Tuesday, December 22, 2020

Nguyễn thị Hoàng bình thơ


Nguyễn Thị Hoàng

Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan


1.

Như tiếng rơi từng giọt của vô thinh, và tiếng đồng vọng đáp lại trong vũ trụ thu nhỏ từ đời kiếp nào hồn nhiên, phần trích vô tỉ lệ của một huyền không mặc tịnh.

Như con chim chân tu không bao giờ nếm thịt, như hoa tuyết băng trinh không bao giờ điểm trang, chân thiện và kỳ mỹ thường hằng trong tạng thức, cho đến ngày lộ diện tươi cười, khi tia sáng mặt trời chân thể phản chiếu dịu dàng trong sấm chớp hào quang xúc động từ giao cảm tương ưng.

Mỗi một nhân vật rực rỡ nồng nàn cá tính trong ngoại giới vô tận ấy, chính là một li ti bụi hồng của hàng-triệu-một-tôi-đánh thức. Nên cũng chẳng cần một đồng cảm giữa vật giới và tâm giới, mà chính là nhau, cuộc giao hưởng hoà âm những tuyệt thể, dưới đũa thần nhạc trưởng tình yêu khoáng đại.

Xa nhà từ bao lâu? Đã từ lúc sinh ra nơi Cõi Khổ này, nhưng như vừa mới từ biệt quê nhà xa vời tít tắp trên cao để về đây, để xuống đây, nên mãi hoài xa lạ, trong thân cận. Vì, cái cảm giác lạnh lẽo nhuốm khắp châu thân, đẫm cùng hồn tính từ đấy, chỉ ấm áp yên vui khi bắt gặp thoáng qua chút bóng dáng hư huyễn mà yêu dấu của chân trời cũ. Cho nên ta yêu người vô cùng tận, mà chỉ trong chớp mắt duy nhất trước khi ta và người mất hút trượt qua nhau.

Cái khoảnh khắc vô tận ấy âm vang suốt những kiếp phù du tại thế, nhưng kỳ thực, chẳng có gì, chẳng là gì trong tâm thế hoàn không, vì ta phải sống cùng một-xung-quan quá thấp lùn hạ giới.

Tất cả vội vã, lướt trôi, thoáng qua, bằng tốc độ không khí, bằng thanh âm ánh sáng, vì ta đang rảo bước về nhà. Cái Cõi Gốc tưởng hàng triệu năm mới đến, mà kỳ thực, đang mở cửa, giang tay đón đợi trong chính tự thể chôn vùi, dưới sắc bóng phù hoa khoác mặc.

Trở về, về đến nơi, khi ta nghe tiếng mình gọi mình, kẻ lạ mà người thân bên trong Uẩn Thức thâm u. Gối đầu lên Chân Thể, như trên chiếc lông chim, như trên cánh bông hoa. Nghe mùa trở lại theo giọt mưa đầu tiên gióng giả hồi chuông chùa trên Hải Đăng Biển Lớn. Ai nghe ra tiếng chuông từ Huyền Không ấy thì nghe lắng được, yêu mến được, chan chứa được cùng ta, chút xúc động dẫn khởi để yêu thương đích thực được Con Người trong Bào Thai Vũ Trụ cưu mang nó.

2.

Đừng hòng tìm thấy nơi 
thơ Thái Kim Lan những vần điệu du dương cổ điển, hay những chữ nghĩa gồ ghề của cái gọi là đương đại. Nên, không có gì cho những phê bình, nhận định, khen chê, trong và ngoài thơ. Chỉ là những góp nhặt, hoặc ngược lại, trang trải, những nỗi niềm xúc động hồn nhiên của một thân phận, không chỉ về mình, mà về kể khác, những thể loại và tầng giới khác, khi đi qua chính cuộc đời mình. 


Vì thế, thơ Thái Kim Lan ít mà nhiều. Ít về những gì được góp nhặt để trang trải. Mà nhiều vì mỗi một hình ảnh, âm thanh từ ý tưởng, chất chứa và khêu gợi quá nhiều cảm nhận, về những sự việc, những tính cách, những ký hiệu được tâm giới hoá quanh cõi tạm bình thường này. Ai muốn nhận ra cái nhiều ấy, phải đi xuyên qua Triết và Đạo để đến cùng. Không phải Triết Đạo đóng váng trong tàng thư hay cổ kinh, mà phần chuyển hoá kết tinh, như máu sau thức ăn, với một liều lượng đủ phóng hoá Vẻ Đẹp và Nguồn Yêu khỏi thực thể nó.

Văn chương bác học hay văn chương bình dân chỉ khác nhau về ngôn từ hay phương thức diễn đạt, nhưng vẫn đồng nhất về một diễn cảm, khi, từ một ẩn dụ, một biểu tượng từ ngoại giới khúc xạ hay phản chiếu được nội tâm, vẫn là tín hiệu phát sáng được phương hướng và tính cách nhân vật. Nên, có thể rất thâm sâu trong lời giản dị, mà cũng có thể rất bình thường quen thuộc, từ những nguyên lý, định đề.

Nên, phải xuyên qua phía tươi sáng hồn nhiên để truy nguyên uẩn khúc, hay ném vỡ giọt nước mắt, để cảm nhận được nguồn vui. Cái phức-thể này ẩn náu rải rác trong thơ Thái Kim Lan, đúng hơn là trong hồi ức một cuộc đời cuốn theo dòng nước nhưng luôn luôn tìm kiếm nhìn ngắm lại mình qua những mảnh thời gian rạn vỡ long lanh.

Chưa đi, đã muốn về. Chưa xa, đã thấy nhớ. Đó là tình Huế, của người xa xứ đêm đầu tiên (“Gặp gỡ”).

Nơi dãi phân cách ngôn ngữ giữa hai nền văn hoá Đông và Tây, giữa tĩnh và động của đời và đạo, cô bé trẻ thơ mãi hoài thơ trẻ hồn nhiên, vì khởi nguồn từ Vô Tánh (“Nói với người bạn Đức”).

Mưa, phận người rơi xuống trần gian. Trần trụi, đơn độc, thiếu vắng tình thân, hơi ấm, cảm thông. Trên tất cả là cảm giác thiếu một ấp ôm, vỗ về, che chở, từ một đoàn viên, không đơn giản chỉ là gia đình, người thân, mà với một ai đó chính là mình không bao giờ có dẫu tìm kiếm trăm vòng trái đất, hay đã có rồi mà chưa theo về kịp trong hiện kiếp vẫn phải…chèo queo (“Mưa sáng ở xứ người”).

Nên đếm từng ngày cơn lạnh không cùng tận của đơn độc, cái khấc thời gian li ti trong vô số kiếp một hành trình chuyển hoá.

Cái nhìn màu hồng tím phản chiếu tịch dương trong con mắt cực kỳ hội hoạ, phác thảo từng sợi bong bóng hay lông tơ mượt mà trên áo choàng vũ điệu bay lên nền trời nhuộm thắm ánh trần gian (“Xuân sớm”, “Mùa xuân”). Còn nhìn xuyên qua cái thấy, đối ảnh long lanh của sáng tối mất còn, là vẫn nhận ra chút Không Thể thơ ngây mông lung trong giới hạn chập chùng này. Mãi mãi xanh non, mãi mãi trẻ thơ, bất chấp biến hiện quen mòn của Sáng Tối.

Có em bé mồ côi quê hương, ngồi đâu đó bên bờ đời lưu lạc, nhìn ra Cõi Vắng Con Người, nhìn trái đất quay, thách đố thời gian bằng tri cảm cội nguồn xuân xanh mình bất tận.

Mùa xuân đâu chỉ trong bốn mùa lập lại trần gian. Mà cuộc sinh khởi bàng hoàng, chấn động vang rền vẫn chỉ trong sấm chớp vô thinh, sau chuyển nghiệp. (Khi chạm phải chữ này trên bản thảo thơ đọc lướt, đã muốn nói Kim Lan đổi chuyển nghiệp thành chuyển kiếp. Bởi theo chứng nghiệm, nghiệp không thể chuyển, mà ra khỏi nó, phóng thích khỏi nó bằng tiêu diệt được nguồn cơn nghiệp khởi.) Nó không ngoài ta. Nó không trong ta. Nó chính là ta. Nên tất cả tràn ngập trong mỗi một, đã trở thành thiền tịnh, mà cũng chính là vũ điệu.

Vũ điệu vô tướng nơi đôi chân. Sóng gió hồn nhiên bên bờ tóc. Cái ta dòn dã tươi cười lao phóng về phía trước, trên những con đường cao tốc hồi sinh.

Thế nhưng thức tỉnh nào cũng còn vương âm ba của mộng, thế giới hư thực hoà hợp thu nhỏ vào tín hiệu, biểu tượng tĩnh-động-sinh-thể là cuộc giao thoa dịu dàng giữa tâm và cảnh giải thoát (“Buổi sáng bên hồ”). Từ đó, cái nhìn khúc xạ trong thiên nhiên vẻ đẹp thuần khiết, an tịnh, nét quyến rũ thiêng liêng thầm lặng của sự sống tắm đẫm hào quang từ sắc bóng chuyển hoá. Đức Phật, con chim, nụ cười, vạn giới hoá sinh làm một trở về Nguồn Cội.

Nhưng khi mưa về, mùa ấm, cõi người ta, những góc tranh não nùng thao thức ngoài đời cũng còn làm ta xao xuyến, chạnh lòng (“Hạ mùa”), nỗi chạnh lòng của người tình-nữ lẽ loi. Đôi khi buông thả xúc động tự tìm kiếm trong đối cảnh vẻ đẹp rưng rưng, như ánh cười trong mắt, nhận ra mình chỉ còn mình (“Mùa hè”).

Tần ngần nuối tiếc vẻ đẹp héo tàn nơi thực thể, nhưng niềm yêu như cơn mưa trở về, đẫm ướt, thấm đượm hồn không, mãi mãi.

Một khúc phim nào xưa, Gregory Peck thả trái bóng lăn trên đường, khi quyết định vượt dãy Pyrenée về nhà thăm mẹ. Khúc phim này của Thái Kim Lan, thả ngọn lá đỏ bay trở lại bầu trời xanh, cảm hiểu được, cũng đủ cùng nhau qua bên kia bờ, mỗi một và nhiều hơn (“Tiết thu”).

Dẫu mỗi một hay muôn ngàn ca vịnh, cũng chỉ là bay biến với đời cho đủ món (“Ca vịnh”). Quanh co, rồi cũng đến lúc phải chấn động vì cuộc phục sinh tuyệt vời kỳ ảo, trong vóc dáng và tính tướng người-đẹp-đàn-bà, đúng hơn là femme-enfant (“Tuyết đầu tiên”). Có lẽ, tình yêu gõ cửa bên ngoài, đâu đó, hay trong góc tối riêng tư chưa khám phá.

Trên tất cả qua thơ Thái Kim Lan là âm hưởng mênh mang, vời vợi của một lòng yêu chứa chan với thân phận người (“Người ta tìm thấy em bị giết”), với bạn bè thế giới (“Việt tình”), với bà con (“Viết cho những người bà con di tản”), với một người đàn ông (“Thư không bao giờ gửi”), với mẹ (“Tóc sâu của mẹ”), với chị (“Tưởng nhớ chị”), ngộ nghĩnh cho con (“Cho bé Tường Nhi”), với cả gáo nước mưa trong khi trở về nhà sau năm tháng tha phương. Lòng yêu ấy không tan nguôi, nhập cùng khí thể, nên chiêu niệm hay lặng câm, vẫn êm đềm theo hơi thở khổ vui.

Nhưng tình yêu lại không giống như lòng yêu ấy. Nó chớp sáng bất ngờ trong khoảng tối, trong rỗng không, trong chán chường mệt mỏi, trong chao đảo cuồng điên mọi gánh nặng miệt mài cuộc sống vây quanh. Cái chớp sáng biến trở thành sức hút, đủ nhận ra nhau, đủ nhận lấy nhau, và thế là…hoả diệm sơn phun lửa. Không chỉ là một đoạn phim, mà một thiên sử, đủ dệt nên chăn nệm ấp ám một đời yêu. Sau hoả diệm sơn vẫn chỉ là phun xuất thạch. Rồi tro than. Điều còn lại, là niềm hoang vu tịch mịch không cùng tận mỗi lần không phải nhớ lại, mà nhìn thấy toàn thể màn ảnh thầm lặng ấy thoáng hiện trong không. Chẳng có gì mất. Chỉ là đã có, mà không còn. Ta không còn Em. Bởi vì, ta cũng chẳng còn Ta. Không còn Em lúc ấy và không còn Ta lúc ấy. Chỉ vậy thôi (“Thiền luận về một câu chuyện tình”).


3.

Thôi không nói chuyển nghiệp hay chuyển kiếp. Mà chỉ là chuyển. Chuyển thể (như chuyển thể tiểu thuyết thành kịch bản phim, ở cái thời điện ảnh tung hoành này). Chuyển một Etre thành Néant, trong nghĩa hiện hữu trong hư vô hay trong hư vô có hiện hữu. Chỉ là một cách nói, hoặc nói đùa. Đúng điều muốn nói là chuyển tình qua Đạo. Đạo không hư vô. Đạo không hiện hữu. Mà Đạo trong hiện hữu, không cùng tận trong mỗi giới hạn, như vũ trụ cưu mang nuôi dưỡng lấy con người.

Cuộc đời cứ trôi, người cứ theo dòng, mọi thứ tưởng như còn chồng chất ngỗn ngang trong cõi sống xung quanh. Nhưng không còn níu giữ được, không còn tác hại được, không còn ràng buộc được, bởi vì ta ra khỏi, đúng hơn là lên khỏi, những vòi độc của thuồng luồng dưới những triền sông.

Chỉ một chuyển niệm, một xoay mình, ngồi xuống xếp chân, khoan hoà hít, thở. Thế giới cũ tiêu tan, thế giới mới sáng ngời rộng mở. Một ngụm trà xanh, để tuần hoàn điệu sống luân lưu, để bình an cõi bờ tâm thể. Uống, ngoài đời, vì khát. Uống, trong thiền, vì hết khát. Hết luôn cả cái khát nhức nhối cuồng điên nhất là khát Ái năm xưa (“Trở về với thiền”).

Với Thái Kim Lan, ở cây số đường đời này, ngồi xuống chỉ để đứng lên, để còn quay mòng mòng nhịp điệu trần gian.

Bà Ackermann cho là tác giả, căng thẳng giữa hai đầu thế giới, trong lời dẫn tập thơ Lạnh Hơn Xứ Mình
 của Thái Kim Lan. Có lẽ không một ai hơn bà ấy về việc xuyên qua (Triết, còn Đạo?) để đến với một trường hợp độc đáo.

Nhưng, như trong một góc vườn rừng nào đó, người đang viết có chút cảm nhận khác về Thái Kim Lan. Không hẳn luôn luôn tác giả Lạnh hơn xứ mình bị căng thẳng giữa hai áp lực, níu kéo hay gọi mời, mà căng thẳng vì chính tự do chọn lựa của mình. Cái căng thẳng này thường trực đôi khi, vì những chèn ép, xô đẩy gay gắt của bờ bên này làm cho ý thức sáng tĩnh quyết liệt dứt lìa để qua bờ bên kia, nhưng bên kia lại từ chối những điều kiện khoác mặc ngoại thân một hoá trang bóng ảnh vì đời. Từ đó chọn lựa ở lại bên này phố thị phồn hoa hay đoạn diệt tất cả để về bên kia bờ chỉ còn vắng lặng vườn rừng vắng hoe lạnh ngắt. Đó mới là nơi Lạnh hơn xứ mình. Nên không thể, chưa thể.

Mỗi cuộc phóng vút chỉ là vòng chao lượn thể nghiệm để lại trở về với Ta trước, cộng sinh Ta sau lồng lộng mây trời. Từ ấy, không gian sáng ngời rạng rỡ, thời gian không lập lại, mà mỗi ngày một mới, mời mọc ân cần. Nên không đoạn mà chuyển. Chẳng phải chuyển bây giờ, mà từ ngàn muôn năm trước. Chuyển mà cóc cần lay bởi thể tính đã là không khí.

Đường đi xa nhất của kẻ hành hương là lối về ngôi chùa tịch mịch bên trong mình. Quét hết lá vàng khô, lau chùi hết bụi bặm, gõ tiếng chuông phóng sinh cái Ta lận đận nghìn muôn năm cũ bên bờ này, bay về bờ bên kia chỉ với một chớp mắt bàng hoàng nhận ra bóng ảnh mình đậm nét trong không.

Thái Kim Lan đã có khi căng thẳng giữa đôi bờ, đã có khi níu giữ bên này, rồi chao lượn bên kia.

Nghiệp cứ chuyển, mà kiếp thì chưa, nên không phân vân gì nữa bên kia hay bên này bờ.

Hãy là cầu nối giữa Này và Kia, giữa Chưa Qua và Đến Bờ. Để không còn lạnh, cũng chẳng còn lạnh hơn. Vì, cứ xúc động chứa chan. Cứ tri cảm tuôn tràn. Nhưng không gì xúc nhiễm được vòm cao lồng lộng giữa hai bờ, đã bên trên, cách xa dòng nước chảy.

12.2007


Nhận định về văn chương của các nhà văn Việt Nam
---
1. Văn chương có loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ là loại chỉ chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ là loại chuyên chú ở con người.
(Nguyễn Văn Siêu).
2. Văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật.
(Nguyễn Tuân).
3. Nhà văn phải là người đi tìm gắng đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người.
(Nguyễn Minh Châu)
4. Nhà văn tồn tại ở trên đời trước hết để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời. Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.
(Nguyễn Minh Châu)
5. Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.
(Thạch Lam).
6. Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức.
(Thạch Lam)
7. Một nhà văn thiên tài là người muốn cảm nhận mọi vẻ đẹp man mác của vũ trụ.
(Thạch Lam)
8. Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết.Tôi và các nhà văn cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời.
(Vũ Trọng Phụng)
9. Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn.
(Nam Cao)
10. Cái nghề văn, kỵ nhất cái lối thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào"
( Nam Cao)
11. Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện…. Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có.
(Nam Cao)
12. Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các bậc tình cảm, chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói,tình cảm của người viết là khâu đầu tiên cũng là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng tác phẩm lớn.
(Nguyễn Khải)

13. Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo, không nên ăn bám vào người khác. Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay…Cũng cùng một vốn ngôn ngữ ấy nhưng sử dụng có sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước. Có vốn mà không biết sử dụng chỉ như nhà giàu giữ của. Dùng chữ như đánh cờ tướng, chữ nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó. Văn phải linh hoạt. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ thấp khớp…
(Nguyễn Tuân)

No comments:

Post a Comment

MDTTA 17

  Pháp đệ 68 xuân thu Hôm nay Kỷ niệm Pháp đệ 68 xuân thu, Đã đi qua 2/3 đời người Như lão ngựa vượt dặm trường gian khó Qua cõi người s...