Sunday, August 7, 2022

Sơn Nguyễn 30

 SAU BÓNG TỐI
THƠ SƠN NGUYÊN
 
SAU BÓNG TỐI có phải là thứ ánh sáng màu nhiệm của những giấc mơ, là thứ ánh sáng không màu sắc, vô thủy vô chung, bất biến!
Là điểm đến, về hoan ca của tâm thức, là chớp lóe của hy vọng, là điệu nhã nhạc vút lên từ những bản thánh ca.
Nơi mà đớn đau tôi ngự trị
một giọt máu hồi sinh
một bình minh trong bóng tối
hé chồi xanh chào ánh sáng mặt trời
( Nụ cười và nước mắt)
Hãy thở cho đầy giọt máu vơi
Cho hồn xao động sóng trùng khơi
Bí ẩn vô cùng trong nhịp đập
Sẽ bình minh mở cõi không lời...
(Chân lý đi về qua vực sâu)
Trần gian muôn màu, khi bóng tối và ánh sáng vẫn còn xen kẽ nhau, vẫn còn những khuôn mặt đẫm lệ, và những đôi mắt tuy đã ráo lệ vẫn còn chìm đắm khổ nạn, vẫn còn chất chứa biết bao điều:
Em đừng khóc cho đêm dài khó nhọc
Bờ vai xiêu không vác nổi phận người
Thì hạt lệ chỉ mặn thêm hạt thóc
Tóc tơ nào gồng gánh được đầy vơi?
Bài thơ viết từ phía sau bóng tối
Xin tặng em và vạn nỗi cơ hàn
Cho vị mặn ngoảnh mặt đi nuốt vội
Nuốt cả đời vẫn chưa cạn lầm than
(Sau bóng tối)
Và những phiên khúc được nhảy múa, được hát lên trong những hệ lụy trần gian, băng qua bãi dâu xanh ngút ngàn, khung cửa hẹp người phải bước qua, cánh cổng lớn thênh thang rực rỡ đâu phải dành cho tất cả mọi người:
Đời đã bọt. Sá chi bèo tấm áo
Hát đi em cho xào xạc ngàn dâu
Đừng cuối xuống cho trần truồng mộng ảo
Mây trên cao và nắng ở trên đầu
(Sau bóng tối)
Con chim hót trên cành vang tiếng gọi
Rót mùa Xuân vào những chấn song gầy
Hàng lá uá đã đường chân bước mỏi
Thì nỗi gì mà sợ gió rung cây.
(Dưới hàng cây trút lá)
Và MẸ, đề tài muôn thuở của chúng ta, được anh phác họa thật tinh tế, vô cùng cảm xúc:
Là đã hết con bướm vàng khép nép
Rúc trên vai quang gánh mẹ. Đi. Về
Khung trời mở lượn lờ con ngõ hẹp
Men dốc đời. Chập chững lối nhiêu khê...
Tất cả những người Mẹ trên thế gian này đều vĩ đại, nhưng kỳ lạ thay, riêng với người Mẹ Việt Nam với đôi quang gánh trên vai cho ta cảm xúc thương yêu nhất, sâu đậm nhất, thiêng liêng nhất!
Không có hình ảnh nào đẹp hơn hình ảnh Mẹ với đôi quang gánh đi về!
Mẹ đó, một đời tảo tần, thật yêu thương khi con được rúc trên vai mẹ, nương náu dưới bóng mẹ. Mẹ thật giản đơn, chơn chất nhưng bóng mẹ như bóng núi che trùm cả đời con.
Con. Thì mãi cánh diều chưa trọn gió
Chén. phiêu du. Dốc cạn. Quán không mùa
Quên thềm cửa những chiều mưa lá đổ
Tiếng thở dài rung bóng mẹ già nua..
Nước mắt luôn chảy xuống, Mẹ thì luôn chờ đợi con, khắc khoải từng giây từng phút cho con. Nhưng con thì hời hợt có khi quên bẵng Mẹ.
Đến lúc Mẹ không còn nữa thì nỗi nhớ Mẹ đã quá mênh mông!
SAU BÓNG TỐI là những bài thơ viết về thân phận người, Thục Uyên rất tâm đắc bài thơ anh viết cho người bạn đời:
Khúc hạnh ngộ chở chiều lên đỉnh gió
Chiếc lá vàng thong thả đợi mùa sang
Sông chẳng thể bước hoài con sóng nhỏ
Hát đi em cho lộng lẫy mây ngàn.
Trần gian đó. Ngôi đền thiêng máu lệ
Mỗi nụ hôn là nhịp thở ban đầu.
Nơi vạn vật chan hòa cùng Thượng Đế
Tạ Ơn Người cho ta được có nhau...
(Tạ ơn người ta đã có nhau)
Lời tạ ơn thật dễ thương. Làm sao không tạ ơn nhau cho được với một người đã cùng ta đi suốt cuộc hành trình gian khổ.
Có nhau và tạ ơn nhau!
Đó là tiếng hót của đôi chim uyên hót vang trong vườn thúy, tiếng hót yểu điệu, thanh tao.
Là tiếng hót của đôi chim họa mi trong vườn thượng uyển với đầy kỳ hoa dị thảo, tiếng hót lảnh lót cảm tạ cuộc sống tươi đẹp hạnh phúc!
Thường thì ta chỉ nghe ánh sáng và bóng tối.
SAU BÓNG TỐI đưa người đọc thêm một chút suy tư hơn, trừu tượng hơn.. có thể nơi đó bóng tối sẽ sâu thẳm hơn, dằng dặc hơn, như giờ thứ 25 vậy...
Đó là một khoảng lặng, một vùng trời riêng để con người co ro vào cõi của mình và chiêm nghiệm lại cuộc đời.
SAU BÓNG TỐI có phải những bước đi lần mò dọ dẫm của tâm thức?
Thẳng tiến về phía vô biên, bỏ lại những hỗn mang của đời sống.
Với bố cục chặt chẽ, SAU BÓNG TỐI tác giả đã biểu lộ quan điểm, nhân sinh quan thật rõ ràng của mình:
Yêu cuộc sống cả hai khía cạnh hạnh phúc lẫn khổ đau như bóng tối và ánh sáng.
Buồn nhưng không bi lụy.
Luôn tìm thấy sự lạc quan.
Là thành quách xây dựng vững chắc trong bản ngã của mình.
Ngôn từ thơ anh luôn đẹp, trong sáng, quí phái. Bãng lãng chút hư vô.
Có phải thơ là sự giải thoát, thì thơ anh nhập và thoát!
Nhập vào trong cái mòn mỏi lưu đầy hỗn mang của đời sống.
Thoát ra như cánh bướm rực rỡ cởi bỏ đi lớp kén ấu trùng xấu xí của mình.
Thoát ra như dòng sông trôi qua nhiều thác ghềnh một lúc nào đó hòa nhập với trùng dương bao la.
Thơ và tâm thức bay xa mãi, càng đi càng xa, càng bay càng cao..
SAU BÓNG TỐI là vùng trời mênh mông, được dấy lên từ một tâm hồn uyên nguyên, bát ngát thi ca..
Xin cảm ơn anh SƠN NGUYÊN đã tặng cho Thục Uyên những tác phẩm tinh thần giá trị.
Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.
THỤC UYÊN
 
 
CHÚT CẢM TƯỞNG KHI ĐỌC TẬP THƠ NGOÀI Ô CỬA
Thiệp Uyên đã đọc tập thơ NGOÀI Ô CỬA của nhà thơ Sơn Nguyên. Thơ tức là người. Mỗi lời thơ, mỗi đoạn thơ, hay mỗi bài thơ đều phản ánh lên những suy tư của tác giả. Mỗi con người từ khi thượng đế tạo ra, đều khác nhau, có những thiên tư thiên bẩm khác nhau. Mỗi con người từ khi sinh ra, có những suy tư khác nhau trước một sự việc, và những quan tâm đến sự việc với một tính cách khác hẳn nhau. Có như vậy ta mới hiểu được khái quát phần nào bản thân của người đó, và tập thơ NOC mang một sắc thái đặc biệt mà hôm nay TU xin phát biểu một đôi lời.
Điều lớn nhất TU thấy rất rõ là mối suy tư về thân phận con người. Tác giả đã nhìn thấy trên đường đi những cảnh cơ hàn, mà lòng xót xa cho người:
Giữa bộn bề đường. Xe. Phố. Chợ
Gánh hàng rong che chở phận người
Miên man Dốc ngược. Đường cong
Gánh hàng rong
Đi cho hết đoạn hồng trần ngắn ngủi
Đôi đép mòn lầm lụi giữa phù hoa
Thương người như thể thương thân. Khi tác giả đề cập đến, là bản thân mình đã nhập vào người bán hàng rong, để thấy cái khốn khó của cuộc đời, và câu hỏi về thân phận con người dằn vặt tác giả trong nhiều bài thơ:
Thuở mù tăm
Đời phôi thai có trăm nghìn nhánh rẽ
Số phận con người
Phải chăng là lẽ của tự nhiên?
Giữa phố phù hoa, ai quần là áo lượt, ai phù hoa thì cứ phù hoa, nhưng giữa cảnh ấy, vẫn luôn có những con người lầm lụi đi cho hết cõi trần ai khoan nhặt.
Và đây một bài thơ khác
Những vòng quay. Rời rã
Những con phố lạ
Một mảnh đời cô độc giữa phồn hoa
Những manh áo bôn ba
Phanh phơi những vòng quay tất cả
Có mảnh nào?
Vá được phận người rệu rã chốn phù sinh
Cuộc đời là thế. Những cảnh khốn khó cứ diễn ra trước mắt, làm tác giả nao lòng. Những câu hỏi về thân phận con người luôn lập đi lập lại trong tâm tư, mà hầu như không có lời giải đáp. Điều đó cho thấy lòng thương người xót xa bao la luôn tự tại trong lòng tác giả, đó cũng là một điều nhân bản chiếm phần lớn trong thơ của SN.
Những dòng chảy ngược xuôi. Vội vã
Một ngày mưu sinh vất vả
Sương giá trong lòng mà rát bỏng bờ môi..
Thân phận con người trong cuộc mưu sinh luôn đè nặng trong tâm tư tác giả. Sống nhọc nhằn quá, sống vất vả quá. Mỗi khi thấy một hình ảnh chung quanh mình, tác giả nghe trong mình rã rời với sự mệt mỏi trong cơ thể của tha nhân. Hình ảnh ông già gánh củi suốt một đời mà thời gian trôi nỗi sầu thành sa mạc:
Chùng gánh nặng vai gầy run mắt nắng
Nắng của trời. Vị đắng của vành môi
Đồi núi quạnh tấu bài ca im lặng
Hồn sương giăng ảo ảnh phía chân trời
Thời gian trôi nỗi sầu thành sa mạc
Ba mươi năm hạt cát chẳng phai màu
Dòng suối cạn gối đầu trên đỉnh thác
Rung phím đàn nhã nhạc giữa rừng sâu
Thương ông già gánh củi, cả một đời gánh củi mòn mỏi, mà cả cuộc đời lấy lá rơi làm gối, lấy cỏ làm giường nằm. Thương em bé mồ côi bán vé số. Tác giả lên tiếng nói thay cho em bé xấu số:
Lẻ loi. Bất động
Em đang nghĩ gì?
Giữa lồng lộng đất trời, dưới vành mũ đơn côi
Em gục đầu bên chiếc bóng, chơi vơi
Đất lặng im nghe lời than thở
“Mẹ ơi!
Con muốn được vui chơi, nhảy múa
Muốn được ùa ra và sà vào lòng mẹ
Như bao trẻ tan trường về
Con muốn lắm..Mẹ ơi!
Thương em bé mồ côi, thương người khất thực:
Ông ngồi vẽ vô cùng
Phết vào không
Những điêu tàn sống động
Khoảnh khắc Chagall và ngấn lệ nghìn trùng
Buốt một trời góa bụa
Mênh mông..
Ông ngồi giữa mù tăm
Như thế!
Sonate chiều
Lê thê
Những hợp âm ray rứt
Để nghe hồn khất thực..bóng cô liêu.
Thương người khất thực, thương góa phụ bên đồi. Một trái tim đa cảm, mỗi lần thấy một hình bóng đơn độc, ly tan, là trái tim se thắt lòng:
Tôi đã thấy từ phía sau ánh mắt
Có một điều rất thật ở vành môi
Là khô héo. Là ngậm ngùi. Se thắt
Hạt sương tan còn vướng lại bên đồi
Người góa phụ giữa đồi hoang bát ngát
Một đóa quỳnh lãng mạn với sương thâu
Dòng hư ảo đã triền nghiêng dốc cạn
Mây trên cao mà bông nở trên đầu
Rèm mi đó. Thì thôi em hãy khóc
Lệ trên môi là nước mắt trong lòng
Em có thấy một vì sao mới mọc?
Hạt bụi nào vừa đậu xuống hư không..
Một trái tim yêu thương sẽ thấy quanh đây toàn là những bất hạnh. Để thấy rằng ta tuy rất nhiều phiền muộn, nhưng cũng thấy mình đủ yêu thương để vỗ về tha nhân, để tình thương xoa dịu những đớn đau. Hãy mở lời an ủi, lời trắc ẩn vỗ về. Người em góa phụ không may mắn sẽ bật khóc nức nở để xả hết những xót xa trong lòng.
Điểm thứ hai là hình ảnh mẹ. Cha mẹ là đấng sinh thành, ai sinh con ra cũng một đời hy sinh cho con. Tác giả SN là một người con rất hiếu thảo và thương yêu cha mẹ. Thật hạnh phúc thay những ai còn cha mẹ sống với mình đến tuổi răng long đầu bạc. Khi đọc bài thơ của một người con chẳng may mẹ mất sớm, ta mới hiểu cảm giác đó:
Một hình. Một bóng. Một đìu hiu
Dìu nhau hối hả giẫm lên chiều
Nhẹ gánh. Vơi quang. Trìu trĩu bước
Lũ con ngồi tựa cửa buồn thiu
Mẹ đã bỏ về trên núi cao
Tiếng rao vun vút tận phương nào
Chiếc gánh cong cong, bờ vai ấy
Vẫn oằn lòng con tận chiêm bao.
Thật đau đớn, thật xúc động khi người con nghe tin mẹ mất. Mất mẹ là mất cả bầu trời, mất tất cả:
Bỗng một hôm
Một tin đau như xé nát bầu trời
Mẹ đột ngột ra đi giữa chiều mưa trút lệ
Tôi hoảng hốt trở về
Thể xác. Tâm hồn. Từng mảnh vụn vỡ tung
Mẹ đâu rồi???
Ánh mắt kia sao không mở
Chiếc chăn bông mới
Con đắp cho mẹ. Bây giờ
Đã trễ lắm
Mẹ ơi!!!
Đối với cha, tác giả cũng nặng tình cảm, chỉ là một ánh mắt, một cử chỉ săn sóc thương yêu, nhưng dư âm đã để lại trong lòng mãi mãi:
Lời nhắn nhũ là lời chưa đủ giọng
Là đôi tay chưa đủ tiếng trong hồn
Viên thuốc nhỏ sợ đi đường say sóng
Đưa con mà dòng lệ bỗng trào tuôn
Lời tạm biệt cũng là câu hẹn ước
“Ba yên tâm. Con sẽ cố học hành”
Trong khoảnh khắc giá gì ba níu đươc
Đôi mắt buồn ngoảnh lại phía sau lưng..
Một người con được nuôi dưỡng trong tình thương yêu, thì tình thương ấy sẽ như một hạt giống. Hạt giống ấy đã gieo vào lòng người con và lớn lên, bát ngát tỏa một bóng cây yêu thương:
Chiếc ba lô sau lưng con bị chếch
Nghiêng một bên ba sửa lại cho ngay
Tay mẹ khẽ vén đường ngôi bị lệch
Mà run run. Sợ tuột phút giây này!
Con nhớ mãi ánh nhìn khi ngoảnh lại
Cái vẫy tay như níu cả nghìn trùng
Chân trái bước mà ngập ngừng chân phải
Cả bầu trời đọng lại phía sau lưng...
Ánh mắt ấy. Vô cùng. Trong khoảnh khắc
Đuổi theo con da diết buổi hôm nào
Là ân sủng mẹ cha hằng ban tặng
Chiếc áo này. Con phải mặc ra sao?
Tác giả mang một tâm hồn rất đa cảm. Đối với người em gái, người bạn yêu đương, đó cũng là lẽ thường trong hầu hết chúng ta, tác giả luôn trân trọng một món quà của thượng đế ban cho, tóc em, áo em, mắt em:
Gió nhắn gì mà hương tóc bay?
Mà hồn sương lạnh bóng trăng cài
Mà lênh đênh tím nghiêng màu áo
Lau lách chiều xao xác cỏ may
Có phải em. Vầng trăng tháng giêng?
Mông lung đáy nước giọt ưu phiền
Ta vẫn chờ em chiều sương khói
Lênh láng hồn. Lối nhỏ. Đò nghiêng..
Và chàng trai du tử đa cảm, trong buổi chiều hoang dại, đã rung động trước một đóa hoa đẹp dị thường:
Bông hồng nhỏ trong gió chiều hoang dại
Cánh hoa rung trải chiếu một tâm hồn
Tình du tử giữa muôn trùng khắc khoải
Nắng trên đầu chải rụng xuống hoàng hôn
Là ước vọng bồn chồn trong tâm thức
Phải chăng em là rất mực hoang đường
Là ảo ảnh. Là khói sương. Hư. Thực?
Mà tim trào ngực vỡ thú đau thương
Xin tạ ơn. Một tặng phẩm vô thường!
Ngoài ô cửa. Ngoài kia là cuộc đời mưa gió, đầy rẫy những điều ngạc nhiên, lo toan, mang lại cho ta rất nhiều cảm xúc. Tác giả mang một trái tim đa cảm và nhạy cảm, cho nên, mỗi sự việc trên đường đi đều để lại những suy tư nội tâm. Tác giả trải bày nội tâm ở nơi nơi, chỉ cần một bóng cây, một ngọn cỏ, một bông hoa, con chim sẻ vụt cánh bay, giọt sương khuya, ánh trăng, dòng sông, một bản hòa tấu, khúc dương cầm Fur Elise Beethoven, cô gái thành Vienna xõa tóc, bản Sonnate, hoa lau trắng, một sợi khói vờn.. tất cả đều trải bày nội tâm về cuộc sống, về hư không, ảo ảnh..và cả hạnh phúc giữa đời thường như một người đi dạo giữa đường cây. Nhưng cuối cùng cũng là một tấm lòng yêu cuộc sống, dẫu cuộc sống có phong ba bão táp cơ hàn, thì ta cũng gắng vui trong cõi tạm:
Hát đi em
Cho xanh màu giọt lệ
Những cung bậc đi về
Ngấn lệ nào,
Mà chưa từng rạo rực một niềm vui
Chảy về đâu
Giọt lệ sầu long lanh màu hạnh
Khi mọi nhánh sông đời đều xuôi về biển cả
Ngã ngàn sau..
Xin cám ơn tác giả Sơn Nguyên. Trân trọng.
Houston 07-09-2022

 

No comments:

Post a Comment

Thơ Đạo 3

     Từ nguyên thủy rừng già dòng suối chảy     Bưởi hoa vườn mưa tạnh ửng phù dung     Tình đá tượng vẫn còn nguyên vẹn lắm     Gióng hồi c...