã, kiến chấp phàm tình trần thế lên cuộc đời Đức Phật, dựng lại hình ảnh trung thực nhất về bậc giác ngộ đầy trí tuệ từ bi siêu việt trong tác phẩm: “Một cuộc đời, một vầng nhật nguyệt”. Thầy bậc bách thụ tuế sương khơi sáng tinh quang vào cảo lục, nhen bụi lửa bập bùng sáng tạo ngữ ngôn, thắp lệ nến hắt hiu giải mã trường thi bị trần hoá tục tình hoa mộng dưới đáy nguyệt trùng mây, tái tạo lại kiến văn sống động như thị trên cung bậc nhân gian qua nhiều tác phẩm thi danh ngọc cú như: “Đá trắng chiêm bao” khơi mạch nguồn “Chữ cháy bờ lau” trải dài giữa dòng sanh diệt luân lưu bất tận từ “Ngàn xưa hương bối” nhiên tuế “Kinh lời vàng” giữa miên trường cổ tịch đến “Người trồng hoa và chàng tu sĩ ” phát chí xuất trần bậc mãnh hổ chi vương “thắp lửa tâm linh” vọng hải triều từ bi âm xua tan bóng tối mê lầm khổ luỵ trần lao…
 
“ Thầy tợ vầng trăng nơi ngục tối
Thầy như ánh đuốc chốn hang sâu
Thầy thân bách thụ, hoài che chở
Thầy bát nhã thiền vượt bể dâu…”
 
Bên trời vong lữ sương khuya giá lạnh, nghĩ nhớ về Thầy khoé mắt đỏ cay cay, một miền kí ức xưa lại ùa về trong tâm tưởng là khung trời bình yên nơi góc núi am mây. Cứ nghĩ cả đời cạnh Thầy tu tập, chả thiết đi đâu cả, vì nơi nào “không mộng ảo, không bể dâu” vậy mà giờ làm cánh chim trời viễn xứ lao vào chí nguyện mù khơi…
 
“Đất khách tận cùng niềm quạnh vắng
Quê người sâu thẳm nỗi cô đơn…”
 
Sinh tử là niềm cô đơn cùng tận, hành trang là nỗi ngao ngán vô biên, cứ nghĩ chí nguyện là xứ mệnh ngờ đâu là đáy vọng trầm luân. Chỉ muốn làm gã sơn tăng ngày ấy, về lại nơi mái nhà xưa, ngắm vầng trăng sơ thuỷ treo đỉnh triền sơn phương…
 
“Có gã sơn tăng về núi cũ
Nhìn hoa đáy nước thấy dung nhan…”
 
Đây mới là cội nguồn thân thế, cố hương thuở nào bị lãng quên thất lạc, thôi thì “ra đi tức thị trở về”, đi để giác ngộ bài học nơi trần thế, đích đến cuối cùng là tìm lại chính mình giữa bao cuộc nhớ thương.
Đời con bạc phúc kém duyên, trăm sự dở dang chí nguyện lỡ làng, nhiều khuya thức trắng tự vấn thẹn lòng lệ tủi ngàn khơi, buồn mình vô nghĩa “tâm nhu trí bạc” cô phụ ân Thầy
 
“Khúc vô thường hát trong chiều hội ngộ
Đêm hoang vu nghe sinh tử gọi thầm
Ta muốn khóc vì thấy mình vô nghĩa
Bàn tay nào ôm trọn vẹn chúng sanh…”
 
Một chút hoài niệm về ngày xưa nơi núi vắng am mây, ngồi hong nắng sớm ngắm mưa chiều, nghe Thầy kể chuyện “thi hoa triết mộng kim cổ đông tây” dẫn mạch khơi nguồn vẹn lời nguyên thủy, đàm kinh luận sử trọn nghĩa chánh tông. Tình Thầy lớn lao vô lượng “nhất ẩm trà, vị trần sa” tay nâng một chén trà sớm thấu cảm tận nỗi niềm thế nhân
 
“Ngày núi thơm hương nhất ẩm trà
Bèn thương nhân thế vị trần sa…”
 
Ngày con xuống núi, gánh tư lương là tình Thầy theo năm tháng, là lời răng dạy mộc mạc chân phương thuở nào…
 
“Sa môn đi trên băng mỏng
Hành trang lặng lẽ cô phương…”
 
Đời tu hành như đi trên lớp băng mỏng, phải thận trọng từng bước chân. Băng vỡ là rơi đoạ. Tài, tình, danh, lợi là bốn viên hổ tướng của Ma vương, chúng thâu tóm thế gian và thao túng thế gian, phải dõng mãnh thoát ra khỏi vòng kiềm toả của chúng. Con còn trẻ, dũng khí có thừa mà đường dài sức ngựa còn lắm gian lao thử thách, ca ngợi tán thán là một trong tám ngọn gió thế gian, phải giữ tâm bất động như thạch đỉnh, dẫu tiếng đời chê dở khen hay cũng không làm chao động đôi mài trí nhân. Lời Thầy dạy con nguyện khắc cốt ghi tâm, y giáo phụng hành, tâm niệm ngàn đời “lưu thuỷ bất tranh tiên”, trong trăm trận đua cho tôi về chót, lòng dặn lòng: vô tác vô tranh…!
 
Nhân dịp khánh tuế Thầy lần thứ 79 Thầy, con kính dâng vài dòng tự sự còn dang dở về bậc “Ngoạ Tùng Sương Tuyết” mà cả đời con ngưỡng kính.
 
Đại thụ Ngoạ Tùng, điểm tuyết sương
Trăng soi đạo nghiệp, tỏa mười phương
Trường mi tuệ nhãn, thâu kinh sử
Khoái nhĩ triều âm, nhiếp luật chương
Thế ngoại ly trần, ngời diện mục
Tâm trung ẩn ngọc, rạng nhiên hương
Không môn tỉnh thượng, đàm duy giác
Cổ nguyệt sơ nguyên, pháp hiển tường
Cuộc mộng thõng tay, tình vạn trượng
Triền mơ rảo gót, nghĩa trăm đường
Sơn cùng độc thụ, thơ ươm lửa
Thủy tận cô phong, bút phẩy gương
Công án thiền thi, treo đất thực
Thoại đầu văn mặc, vén mây hường
Hư không đá vỗ lời như thị
Cố quận tao Phùng, lạc trú xương
Dựng mái lều tranh miền quạnh vắng
Gửi đời danh thắng: cõi thiêng lương
“Ngũ hồ”: hữu hạnh, soi nhân tục
“Thất cảnh”: vô công, ngắm sự thường
“Bạch Yến” dòng xưa, thân tiếp nối
“Hoàng Hoa” lối cũ, trí thừa đương
“Đông hàn tam hữu” trà lưu khách
“Gác sách” kiến tri, mối mọt, lường
……………
Bích Hải Huyền Sơn mùa trăng lạnh
Canh chầy khí núi mù sương
Lặng nhớ về Thầy…!
 
Khải Tĩnh

 

MDTTA 17

  Pháp đệ 68 xuân thu Hôm nay Kỷ niệm Pháp đệ 68 xuân thu, Đã đi qua 2/3 đời người Như lão ngựa vượt dặm trường gian khó Qua cõi người s...