Saturday, February 20, 2021

Nguyễn Thụy Sơn 3

Xin giới thiệu một bài thơ luận sâu sắc về nhân quả - Trầm tích và sự lột xác - Không gian Nhàn trong "Hóa Suối" đường thi Thụy Sơn - Người đàn bà Gánh Trên vai Niềm Tin yêu - Đọc Trầm Tích tập thơ Thụy Sơn - Vài dòng về tập thơ Trầm Tích  


XIN GIỚI THIỆU MỘT BÀI THƠ LUẬN SÂU SẮC VỀ NHÂN QUẢ

TAI TON

Bài thơ gồm 4 khổ thơ.
Khổ thứ nhất: Tác giả khẳng định không có bắt đầu và không có kết thúc. Một triết lý cơ bản của Phật giáo.


Bắt đầu là một Nhân và cũng là một Quả của một Nhân trước đó. Như vậy Quả lúc này là một Nhân của vị lai. Nhân Quả luôn luôn tương tức tạo thành khái niệm luân hồi trong Phật giáo.


Với khái niệm này thì dễ hiểu khi nói:


Bắt đầu thị hiện một chúng sanh là kết quả của một duyên trong quá khứ nào đó mà ta gọi là tiền kiếp.


Kết thúc thị hiện một chúng sanh là Nhân bắt đầu cho một kiếp vị lai.


Nên KHÔNG CÓ BẮT ĐẦU VÀ KHÔNG CÓ KẾT THÚC. (NHÂN LÀ QUẢ VÀ QUẢ LÀ NHÂN)


Khổ thơ thứ 2:
Dùng hình tượng bình minh và hoàng hôn với nhũng vần thơ mềm mại để minh chứng cho lập luận của khổ thơ thứ nhất : không có bắt đầu và không có kết thúc.
Bắt đầu bình minh kết thúc hoàng hôn.
Bắt đầu hoàng hôn kết thúc bình minh.


Khổ thơ thứ 3:
Chinh phu phá thành đi tìm một nửa dòng sông của mình nhưng như hai dòng sông định mệnh chảy về hạ lưu giao hòa thành một dòng mà tên của nó chưa kịp đặt. Một sinh linh ra đời.


Đây là khổ thơ nói đến Duyên Sinh tạo nên vũ trụ.
Hai dòng sông định mệnh kia chính là Duyên của quá khứ nhưng là Nhân của vị lai. Ta lại thấy KẾT THÚC của sự hợp lưu hai dòng sông chính là sự BẮT ĐẦU của dòng sông chưa dặt tên.


Khổ thơ thứ 4 :
Dòng sông nào cuối cùng cũng chảy vào lòng đất mẹ để tiếp tục hành trình làm một Nhân ( Bắt đầu ) cho một kiếp lai sinh. Rồi cứ thế luân hồi muôn thuở.

 

KHÔNG BẮT ĐẦU KHÔNG KẾT THÚC - Thụy Sơn.

Không giây bắt đầu không giờ kết thúc
Tàng thức từ đâu xuyên thế giới tìm
Đêm tri ngộ phía không miền tối sáng
Hiện hữu đất trời tái lập một giấc mơ

Khi hoàng hôn vắng mặt gọi tên
Là lúc bình minh ngọt ngào dâng hiến
Khi tia nắng cuối ngày khánh kiệt
Là lúc đất cùng trời tận thế một bờ môi

Đêm đã cài then chặt búi tóc mây
Vó ngựa chinh phu xuyên thành phá cổng
Khi hai nhánh đời chảy vào sông rộng
Hoá một dòng chưa kịp đặt tên

Cầm chiều ra phơi khoảng nhớ không tên
Gói nụ hôn khuya giấu mùa trong gối
Phía trăng muộn hai bóng đời chìm nổi
Đất mở màu xin đợi buổi tàn tro.


TRẦM TÍCH VÀ SỰ LỘT XÁC

Bài viết:Mai Hữu Phước


Trong tập thơ đầu tay "Như hạt bụi đam mê" (Nxb Hội Nhà văn - 2017), Thụy Sơn viết trên bìa sách:


"Tay cầm sợi nắng, tay buông gió
Một gánh vô thường, một gánh mây".


Hai câu thơ thật sự gây ấn tượng, vì gợi lên cho bạn đọc những suy nghĩ về triết lý sống của con người. Xét cho cùng, vạn vật, xã hội đều thay đổi theo thời gian, biến hóa ảo dịu, không có gì chắc chắn, không có gì trường tồn. Tất cả rồi cũng như nắng, như gió và như mây mà thôi…


Tôi lại bắt gặp chữ "vô thường" ngay ở bài thơ đầu tiên - "Đóa vô thường" trong bản thảo tập thơ "Trầm Tích" mà Thụy Sơn đang trong giai đoạn chuẩn bị ấn hành. Đây là lời của bài thơ: "Ta về, chăm ngọn cỏ vườn


Chờ tâm trổ đóa vô thương an nhiên
Mòn đêm chưa thuộc chữ THIỀN
Thấy trăng tròn khuyết bên hiên giật mình."


Không giật mình sao được, khi bao nhiêu điều cần làm, chưa làm, bao nhiêu điều cần hiểu, chưa hiểu, bao nhiêu ước mơ cần thực hiện, chưa thực hiện được .Vậy mà bao nhiêu bận trăng tròn, trăng khuyết như vó câu ngang qua cửa sổ. Cái dốc bên kia cuộc đời ngày càng trở nên khó khăn và nặng nề.


Vốn là một cô giáo, Thụy Sơn thuộc "típ" người trầm lặng và nội tâm. Ở một góc nào đó, Thụy Sơn như bước ra từ đền đài, cổ tháp tựa một Apsara giữa bóng tà diệu vợi và ngơ ngác rung lên những tiếng tơ lòng:


"Chỉ là Nguyệt Quế mãn khai rơi
Lạc giữa trần gian với phận người…"


Phận người sao mà đa đoan đến vậy? Vui đó buồn đó, sướng đó khổ đó, yêu đó ghét đó, hợp đó tan đó. Tham - sân - si cũng là những thứ mà con người ta tạo ra. Cái gì tạo ra được thì cái đó có thể bỏ được. Tất nhiên, để buông xả chúng cũng không phải là điều mấy ai cũng dễ dàng làm. Thi ca tỏ ra có quyền năng và Thụy Sơn tự mình đã biết cách làm gì cho cuộc đời giảm bớt gánh nặng của sự âu lo và suy tư:


"Cảm ơn chút gió bên đàng
Cho ta ngồi lại nhẹ nhàng xả buông
Cảm ơn đời trận mưa tuôn
Cho ta rửa sạch cội nguồn sân si."
(Cảm ơn)


Chút gió bên đàng phải chăng là căn nguyên của sự giật mình tỉnh ngộ. Nhờ đó mà buông xả bao nhiêu ưu phiền của phận người một cách nhẹ nhàng. Trận mưa tuôn như là cơ hội để gọt rửa những gì bụi băm, nhường không gian cho sự thanh tao lan tỏa, ngự trị…


Có không ít người bên dốc cao và hẹp của cuộc đời ngồi than thân trách phận, gói sự u sầu, cô đơn, phiền muộn trong những chiếc lá dần tàn của sự ủy mị, rong rêu và kín lối như chân cổ tháp. Trong "Nắng Duy Xuyên", hãy nghe Thụy Sơn mở lòng:


"Ta về tắm nắng Duy Xuyên
Chợt cơn mưa lạ tưới miền đất xa
Rừng phong phút bỗng trổ hoa
Mùa xuân về giữa thu pha tóc mềm."


Duy Xuyên không có những rừng cây phong lá đỏ hút hồn như các nước trời tây. Nhưng một rừng gió cũng đủ để cho cảm xúc thăng hoa và để lòng đơm hoa kết nụ hân hoan đón chào chúa xuân lộng lẫy đang về cho dù "thu pha tóc mềm". Tôi nghĩ, nếu cần chọn trong "Trầm Tích" vài câu thơ tiêu biểu của Thụy Sơn, thì "Mùa xuân về giữa thu pha tóc mềm" là một câu xứng đáng!


Khi đối diện với cuộc người trăm năm, Thụy Sơn cũng là người tận "ngộ" trước những "vô thường". Nên tuy có một chút thoảng thốt:


"Trăm năm
còn được bao ngày
Cuối thu mắt đã
vương đầy khói sương"


Nhưng chút thoảng thốt kia nhanh chóng tan biến nhường chỗ cho sự khát vọng thương yêu ngập tràn, hối hả như dòng suối mùa xuân: "Ngại ngần chi để yêu thương" (Nghiệp thức) như là lời tuyên cáo từ nội tâm sâu thẳm chứa đầy dịu dàng sự thương yêu.


Từng làm nghề "rèn chữ", nên Thụy Sơn có sở trường làm thơ Đường Luật. Với thể loại thơ này, Thụy Sơn đã làm khá nhiều và chắc tay. Tập thơ đầu tay cho thấy rõ điều đó. Tuy nhiên, với "TRẦM TÍCH ", Thụy Sơn gần như lột xác hoàn toàn, mạnh dạn cỡi bò chiếc áo choàng cũ kỷ để tạo ra một diện mạo mới cho riêng mình.


Ngũ Hành Sơn - Đông 2018
MAI HỮU PHƯỚC.
(Ủy viên - BCH Hội Nhà Văn tp Đà Nẵng)


KHÔNG GIAN NHÀN TRONG “HÓA SUỐI”
Đường Thi: Thụy Sơn
Lời bình: Châu Thạch

 

HÓA SUỐI
Đường danh ngõ lợi chạm đêm rồi
Ẩn dật về vườn nhặt lá thôi
Sáng đạp vòng xe tròn sám nguyện
Chiều lên thảo cốc ngược luân hồi
Càn khôn mỏi gánh hai vai thả
Tuế nguyệt xoay vần một giấc trôi
Đáy nước trần ai soi nửa bóng
Ta nằm hóa suối đợi trăng rơi .
T.S

 

BÌNH:
Nhàn là một đề tài mà các thi sĩ đã viết từ xưa đến nay cũng nhiều. Hơn 500 năm trước trong bài thơ “Cảnh Nhàn”, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chọn một cách sống giản dị, ẩn dật, rời xa chốn hư danh phàm tục đã được đời ca tụng là một triết lý xuất thế, sống thanh tao, sâu sắc. Gần 300 năm sau, nhà thơ Nguyễn Công Trứ với bài thơ “Chữ Nhàn” có khuynh hướng hưởng nhàn tích cực hơn. Ông quan niệm tìm nhàn trong khi dấn thân, hưởng nhàn trong khi vùng vẫy chí nam nhi. nghĩa là tìm nhàn ngay trong khi đang nhập thế. Ngày nay, những người hưu trí, những người già thường làm thơ, nhất là sáng tác Đường thi với đề tài nhàn. Đa số các bài thơ về nhàn ngày nay chỉ là ước mơ, không là sự thật bởi cuộc sống bây giờ quá náo nhiệt, không còn chổ cho người ẩn dật tìm nhàn như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, mà cũng không thể có được cho người tìm nhàn trong khi đang bon chen giữa cuộc sống như cụ Nguyễn Công Trứ. Tuy thế thơ tìm nhàn ngày nay phải nói rằng cũng mượt mà, thi vị, ẩn chứa tư duy nhiều hơn và khác hơn thuở xưa, bởi thi nhân ngày nay luôn đối diện với nhiều trăn trở hơn cha ông ta thuở trước.


Một trong những bài thơ tìm nhàn như thế mà tôi gặp được là bài thơ “Hóa Suối’ của Thụy Sơn, một thành viên của chi hội Đường thi Đà Nẵng. Thử đi vào từng vế thơ trong “Hóa Suối”, ta có thể hiểu khái niệm về một “không gian nhàn” của phong cách Đường thi ngày nay.
Vào hai câu mở đề, ta thấy Thụy Sơn đã dự trù một thái độ hưởng nhàn khi đến tuổi về hưu:

 

Đường danh ngõ lợi chạm đêm rồi
Ẩn dật về vườn nhặt lá thôi

 

Tác giả cũng thích ẩn dật khi tuổi về chiều như bao nhà thơ từ xưa đến nay. Thế nhưng khác với xưa, ngày nay nhà thơ hưởng nhàn không lo đến cái ăn nữa, họ vui thú điền viên thật sự đến độ thong thả nhặt lá rơi. Ta thấy người xưa ẩn dật như thế nào:

Một mai một cuốc một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
------------------------------------
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
(Tìm Nhàn-Nguyễn Bỉnh Khiêm)

 

So sánh hai thú hưởng nhàn ta thấy người xưa còn đi tìm thực phẩm cho mình và ăn uống đạm bạc, sinh hoạt hằng ngày trong phương tiện đơn sơ. Không gian nhàn hiện nay có khác, rộng mở cho nhiều người vì không lo nghĩ đến sinh kế trong tuổi già, nhưng ngược lại, nó khép chặc cánh cửa đi vào không gian đó bởi cuộc sống xô bồ vât chất cuốn hút tâm hồn họ. Vế mở của bài thơ khẳng định tác giả muốn hưởng nhàn vì tuổi đã cao, không còn xông xáo được trong cuộc đời nữa chứ không như Nguyễn Bỉnh Khiêm thuở xưa “Ta dại ta tìm nơi vắng vẽ/Người khôn người đến chốn lao xao” là một thái độ xuất thế rõ rệt.


Chữ “nhặt lá thôi” trong câu thơ cũng cho ta hiểu tâm trạng của thi nhân, một tâm trạng thừa nhận và đành chịu vì cái già đã đến.

 

Tuy không gian nhàn của Thụy Sơn không phải là một không gian ẩn dật, không phải là một chân lý sống như các bậc hiền triết, nhưng tác giả cũng đã sâu nhiệm được vô vi của Lão và nhân quả của Phật để hòa nhập với thiên nhiên và tìm về nẻo thiện trong sự hưởng nhàn:

 

Sáng đạp vòng xe tròn bạch nhật
Chiều lên thảo cốc ngược luân hồi

 

“Vòng xe tròn” thể hiện cho một sự viên mãn. Đọc cụm từ “vòng xe tròn” ta hiểu niềm vui trọn vẹn của tác giả trong những giờ tập thể dục buổi sáng.


“Bạch nhật” là ngày trắng, thể hiện một ngày an lành trong đời với tâm tư tinh khiết. “Đọc “tròn bạch nhật” ta hiểu sự an lành trọn vẹn của ngày hôm đó.


“Thảo cốc” hiểu là một cái am bằng cây lá, thường là nơi tu tập của các đạo sư. Với tác giả, ta có thể hiểu là một căn nhà nhỏ trong một khu vườn nào đó chốn thôn quê.


Thụy Sơn cho rằng “Chiều lên tháo cốc” để ở đó đi “ngược luân hồi”. Luân hồi hay vòng Luân hồi trong Phật giáo là vòng sinh tử, chỉ những lần đầu thai nối tiếp nhau của mọi sinh linh. Vây thì đọc “Chiều lên thảo cốc ngược luân hồi” ta hiểu ngay nhà thơ đến một nơi thanh tịnh để ôn lại quá khứ, trở về với dòng sông ký ức của đời nầy hay của kiếp trước tùy thành quả tu tập hay năng lực suy tư của mình.
Hai câu thơ của vế trạng là hành động để hưởng nhàn. Tiếp đó, hai câu thơ ở về luận nhà thơ đã bộc lộ hoàn toàn chí hướng của mình, pháp tu của mình, cũng như cái kết quả vĩ đại khi đạt được giác ngộ:

 

Càn khôn mỏi gánh hai vai thả
Tuế nguyệt xoay vần một giấc trôi

 

“Càn khôn” là trời đất. “Tuế nguyệt” là năm tháng. Câu thơ thứ nhất, ý tác giả nói thả trời đất mà mình đã gánh trên vai xuống. Ý nầy trong Phật giáo gọi là “Vô quái ngại”, nghĩa là buông bỏ tất cả.


Câu thơ thứ hai, ý tác giả nói để cho ngày tháng trôi luôn đi. Ý nầy trong Lão giáo xem như sự hòa nhập vào thời gian, nghĩa là vô vi cùng năm tháng.


Tất nhiên đây chỉ nằm trong tâm hướng nguyện của tác giả, nhưng vế thơ đã tôn vinh năng lực của con người trong sự hùng vĩ của tạo hóa.


Đọc vế cuối của bài Đường thi, ta mới thấy Thụy Sơn khoác lên bài thơ một chiếc áo lung linh thơ mộng. Chiếc áo đã thay màu những tứ thơ già cổi của đạo ở trên, làm những tứ thơ đó trở nên thi vị, khiến toàn bộ bài thơ như một cánh chim vụt bay, làm cho ta chỉ chú tâm nhìn vào đôi cánh đẹp của nó mà thôi:

 

Đáy nước trần ai soi nửa bóng
Ta nằm hóa suối đợi trăng rơi.

 

Nhà thơ đã hóa thân mình thành dòng suối. Dòng suối hóa thân chứa đựng hết thảy những nỗi trần ai chìm dưới đáy của nó. Vì sao nó chìm? Vì quá khứ đang nằm trong dòng sông ký ức của đời người, có thể hiểu sâu nó là hình ảnh của những tiền kiếp trôi lăn trong bánh xe luân hồi của đạo pháp. Quá khứ ấy không hiển hiện trọn vẹn trong dòng sông ký ức. Bởi sự vô minh mà tội lỗi gây nên, con người chỉ thấy được một phần của nó, hay như Thụy Sơn đã viết, chỉ soi “nửa bóng” trong “đáy nước trần ai”. Bởi sự vô minh, nhà thơ nằm đó như con suối được soi rọi nửa vần trăng, thao thức đêm trường để chờ đợi nửa vầng trăng còn lại rơi xuống “đáy nước trần ai”. Từ ý thơ trên, ta hiểu, bao giờ nửa vầng trăng còn lại rơi xuống đáy nước trần ai thì lúc đó trăng sẽ tròn, người thơ không còn chờ đợi trăng nữa, vì đã thấy được toàn bộ trăng, hay là đã thấy được toàn bộ ký ức của mình trong đời nầy và cả trong tiền kiếp. Chỉ có ngày rằm thì trăng mới tròn, và đáy nước sẽ nhận được ánh trăng tròn chiếu xuống. Trăng tròn thể hiện cho sự viên mãn trong đạo Phật, hay là sự ngộ đạo, đạt được chân lý để đi vào cõi vĩnh hằng. Vậy nhà thơ Thụy sơn đã dùng hình ảnh thiên nhiên của trăng và nước để thể hiện sự đợi chờ của mình một ngày thành đạo. Rằm để cho trăng tròn trong thiên nhiên thì luân hồi mỗi tháng, nhưng rằm trong tâm linh con người để đạt đạo viên mãn thì ngàn đời ngàn kiếp trôi lăn trong cõi luân hồi mà vẫn chưa chắc có. Thế cho nên, hai câu thơ kết của bài Đường thi nầy mang hình ảnh sông và trăng mơ mộng và lãng mạn, thể hiện cho năm tháng vừa hưởng nhàn vừa tu tập nhưng ta vẫn cảm nhận có tiếng thở buồn chất chứa trong thơ. Vì sao thế? Vì nhà thơ đã hóa thân thành con suối, con suối tâm linh. Con suối đó nằm chờ ánh sáng chân lý của cả mảnh trăng tròn mà Phật Thích ca đã dùng ngón tay để chỉ soi rọi linh hồn mình. Thế nhưng con suối không biết sẽ đợi đến kiếp nào thì nửa vầng trăng còn lại trên trời mới rơi vào lòng con suối, đợi đến kiếp nào thì sự viên mãn mới xảy ra, chân lý mới thấy được tròn trịa trong tâm linh mình! Từ đó trong câu thơ đợi chờ giải thoát có âm hưởng buồn man mác.

 

Đọc Đường Thi ‘Hóa Suối” của tác giả Thụy Sơn, ta thấy được một không gian hưởng nhàn của tác giả khác xưa. Tuy tác giả có dùng từ “ẩn dật” trong thơ, nhưng không gian ẩn dật ấy được mở rộng ra, vừa nhập thế vừa xuất thế. Nhập thế trong những giờ sống giữa đời. Xuất thế khi về một nơi yên tịnh, ôn cố, chiêm nghiệm và hành tập để chờ ngày đạt được chân lý viên mãn. Không gian hưởng nhàn trong thơ Thụy Sơn không mang màu sắc chán đời, không có ý niệm ẩn dật theo kiểu người xưa muốn xa lìa cõi tạp. Không gian ấy có những sinh hoạt thanh tao giữa đời thường, có hương vị của thiền để tìm về nẻo Phật, có tâm hồn vô vi hòa nhập vào thiên nhiên đang sống và có tiếng thơ đồng vọng âm vang với trăng nước trong cuộc trần đang khi trên đường tìm về cố quận. Có lẽ không gian hưởng nhàn của Thụỵ Sơn phù hợp với tất cả chúng ta, những con người còn yêu cuộc sống, còn quý cuộc đời này....


 NGƯỜI ĐÀN BÀ ...GÁNH TRÊN VAI NIỀM TIN YÊU

Bài viết: Bùi Xuân

 

Đọc tập thơ Trầm tích của Thụy Sơn, tôi thấy hình như tư tưởng Thiền tông đã từ lâu tỏa hương thơm dịu dàng trong sâu thẳm tâm hồn của tác giả. Vì vậy, tôi không lấy làm ngạc nhiên khi thấy chị viết nhiều về Thiền, sử dụng rất nhiều ngôn ngữ nhà Phật như: vô thường, nghiệp, tịnh, duyên, luân hồi, sắc, không…
Chị tự bạch:


Lên chùa
xếp tạng kinh thư
Thấy trong tiền kiếp
ni sư bóng mình
(Nghiệp)


Nhưng, nhà thơ của chúng ta là người “qua sông/ làm rớt câu kinh”. Chị không thể qua được bờ bên kia. Duyên nghiệp đã để chị ở lại bờ bên này. Trần gian vẫn là nơi thường trú, là chốn đi về của chị. Ở đó, chị có cả vui buồn, hạnh phúc và đắng cay, sum vầy và tan vỡ… Ở đó, chị vừa có thể tự soi vào nội tâm của mình vừa có thể nhìn ra ngoại giới để mà hiểu và yêu thương cuộc đời này hơn. Và cũng chính vì thế, chị đã chọn cho mình một cái nhìn nhân văn, một thái độ mềm dẻo, một lối sống nhẹ nhàng, không hẳn kép kín, thoáng một nét buồn, như chính con người của chị vậy.

Thơ của chị thật nhẹ nhàng:


"Mưa giao mùa vỡ giọt
Khóc phù sa đỏ bờ

Trăng giao mùa khuyết tuổi
Ru lá ngủ bên hồ... "
(Giao mùa)


Chị như cánh Quỳnh Lan, dịu hiền, tinh khôi nhưng mỏng mảnh…


"Quỳnh Lan
Cánh mỏng dịu hiền
Em tinh khôi nở
Bên triền gió phai.."
(Khép cánh Quỳnh lan)


Lời thơ của Thụy Sơn, dù ở mảng đề tài nào, về căn bản vẫn đằm thắm và sâu lắng. Tuy nhiên, là một người hay nói về cái vô thường, chị ý thức được thân phận “hạt bụi” của con người trong vũ trụ bao la này; và cũng chính nhờ vào sự ý thức đó, thơ của Thụy Sơn cứ như dòng suối của thương yêu, len lỏi, thầm thì chảy qua của những thân phận con người, đầy ưu tư, trăn trở, nhất là thân phận của người phụ nữ, vừa khổ đau, vừa khát khao cháy bóng về sứ mệnh gánh trên vai mình niềm tin yêu:


"Tôi thấy…
Người đàn bà đi gánh mặt trời
Tưới lên những nấm mồ lạnh hoang vu
….
Người đàn bà
đi gánh mặt trời trên cánh đồng nhân loại
ước mơ cỏ hoa mùa sinh sôi
Tưới tâm hồn trẻ thơ
ước mơ tương lai trổ mầm xanh tươi
Người đàn bà đi múc mặt trời
dưới đáy sông ngày bão giông
Khát khao cháy bỏng
Gánh trên vai
niềm tin yêu
Biển trời ngày xanh trong
……
Tôi thấy
người đàn bà gục ngã
trên vai gánh mặt trời mênh mông..."
(Tôi thấy… người đàn bà đi gánh mặt trời)
Hay là nỗi lòng của người mẹ có con tự kỷ:
"..Con đừng quay lại…
Mẹ vẫn chạy sau con từng phút từng giây
Con đừng quay lại...
dẫu ngày mai sau lưng không còn bóng mẹ
Con vẫn phải chạy một mình
Một mình đến cuối chân mây...
(Lời của người mẹ có con tự kỷ)

 

Hay là là nỗi nhớ của một người đàn bà về một tình yêu đã mất mà chị gọi đó là nỗi nhớ cong vênh:

 

Ngày lệch dấu. Con ốc dúi mặt cuộn mình trong lớp vỏ
Ngườì đàn bà giấu cô đơn luồn vào khuy áo
Sông cuộn mình dúi mặt vào đêm ...
(Nỗi nhớ cong vênh)


Tôi có cảm giác khi viết những bài thơ trên, Thụy Sơn buông bỏ, thả lỏng mình, để cho thơ đi“tìm giọng điệu của riêng mình” (thơ của Tagore), và chị đã thành công.

Nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân
(Chi hội trưởng Hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng)


ĐỌC “TRẦM TÍCH” TẬP THƠ THỤY SƠN
Bài viết: Châu Thạch


Muốn biết nhà thơ Thụy Sơn vì sao lấy tên “TRẦM TÍCH “cho tập thơ xuất bản lần nầy thì chắc phải hỏi thẳng tác giả. Tuy thế đọc cái tên “TRẦM TÍCH” của tác phẩm ta cũng có ý niệm về những gì nhà thơ muốn gởi vào tập thơ này. Nghĩa của chữ trầm tích về vật chất là những gì chìm xuống, lắng đọng lâu ngày trong nước. Nghĩa của chữ trầm tích hiểu theo tinh thần là những gì sâu lắng trong tâm hồn qua năm tháng học hỏi, suy tư và chiêm nghiệm. Trầm còn là sự thanh trong của âm thanh dịu dàng, giúp cho mọi người sống chậm lại để cảm nhận những điều tiềm ẩn sâu xa của nhạc. Vậy thì, với tập thơ lấy chủ đề là TRẦM TÍCH, nhà thơ Thụy Sơn muốn gởi vào đó những tinh túy chắc lọc được trong cuộc sống đã lắng đọng trong tâm hồn mình bấy lâu nay bằng tiếng thơ cô đọng của mình.


Đọc toàn bộ tập thơ, tôi có ý nghĩ mỗi bài thơ của Thụy Sơn, hay nói sâu hơn, mỗi câu thơ của Thụy Sơn viết trong tập thơ nầy cũng là một trầm tích. Bởi thơ của chị ở đây không viết theo cảm xúc bất ngờ đến, mà mỗi dòng thơ là một dòng tư tưởng, toát yếu những tư duy chất chứa tháng năm trong tâm linh một người yêu thơ và mộ đạo.


Vào đầu tập thơ ta gặp ngay một đóa Vô Thường. Đóa Vô Thường của Thụy Sơn khác với đóa Vô Thường thấy nhiều ở những tác giả thiền thi:


Ta về
Chăm ngọn cỏ vườn
Chờ tâm
Trổ đóa vô thường
An nhiên
Mòn đêm
Chưa thuộc chữ THIỀN
Thấy trăng
Tròn khuyết bên hiên
Giật mình!
(Đóa Vô Thường)


Đọc thơ ta hiểu ngay đóa Vô Thường của nhà thơ chưa nở. Chữ “Giật mình” thổ lộ cho ta hiểu bản chất tục lụy còn trong con người thi sĩ. Đó là một bài thơ khiêm nhường, nói thật cái thấy trong tâm khảm của mình, khác hoàn toàn với những bài thơ dùng chữ “thường hằng”, dùng chữ “vô quái ngại” để biến cái tôi ô trọc của mình thành ra thanh cao siêu thoát.


Nhà thơ Thụy Sơn có những câu thơ cô đọng triết lý đạo Phật quá hay. Để nói về luân hồi, Thụy Sơn chỉ dùng một chiếc lá thôi mà gói trọn trong đó vạn mùa thu, gọi trọn trong đó sự phôi pha của vạn kiếp người:


Ta ngồi
Lượm...chút mong manh
Ô hay!
Kiếp lá vàng hanh
Luân hồi.
(Chiếc Lá Luân Hồi)


Để nói về sự quan trọng của nghiệp lực, Thụy Sơn chỉ dùng một câu kinh bị rơi mất để hình thành một câu chuyện luân hồi lý thú:


"Qua sông
Làm rớt câu kinh
Ngược luân hồi
trả ba sinh kiếp này ..."
(Nghiệp)


Để nói về nhân duyên của kiếp người, Thụy Sơn chỉ dùng một hạt sương mà bao trùm cả không gian, bao trùm cả thời gian duyên khởi của nó:


Ngàn xưa
Từ hạt sương tan
Duyên sinh trên nhánh
Nắng vàng luân lưu
Giữa đời
Cười khóc thật hư
Ngàn sau
Còn vọng âm dư Kiếp người...
(Duyên Sinh)


Không gì giải nghĩa về luân hồi, về nghiệp lực, về vô thường gọn và dễ hiểu hơn bằng hình ảnh một hạt sương mong manh cũng phải qua khóc cười của đời, chịu nhiều hỷ nộ ái ố của kiếp nhân sinh.


Để nói về chữ Tịnh, Thụy Sơn không vội vàng quay về bên trong để tìm tâm Phật của mình. Nhà thơ đã để linh hồn mình tan vào trong mênh mông:


Trăng về trăng tĩnh mặc
Sương đến sương lạnh câm
Đêm và tôi và bóng
Tôi tan vào mênh mông...
(Tịnh)


Tan vào trong mênh mông nghĩa là vô vi cùng đất trời, hòa chung sự tĩnh lặng của thiên nhiên để linh hồn trong sạch. Tất nhiên khi linh hồn trong sạch, nhà thơ quay vào nhìn lại nội tâm, không còn qua lăng kính trần gian, thì cái tôi có tâm Phật dễ dàng hiển hiện.


Về những bài thơ viết riêng cho đời thường của mình, sâu đậm những thăng hoa hay trăn trở về cuộc sống, nhà thơ Thụy Sơn cũng đều gởi vào đó bàng bạc những tư duy sâu sắc, tạo một tiếng thơ trầm lắng và thư thái, giống như từng tiếng chuông thong thả vọng giữa không gian, trong bầu trời cao rộng. Hãy đọc “Trăng Vỡ”:


Mặc trời cao
Mặc đất sâu
Đò ta
Lặng giữa tinh cầu thả câu
Chẳng chờ mai
Chẳng đợi sau
Giỏ đầy trăng vỡ...
Một màu nhất như!


Bảy câu thơ đầu mang tư tưởng Lão Tử, thả lỏng tâm hồn chìm trong vạn vật. Câu thơ chót trở thành câu thơ viên mãn của nhà Phật, “một màu nhất như” có nghĩa là một màu Như Lai trọn vẹn. Nhìn trăng vỡ tức là nhìn cái đẹp bị tan tác. Đựng trăng vỡ trong chiếc giỏ đầy tức là chiêm nghiệm sự vô thường trong trời đất. Và thấy trăng một màu nhất như tức là ngộ được màu chân như của trí tuệ, của Như Lai qua chiếc giỏ ấy.


Thụy Sơn viết về mùa cũng khác lạ. Nhà thơ chỉ dùng một chữ “trút lá” mà ta thấy cả mùa thu của đời người vừa đẹp như nắng hoàng hôn mà vừa sầu như cây trút lá:
Nhà thơ biết đời mình cũng đã vào thu. Nhà thơ có chút bi quan khi nhìn mùa lá rụng.


"Ngày sắp tắt nhận ra chiều đẹp quá!
Đón hoàng hôn chút nắng cuối trời phai
Lối đi qua để lại bóng vương dài
Chờ ta với!
cây đời đang trút lá ..."
(Trút Lá)


Tiếng kêu “Chờ ta với/Cây đời đang trút lá” như một tiếng gọi âm vọng trong rừng thu và đồng vọng vào tâm tư những ai đã thấy đời mình xế bóng. Thế nhưng tiếng gọi đó không thảng thốt. Tiếng gọi đó vang lên như tiếng gọi một người thân đi phía trước. Từ đó ta hiểu được sự an nhiên, bình tịnh và tự tại trong tâm hồn tác giả, bởi đã biết đời mình như một “Đời Sông” sẽ trôi vào biển lớn:


"Buồn gì
Mây xuống trắng sông
Nặng lòng chi
Những đục trong ao người
Ta ngồi
Nhìn được mất trôi
Đời sông
Cũng một dòng thôi về nguồn."
(Đời Sông)


Thật tình với tôi, tất cả những bài thơ trong “TRẦM TÍCH ” đều hay. Trầm tích phần nhiều dùng để chỉ sự tích tụ những thứ qúy giá và hiếm có trong đời. Thơ Thụy Sơn trong “Trầm Tích” cũng hiếm câu, hiếm chữ. Mỗi bài thơ đều hướng về Phật pháp nhưng không phải là một bài thuyết pháp hay một gói từ ngữ để bày tỏ sự am tường đạo lý cao siêu. Đọc Thụy Sơn ta thấy tiếng thơ chính như tiếng chuông. Thanh âm phát ra từ chuông ấy bởi đồng và vàng đúc nên nó. Chuông đó rung lên bởi cánh tay nghệ thuật của con người vừa có đạo hạnh vừa thẩm thấu âm thanh tác động vào, cho nên nó như vừa có linh hồn của thơ vừa có linh hồn của đạo, hòa quyện, âm vang, truyền cảm đến người những cảm xúc thật sự thăng hoa.
“TRẦM TÍCH ” đúng là trầm tích của thơ, lắng xuống từ tâm hồn như mặt nước vô biên. Châu Thạch tôi, vì không phải là chuyên nghiệp, nên chỉ vớt được một vài viên đá lạ giới thiệu với đời, mong được hé lộ một chút gì trân quý trong kho trầm tích của Thụy Sơn .


VÀI DÒNG VỀ TẬP THƠ TRẦM TÍCH
Tác giả: Thụy Sơn

Đọc qua Trầm Tích của tác giả Thụy Sơn trong tôi thực sự chỉ nghĩ miên man với cụm từ : Thụy Sơn -Trầm Tích chứ chưa kịp quán sâu vào từng tứ thơ của từng bài trong tác phẩm.
Chắc có lẽ mọi tứ thơ đều nương náu trong đề tựa và cả bút hiệu của tác giả.


Tôi xem Thụy Sơn Trầm Tích như là một cụm từ để chỉ một thực thể đang hành Thiền mà không hành , đang động mà không động.


Thụy Sơn được hiểu là đang ngủ thiêm thiếp trên núi.
Trầm Tích được hiểu là lắng lại và cô đọng tích tụ thành khối rắn.


Ẩn ý này khác gì là tác giả đang ngủ thiêm thiếp trên núi (Thiền) để gạn đục khơi trong tâm ý của mình. Đây là một sự lựa chọn có chủ ý cho tác phẩm Trầm Tích của mình.


Ai đọc qua Trầm Tích cũng đều cảm nhận được chất Thiền trong mỗi tứ thơ của tác giả và dễ dàng nhận ra nhà thơ đang hành Trầm Tích trong pháp Đại Thừa Thiền của Phật giáo với tam Pháp Ắn rỏ nét.


* VÔ THƯỜNG là pháp ấn đầu tiên đã được TS hình tượng hóa bằng hành động về chăm sóc cỏ vườn để mong nở đóa hoa vô thường


"Ta về chăm ngọn cỏ vườn.
Chờ Tâm trổ đóa vô thường an nhiên"
(Đóa vô thường tr 7 Trầm Tích)


Vườn cỏ là Thân của tác giả. Ta là Tâm của tác giả khi đã đưa Tâm về với Thân để chăm sóc cỏ rác trong Tâm thì hạt giống vô thường vốn có sẳn trong cỏ rác sẽ nở hoa vô thường.
Pháp ấn vô thường còn ẩn dụ với hai câu thơ chơi vơi giữa một dòng sông chữ:


"Tay cầm sợi nắng tay buông gió.
Một gánh vô thường một gánh mây"


Tuy chưa vượt thoát khỏi ngủ uẩn của con người vẫn còn một gánh mây đè nặng lên vai kia nhưng tác giả đã nhận rằng chỉ là gánh mây nên xem nhẹ tựa lông hồng mà ngao du trên cỏi tạm.


* VÔ NGÃ là một đối tượng tương tức luôn đồng hành với VÔ THƯỜNG và là pháp ấn thứ hai mà tác giả đã nhận thức bàn bạc trong bài : Giấc Cô Miên và Duyên Sinh (Tr 22-23 Trầm Tích).


"Không còn đêm giấc cô miên.
Không tôi không bóng bên triền tử sinh"


Hay


"Ngàn xưa từ hạt sương tan.
Duyên sinh trên nhánh nắng vàng luân lưu"


Thoát khỏi " giấc cô miên " là đã vén được màng vô minh che phủ con người để nhận diện được : tôi lại là không tôi và bóng cũng không là của tôi quả thật là Vô Ngã và Vô Sở Ngã.
Thật vậy bản chất của mọi sự vật và mọi sinh vật đều không có tự tánh riêng biệt của nó mà đều do Duyên Sinh ( đủ điều kiện ) từ hàng vạn yếu tố mà thành. Trong mỗi vạn vật có cả đất, nước , gió , lửa , mặt trời , mặt trăng, mây , cây cỏ ...v.v và khi đủ Duyên thì sinh ra.


Con người có sờ sờ ra đó mà nói là Vô Ngã và Vô Sở Ngã là lý do không có tự tánh của nó như trên đã nói. Quá hay cho câu

:
" Không tôi không bóng bên triền tử sinh"


Tử sinh là một khái niệm phải hiểu theo luật Luân Hồi của đạo Phật và khoa học đã nhận ra điều này qua định luật bảo toàn năng lượng. Không có cái mất đi mà chỉ chuyển hóa thành cái khác. Câu thơ vừa chứa cả Vô Ngã Vô Thường và Luân Hồi của Thiền Phật giáo.


* KHỔ là một trong tứ diệu đế mà Cồ Đàm đã đưa vào bài thuyết pháp đầu tiên sau khi chứng Giác Ngộ. Pháp ấn thứ ba này tác giả đã mượn ý của nhà thơ nhà triết học nổi tiếng của Liban Kahlil Gibrand như là một lời tựa cho Trầm Tích và giúp chúng ta nhận diện mọi hình thái văn học và nghệ thuật đều có nguồn gốc từ khổ đau là chính và cả hạnh phúc là tất yếu:


"Thơ không phải là lời nói suông.
Thơ là một ca khúc được cất lên từ miệng vết thương hoặc từ một nụ cười"


Miệng vết thương là một tượng hình cho mọi khổ đau và vạn vật vạn hiện tượng đều có hạt giống của đau khổ lẫn nụ cuời của hạnh phúc.


Với ẩn dụ này t
ác giả đã ngộ ra rằng thơ là một ca khúc được viết trên nền của khổ đau lẫn hạnh phúc như đã vốn chứa trong khổ đau.


Đã là một ca khúc thì thơ phải có âm điệu , từ vận ái nhĩ để diễn xướng một tâm trạng nào đó của tác giả đó chính là cái khó của thơ. Ngoại trừ một vài bài thơ của các cao nhân dùng toàn vận trắc nghe rất ốc dộc để xoáy sâu vào người đọc. Tác giả đã từng thố lộ đại ý : " Tôi không bao giờ cho phép mình dễ dãi với thơ " phải chăng là ý đó.


Cũng chính vì tôn chỉ này mà trong Trầm Tích ta thấy ngôn từ rất trau chuốt và những từ dùng để tượng hình chất Thiền trong thơ của mình rất cẩn trọng. Một việc làm không phải dễ khi các thi nhân phóng bút.


Trầm Tích là lắng đọng các tạp niệm trong Tâm đồng thời phải cô đọng nó lại thành khối để không còn vương vãi trong Tâm như khi ta lắng nước bùn để lấy nước trong thì phải để vật lắng nước yên tĩnh bùn mới không hòa tan trở lại trong nước. Lắng mà không tịnh cũng như Trầm không Tích thì chưa phải là Thiền vậy.


Miệng vết thương và nụ cười là ẩn dụ của khổ đau và hạnh phúc mà quả thật hai yếu tố này là một. Không có khổ đau thì làm gì có hạnh phúc ,trong khổ đau vốn là đã có chất liệu để tạo ra hạnh phúc nếu ta biết chế tác nó như từ bùn mà ta có sen. Do vậy khúc nhạc thơ được tạo nên trên nền khổ đau và hạnh phúc đều là thơ của chính thơ.


Đọc kỹ từng bài thơ trong Trầm Tích ta thấy nền thơ cơ bản của tác giả là nhận diện được khổ đau nhưng lại được chữa bằng các viên thuốc Thiền Phật giáo nên ta lại nhận được hạnh phúc từ các khổ đau một cách êm ái dịu dàng và sâu lắng như ta đã cùng tác giả ngủ thiêm thiếp trên núi mà lắng Tâm ta vậy.


Trong 70 năm trên cỏi tạm này thú thật cái thằng tôi chưa bao giờ đọc trọn vẹn một tác phẩm thơ của ai cả kể cả tứ thi Tiên Thánh Phật Quỹ đời Đường hoặc các thi nhân tiền chiến và hậu chiến mà thỉnh thoảng chỉ thoáng qua một vài bài có tính kiêu sa lộng ngôn như để nghêu ngao trong hành trang cuộc sống.


Nay cũng do Duyên kỳ ngộ qua bạn bè Ta Bà mà nhận được tập thơ Trầm Tích với cái lạ cho cụm từ Thụy Sơn -Trầm Tích nên tò mò và trực nhận chất Thiền của tập thơ ngay khi chưa đọc một chữ. Lúc này tôi đã chỉ chữ Trầm Tích cho tác giả khi tác giả và một nhà thơ khác trao đổi về một nhận định với một nhiệt độ quá thân nhiệt.
Và chính sự trực nhận này tôi đã đọc kỹ và mạo muội múa rìu qua mắt thợ trên tao đàn viết dài dòng cũng như là Duyên Sinh và cám ơn nhà thơ Thụy Sơn với nhà thơ tạo duyên Mãn Đình Hồng đã cho tôi có thêm nhiều dịp rong chơi trong Tịnh Độ ngay bây giờ và ở đây.

Hạ tuần tháng giêng Kỷ Hợi 

No comments:

Post a Comment

Thơ Đạo 3

     Từ nguyên thủy rừng già dòng suối chảy     Bưởi hoa vườn mưa tạnh ửng phù dung     Tình đá tượng vẫn còn nguyên vẹn lắm     Gióng hồi c...