Sunday, February 21, 2021

Điếu văn Thích Nữ Như Thủy

 TÂM CA
MỘT BÔNG HỒNG CHO EM 
Thôi đừng trách mẹ cha
Đã khiến ta góp mặt
Trên biển đời bôn ba
Chỉ thấy toàn nước mắt
 
Có lẽ ngày xưa xa
Mình chen chân giành giật
Nên mới được sanh ra
Chào đời trong tiếng nấc
 
Em đừng trách Thầy Cô
Đã làm em lạc lối
Chương trình học lôi thôi
Nên bây giờ bối rối
 
Những nẻo đường đi qua
Sao gặp toàn xảo trá
Những nụ cười vả lả
Trên bờ môi điêu ngoa
 
Hãy nhìn ngay lòng mình
Phút trước tràn yêu thương
Phút sau đầy tật đố
Giây trước còn hân hoan
Giây sau đà phẫn nộ
 
Hôm qua còn đam mê
Nhìn nhau cười đắm đuối
Hôm nay đã ê chề
Hờn căm đầy mắt tối
 
Tháng rồi còn nhung nhớ
Vắng nhau lệ đầy vơi
Tháng ni đà tráo trở
Thề chẳng đội chung trời

Nên đừng bắt người ta
Phải chìu theo ý mình
Làm sao họ tìm ra
Cách vừa lòng đẹp dạ
 
Những tâm viên ý mã
Thay đổi từng sát na
Những giả dối điêu ngoa
Nhanh hơn làn chớp giật
 
Đừng bắt hoa phải tươi
Những khi em vui cười
Đừng bắt trời u tối
Những lúc mình kém vui
 
Chớ cấm người thảnh thơi
Những khi em bực bội
Chớ cấm hết tiếng cười
Những lúc mình kém tươi
 
Em đừng đổ tại người
Làm ta thành giả dối
Xin đừng bảo xã hội
Biến em thành lôi thôi
 
Xin đừng bảo tình thương
Đã làm em lạc hướng
Xin đừng bảo bè bạn
Biến em thành vô lương
Em đã từng nghe chăng?
Bồ tát vào hỏa ngục
Dường như dạo thiên đường
Giữa lửa hồng đỏ rực
Ngài an nhiên tọa Thiền
 
Nên những nhành chông nhọn
Đều hóa thành hồng liên
Nên ngưu đầu mã diện
Chuyển tâm dữ sang hiền
 
Còn bọn mình rong chơi
Khua sóng trên biển đời
Đầy trăng thanh gió mát
Mà muộn phiền khôn nguôi!
 
Sao muộn phiền khôn nguôi?
Dừng tay lại người ơi!
Dừng chân lại người ơi!
Máu lệ chảy nhiều rồi!
Máu lệ đổ nhiều rồi!
 
Xin một lần gắng gượng
Đứng lên chuyển lối nhìn
Xoay lưng vào trần cảnh
Nhìn sâu vào lòng mình
Thật sâu vào lòng mình
 
Nhận những gì bối rối
Nhận những gì hoang mang
Nhận những gì giả dối
Những não phiền đa đoan
 
Giữa những gì điêu tàn
Giữa những gì tan nát
Giữa những gì muộn màng
Có cái gì bình an
Cái gì thật bình an
 
Và em sẽ thấy rằng
Sẽ thấy rằng sắc thinh
Không làm mình điên đảo
Sẽ thấy rằng phiền não
Bỗng nhẹ như mây trời
 
Xưa nay bao rắc rối
Đều do mình chiêu vời
Xưa nay bao tội lỗi
Đều do mình gây thôi
Chỉ tại mình gây thôi
 
Chỉ còn một nụ cười
Trên bờ môi mệt mỏi
Ta xin đem tặng người
Những con người nhỏ bé
Những kiếp người đơn côi
 
Lòng yêu mến khôn vơi!
Lòng yêu mến khôn vơi!

Phan Thanh Yên
Chỉ xin sống từng sát na trọn vẹn,
Khi con tim còn gõ nhịp khoan dung.
Hay đớn đau hắt hơi thở sau cùng
Lòng vẫn thấy còn yêu người tha thiết.
Tôi không có những nụ hồng diễm tuyệt,
Nồng sắc hương để dành tặng riêng ai.
Nên chỉ xin cung hiến một bàn tay,
Chỉ em thấy ánh trăng rằm muôn thuở.
 
Vạn vật thế gian vô thường
Tin SƯ NHƯ THỦY niềm thương vô vàn
Mới đây diệu pháp âm vang
Hoa Kỳ hoằng pháp đạo tràng trang nghiêm
Sư có nụ cười thật hiền
Chuyển bánh xe pháp hữu duyên nơi này
Ni Trưởng thân thiện vui thay
Truyền trao Pháp thoại thật hay đạo vàng
Các bài thuyết giảng Sư ban
Cùng những tác phẩm vô vàn an vui. (Thích Trừng Sỹ)
 
THƯƠNG TIẾC SƯ NỮ NHƯ THỦY 
 
Nửa vòng thế kỷ qua nhanh
Ngỡ như trọn giấc mộng lành chiêm bao
Thuở nào bè bạn biết nhau
Trường làng tiểu học trước sau vẹn đầy.
 
Tan trường áo trắng tung bay
Áo tràng lam cũng dặm dài đường mây
Mười lăm tuổi đã theo Thầy
Chân tu mộ đạo bước quay cuộc đời.
 
Chắp cho đôi cánh Thầy ơi!!
Con thêm sức mạnh vạn lời hạnh thông
Dù cho gian khó chất chồng
Bước chân tu đạo duỗi dong Phật đài.
 
Niệm câu kinh kệ tỏ ngay
Thiện nam tín nữ chắp tay cúi chào
Môn sinh Phật pháp giảng rao
Theo đường tu tập ngã vào thiền môn.
 
Tưởng chừng lạc bước u hồn
Nghe tin Sư Nữ hoàng hôn đỏ màu
Một đời Huệ Hạnh đạo cao
Sư Cô Như Thủy bay vào tịnh không...
 Đỗ Công Luận. 19/3/2018. (1.396)
 
MỘT VẦNG TRĂNG
“Một đôi thùng gánh hai trăng
Một tâm tư trải mấy hằng hà sao.”
(thơ TN Như Thủy)
 
 Gánh nước cây rừng siêng tưới: cây lớn cây nhỏ thấm ân
Quảy trăng nhẹ hẫng vai gầy: sao hôm sao mai rực sáng
 
Thi bút thiền ngôn hý lộng
Một thời ngơ ngẩn tao nhân
Pháp nhũ biện tài sâu rộng
Sỏi đá gật đầu thọ ân.
 
Một chiều nhìn lại bước đường
Rỗng rang trời cao mây trắng
Đêm về nhập một hai trăng
Tịch mịch tâm tư sâu lắng
 
Buông gánh trần gian nhẹ bước
Mắt tuệ ngời ánh muôn sao
Huyễn thân gửi nơi sinh-tử
Nẻo về thinh lặng non cao.
 
Hạc tung cánh
Nghiêng một trời
Người ở lại
Giấu lệ rơi.
 
Nước không lưu dấu trăng vô ảnh
Trời trong mây tạnh tâm hư không.
 
 Kính dâng Ni trưởng Thích Nữ Như Thủy
Hậu học Vĩnh Hảo – Tâm Quang khấp đề
 

Tưởng Niệm Ni Trưởng Thích Nữ Như Thủy.

Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni.

Hôm nay huynh đệ chúng con, đại diện Ni chúng thiền viện Viên Chiếu vô cùng xúc động trước tin buồn Ni trưởng Như Thủy viên tịch. Nơi xa xôi, chúng con xin hướng về Giác linh Ni trưởng Như Thủy kính thành một tấc lòng tưởng niệm.

Thật là đất trời ảm đạm, buồn tiếc thương khắp mấy không gian. Ni trưởng Như Thủy, một đời tài đức vô song, cả huynh đệ không ai sánh kịp. Một thuở học chung nơi Vạn Hạnh, đi về chung lối Dược Sư. Bạn bè đồng liêu chia ngọt sẻ bùi, trong đại chúng tiếng cười còn đọng. Văn thơ lưu loát, vẽ một nét nên tranh, thơ đôi câu làm ngơ ngẩn biết bao cô ni trẻ.

Một đôi thùng gánh hai trăng
Một tâm tư trải mấy hằng hà sao. (thơ Như Thủy)

Tiếng khánh quá đường kêu gọi giờ thọ thực, chiếc bát chỗ ngồi cùng huynh đệ bên nhau. Giờ niệm Phật, tụng kinh, màu y áo vẫn thơm hương trầm chánh điện. Đi dạy học nơi Huê Lâm, tiếng giảng bài làm xao động cả lớp. Bài văn đăng nơi Giác Ngộ, ý tứ ngôn từ làm khâm phục độc giả gần xa.

Ta đứng đó áo nâu dài sám hối
Nhạt nhòa bay quên ngày tháng si mê. (thơ Như Thủy)

Vì thao thức trên đường học đạo, chân diện mục chưa khám phá, chưa thấu tỏ nguồn tâm, không đành để một đoạn nhân duyên qua mất.

Mùa xuân ta lên núi
Hăm hở làm sơn đồng
Bỏ con đường khói bụi
Cho sách vở vời trông.
(thơ Như Thủy)

Trên núi Tao Phùng, đảnh lễ Hòa thượng Ân sư, nhập Ni chúng Bát Nhã, học thiền kinh thiền lý, tọa thiền sám hối, vất vả chiến đấu với ma hôn trầm trạo cử. Gánh nước từ dưới núi lên viện, vác củi qua mấy đoạn dốc gập ghềnh, mồ hôi tuôn ướt áo, vẫn mơ làm thiền sinh, đầu gậy khêu nhật nguyệt.

Học trồng hoa trên đá
Chân bước mòn sơn khê
Bao mùa thu trút lá
Sao chưa tỏ lối về.
(thơ Như Thủy)

Đường Thạch Đầu, đường Đại Mai, đồi Tự Tại bao phen nhìn tà áo Thầy bay như giấc mộng. Tiếng giảng kinh, lời nhắc nhở, thiền đường Chân Không vang lời Thầy thức tỉnh. Hãy ra khỏi lối mòn chấp vọng tình vọng thức, hãy buông đi bóng hình hư ảo không thật. Nhận lấy ông chủ nơi mình, tự do tự tại, không chịu để người khuất phục. Một phen giữ chặt đường lối nhà Thiền, dù nóng bức khó khăn, tâm không lay chuyển.

Chưa đủ nội lực công phu, thời thế một phen chuyển động, làm người đầu tiên xuất phát xuống rừng. Thiền viện Viên Chiếu, đất Long Thành rừng hoang gai góc bốn bề. Tay cào tay cuốc, con dao cây rựa dọn rẫy đắp bờ đê. Sức vóc như thanh niên, không con ma khó khăn nào làm nhụt chí. Đất bốn bề có chao nghiêng, một nụ cười hòa tan tất cả. Chị em bên củ khoai củ sắn, trổ tài làm tàu hũ nấm rơm. In một cái bánh khoai mì to bằng bàn tay, chấm nước tương muối ớt cho đầy bụng đói.

Không hề gì, không gian thời gian của một miền rừng heo hút. Đốt lửa nấu bánh, ca hát suốt đêm đợi giao thừa năm mới. Làm đạo diễn xúi bầy em đóng vai trò, cười nghiêng ngả bên gốc cây rừng. Dựng tấm bảng dạy chữ Nho “Chi hồ giả dã”, chị và em lấm bùn đất đầy áo, vẫn miệt mài ôn kinh kệ lời xưa. Thầy từ núi Chân Không về khuyên dỗ, sương sớm còn đẫm hoàng y. Từng lời Tổ, từng lời thiền, chim trên cành nằm im nghe ngóng.

Gió rừng vẳng tiếng Honda
Rủ nhau ta vác cuốc ra đón Thầy.
(thơ Như Thủy)

Một tập tranh ký họa, còn như in Viên Chiếu Lục, vẽ lại một thời thế đó. Mười hai ngày lao động, công trường Vĩnh An nổi tiếng như cồn. Mới hay, sẵn ngòi bút tài hoa thì thế gian trở thành tranh vẽ. Lên pháp tòa thuyết pháp, chuyện xưa chuyện nay, Hư Hư Lục đến giờ vẫn còn xuất bản. Ngôn ngữ như lưu, cười nói giảng dạy mà trẻ già cuồn cuộn kéo theo. Cô Như Thủy, một thời là biểu tượng chư ni ái mộ.

Với huynh đệ tận tâm hết lòng, với biển đời cơ khổ lòng bi thương muốn làm Bồ Tát ra tay tế độ. Chẳng ngại ngần với cuộc đời nhiều bí mật chông gai. Rồi từ đó, tiếng tăm lại in thêm một trang sách khác.

Xa cách bấy lâu, vẫn trông về chùa xưa chúng cũ, tin tức hỏi han, chia sẻ với huynh đệ mỗi lúc gặp việc bất bình. Như ngày xưa hay ngâm câu thơ Lục Vân Tiên:

Anh hùng tiếng đã gọi rằng
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.

Người như vậy, tài hoa như vậy, sao chẳng để cho trọn hưởng tuổi trời. Đất Việt, đất Mỹ xa xôi, chẳng thể nào có mặt trong giây phút cuối.

Một nén tâm hương, đôi dòng chữ thảo, có khi đợi mất đi rồi mới tỏ cạn nỗi niềm. Thầy như bậc Ân sư, cha già trông chờ cùng tử. Lòng bi mẫn nhuần thấm trọn pháp giới, đợi con về trao cho gia tài còn đó. Người thông minh tánh linh không mờ, xin nhớ cho, Phật tánh không hạn cuộc nơi thân tứ đại. Chóng nhận lại nếp áo nhà thiền, bờ giác ngộ chỉ quay đầu là tới bến. Một đời như mộng, ta chỉ thích mộng lành. Rủ sạch vướng mắc nợ nần, bước thẳng lên vị vô sanh, hòa cùng tánh sáng. Phật pháp quang huy đâu có che lấp một ai. Mình sẵn có hạt châu trong chéo áo, mở ra, mở ra liền, xua tan nghèo khổ. Tặng nhau một câu Bát-nhã, “Qua đi, qua đi, qua hết đi, rốt ráo là giác ngộ, bồ-đề.”

Như Thủy giác linh chứng tri.

 (Thích nữ Như Đức - Trụ trì Thiền Viện Viên Chiếu)

 

Thơ Văn Tưởng Niệm Ni Trưởng Thích Nữ Như Thủy

(1950-2018)

Mở Tầm Chân Tu.
Ta bà một cõi dạo chơi,
Như vầng trăng sáng, tỉnh lời pháp âm.
Thủy trong tinh ý chơn tâm,
"Hư Hư Lục" ngữ, mở tầm chân tu. 
 
Tâm Tuỳ Hỷ, áng chơn như,
Vân Du Hoằng hoá, huyền từ bang trao.
Đồng Nai Viên Chiếu tự hào,
Ươm mầm hạt ngọc, nhã vào vầng trăng.
 
Dáng từ thanh thoát bần Tăng!
Thân mang nữ giới, ngỡ rằng trượng phu.
Huyễn như thân bệnh Huân tu,
Tam Kinh Luật Luận, áng từ tinh chuyên.
 
Tịnh Thiền Mật ý chu viên,
Vươn tầm truyền thụ, lên thuyền sang Tây.
Hoa Kỳ pháp ngữ đông đầy,
Nam Trung Bắc chiếu, vầng mây sáng hồng.
 
Kim Cang Bát Nhã tỉnh không,
Lưu thời lục tự, cõi lòng Tây Phương.
Chấp Tay niệm Phật lên đường,
Pháp thân lồng lộng, chơn thường còn nguyên.
 
Hạnh lành dung dị an nhiên,
Tiễn thân Ni Trưởng, xã niềm vân du.
Việt Nam nhớ mãi âm từ,
Bảo toà lưu ảnh, kinh thư ngàn trùng.
 
Bây chừ thắp nén nhang trầm,
Từ quê Xứ Huế, vọng tầm trời Tây.
Trăm năm thức mộng đến ngày,
Hồi quy bản thể, tâm thầy thong dong.


NI TRƯỞNG THÍCH  NỮ  NHƯ  THỦY  VỪA  VIÊN  TỊCH

(1950-2018)

Ni Trưởng Thích Nữ Như Thủy, 
Pháp Hiệu Huệ Hạnh, 
Thế Danh Nguyễn Xuân Yến
sanh ngày 12 tháng 04 năm 1950 (Canh Dần)
đã xã báo thân lúc 8:15 sáng ngày 17 tháng 03 năm 2018 
tại Chùa Phổ Hiền Thành Phố Worcester, 
Tiểu Bang Massachussets, Hoa Kỳ.

Những pháp hành trong pháp môn tu, trên các trang mạng.

Tôi thường xuyên lắng nghe pháp môn.

Thành Kính Cung Tiễn Giác Linh Ni Trưởng Cao Đăng Bổn Tịnh.
 Tk: Thích Minh Thế

Hỷ Tâm Hải Triều

 

BÓNG HẠT NGÀN XA
 Lênh đênh thân nghiệp chốn Ta bà
Cao vút mấy ngàn mấy dặm xa
Lời pháp ậm vang truyền nối mãi
Vẫn giữ danh thơm trọn tấc lòng.
 
Để rồi dừng lại đôi cánh mỏng
Nằm im một góc cưối trời xa
Đau đáu nỗi lòng  cỏ hoa còn đó
Mấy đoan thăng trầm có mấy ai?
 
Thành kính tưởng niệm Giác Linh Ni Trưởng Thích Nữ Như Thủy (1950 - 2018) Sài Gòn, 19-3-2018 - Giác Đạo DKT


Rạng Ngời Thiên Thu
(Thành Kính Tưởng Niệm Ni Trưởng thượng Như hạ Thuỷ)
 
Ta bà một thuở hiện thân,
"Sơn Đồng"(*) lên núi, lụy trần lánh xa.
Chơn Không, Bát Nhã hiền hoà,
Linh Chiếu, Viên Chiếu... vang ca một thời.
Đồng Nai, Lục Tỉnh nơi nơi...,
Tăng Ni, Phật Tử hết lời tán dương.
Sử, kinh, luật, luận làu thông,
Tích xưa, chuyện cổ nằm lòng chẳng quên.
Thăng toà thuyết pháp vang rền,
Thiện tín quy hướng cửa thiền tiến tu.
Đêm ngày hạ thủ công phu,
Nghiên tầm bối diệp kinh thư trao dồi.
Nụ thiền rạng sáng trên môi,
Ngôn âm bất tuyệt, đất trời nhẹ an.
Thương người cơ cực lầm than,
Từ bi giúp đỡ áo cơm, vật dùng.
Ni Trương Như Thuỷ ung dung,
Sống đời đạm bạc, hoằng thông đạo mầu.
Việt Nam, Mỹ Quốc, Âu Châu,
Pháp âm ban trải, giải đau lòng người.
Suối Từ, Quảng Đức, Vô Ưu,...
Âm vàng, lời ngọc còn lưu để đời.
Hương thiền tỏa ngát chân trời,
Nụ thiền mãi mãi rạng ngời thiên thu!
 California, 19-03-2018 - Thích Chúc Hiền

PHỤNG CÚNG DƯỜNG

“Thành kính tưởng niệm Cố Ni Trưởng thượng Như hạ Thuỷ”
 
Ni Trưởng đã về với cố hương
Nhật bình nhàn nhã dạo tây phương
Vô sư trí mở đường an lạc
Bát nhã tâm khai ngõ cát tường
Viên Chiếu phạm âm lừng mấy độ
Phổ Hiền kinh điển ngát muôn chương
Quê nhà vọng bái niềm thương tiếc
Kính nguyện dâng thơ phụng cúng dường
 Như Thị- Quảng Trị
 

VIÊN CHIẾU ƠI! NGƯỜI ĐÃ ĐI RỒI

Người đã đi rồi em biết không?
Tự nhiên thấy trống vắng trong lòng
Đại dương ngăn cách làm sao đến
Hướng vọng Phổ Hiền[1] hướng cửa Không [2]

Tôi nhớ ngày xưa đọc truyện Hư [3]
Chỉ đường tìm đến cõi Chân Như
Truyện dẫn hướng về đường chân thiện
Nhập thế giúp đời, mới ẩn cư.

Văn hay giảng thuyết người quy ngưỡng
Thân nữ mà tướng đại trượng phu
Khát khao chân lý tìm phương hướng
Tìm đến thiền tông hướng đặc thù.

Viên Chiếu thiền môn người chấn tích
Vỡ hoang nối gót Đức Phật Hoàng [4]
Thao thao giảng pháp người cảm kích
Bỏ vọng tìm chân, tọa bồ đoàn [5]

Người lại đi về xứ Mỹ châu
Thiền tông tuyên thuyết khắp hoàn cầu
Phải thời phải lúc bày duyên bệnh
Nối gót Tổ sư, ý nhiệm mầu.

Đông Tây cách trở làm sao gặp
Tôi và em cùng hướng vọng về
Nguyện cầu Ni Trưởng siêu thăng Phật
Hóa độ "duyên lành" thoát cõi mê.
Ngày 19.03.2018  - Thích Giác Tâm

Chú thích:

[1] Phổ Hiền: Chùa Phổ Hiền Thành Phố Worcester, Tiểu Bang Massachussets, Hoa Kỳ, nơi Ni Trưởng xả báo thân lúc 8:15 sáng ngày 17 tháng 03 năm 2018

[2]Cửa Không: "Không môn" trong nhà thiền. Trong đạo Phật, khi nói đến cửa không, chúng ta biết là cửa thiền, cửa chùa.

[3]Truyện Hư: Tức bộ sách "Hư Hư Lục" tác phẩm nổi tiếng của Ni Trưởng.

[4] Đức Phật Hoàng: Là Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, người khai sáng thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Ni Trưởng tu theo thiền tông, thuộc dòng phái Trúc Lâm, Hòa thượng Thích Thanh Từ là thiền sư tiếp nối chấn hưng thiền phái Trúc Lâm.

[5] Tọa bồ đoàn: cũng được gọi tắt là Bồ đoàn, là một dụng cụ để Toạ thiền, thường được dồn bằng bông gòn và bọc bằng một lớp vải xanh dương đậm. Toạ bồ đoàn có hình vuông, với kích thước mà một người ngồi thiền trong tư thế Kết già phu toạ vừa đủ ngồi và để hai đùi gối lên.

MỘT VẦNG TRĂNG
 
“Một đôi thùng gánh hai trăng
 Một tâm tư trải mấy hằng hà sao.”
 (thơ TN Như Thủy)
 
 Gánh nước cây rừng siêng tưới: cây lớn cây nhỏ thấm ân
 Quảy trăng nhẹ hẫng vai gầy: sao hôm sao mai rực sáng
 
 Thi bút thiền ngôn hý lộng
 Một thời ngơ ngẩn tao nhân
 Pháp nhũ biện tài sâu rộng
 Sỏi đá gật đầu thọ ân.
 Một chiều nhìn lại bước đường
 Rỗng rang trời cao mây trắng
 Đêm về nhập một hai trăng
 Tịch mịch tâm tư sâu lắng
 Buông gánh trần gian nhẹ bước
 Mắt tuệ ngời ánh muôn sao
 Huyễn thân gửi nơi sinh-tử
 Nẻo về thinh lặng non cao.
 Hạc tung cánh Nghiêng một trời
 Người ở lại Giấu lệ rơi.
 
 Nước không lưu dấu trăng vô ảnh
Trời trong mây tạnh tâm hư không.
  Kính dâng Ni trưởng Thích Nữ Như Thủy - Hậu học Vĩnh Hảo – Tâm Quang khấp đề


ĐÔI VẦN THƠ TƯỞNG NIỆM
NI TRƯỞNG THÍCH NỮ NHƯ THỦY
Vạn vật thế gian vô thường
Tin SƯ NHƯ THỦY niềm thương vô vàn
Mới đây diệu pháp âm vang
Hoa Kỳ hoằng pháp đạo tràng trang nghiêm
Sư có nụ cười thật hiền
Chuyển bánh xe pháp hữu duyên nơi này
Ni Trưởng thân thiện vui thay
Truyền trao Pháp thoại thật hay đạo vàng
Các bài thuyết giảng Sư ban
Cùng những tác phẩm vô vàn an vui.
 
Kính Giác Linh Ni Trưởng an vui Phật Quốc, sớm trở lại Ta Bà, tiếp tục con đường hoằng pháp độ sinh.
 Chùa Pháp Nhãn - Thích Trừng Sỹ
 

Tưởng niệm Giác Linh Ni Sư Trưởng Thích Nữ Như Thủy

(1950-2018) Pháp hiệu Huệ Hạnh. Viên tịch ngày 17 tháng 3 năm 2018 (nhằm mùng Một tháng Hai năm Mậu Tuất) Tại chùa Phổ Hiền - thành phố Worcester - tiểu bang Massachusetts - Hoa Kỳ, Thế thọ 69 năm- Hạ lạp 43 năm

 Bài của Cư sĩ Thoại Hoa

     Sau buổi công phu tối, tôi ghé qua xem thư từ trên máy điên tử. Tôi vô cùng xúc động, được tin Ni Sư Trưởng Thích Nữ Như Thủy (Hạnh Huệ) viên tịch, do một chị bạn đạo cho hay tin buồn này. Than ôi! Tôi vào Trang Nhà Quảng Đức thì hay tin xác nhận là đúng, Ni Sư Như Thủy đã viên tịch.

Cách đây cũng khá lâu, sau 1975, Ni Sư đã có chứng bệnh nan y, nhưng Ni Sư đã đươc Chư Phật Bồ Tát gia hộ, đã lành bệnh cũng được vài chục năm rồi.

« Con xin thành kính chia buồn cùng Thượng Tọa Thích Thông Lai và hai Sư Cô, bào đệ của Ni Sư, cùng Chư Tôn Đức Tăng Ni trong Môn Đồ pháp quyến của Ni Sư, chư Phật tử trong Giáo Hội Phật GiáoViệt Nam Thống Nhất và cho con xin có đôi lời kính tiễn biệt Ni Sư Thích Nữ Như Thủy»

     Tuy tôi chưa được phước duyên gặp Ni Sư trực tiếp, nhưng tôi ngưỡng mộ và thường theo dõi trên mạng nghe những bài Pháp thoại của Ni Sư. Cách giảng dạy của Ni Sư khác hơn các vị Sư. Ni Sư thường mượn đạo tạo đời hay nói cách khác Ni Sư thường hành Phật sự ích đạo lợi đời bằng cách kể lại những giai đoạn chứng nghiệm trên bước đường tu của mình, phải vượt qua nhiều chông gai.

     Có ngờ đâu Ni Sư ra đi đột ngột quá. Tôi thiết tưởng Ni Sư phải còn có sức khỏe tốt cho nên Ni Sư mới đi hoằng Pháp trên xứ Mỹ. Tôi thường lên mạng nghe Ni Sư thuyết giảng, tai thì chăm chú nghe bài Pháp thoại, tay thì đan những chiếc áo ấm len để rồi đem tặng cho các bé sơ sinh người Pháp, con nhà nghèo. Cách giảng dạy của Ni Sư rất bình dị làm cho ai cũng tiếp thu được dễ dàng. Tiếng nói của Ni Sư hòa âm với tính nết nhu mì, thu hút thính giả vào một thế giới xa lạ thần thoại, tỏa ra một từ trường an lạc yên vui. Tuổi tôi cũng đã cao rồi, tuổi gần đất xa trời, nhớ lại những kỷ niệm gì mà mình nghe và học hỏi nơi Ni Sư và ghi khắc những ấn tích trong lòng tôi. Vài chuyện nho nhỏ qua những bài Pháp thoại của Ni Sư, tôi xin mạo muội kể lại.

     Ni Sư Như Thủy và ba người em xuất xứ từ một gia đình mà cha mẹ cũng là người xuất gia. Do cha mẹ phát nguyện rằng, hai vị có bao nhiêu người con đều cho đi xuất gia hết (trừ chị cả, đã ra riêng lập nghiệp, không đi tu). Quả thật đúng vậy, cha mẹ đã giữ y lời phát nguyện, bốn chị em của Ni Sư Như Thủy đều đi xuất gia! Cha mẹ của Ni Sư đi xuất gia cũng ly kỳ, đặc biệt, khác lạ hơn ai hết. Nếu nói theo giáo lý Phật Đà, thì do «túc trái nhân duyên» hai vị sinh thành của Ni Sư phải gặp nhau trong kiếp này, trải qua bao gian truân vất vả.

     Chuyện thứ nhì là lúc Ni Sư cùng đệ tử, một Ni Cô trẻ, cả hai người bị đày lên vùng kinh tế mới, đi đốn tre. Tội nghiệp cho nhị vị, chân yếu tay mềm, từ nào đến giờ có biết đốn tre ra sao đâu! Cây tre thì cao quá đầu người, làm sao mà đốn xuống, thật là khổ tâm vô cùng. Trong nhóm mười người đi đốn tre toàn là phái nam, chỉ có hai vị sư nữ. Mấy giới đàn ông, họ đang cười thầm để xem hai vị sư nữ này đốn tre ra làm sao. Hai tỷ muội cũng chẳng chịu thua cánh mày râu, tìm hiểu phải đứng cách nào và cho tre đổ xuống phía nào, thế là hai vị cũng đốn xuống một mớ tre. Tối về chiếc lều vải thô sơ để ngủ qua đêm, giữa rừng sâu hiu quạnh. Hai vị sư nữ trẻ, người ngoài hai mươi tuổi (Sư Cô Như Thủy) và người kia vừa tròn hai mươi tuổi, Ni Cô mới xuất gia, hai vị rất sợ màn đêm đổ xuống, hai vị treo lủng lẳng nồi niêu xoong chảo, cản trở lối ra vào, để báo thức hai vị sư nếu có kẻ gian đột nhập vào lều. Thật là tội nghiệp đáng thương cho hai vị sư nữ giữa chốn cô liêu rừng sâu núi thẳm.

     Một đêm nọ, hết nước uống, hai vị sư nữ xách bình đi tìm nước ở ngọn suối, nghe người ta nói không xa lắm, độ một cây số thôi. Hai sư cô cứ đi mãi, khá xa mà chẳng nghe tiếng suối reo đâu hết, thất vọng vô cùng. Dưới ánh trăng soi đường trong đêm khuya tĩnh mịch của núi rừng, chim đêm kêu, vượn hú, nghe lạnh người, bắt nổi da gà...Bỗng dưng trên đường đi, hai sư cô gặp vài người sơn cước, thổ dân, mới hỏi thăm ngọn suối nằm ở đâu mà tìm hoài không thấy. Họ chỉ cho hai sư cô đi một ngõ khác, đi một chập thì sẽ thấy ngọn đèn dầu leo lét trong một ngôi nhà vách đất mái tranh nghèo nàn thì hãy gọi to lên: «Cô Hồng ơi! Cô Hồng!» Cô Hồng sẽ đón hai vị vào, ra phía sau nhà, lấy nước giếng ngọt mà dùng. Hai Sư Cô nói lời cảm tạ, rồi lên đường theo phía chỉ dẫn. Đến nơi, y như lời căn dặn, Cô Hồng ra mở cửa đón hai sư cô và bảo: «Hai vị cứ lấy nước giếng ngọt lên, cứ tự nhiên tắm rửa, giặt giũ, chiết nước vào bình đem về mà dùng. »  Nói xong, Cô Hồng trở vào nhà. Hai sư cô hết sức mừng rở, liền tắm nước mát rượi, giặt quần áo rồi chiết nước đầy bình gánh về. Sáng hôm sau, mấy ông đốn tre thấy hai sư cô có nước uống, mới hỏi nước ở đâu mà hai sư có vậy? Hai sư cô chân thành kể lại chuyện tối hôm qua đi tìm nước uống...Theo sự chỉ dẫn của sư cô, mấy ông thợ đón tre lên đường đi lấy nước, họ đi mãi mà chẳng thấy một ngôi nhà nào hết, kỳ lạ thật! Có một người lớn tuổi trong nhóm thợ nói rằng ông là người thổ dân ở chốn này đã nhiều năm, biết nơi đây là rừng sâu, chẳng có nhà cửa gì cả, không có một bóng người ở nơi đây. Nghe đến đó, hai sư cô nhìn nhau, tự nhủ: «Hai chị em mình được Bồ Tát thị hiện trợ giúp gia hộ rồi, thật là mầu nhiệm!»

     Chuyện khác cũng ly kỳ không ít. Một ngày nọ, Ni Sư về một làng quê, ở lục tỉnh miền Nam, thấy có mấy đứa trẻ đang ham mê chơi đánh bi, thằng anh nào có để ý đến em nó, độ chừng một tuổi, đang bò ra bờ sông...Ni Sư thấy thế, đến bế đứa bé và la lên: «Bé này là em của đứa nào vậy? » Có một bé trai độ sáu tuổi, bẻn lẻn, nói the thẻ trong miệng: «Dạ, nó là em con. » Ni Sư thấy cảnh nghèo khó ở làng quê nằm xa thành thị, các bé không được cắp sách đến trường, động lòng, Ni Sư đi hỏi thăm muốn mua một miếng đất nhỏ xây lên một lớp học và Ni Sư sẽ đứng ra làm cô giáo dạy cho các em bé khỏi bị mù chữ. Có một ông chủ đất, chịu nhường bán một thuở ruộng và tặng cho Ni Sư bằng cách ông thuê người đổ đá, gạch vụn xuống thuở ruộng đó, xây lên một ngôi nhà làm trường học làng, tặng luôn cho Ni Sư  vì ông thấy việc làm phước thiện của Ni Sư thật là quý hóa, ông khâm phục. Ni Sư cho rằng đây cũng được Chư Phật Bồ Tát gia hộ trên bước đường tu của Ni Sư.

     Chuyện này cũng không khỏi làm Ni Sư ngạc nhiên. Ni Sư lên bệnh viện Sài Gòn để khám bệnh. Bác sỹ báo rằng bệnh trạng của Ni Sư khá trầm trọng, cần giải phẫu và họ ra giá. Ni Sư không có tiền để trả chi phí giải phẫu, đành đến bến xe đò để trở về quê. Lúc Ni Sư đi mua vé, thì có một cô gái kêu gọi Ni Sư. Cô này đến chào hỏi Ni Sư rất lễ phép và nói:  «Ni Sư không biết con, nhưng con biết Ni Sư vì đã nhiều lần con đến nghe Ni Sư thuyết pháp, con xin Ni Sư nhận phong bì này, con xin cúng dường». Ni Sư cảm động, nhận phong bì, tỏ lời cám ơn cô gái đó. Khi về tới nhà, Ni Sư mở phong bì ra thì đếm trong đó đủ y nguyên giá tiền chi phí cuộc giải phẫu mà nhà thương đòi hỏi. Đây một lần nữa, Chư Phật Bồ Tát đưa người đến đúng lúc để trợ giúp Ni Sư.

      Chuyện này, Thoại Hoa biết tin tới đây, nhưng không biết Ni Sư có lên Sài Gòn để giải phẫu không, nhưng mình chỉ thấy Ni Sư sau này đi hoằng Pháp mọi nơi trên lảnh thổ VN và còn đi ra hải ngoại như Úc Châu và Mỹ Châu, mình mừng thầm là Ni Sư khỏe mạnh lại bình thường mới chạy đi tứ phía không màng gian khổ.

      Viết tới đây, một lần nữa, tôi tỏ lòng thương tiếc Ni Sư, trọn một đời chịu khổ lo cho đạo, lo cho đời. Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất mất đi một trụ cột, một lãnh đạo tài ba, hiền đức, nhẫn nhục, khiêm tốn, uyển chuyển, khéo léo hoằng pháp lợi sanh.

      Có lẽ việc đạo, việc đời, Ni Sư đã làm trọn vẹn, nay đành giao lại cho đời, cho những đệ tử xuất gia như tại gia, những người nối gót kế sau.

      Con xin kính cẩn đê đầu đảnh lễ trước Giác Linh của Ni Sư và ngưỡng nguyện cho Giác Linh Ngài Cao Đăng Phật Quốc, sớm hội nhập Ta Bà, thân phân vô số, hoằng dương Chánh Pháp, hóa độ chúng sanh.

 Nam Mô Tiếp dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.


Kính tiễn Ni Sư Trưởng Thích Nữ Như Thủy
Dẫu biết rằng hợp ắt có tan
Bài học vô thường cõi trần gian
Làm sao tránh khỏi đôi dòng lệ
Hương hoa ưu đàm tỏa ngập tràn!
 
Đốt nén hương lòng dâng Sư Thầy
Những lời hoằng pháp vẫn còn đây
Tự tại về thế giới An Lạc
Một đóa sen nở bên trời Tây!
 
Kính bái bạch Giác Linh Sư, Thoại Hoa
 

NHỮNG NGÀY BÊN THẦY GIÁO THỌ

NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Kính lạy Giác Linh Ni Trưởng Như Thủy
 
Cách xa vạn dặm phương trời
Ngày Mùng Một không trăng u tịch
Nghe tin người nhẹ gót về Tây
Chúng con nghe nơi cõi lòng nặng trĩu
 

Như ngây như dại, như thể đánh mất một cái gì đó quý giá trong đời khó mà tả được.Thời gian mấy ngày qua hàng triệu người ngay cả trong và ngoài nước đều cảm nhận được nỗi đau thương tang tóc từ một sự ra đi. Sự ra đi của Ni Trưởng đã làm tan nát bao trái tim. Người ra đi để lại không ít nỗi đau buồn, bởi đó là một sự mất mát lớn cho hàng Ni Giới chị em chúng con nói riêng và toàn thể hàng tín đồ Phật tử nói chung. Vẫn hiểu thân này rồi phải trải qua 4 tướng Sanh- Già- Bệnh-Chết, nhưng sao chúng con nghe tim mình trĩu nặng thế này!
 

  Còn đâu nữa khi Hạ về, còn đâu nữa những buổi học mà  Người đã hoá thân trong nhiều vai trò để giúp đỡ chị em chúng con, mỗi lần bên cạnh Người chúng con như được tắm gội sạch sẽ cả tâm hồn và thể xác. Khi hay tin Người nhập viện, chị em chúng con không ngừng cầu nguyện cho Người từng ngày với niềm tin và hy vọng là Người sẽ trở về bên chúng con. Chị em chúng con ai cũng có trách nhiệm tại Bổn Tự, nhưng đều đã có dự định là chúng con sẽ bay đến bên Người, và Người cũng đã hứa ngày 18 tháng 03 sẽ họp mặt với chúng con tại San Diego.

  Thế mà định luật vô thường quá khắc nghiệt đã không cho phép Thầy trò chúng ta có dịp hội ngộ lần cuối, chúng con không chuẩn bị được gì cả.  Người biết không! Sư Chị Tiến Liên và chúng con khi hay tin Người đột ngột ra đi là lúc chúng con đang vào khóa Lễ, chị ấy lúng túng quên trước quên sau rất là tội nghiệp. Giờ thì chúng con đã vĩnh viễn xa Người và xa mãi mãi, nhưng dư âm lời dạy dỗ của Người ngày nào luôn đọng mãi trong tâm hồn chị em chúng con.

Nói đến phong cách và sự nghiệp nổi bật một đời hoằng dương Đạo Pháp của Người, chúng con luôn nhớ tới phong cách chất phát mộc mạc giản dị, và một giai đoạn với hạnh nguyện độc cư của Người và những tác phẩm với chất liệu giáo dục đậm nét văn hoá Phật Giáo. Những công trình giáo dục Người đã một đời đóng góp cống hiến cho ngôi nhà Phật Pháp mãi mãi đọng lại trong tâm hồn mọi người .

Kính lạy Giác Linh Ni Trưởng, chúng con quá đau lòng khi được Sư Như Bảo đưa tin từng giờ cho chị em chúng con, Sư Bảo nói: “Sư đau  lắm nhưng Sư vẫn nói pháp nhắc nhở chị em chúng ta”. Sư ơi chúng con nghe cõi lòng tan nát từng khoảnh khắc trong tuyệt vọng, mặc dù chúng con đã cố gắng để ngồi yên trong tĩnh lặng như lời người dạy, nhưng khi đứng trước tình cảnh đau đớn này chúng con vẫn tả tơi như những chiếc lá mong manh lìa cành trong phong ba bão táp.

Chúng con hiểu rằng tất cả đều là những du khách đi qua trần gian này một chuyến đi mất hết mấy mươi năm. Mỗi người đều có cảm nhận riêng cho chuyến đi của mình. Rồi chúng con bắt đầu cho những chuyến đi mới,   hành trình mới …. và mong đợi những gì, để chúng con làm cho đời mình một chuyến vân du mới trở nên đầy ý nghĩa.

Vẫn biết là ai cũng phải từ giã chốn này, hiểu rằng sự ra đi là một khởi đầu mới là một cơ hội mới để hưởng được những thành quả trong bánh xe nghiệp vẫn không ngừng quay. Chúng con vẫn biết bây giờ không phải lúc chúng con sợ hãi và lo lắng, sầu bi khổ não, mà  chúng con phải nhận chân được rằng mình có cơ hội  quí giá để chuẩn bị cho ngày trọng đại  này và chuyển hóa tâm thức mình đúng hướng cho bây giờ và mãi mãi về sau, cho chính chúng con và cho tất cả mọi người. 

Kính lạy Giác Linh Ni Trưởng, Cali quá u buồn! Chờ đợi đón Người về, nhưng sẽ là một cổ quan tài lạnh giá, chứkhông phải là một vòng tay ấm áp, một nụ cười hiền bao dung và độ lượng hôm nào. Nhớ từng giọng nói từ ái của Người, từng cử chỉ của Người nhắc nhở hay hỏi thăm Phật sự của chị em chúng con.

Riêng con còn nhớ năm ấy với trái tim còn nhiều non nớt, ba huynh đệ: Sư chị Tịnh Huy ,Tịnh Hân và Tâm Vân chúng con khăn gói lên đường tiến thẳng về Thiền Viện Viên Chiếu, thập niên 80, Người là Giáo thọ cũng là Tổng Giám Viện. Chúng con ở lại Thiền Viện Viên Chiếu một tháng và quyết định trở thành thiền sinh, nhưng riêng con đã bị Sư Ông Thanh Từ  và Người từ chối, còn nhớ sáng hôm ấy mặc dù không được trở thành thiền sinh, nhưng con đã nhậnđược một món quà tinh thần khá đặc biệt, đó là một pháp thoại ngắn từ Sư Ông và Người đã dành cho con, cũng đủ cho con trở về Sài Gòn với tâm trạng hân hoan để làm hành trang cho đến ngày nay. Thế rồi đến năm 2015 con có duyên gặp lại Người và còn ở chung một tòa nhà với người tại Tịnh Uyển Đức Viên. Con thỏ thẻ hỏi người tại sao năm ấy từ chối con. Người cười và nói: “Không phải bây giờ Tâm Vân đã có tất cả câu trả lời rồi đó sao” cả hai Thầy trò mỉm cười trong im lặng, khung cảnh cô tịch êm ả của núi rừng lúc ấy cũng chìm sâu, hòa quyện với tâm trạng của chúng tôi ….Dường như năm ấy Người đã  thấy rõ vận mệnh của đời con. Và Người cũng luôn nắm rõ vận mệnh của chính bản thân mình trong lòng bàn tay,  thế là Người đã âm thầm từng bước đi qua trần thế này một cách tự tại và hiên ngang,mặc cho thế sự vui buồn…

Chúng con xin chắp tay cầu nguyện cho Người vẫn thong dong tự tại yên nghỉ trong cảnh giới của chư Phật.

Kính bái lạy Giác Linh Ni Trưởng. Học Ni Tâm Vân.


Kính lạy giác Linh Ni Trưởng Như Thủy
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Ngưỡng bái bạch giác Linh Ni Trưởng

Từ phương trời xa xôi, tin Ni Trưởng đã thuận thế vô thường, trở về với Phật, tim con nhói đau, lòng con khoắc khoải, đôi dòng lệ rơi. Kính lạy Ni Trưởng! Con vẫn biết rằng, cuộc đời này là quán trọ, trần gian là nơi tạm bợ, đến đi là lẽ thường tình, hiển nhiên là sự thật, nhưng sao con nghe đau đớn quá. Ni chúng của chúng con đã mất đi một bậc một cây đại thụ.

Những năm tám mươi, nhờ băng đĩa và những bài giảng của Ni Trưởng đã làm cho con biết đến Phật giáo, mặc dù gia đình con thờ Phật nhưng con vẫn không biết Phật là thế nào? Nhờ những lời giảng của Ni Trưởng đã giúp con trưởng thành theo năm tháng.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, với ước muốn một lần đươc nhìn thấy Ni Sư bên ngoài là con mãn nguyện lắm. Và ông trời đã không phụ lòng những người như con, cuối cùng con cũng đươc nhìn thấy Ni Trưởng bằng xương bằng thịt trong dịp con được qua Mỹ (6/2015) tại Chùa Phước Hải – Charlotte North Colonia. Gặp được Ni Trưởng bên ngoài con mừng lắm, con xin chụp hình cùng Ni Trưởng, con kể Ni Trưởng nghe con là fan hâm mộ của Ni Trưởng từ bé…

Duyên thầy trò chỉ được ba ngày, nhưng con cũng cảm nhận được năng lượng khi con đươc kề cận bên Ni Trưởng.  Thời gian rồi cũng qua, Ni Trưởng lại tạm biệt Chùa Phước Hải để tiếp tục công việc hoằng pháp của mình.

Con về lại Ấn Độ để tiếp tục chương trình học cho mình, và từ đó con không còn được liên lạc với Ni Trưởng nữa, nhưng không vì thế mà con quên Ni Trưởng. Mỗi ngày, con vẫn thường xuyên lên mạng xem các băng giảng của Ni Trưởng. Và được nhìn thấy Ni Trưởng khoẻ mạnh là con mừng lắm.

Như mọi khi, sáng nay, con cũng lên mạng, tìm bài vở và lướt trên trang nhà quang duc.com. Bỗng dưng con thấy đăng tải dòng tin ‘Ni Trưởng Như Thuỷ Viên Tịch’ … Hỡi ơi! Đất trời Ấn Độ như quay cuồn, chim trời Pune ngưng hót, cỏ cây rũ rượi như khóc thương tiếc một bật danh nhân của Ni Giới Việt Nam. Ni Trưởng của con đã ra đi thật rồi.

Kính lạy giác linh Ni Trưởng, 

Nơi phương xa, đốt nét hương lòng, con thành kính đảnh lễ giác linh Ni Trưởng Cao Đăng Phật Quốc, và sớm trở về với chúng con.

Kính lạy giác Linh Ni Trưởng Thượng Như Hạ Thuỷ thuỳ từ chứng giám.
  
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Thích Nữ Liên Vinh

No comments:

Post a Comment

Thơ Đạo 3

     Từ nguyên thủy rừng già dòng suối chảy     Bưởi hoa vườn mưa tạnh ửng phù dung     Tình đá tượng vẫn còn nguyên vẹn lắm     Gióng hồi c...