Saturday, February 20, 2021

Đặng Toản 1

 Đặng Toản: Đọc tập thơ bốn câu mót chữ trong kinh của Nguyễn Hàn Chung


Nói về Phật giáo sử cận đại và xa xưa các vị thiền sư trước khi viên tịch thường hay đọc cho các đệ tử của mình những đoạn kệ cũng chừng 4 câu ngắn gọn nói lên khẩu khí và hoài bão hay trình độ chứng nhập chân lý của mình điển hình là đoạn kệ sau:

Pháp môn ba vạn tám ngàn tư
Học hành không thiếu cũng không dư
Đến nay xem đã chừng quên hết
Còn lại trong đầu một chữ Như!

Vị hòa thượng này đã mót được chữ Như một chữ rất quan trọng của kinh điển Phật giáo, vậy thì ta hãy thử tìm xem tác giả Nguyễn Hàn Chung mót được những chữ gì nào, hy vọng những điều tôi nêu ra sau đây không bị kết luận là thiên vị với tác giả.

Ở MCTK của anh NHC cũng chỉ dùng những bài thơ ngắn như vậy có lẽ là một phần nào tương ứng với hình thức của các bài kệ trên.

Giờ ta xét qua ý nghiã ngay bài số 1:

siết chữ
còn thở là còn siết
không cho chữ thảnh thơi
nhai nhá chớ không nuốt
bắt nhả ra thành lời

Tất cả đầu câu thơ đều không viết hoa, tôi không cho là lỗi của in ấn mà cố ý của tác giả, trong chúng ta có ai từng tụng kinh Phật thì biết bài số một này tác giả đã mót được hai chữ: Công Phu. 

Đến bài thứ 6 trang 10

Lá & ngón
tôi mút mùa thu
trên ngón tay
của em
vừa đếm lá chiều nay
mùi hương

trộn
mùi hương
ngón
hong ấm trần gian
điếng dại này

Trước tiên phải nói bài thơ rất hay, từ ngữ uyển chuyển, ý nghĩa đan chéo đa tầng, đa trụ, đa chiều, câu thơ rất bí hiểm bài thơ rất là ảo diệu kết quả thì không biết có hong ấm trần gian điếng dại này hay không? Nhưng chắc là điếng cái tên ngồi tập tò bình thơ đây, và còn chữ gì hơn là chữ Mầu nhiệm mà tác giả vừa mót được.

Bài số 7 (trang 11) 

lấm
anh lấm bụi
chỉ yêu người
bụi lấm
em thì trông
sang cả
quá đi thôi
lấm vào em
sợ bụi đời em
lấm
lấm môi em
lấm cả nhớ thương người

Trong bài Lấm này chữ lấm được dùng đi dùng lại rất nhiều lần mà không có nhàm chán, lạ là chỗ này nó có vẻ như biện luận và đặt vấn đề nếu trực giác của người đọc không mạnh sẽ bị rối vì những bài thơ như vậy, nên thực chất bài thơ đã mót được chữ …ảo diệu.

Bài:

ngộ sát (trang 12)
mỗi lần ngộ sát đôi môi
Của em ta niệm liên hồi nam mô
sắc không lú lẫn hồ đồ
Sợ tu chín kiếp cũng vô a tỳ

Bài này đã mót được hai chữ thành thật (chúng ta nên nhớ rằng yếu tố thành thật rất cần thiết trong học kinh sách và ở bên Trung Hoa đã có một tông phái thiền là Thành Thật Tông

Đến bài:

nói yêu ( trang 15 )
tôi tin lắm
những người con gái
nói yêu tôi

nói yêu tôi
Khi tôi nói
yêu người con gái
Nàng
nói yêu người khác
mất rồi

Ở đây yếu tố thời gian rất là quan trọng, bài thơ rất mộc mạc không dùng kỹ thuật hay văn phạm cầu kỳ, rắc rối nhưng yếu tố để bài được chọn trong tuyển tập này là ý chính. Ý rất hay, nói về độ trượt của thời gian làm so le những hành động và tư tưởng nên đôi lứa không thành. Đó là yếu tố đức Phật hay nói mỗi sát na tư tưởng và hình thái về vật chất đều thay đổi, dù ít nhưng có biến đổi, đến khi mình nhận ra thì đã trễ mất rồi. Vậy là bài thơ mót được hai chữ: Vô thường.

Bài: một tiếng chiều ( trang 22 )
một chiều cô độc
một cô liêu
một tiếng chiều im
một tiếng chiều
một tiếng chiều xiêu
trong một tiếng
một chiều xiêu đổ
một chiều xiêu 

Mới thoáng đọc qua chúng ta cũng có vẻ bị rối như bài Lấm, có vẻ còn bị rối nặng hơn bài Lấm thì phải. Nhưng khác ở một điểm là bài này chữ chiều có ít nhất 2 nghĩa: 1 – Chiều là buổi chiều và 2- chiều là chiều của không gian (chiều ngược, chiều xuôi). Phải tĩnh tại thật lâu mới nắm bắt được một trong các nghĩa thể hiện qua câu thơ. Bài này vận dụng được một kỹ thuật thơ thượng thừa nên có thể cho là đã mót được một chữ Tuệ. 

Bài: nín (trang 24)
bên nớ chiều thu ni sớm mai
tiếng ve buồn hạ nhuốm màu phai
nhớ người chẳng lẽ la như giặc
để biết rằng mình đang nhớ ai
Bài ni mót được hai chữ Tịnh khẩu

Bài: gay yêu (trang 28)
yêu anh
không nói sớm
bây giờ
anh lấy chồng
đành hẹn em
kiếp khác
anh thiệt tình
đàn ông

Bài này rất gần với đời sống hiện đại. Thế giới hiện đại bắt đầu đặt vấn đề chấp nhận giới tính thứ ba, thật ra nói cho đúng là bốn, nam thì các chàng Gay, nữ lại có Lesbien. Tác giả vẫn chú ý đến những gì đang xảy ra hiện tại xung quanh mình chứ không có ngơ ngơ mãi ngắm mây trời cùng gió núi như nhiều thi nhân đương đại khác. Nên bài thơ này có thể gọi là mót được hai chữ Nhập thế.

Bài: có nâng niu thơ hàn (trang 32)
 
nói dại miệng
mai chiều đi bán muối
tản thần thơ
vẫn không tán không tan
những nương tử
bị người yêu hất hủi
đêm chồng đêm
có nâng níu thơ hàn

Bài này là một dấu hỏi cũng tương tự cụ Nguyễn Du ngày xưa cũng có hai câu: Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Là thi nhân thôi nên cái tự ngã vẫn còn, vẫn thắc mắc mai này khi ta nằm xuống có ai khóc hay nhớ ta (qua mấy vần thơ) chăng? Hàn tiên sinh cũng thế cũng thắc mắc tương tự nên ta thấy có lẽ đã mót được chữ Nghi. Về điểm này Bùi Giáng tiên sinh có vẻ thoát hơn, ta nghe bốn câu của lão tiền bối Bán dùi, Bàn dúi này xem sao.

Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Ta đi thơ gửi đôi dòng
Lá rơi có vọng ở trong sương mù.
BG

Bài: hoa còn (trang 81)
cầm trên tay một chùm hoa
sắc màu tươi đã phôi pha một vài
ném tung vào cõi trần ai
mầm xanh từ cánh hoa phai cựa mình

Bài này mót được hai chữ Luân hồi.

Bài: thơ tình (trang 105)
 
không làm thơ tình
cũng chết
làm thơ tình
tình chẳng còn
băn khoăn làm gì
chuyện ếch
nhái vào thơ tình
đẻ non

Đọc đi, đọc lại bài này ta thấy làm gì rồi cũng không qua chữ Nghiệp, nên làm thơ tình hay không làm thơ tình thì đời mình vẫn thế. Chấp nhận dấu ấn của Nghiệp lực trên từng hành động và tư tưởng của mỗi con người mà thơ tình để nói lên điều ấy! Bài này mót được chữ Nghiệp.

Bài: chải Tóc (trang 106)
 
Lùa tay
tìm một chút xanh
sợi buồn
trốn sắc thật nhanh
em à
anh vừa mới vuốt
hôm qua
hôm nay tóc bạc
như là
từng chưa…

Tôi ngờ ngợ trước hai chữ cuối của câu bốn một lúc lâu. Thơ quả là thâm sâu, là người theo đuổi thơ rất lâu năm vẫn thấy lạ hai chữ từng chưa này nó đưa ta vào thế không khẳng định, mà cũng không phủ định trong kinh có chữ Không và chữ , khi mà các bạn nhập vào luồng của sự quán tưởng sẽ rơi vào trạng thái này, bài này có thể mót được một trong hai chữ trên.

Bài: rót (trang 109)
 
rượu
rót ra rồi
không chịu uống
vầy sao cho đặng
cuộc lai rai
cứ thế
rót hoài cho tới sáng
ly đầy
rót ngược
rượu vào chai

Hai chữ nghịch lý sẽ nổi lên tâm tưởng của người đọc bài này, để hiểu tâm trạng của người viết bài không phải dễ. Cứ rót ra rót vào có vẻ vô ích quá nhỉ, khiến ta liên tưởng đến một bài thơ của thi sỹ Nguyễn Đức Sơn:

Một mình luồn ra luồn vào trong núi chơi
Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp cỏ hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe bóng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô

Phàm trong đời tất cả mọi người chúng ta muốn làm một việc gì liên tục, có tính cách chu kỳ. Chu kỳ thì vạn vật thiên nhiên cũng có chu kỳ và ngay cả máy móc nó cũng có chu kỳ, tuy nhiên, vũ trụ và máy móc cũng phải thông qua con người mới dệt lại được ý nghĩa của tính chu kỳ này.

Con người chúng ta khác với thiên nhiên và vũ trụ nhờ tự ý thức được chính việc làm của mình. Làm một việc cho đến mòn mỏi như thế và ghi chép lại còn chữ gì ngoài chữ Định.

Bài: giọt tiễn (trang 111)
 
ta tiễn em đi
cầm một giọt
vùi sâu
trong khóe
mắt mi nàng
dù chẳng bao giờ
nghe tiếng thốt
giọt vùi
thầm đọng tới hoang mang
Bài mót được hai chữ thâm sâu.

Bài: thăm nhà người cũ (trang 115)
 
phản này cô ấy
rất hay ngồi
cái dấu mông
còn nét rẽ đôi
tôi ngồi
trên dấu buồn xưa ấy
và sững sờ
ôm riết lấy tôi!

Việc đã qua rồi mà nhớ lại cảm xúc dồi dào thế bài này ngoài hai chữ: Vọng tưởng thì còn chữ nào khác hơn có thể mót được?

Tư tưởng con người thực sự là một điều rất lạ, có thể xuyên không gian và thời gian, đi rất xa và thâm nhập rất sâu trong một thời gian ngắn nhất lại nhiều khi để lại những cảm xúc đậm đà và cũng dài lâu nữa.

Bài: phải đâu? (trang 126)
 
anh luôn tương kính quý bà
sao em nỡ buộc tội là anh không ?
chắp tay qua xóm không chồng
phải đâu trọc lóc nâu sòng là sư

Bài này thực sự đã mót được chữ Giới. Điểm tới đây những chữ tác giả mót được trong kinh ra toàn là chánh phẩm. Giới, Định, Tuệ là những phẩm chất cao quý của người tu hành bắt buộc phải có nếu muốn thành tựu. Thành tựu gì? thưa thành tựu một điều đơn giản là mãi mãi không còn phiền não. Ta để ý hai tác phẩmLBTT và MCTK của tác giả gần đây đều có giọng hài hước thâm sâu, điều này không dễ làm với một căn cơ trung bình.

Ngày xưa ở vùng kinh tế mới lúc mới lên lập nghiệp canh tác ruộng rẫy còn ít không đủ lương thực để ăn no bụng, chúng tôi và các em nhỏ trong khu KTM hay đi mót khoai, mót bắp của một doanh trại bộ đội đóng gần đó khoảng 3 km. Đương nhiên là chỉ mót được những thứ đầu thừa đuôi thẹo, ví dụ như quả bắp bị chim két ăn hết một nửa, mót như thế mà về đến nhà được chừng non nửa bao cát là mừng húm. Bây giờ ngồi bình thơ Mót chữ trong kinh thấy sao hơi nghịch nghịch tác giả mót toàn là chánh phẩm không hà, tôi dự định bữa nào gặp tác giả sẽ đùa một câu: Thôi đổi tên thành: “Hốt chữ trong kinh” coi có bộ hợp lý hơn ..hi..hi...

Bài: hội chứng thơ (trang 138)
 
Thơ cao siêu cũng ngán
thơ hời hợt cũng rầu
thơ vần vè cũng chán
thôi ra vườn bắt sâu
 
Bài này mót được chữ: Xả.
 
Bài: rác và thơ (trang 144)
 
rác cũng có rác sạch
thơ cũng có thơ dơ
rác dơ biết tái chế
thơ sẽ sạch không ngờ
 
Bài này mót được hai chữ Tùy duyên.
 
Bài: đêm nghe cú kêu (trang 150)
 
ta qua trừ tịch
đêm vần vũ
nghe gió mồ côi
thổi tắt âm
hoang mộ
hồn oan kêu tiếng cú
sao nỡ chìm trong
tiếng nguyệt bầm
 
Bài này hay đặc biệt những cụm từ rất lạ gió mồ côi và tiếng nguyệt bầm rất đắt, bài mót được chữ: Bi.
 
Bài: đời nào , dù … (trang 151)
 
đời nào ta bỏ sông quê
dù ta là đứa si mê biển hồ
đời nào ta để sông khô dù
thời gian lấp thành hồ nuôi tôm


Bài này mót được hai chữ: Bất biến.

Tương tự với tinh thần trên các bạn xem thêm các bài trong MCTK sẽ phát hiện ra nhiều chữ nữa trong kinh Phật đã mót được.

Các bạn mến, xin hãy xem bài này như một cuộc nói chuyện vui vẻ ngoài quán cà phê mà chúng tôi vì tình cảm riêng với tác giả Nguyễn Hàn Chung mà viết nên, tuyệt đối không nên xem bài này như một bài phê bình có tính cách nghiêm túc, chỉ là ý mọn, vụn vặt, rị mọ của một người yêu thơ hồi hướng về tác giả để đền đáp lại phần nào tinh lực tác giả bỏ ra để viết và cất công in ấn và đem tặng, trong thời đại chữ nghĩa đã trở thành rẻ rúng này.

Viết tại Houston từ ngày 16/5/2020 đến ngày 25/5/2020

Đặng Toản

No comments:

Post a Comment

Thơ Đạo 3

     Từ nguyên thủy rừng già dòng suối chảy     Bưởi hoa vườn mưa tạnh ửng phù dung     Tình đá tượng vẫn còn nguyên vẹn lắm     Gióng hồi c...