Tuesday, February 9, 2021

Ca Dao 5

 Ca Dao 5

 CA DAO – KHÚC RU TÌNH…
(Nhân Đọc: Làm Sao Thôi Mưa Bay Của Ca Dao)
 
Từ xa xưa đến tận bây giờ - các thế hệ con dân của đất nước Việt Nam đều được nuôi nấng và lớn lên từ lời ru thăm thẳm mượt mà đầy ắp thương yêu của bà, của mẹ bằng những bài ca dao đậm nghĩa sâu tình:

“Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”
“Đi mô cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam”

Sự đồng cam cộng khổ, sự thủy chung rất mực của người phụ nữ Việt Nam đã được lột tả rõ nét qua thể loại văn chương dân gian từ ngàn năm truyền tụng – không ai rõ tác giả và chẳng thấy ai tranh tụng bản quyền. Cứ thế và cứ thế; tồn tại mãi hoài trong từng tế bào của bao đời dân Việt.

Ca Dao – mang đậm chất trữ tình lãng mạn với

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Hay: Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Chất lãng mạn trữ tình và ý niệm giáo dục về lòng hiếu kính cứ đan xen vào nhau qua từng câu, chữ của Ca dao, vô hình chung đã đưa tính giáo dục vào quảng đại quần chúng bằng lối truyền thông từ động thái nhẹ nhàng:

Hai tay cầm bốn tao nôi
Tao thẳng tao dùi tao nhớ tao thương…

Có một người phụ nữ, là một cô giáo, một nhà thơ đã bày tỏ sự hàm ơn những vần điệu cao thấp ngọt ngào (Ca dao) nên đã lấy thể loại ấy làm bút hiệu.
.
Năm 2015, nhà thơ Ca Dao cho ra mắt độc giả yêu thơ tác phẩm đầu tiên – đầu tiên chứ không phải đầu tay vì người đàn bà nầy làm thơ từ lâu lắm và hiện đang là chủ trang báo mạng trên internet với tên gọi “Hai bờ giấy” – nơi tập trung những cây bút văn chương có thâm niên nghiệp dĩ và có tên tuổi trên diễn đàn Văn học Việt Nam.

Tập thơ có tên “Làm Sao Mưa Thôi Bay” người đọc phân vân không biết tác giả đang đặt câu hỏi với càn khôn vũ trụ, hay đang tự vấn lòng để tìm phương pháp đối trị với những sợi mưa ngâu của thời tiết buổi giao mùa, hoặc những cơn mưa vô hình giữa cõi ta bà hệ lụy đã hơn một lần làm ướt áo người thơ?!

Với chín mươi (90) bài thơ nhiều thể loại, tôi đặc biệt chú tâm vào mảng thơ tác giả viết về mẹ

Con đi xa…
Chỉ còn mẹ và mùa hoàng lan ở lại
Cùng câu kinh chiều theo tiếng vọng thu không
Cho con xin
gửi về mẹ nụ hôn nồng
gửi chút nắng ấm lòng mẹ nhé
Cho con xin
trong hương khói Vu lan lời nguyện cầu cho mẹ
Xin đóa hồng cài áo mãi tươi nguyên.
(Mẹ Là Bông Hồng – Ca Dao)

Nụ hôn nồng ấm tri ân xin trao mẹ để cảm tạ công sanh thành chin tháng cưu mang. Con vẫn mong một ngày:

Con sẽ về trong vòng tay mẹ nhé
Mẹ dịu dàng âu yếm vuốt bờ vai
Nghe ngọt ngào lời hiền mẫu bên tai
Như thuở bé khúc à ơi nôi nhỏ
(Gieo Vần Cho Ngày Của Mẹ – Ca Dao)

Cái thuở bé bỏng được mẹ ấp yêu; như báu vật qua rồi; để lại bao niềm tiếc nuối – cho những đứa con phiêu bạt góc bể chân trời quay quắt xót xa thương, ngôn ngữ cõi đời đầy không bao giờ đủ cho những đứa con viết về mẹ - Mẹ - Người đàn bà một đời lao nhọc vì con…

Tháng sáu. Phượng rơi theo gió
Oi nồng. Mắt lá xốn xang
Bất chợt mưa về bên ngỡ
Thả sầu theo gió mênh mang
Tháng sáu. Tơ vàng giăng lối
Chín hồng giấc hạ trưa êm
Biển biếc gửi về lời gọi
Đọng buồn. Tóc sóng bạc thêm
Tháng sáu. Cuối trời mưa đổ
Nghìn trùng tay níu hư vô
Tháng sáu. Cuối đường hạnh ngộ
Lạc dòng. Gãy một cành khô (*)
Tháng sáu. Dài theo nỗi nhớ
Cổng trường lối vắng ngu ngơ.
Bóng phượng bên đời bỡ ngỡ
Nghe đêm buông bước thẫn thờ…
(Khúc Mưa Tháng Sáu – Ca Dao)

Đọc “Khúc Mưa Tháng Sáu” của Ca Dao – tôi chợt nhớ Nguyên Sa Trần Bích Lan với

“Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt
Trời không mưa tôi cũng lạy trời mưa…”
Kẻ trước người sau họ đều gặp nhau trong cảm niệm những cơn mưa tháng sáu, chỉ khác nhau ở cung bậc giãi bày:

…Tháng sáu. Cuối trời mưa đổ
Nghìn trùng tay níu hư vô
Tháng sáu. Cuối đường hạnh ngộ
Lạc dòng. Gãy một cành khô (*) …
(Ca Dao)

Vâng, “Củi một cành khô lạc mấy dòng” (*); tiền bối và hậu sinh cùng gặp nhau trong một suy tư…

Làm Sao Mưa Thôi Bay – nỗi khắc khoải của tác giả giữa nhân sinh và vũ trụ, giữa thiện, ác của cõi người, ta nghe Ca Dao tâm sự:

Nửa vạt tối, nửa góc chiều mê mải
Nửa hoàng hôn, nửa mảng lạnh bên đời
Mây tất tả nửa phiến trời xa ngái
Gió lùa theo góc nhớ gót chơi vơi
(Lang Thang Gót Gió – Ca Dao)

Hoài niệm chạy theo từng phiến mưa bay giữa cung trời ảo diệu, người đọc ngâm ngùi theo dòng cảm thán của Ca Dao

…Chân ai khua nẻo khuất
Mưa đan kín tay ngà
Quất sợi buốt lồng ngực
Vòm đời. Mưa, mưa sa!
(Mưa Sa Tay Ngà – Ca Dao)
… Mưa sa ướt chiều trầm mặc
Ưu tư, mục ruỗng lấp đầy
Hồn hoa nối câu khoan, nhặt
U hoài. Mưa lạc dấu mây!

Và cuối cùng tôi đã bắt gặp linh hồn của nhan đề thi tập:

… Mưa gieo vơi đầy thương nhớ
Mưa đong kín nẻo đợi chờ
Mưa cài vòng hoa cách trở
Mưa đau dặm mỏi niềm mơ
Làm sao chiều thôi mưa bay
Nguôi ngoai phiến hờn sóng dậy
Làm sao đầy trên đôi tay
Bình yên nụ hồng xưa ấy?
Làm sao chiều thôi mưa bay…
(Làm Sao Thôi Mưa Bay – Ca Dao)

Dọc dài theo thi tập người đọc đã cùng buồn vui cười khóc cùng tác giả qua từng câu chữ, qua từng giai điệu, qua từng trải nghiệm, qua từng cảm trạng của tác giả.

Xin chia vui với nhà thơ Ca Dao của sự thành công về thi pháp, vần điệu, ý tưởng của Làm Sao Mưa Thôi Bay.

Ninh Giang Thu Cúc
SG, 29/05/2020
(*) Tràng Giang – Huy Cận

(Bài CD viết về thi phẩm của NT Phùng Quang Thuận)

Mặc Mưa Bay
Những Nốt Trầm Rung Động

Thi ca là một nghệ thuật thẩm mỹ của ngôn ngữ tạo hình thêu dệt nên ý tứ, nhịp điệu và cảm xúc của con người đối với thế giới chung quanh. Nhà thơ Phùng Quang Thuận hiểu điều này. Anh tuy là một doanh nhân nhưng thơ anh đã dắt tôi đi qua một khu vườn chữ nghĩa nhỏ hẹp để bước vào một cõi tư duy rộng mở thênh thang, một chân trời sáng tạo mà người đọc cần có một sự tưởng tượng dồi dào phong phú.

Mặc Mưa Bay là thi phẩm của nhà thơ Phùng Quang Thuận có lối cảm nhận của một thi sĩ hiện đại, với thái độ của một con người mang một tâm sự, một nỗi khắc khoải u trầm. Mỗi hình ảnh, mỗi chi tiết trong thi phẩm mang sắc thái riêng, ý nghĩa riêng. Khi thì một hình ảnh tượng trưng, khi thì một tỉ dụ,.. theo tôi, nhà thơ đã hòa hợp giữa thiên nhiên với tâm hồn mình bằng những hình ảnh cụ thể ghi dấu thời gian và nơi chốn kết hợp với hình ảnh sống động và linh hoạt khiến người đọc thấm thía và cảm động.

Mai này lên đỉnh đèo mây trắng
Mặc đá chân đèo rêu phủ xanh
Lưng gùi, áo vải, cười trong nắng
Đường dốc, đồi nghiêng bước độc hành
(Lên núi ca)

Trong Mặc Mưa Bay, tác giả luôn xác định rõ không gian và thời gian làm nên cảm xúc:

Mặc mưa bay ngoài hang
Gió gào qua khe núi
Mặc con bướm vàng
Bên suối đậu cành lan…
Mặc mưa bay
Mặc mây trôi…
(Mặc Mưa Bay)

Có lúc khung cảnh rất thực đời thường:

Ông già
Một mình
Trong căn nhà nhỏ
Vừa đi đêm qua...
Cả xóm buồn
Nhưng cũng có người vui...
(Xóm nhỏ)

Có lúc, cái thời gian và khung cảnh trong lời thơ của tác giả lại đưa tôi đi từ chỗ thực đến chỗ hư, từ ý thức qua tiềm thức để đến vô thức. Từ thế giới thật đến một thế giới ảo vô thinh:

Buổi sáng dạo chơi
Thấy bên lề đời
Một ả điên rừng
Bên một chàng điên chợ...
Hai người
Long trọng
Nghiêng ngó trời xanh
Qua vai nhau
Trên cao
Mây trắng trôi mau

Thượng đế
Mìm cười
Nheo mắt chào
( Tặng vật)

Có lúc thời gian và không gian trước mắt làm thi nhân bật lên tiếng thở dài cho thân phận cô đơn của con người trong cuộc hành trình giữa thế gian

Ta ngồi trên đồi cát
Mong chờ những áng mây
Mang cho ta bóng mát
Che phần đời đắng cay
Ta đi qua sa mạc
Thầm chờ những cơn mưa
Cho đã thèm cơn khát
Suốt nửa đời đong đưa
Người đến như hành vân
Người đi như lưu thủy
Tan hợp được bao lần?
Rồi nghìn thu an nghỉ…
(Bóng mát)

Chao ôi! Những câu thơ thực sự lẻ loi. Đó là sự lẻ loi, nỗi cô đơn của thi nhân khi đối diện với chính mình.

Một bóng người đeo đẳng một nỗi sầu và nỗi cô đơn luôn ẩn hiện trong các bài thơ đã khiến tôi hình dung đến một lãng tử đang lang thang trên con đồi quạnh quẽ hay hình dung đến một con người lãng mạn dù ở giữa cảnh huyên náo vẫn thấy mình bơ vơ bởi lòng vẫn đeo đẳng vạn nỗi sầu.

...Ta thấy nụ hoa vừa mới nở
Chập chờn hóa bướm hoan ca
bỗng thấy đời sao xa lạ
Giữa người thân
Mà lạnh giá mộ phần
Trưa nhìn nắng
Lòng âm u mưa bão...
(Hỏng rồi)

Bằng giai điệu êm đềm thi nhân khiến người đọc thấm thía một nỗi nhớ miên man về một miền ký ức:

Đi bao năm chưa đến miền hoàn hảo
Đợi bạc đầu không gặp lại được nhau
Đường trần gian bụi mờ chân, thiện, mỹ
Cuộc nhân sinh như vó ngựa qua cầu
(Vó câu)

Bên cảnh tịch mịch, êm đềm vắng vẻ, tác giả dường như xa lánh cõi ô trọc bon chen, thoát khỏi nơi phồn hoa đô hội. Ở nơi đây tâm tư sâu lắng hơn, thấy rõ được tâm hồn và bản ngã của chính mình:

Gấm lụa quyện sa mù cùng mây trắng
Thực và hư lơ lửng giữa đất trời
Tiếng chuông gió vỗ về từ xa vắng
Kẻ cuồng si buông kiếm muốn thành tăng
(Chùa trên núi)

Ta thõng tay lên đàng...
Bước nhẹ tênh theo đường mây trắng
(Vân du)

Mặc Mưa Bay với lối viết gọn gàng không hoa mỹ, dùng từ đơn giản, hiền lành, ý từ trang trải: nào buồn, nào tiếc, nào nhớ, nào thương..tất cả đưa nhẹ tâm hồn người đọc vào cái thế giới mênh mông của tình và mộng. Tình nằm trong cảnh, cảnh hợp với tình, cảnh & tình tạo thành một khối nhất quán làm rõ cái cô đơn của con người trước thời gian trôi nhanh, gợi một nỗi niềm kín đáo khiến lòng người đọc dâng lên một nỗi cảm hoài…
CaDao

Vệt Nhăn
Viên đá nhỏ tạo vệt nhăn dòng chảy
Con nước xao chìm khuất bóng trăng thề
Manh áo cũ đầy vệt nhăn vai quảy
Khoác thân chiều mộng, thực giữa cơn mê
Ngày xế bóng vẽ vệt nhăn liếp gió
Chào đất trời nắng khép lại thảnh thơi
Vệt nhăn mắt hằn dấu đời qua ngõ
Khoé chân chim đủ nếm trải khóc cười ...
 
Nẻo Thiền
Thoáng bóng mây về mộng lướt nhanh,
Vàng phai mấy chiếc nhẹ xa cành
Chuông chiều vẳng vọng sương giăng lối
Kệ* sớm ngân nga gió động mành
Chát đắng đong đầy vun cội úa
Buồn vui tản mạn phủ dòng xanh
Bên đường nhánh liễu buông bờ tóc
Bạc trắng hiên chiều nẻo mỏng manh.
 
Hương ngan ngát rẻo mơ. Khuya. Tóc rối!
Giấc hanh hao Trăng gờn gợn Mộng chờ!
Đêm vỡ vụn. Nửa hồn thương nguyệt khuất
Nửa hồn chìm lối mộng Bỗng ngu ngơ...
 
Khơi lửa hạ cháy nồng mùa thu tới
Giọt nắng nào đọng đóa chín hoang hanh
Nửa góc nhỏ rực màu hoa thắm mới
Mênh mông thu hương lụa trải thơm lành
Khoảnh khắc lạ đưa hồn về với nhớ
Thu miên man hoa cỏ góc vườn xưa
Một chút mong. Một chút buồn. Bục vỡ
Chút bâng khuâng. Chút trầm lắng. Và mưa!
 
Bên hồ rơi rớt gió mùa
Rìa mây mộng thực nắng đùa viễn vông...
 
Nguồn Đào
Đứng ở bờ sương ngóng tít khơi,
Về đâu xa lắc cánh chim trời?
Biển xanh chạm bãi màu thương đắm
Sóng bạc va ghềnh giọt vỡ rơi
Vui thuở hồng hoang vừa rạng rỡ
Nhớ lần tao ngộ thoắt tinh khôi
Suối đào nước chảy hoa trôi để
Trơ đá Tào Khê lại với tôi?

No comments:

Post a Comment

Thơ Đạo 3

     Từ nguyên thủy rừng già dòng suối chảy     Bưởi hoa vườn mưa tạnh ửng phù dung     Tình đá tượng vẫn còn nguyên vẹn lắm     Gióng hồi c...