Wednesday, October 5, 2022

Sơn Nguyễn 30

 
LỜI TỰA
(Tập thơ NGOÀI Ô CỬA)
Kiều Giang
Ngôn ngữ của loài người mà tinh hoa của nó là Văn Chương, phải chăng đó là sự ủy nhiệm vĩ đại dành cho con người từ khi “loài sậy biết tư duy” bất chợt hiện diện nơi mặt đất như một cảm hứng của tạo tác.
Sơn Nguyên đến với thơ như một định mệnh, một sự thôi thúc vô tình của cuộc nhân sinh, như lời của văn hào Pháp Marcel Proust: “Cuộc nhân sinh thực sự, mà cuối cùng sẽ được hiển lộ, cuộc nhân sinh duy nhất được sống một cách trọn vẹn, là văn chương”.
Tôi và Sơn Nguyên quen nhau chưa lâu, nhưng anh em hình như đã hiểu nhau tự thuở xa xưa nào, phải chăng là chút duyên tri ngộ giữa trần gian.
Rồi một ngày anh đưa tôi bản thảo tập thơ mới viết (sau tập Lục Bát Nghìn Trùng mà vừa mới khai sinh đã chiếm một vị trí rất trang trọng trong lòng bạn đọc khắp nơi), mang tựa là Ngoài Ô Cửa. Tôi hăm hở và thú vị dấn bước thêm vào thế giới thơ của Sơn Nguyên. 68 bài thơ gần như đã cuốn hút tôi từ bài đầu đến bài cuối. Tôi như đã nhập vào hồn thơ của tác giả, không còn sự ngăn cách giữa người viết và người đọc.
Đọc cái tựa “Ngoài Ô Cửa”, tôi bỗng giật mình, sao có sự trùng hợp lý thú giữa cái nhìn của Sơn Nguyên trong nội dung tập thơ của mình và triết lý về ĐẠO, cách đây đã hơn hai ngàn năm của Lão Tử, một hiền triết Trung Hoa: “Bất khuy dũ nhi kiến thiên Đạo” (không nhìn ra cửa sổ mà hiểu được Đạo trời), như chỉ cần đi vào Tận cùng của Tiểu Ngã Atman sẽ tìm được Đại Ngã Brahman trong Upanishad của triết học Ấn Độ.
Tôi cũng có sự liên tưởng đến cách nhìn ra “Ngoài Ô Cửa” của nhà thơ người Anh William Blake, trong The Marriage of Heaven and Hell : “If the doors of perception were cleansed everything would appear to man as it is, infinite”(Nếu những cánh cửa của nhận thức được giữ sạch sẽ, mọi thứ sẽ hiện ra với con người đúng với bản chất của nó, là vô hạn). Phải chăng “Ngoài Ô Cửa” ở đây cũng chính là “ngoài cửa sổ hồn thơ” của tác giả?
Một phần nào trong bài viết này, tôi muốn nói đến cái “Đạo” và “cánh cửa nhận thức được giữ sạch sẽ” trong thơ Sơn Nguyên, hay tác giả còn đi xa hơn nữa để thi vị hóa tiếng thở dài của trần gian!
Sơn Nguyên đã nấp sau cánh cửa của tâm hồn mình để nhìn ra thế giới, ôi cái thế giới ngập tràn âm nhạc và thi ca cùng những khắc khoải về sự nghịch lý đã tạo thành dòng nhân sinh đầy hương hoa nhưng cũng đầy bất hạnh. Tác giả đã khá tài tình trong việc sử dụng ngôn ngữ hiện thực với ngôn ngữ trừu tượng để diễn đạt tính nghịch lý của hiện thể vô thường như: “âm nhạc của bão giông”, “những hợp âm run rẩy”. Ngoài ô cửa kia, trong “nét bút lăn tròn” của Sơn Nguyên là những hình tượng nổi bật của thao thức trần gian. Từ khúc dương cầm của Beethoven đến “cô gái thành Vienna xỏa tóc” đã làm cho ngôn ngữ của anh trổ bông ngan ngát:
“Bên ngoài ô cửa,
âm nhạc của bão giông
bản rock thường hằng,
tuôn chảy xuống mong manh những hợp âm run rẩy
…..
định mệnh. không phải là thứ để sợ hãi
mảnh đất của âm nhạc và thi ca
nằm ngoài ô cửa…”
(Ngoài ô cửa)
Thật khó mà tìm ra con đường để bước qua “khung cửa hẹp” đi vào tâm hồn nhà thơ Sơn Nguyên, khi mà những dòng thơ anh như giòng suối tinh khiết chứa đầy ẩn dụ và hiện thực huyền ảo đang tuôn chảy. Một kiểu nghệ thuật thi ca kết hợp giữa truyền thống và hiện đại được nhà thơ vận dụng khá nhuần nhuyễn và tài tình. Ít ai có thể đào sâu tính nghịch lý trong cách biểu cảm nỗi trăn trở, về những vết rách khó lành trong cuộc đời, trong miền đất lạ đầy nỗi cô liêu:
“Miền đất lạ đưa người vào cuộc lữ,
Thắp cô liêu bằng ngôn ngữ nụ cười
.....
Như cung phím dạo bài ca tan vỡ,
Hát đi em cho thấm giọng lưu đày
…..
Nghe hơi thở tự vườn xưa lạnh buốt
Vết rách buồn còn giọt lệ khô rơi”
(Vết rách)
Nhưng nhà thơ đã ôm thân phận vào lòng mình để tạo ra một thứ huyền ngôn, hé lộ nụ cười miên viễn, làm phục sinh một thân phận tơ non mơn mởn, đối mặt với từng phút giây của hiện thể cỗi già, vì biết rằng chết đi là để sinh ra. Hạnh phúc đơn sơ đang đứng chờ trước ngõ như chiếc chìa khóa mở cửa cho tiếng thở dài và giải phóng nỗi cô đơn, đó là nỗi ám ảnh mà cũng là bắt đầu của sự sáng tạo. Trong bài Chiếc Chìa Khóa, nhà thơ viết:
“Đừng thở than
bóng đêm nào có lỗi
có ánh sáng nào
không đến từ bóng tối. đâu em?
…. Chiếc chìa khóa nằm trong ngăn tủ
nơi cất giữ tiếng thở dài và thường trụ nỗi cô đơn…”
(Chiếc Chìa Khóa)
Và trong cái “khoảnh khắc” trở về với Nhất Thể đó, hồn thơ lại sống dậy bao rung cảm, vạn vật như đang reo ca trong trăn trở nhiệm mầu. Ngôn ngữ thơ của anh đôi khi nằm ngoài câu chữ luôn biến hóa khôn lường, để trở thành huyền ảo, nói như Archibald Macleish “ Bài thơ có khi không nên có nghĩa, nó chỉ hiện hữu thôi”. Nhà thơ như chơi đùa trên sự đa dạng của những cái được biểu thị, tạo dòng suối thao thức, vừa cay đắng vừa ngọt ngào trên phận người muôn thuở suy tư, nẻo “đi - về” chìm trong giông bão, cũng có khi rộn rã tiếng chim, rực rỡ bướm vàng:
“Đường về ngõ hạnh,
Bướm vàng khép cánh lim dim.”
(Nẻo về)
Sơn Nguyên thường sử dụng sự nghịch lý trong thi pháp của mình, vì thực ra “trạng thái mơ hồ khó hiểu chính là sự bắt đầu của kiến thức” (Kahli Gibran). Mỗi bài thơ đều bao gồm những nghịch lý. Nghịch lý là vần điệu, tập hợp được ý ngĩa và phản nghĩa: một cơ hội gặp gỡ ở một nơi chốn trong thời gian. Thơ Sơn Nguyên đã bắt đầu vượt qua truyền thống để tiến gần đến hiện đại. Một thứ ngôn ngữ làm cho người đọc không thể lường trước, nó cho phép từ này kết hợp làm rung lên những từ khác, tạo nên những hợp âm hoàn hảo của mỹ học. Thơ có khi phải dám quay lưng lại với vần, vần điệu có ngay trong ý nghĩa của từ, đi vào sự rung cảm không biên giới.
Sơn Nguyên còn mượn cả “Khúc Requiem”(Khúc cầu hồn), một sáng tác âm nhạc của Mozart viết năm 1791, rồi cũng như Virgilius kết hàng vạn câu thơ thành chiếc thuyền tình chở Dante đi vào luyện ngục để cứu rỗi linh hồn của kiếp nhân sinh vừa thánh thiện vừa tội lỗi, vừa khóc than vừa cợt đùa lên thân phận muôn đời cần cứu rỗi của con người.
Những linh hồn trong miền luyện ngục kia, một ngày nào đó đã thành:
“Hồn đá lạnh giữa trùng vây tan tác
Đã co ro vét cạn gió đông về
Đã lênh láng những vuông chiều sa mạc
Khượi tro tàn ngồi mặc khải đêm khuya
….Mây chẳng thể rót đầy con nước cạn,
Gió nghiêng mình nghe sỏi đá bơ vơ”
(Khúc Requiem)
Để rồi tác giả đang “rót rượu chờ”, mời những linh hồn, những thân phận bơ vơ kia, và sẽ còn mời cả chính mình giữa một thế giới huyễn hoặc mênh mông trong dòng nhạc suy tưởng của thiên tài Mozart.
Thân phận con người là một cái gì mơ hồ, huyền ảo, mênh mông nhưng lại hữu hạn và đầy bi đát. Nhà thơ đi từ thân phận của riêng mình đến thân phận của đồng loại. Trên con đường đầy bão giông nhưng cũng ngập tràn hương hoa ấy, nhà thơ bắt gặp lại chính bản thân mình trong nỗi xao xuyến cùng cực. Chính vì thế, tư duy trong thơ Sơn Nguyên chính là duy tư ngược, tư duy đa chiều, để nhận ra rằng, ngay trong tận cùng của nỗi khổ đau, con người vẫn tìm thấy ý nghĩa sống trong chính thân phận mình. Nỗi khắc khoải về thân phận trong anh thật xót xa và ray rứt như một “Vết Bỏng” giữa dòng đời huyễn mộng:
“Tay quờ với giữa khoảng không ảo vọng
Ôm vào lòng vết bỏng của ngàn năm”
…Dòng sông đó chập chờn trăng huyễn mộng
Đêm bềnh bồng vết bỏng chạm hư không”
(Vết Bỏng)
Cô đơn là tất mệnh của hữu thể tư duy, mà trước hết, văn thi sĩ là những người luôn chìm đắm trong xao xuyến về phận người, lặn ngụp trong bão giông của suy tưởng. Chính nỗi cô đơn trong thân phận mình đã làm cho con người luôn hoài nghi và đau đớn do những tác động gần như ngẫu nhiên phi chủ thể của xã hội mang lại, triền miên và vô cớ.
Trong nền văn học thế giới, cô đơn vẫn là đề tài “cháy bỏng” trong nhiều tác phẩm, đặc biệt từ Kafka, qua Marquez đến Coetzee. Với Sơn Nguyên, ta cũng tìm thấy nỗi cô đơn ấy xoáy sâu vào hồn anh đến nỗi dù cho “khúc mộ chiều” cũng không chôn cất nổi cô liêu:
“Thôi nhé người ơi! Khúc mộ chiều
Lệ nào chôn cất được cô liêu”.
(Khúc mộ chiều)
Để cứu rỗi thân phận trầm kha trong nỗi cô đơn ấy, cái mà Sơn Nguyên tìm được “ngoài ô cửa”, để bù đắp cho tất mệnh hữu hạn của thân phận kia là gì, phải chăng đó chính là tình yêu? Tình yêu lứa đôi hay tình yêu giữa con người với nhau, cũng đều là liều thần dược xoa dịu nỗi đau của sự cùng khổ và cô đơn dọc theo tháng năm của hữu thể bất toàn. Tình yêu như là một sức mạnh làm chuyển biến và nâng Tâm linh của vũ trụ lên cao hơn nữa, vì khi yêu, con người đã cố sống tốt hơn.
Đối với Sơn Nguyên, tình yêu là chính là sự bắt đầu nhưng cũng là cứu cánh của một đời người, vì chỉ có tình yêu mới cứu rỗi con người trong cõi nhân gian khỏi nỗi cô đơn và bất hạnh, nó để lại trong anh những vết hằn của năm tháng, vì “dấu chân người len kín cả đời tôi” hay “ Khoảnh khắc này sẽ lộng lẫy cả trăm năm” (Người tình). Chính vì thế mà những hình ảnh của người yêu là cả một trời thu lộng lẫy làm cho anh nhớ từng phím rung đang thăng hoa trong tóc nàng. Cuộc gặp gỡ thần tiên của anh và nàng nhẹ như gió thở đầu mây và giọt yêu thương của anh dành cho nàng là những giọt lưu đày vào cái hố thẳm yêu thương của bây giờ và mãi mãi. Cho nên khi mà “Đất khách không nương người viễn xứ” , lúc anh trở về, anh lại phải ngậm ngùi:
“ Mắt ai ướt cả mùa thu ấy
Để lại bên chiều một ánh rơi”
(Mắt ai ướt cả mùa thu ấy)
Từ đó nỗi hoài vọng về người yêu mãnh liệt đến nỗi làm cho “hoang phế đền đài”, và lòng đớn đau như loài “hạc núi khóc niềm đau lỡ tổ”. Đó là những hình tượng độc đáo làm cho hồn thơ bay bổng, tạo nên phong cách đặc trưng của thơ Sơn Nguyên. Phải chăng từ xương thịt của mình nên Adam cũng không bao giờ chịu mất đi phần xương thịt đó. Eva trong thực tế hay trong huyền thoại cũng không bao giờ bức ra khỏi Adam. Hạnh phúc và tội lỗi của loài người cuối cùng cũng chỉ từ nơi này?
Có lẽ dòng suối trong xanh êm đềm chảy qua tập thơ NGOÀI Ô CỬA chính là Thân Phận và Tình Yêu. Tiếp theo bản năng Libido mà Freud tiếp nhận từ tay Chúa để thăng hoa thành tình yêu đôi lứa, không có gì khác hơn là tình yêu đồng loại bắt đầu từ tình yêu thương những mảnh đời bấy hạnh, thân phận phụ nữ chân yếu tay mềm, yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đền đài miếu cổ trong khuôn mặt của lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc. Tình yêu đã thấm đẫm trong thơ SN, làm cho nét nhân bản, nhân văn hiện rõ trong thơ anh. Hình ảnh người phụ nữ bàng bạc khắp nơi, ghi dấu ấn sâu thẳm trong hồn anh, là nụ cười lúc hoàng hôn, là tiếng khóc đầu đời……
Trên vai mỗi con người bao giờ cũng là một gạnh nặng của thân phận, nhưng có cái gì đó xót xa hơn, trần trụi hơn, đó là hình ảnh “gánh củi” trên vai những cụ già đang lẩn khuất đâu đó sau “mảnh vỡ tà dương”:
“Chùng gánh nặng vai gầy run mắt nắng
Nắng của trời, vị đắng của vành môi”
(Gánh củi)
Thân phận người phụ nữ có mặt trong hầu hết các tác phẩm văn học trên toàn thế giới từ cổ chí kim. Có khi họ là nguyên nhân của bao lớp sóng cuồng xô vào cuộc đời của đấng mày râu, cả giới bình dân lẩn quý tộc, như Tây Thi với Ngô Vương Phù Sai, như Josephine trong đời Napoleon, nhưng đồng thời họ cũng là hiện thân của biết bao nỗi đoạn trường trên chính phận liễu của mình, nhất là khi không may đã trở thành sương phụ nửa chừng xuân. Nỗi xót xa sâu thẳm đến tận cùng thân phận của những người phụ nữ bất hạnh được tác giả diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ thi ca trác tuyệt như se thắt, ngậm ngùi, lìa tan, hư không…
“Tôi đã thấy từ phía sau ánh mắt
Có một điều rất thật ở vành môi…
…Người thiếu phụ giữa đồi hoang bát ngát
Một đóa quỳnh lãng mạn với sương thâu..
…Rèm mi đó thì thôi em hãy khóc
Lệ trên môi là nước mắt trong lòng…”
(Góa phụ bên đồi)
Nhưng hình ảnh người phụ nữ gần gũi, cao cả, thao thiết, muôn đời là nguồn ân sủng, là nỗi xót xa và tự hào, đó là Người Mẹ. Mẹ là tinh hoa của nước mắt, là rạng rỡ của nụ cười, là tất cả sự thanh cao của ngôn ngữ con người dồn lại. Mẹ là tiếng gọi thiết tha nhất khi con biết nói tiếng người, là tiếng cuối cùng mấp máy trên môi khi con giã từ trần thế.
Với Sơn Nguyên, Mẹ là những chiều mưa con ngóng chờ nơi khung cửa, là tấm chăn bông ấm áp đêm đông, là đôi cánh ước mơ gắn lên ánh mắt, nụ cười, là những giọt mồ hôi nhỏ vào khung trời dĩ vãng. Để rồi một ngày kia mẹ bỏ con ra đi là con mất cả mặt đất lẫn bầu trời. Trong bài thơ Tấm chăn bông, anh viết:
“Nhớ tấm chăn bông
Mẹ đắp cho con mỗi khi trời mưa lạnh
Tấm chăn xưa vừa một chỗ nằm
…Con nhớ mãi bàn tay nhỏ run run
Nhét vào túi con những đồng tiền ít ỏi
….Bỗng một hôm
Một tin đau như xé nát bầu trời
Mẹ đột ngột ra đi giữa chiều mưa trút lệ…
….Chiếc chăn bông mới
Con đắp cho mẹ bây giờ
Đã trễ lắm. Mẹ ơi!!”
Để chuyển tải dòng tư tưởng cho “NGOÀI Ô CỬA”, Sơn Nguyên đã vận dụng nhuần nhuyễn thi pháp trong cách sử dụng nhiều biện pháp tu từ, trong đó nổi bật, mới mẻ và thành công nhất là ẩn dụ (metaphor) và phúng dụ (allegory), kết hợp với nhạc điệu để tạo nên sự run rẩy của cảm xúc, làm thăng hoa tư tưởng, ý thức và cả sự lắng sâu vào tiềm thức người đọc. Đặc biệt là phương pháp lồng ghép từ cụ thể đi đôi với từ trừu tượng, ngữ cảnh và thi cảnh hiện thực với huyền ảo. Nghệ thuật thi ngôn mà ít người vận dụng được đó là cách biến đổi loại từ, một cách làm giàu cho kho tàng ngôn ngữ, như trong câu thơ: “khỏa thân nỗi buồn sa mạc”. Trong câu này nỗi buồn là một danh từ, sa mạc cũng là một danh từ, nhưng tác giả đã biến đổi nó thành tính từ để bổ nghĩa cho danh từ nỗi buồn. Nỗi buồn sa mạc là sao, độc giả phải nhập vào tác giả để tự trả lời. Bàng bạc trong thơ SN sử dụng khá nhiều thi pháp này và công cụ ẩn giấu cũng là nét đặc trưng trong thơ anh. Phương pháp dùng từ đó kích thích tư duy và nâng tầm cảm thụ nghệ thuật của người đọc. Có khi, người ta có thể biến một danh từ thành động từ như trong câu thơ sau đây của nhà thơ Tuân Lê: “Người qua đây nhé, đừng lay/ Ta đang thần thoại bên cây phong trần”. Trong đó ta thấy từ thần thoại là một danh từ đã được dùng như một động từ, rất mới lạ, huyễn hoặc.
Sơn Nguyên vốn không phải theo nghiệp văn từ lúc mới vào đời. Anh tốt nghiệp đại học ngành khoa học tự nhiên, nhưng có lẽ “hồn thơ’ đã nhập vào anh như một định mệnh để thôi thúc anh bước vào “cuộc nhân sinh thật sự, duy nhất và trọn vẹn, đó là văn chương”. Do đó, tuy rằng số tác phẩm anh đã xuất bản không nhiều, nhưng đã gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
Văn chương không phải là chuyện phù phiếm, nhưng văn chương nhất thiết cũng không phải là cánh đồng hoa dại, nó phải là công việc thiết yếu của sự rung cảm con tim và ánh sáng của trí tuệ, làm bệ phóng và định hướng cho tương lai đầy hương hoa của văn minh và nhân bản.
Và tôi tin tưởng rằng tập thơ NGOÀI Ô CỬA cũng sẽ đem lại được một tiếng vang nhất định trong nền thi ca Việt Nam hiện đại.
Kiều Giang, Tháng 9/2021.
 
 
LỜI NGUYỀN CỦA GIÓ
Con chim nhỏ trong chiếc lồng vạn tuế
Trút tàn hơi vào tiếng hót cuối cùng
Rồi gục xuống bên đóa hồng đẫm lệ
Chết ngẩng đầu nhìn về phía hư không
Ngày xám xịt nghe mùa đông gió thổi
Cây cỏ tàn hôn phối với vực sâu
Thu liệm chết trên lưng chiều hấp hối
Cội dưới chân mà rễ mọc trên đầu
Lời dịu ngọt từ phía sau thánh giá
Bài thánh ca trang sức điệu nghê thường
Bầy tiên nữ trần truồng cung phím lạ
Lũ côn trùng mặc cả giữa mù sương
Bản hợp tấu mở đường trong bóng tối
Hát đi em cho vời vợi lời thiêng
Sự bí nhiệm khi biển cuồng sóng dội
Bão trùng khơi hò hẹn với ưu phiền
Ta trở về theo lời nguyền của gió
Thắp bình minh bằng cọng cỏ quê nhà
Con sơn ca hót chìm trong cổ mộ
Một đóa hồng vừa nở phía trời xa.
 
 
Cung Bậc
Khóc đi em
bởi đất đen không chối từ vị mặn
nỗi buồn nhỏ xuống khô cằn
sẽ biến thành đồng lúa xanh tươi
Cười đi Em
cho tinh cầu bừng lên sức sống
niềm vui trải bờ khát vọng
sẽ mênh mông khúc hát tình người
Khóc để cứu chuộc niềm vui
nên xin em chớ bùi ngùi giọt lệ
Cười là nụ hôn thượng đế
nhóm trên môi người thắp lửa đam mê
Những cung bậc đi-về
gặp gỡ và chia ly...
Những Giai Điệu Của Thơ
Khóc đi em. Cánh chim kia vừa bị mất bầu trời
giọt chơi vơi giọt núi đồi
thơ tôi về đối diện với chiều rơi...
Hát đi em. Cho quên đi thân phận làm người
điệu ngàn khơi nhịp đất trời
thơ là diệu đế rong chơi...
Cười đi em. Dẫu gầm trời đêm nay mù sương
lửa yêu thương khói đoạn trường
thơ rền tro bụi mười phương...
Em. Một đoá hồng giữa mênh mông lặng im
máu từ tim lệ từ hồn
thơ là từng hơi thở
trần...truồng Tuôn lướt tới vô ngôn...
 
NƠI THƯỢNG ĐẾ NGỰ TRỊ
Tôi đã thấy… giữa trưa hè bụi bặm
Một bàn tay chạm xuống một bờ vai
“Này chú bé cho tôi mua vài tấm…”
Gió bên trong cong sợi nắng bên ngoài
Mưa quằn quại, chảy dài bên góc chợ
Một bàn tay cúi xuống một lòng tay
“Bác xích vô mà tránh mưa kẻo lỡ… ”
Mưa ngoài kia, bong bóng thở trong này
Lưng địu vai, mắt dài theo tiếng gọi
Một bàn tay huơ huơ vẫy ngang đầu
“Bán cho tôi… tiền dư… thôi khỏi thối…”
Tiếng rao hàng theo gió thổi về đâu?
Bàn tay Mẹ. rất hồn nhiên như thế!
Như sương mai ôm phiến cỏ lưu đày
Tìm đâu hỡi, tít chân trời góc bể?
Thượng đế nằm trong những chỉ vân tay
Là ánh sáng dịu dàng trong bóng tối
Là tình yêu cứu rỗi những tâm hồn
Phút lặng lẽ bỗng thấy lòng sôi nổi
Thưa Chúa Trời… cho con gởi nụ hôn.
 
MẸ...
Là tiếng vọng từ trong sâu thẳm
Nhánh mai gầy cõng gió liêu xiêu
Hồn một nẻo đường chia trăm nhánh
Tuổi thanh xuân bỏ lại chân đèo
Ôi thương quá! Trần ai như chẳng
Tiếng rao đầy lộng lẫy bờ kênh
Yêu mẹ lắm bờ vai hiu quạnh
Gánh trần gian trầy cả bóng mình…
Con rạch nhỏ quàng vai xóm nhỏ
Bóng người dần… dần khuất vào xa
Mà đâu đó quẩn quanh ánh mắt
Vẫn oằn cong dáng mẹ như là
Ngõ ngách sâu, lối ngày tiếp ngày
Mưa trùm nắng nỏ, gió đùn mây
Chông chênh sóng áo hàng chưa cạn
Mẹ có kịp lau những giọt đầy?
Một hình. Một bóng. Một đìu hiu
Dìu nhau hối hả giẫm lên chiều
Nhẹ gánh. Vơi quang. Trìu trĩu bước
Lũ con ngồi tựa cửa buồn thiu

Mẹ đã bỏ về trên núi cao
Tiếng rao hun hút tận phương nào
Chiếc gánh cong cong, bờ vai ấy
Vẫn oằn lòng con tận chiêm bao.
 
‘Tàn thu hoa cúc ẩn vàng vào đông…’
 
“Nơi ra đi cũng là chốn quay về
mùa nhung nhớ nụ đầu cành xanh biếc
mây lang thang một mình em nhật nguyệt
nắng vỗ tình đôi cánh lụa là yêu.” (Quay về)
“Nếu có thể em hãy là manh áo
khoác lên ta là lụa của đêm trường
nếu có thể em hãy là ngọn giáo
đâm vào ta vài nhát chém đau thương” 
(Quán trọ mùa đông)
“Một chút lạnh se se ngoài sân vắng
một chút hương lưu dấu buổi hẹn hò
một chút nhớ tủi hờn sau ngực áo
một chút buồn khe khẽ rắc tàn tro.” (Hoang vu)
Lật tung tiền kiếp soi tìm
thì ra mắc nợ lời nguyền xửa xưa. (Lời nguyền xưa)
 
“Dù sao cũng nắng cũng mưa
cũng rơm rớm nhớ cũng lưa thưa buồn
dù sao cũng chút tình suông
ngày tôi vẽ mộng lên tường rêu xanh.” 
(Như chưa bao giờ)
 
Ta qua chín núi mười đèo
bàn tay trắng mộng ngã theo bóng gầy 
(Qua ngõ thuôn này)
“Đêm qua trong mớ chiêm bao
gió mưa cuồn cuộn chống sào em qua”
(Nhốt trái tim gầy…)
 
“Thôi đừng tiếc nữa mùa sang
tàn thu hoa cúc ẩn vàng vào đông.” (Nhắn tin)
 
“Trăng sáng đêm qua vẫn là trăng đêm nay
Hoa nở năm mới cũng là hoa năm cũ”
 
“Em đi ra từ sau cánh cửa điệp trùng
ngục tù số phận và tiếng dương cầm
và thanh âm pha lê vỡ nở thành những đóa hoa.” 
(Nốt nhạc tự do)
 
“Này Kim thơ anh viết cho em
ngữ ngôn tắt lửa tro than rồi
chập choạng những ngày vui” (Chìm khuất)
 
“Thơ chảy về sông Tương
không gian chảy về muôn phương
thời gian chảy về hôm qua
tình yêu chảy về mãi mãi…” 
(Thời gian chảy về hôm qua)
“Em… ơi… ngày chị sang ngang
chàng như con nước bàng hoàng trôi xa
dặm trường vó ngựa bôn ba
gió sương đâu có về qua chốn này…
Ơ kìa… thi khách vẫy tay
phong trần nhuốm vạt áo ngày chia phôi
chị tôi… cởi chiếc quai rồi
lại nghiêng che nón cho người… quay đi…” 
(Nghiêng nón)
 
“Em dung nhan ngàn năm xưa diễm tuyệt
vành trăng non cong vút nét môi mềm
Ta hoang đàng mơ một vòng tay ấm
Chở mơ mòng về khắc bóng thời gian.” 
(Bóng thời gian)
 
“Thì nhớ là quên từ mới gặp
thì quên là nhớ tự bao giờ
thì em ảo ảnh tà lụa trắng
lãng đãng muôn đời trong ý thơ…” 
(Nhớ-Quên)
 
“Đêm nay mình chung giấc ngủ
ta cùng khép cửa chờ mong
phương anh kéo buông màn gió
phương em thổi tắt nến hồng” 
(Giao cảm)
 
“Mắc chiếc áo màu tình yêu vừa phai
tôi phơi kí ức dưới ánh trăng mờ.” (Phơi áo)
“bắt đầu từ bóng ngã
hai người đã hóa thành nhau…” (Bắt đầu)
 
“Anh muôn trùng, lừng lững chợt về đây
ấm bờ môi tóc vương làn sương mỏng
tựa vai anh em ngã vào trống vắng
giấc mơ xa ai níu lại cho gần?” (Ban mai thơm)
 
“Nắng mưa trời đất thả rong
thì tôi chăn dắt tình không về mình…” (Vô cớ)
 
Henry Miller nhắn nhủ:
“Chỉ có một cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất mà thôi, đó là đi vào bên trong tâm hồn sâu kín, thăm thẳm trong lòng mình – và đi vào giữa lòng mình – thì thời gian, không gian, ngay đến hành động cũng không quan trọng gì cả.”
 
Nơi mà đớn đau tôi ngự trị
một giọt máu hồi sinh
một bình minh trong bóng tối
hé chồi xanh chào ánh sáng mặt trời
(Nụ cười và nước mắt)
Hãy thở cho đầy giọt máu vơi
Cho hồn xao động sóng trùng khơi
Bí ẩn vô cùng trong nhịp đập
Sẽ bình minh mở cõi không lời...
(Chân lý đi về qua vực sâu)
Em đừng khóc cho đêm dài khó nhọc
Bờ vai xiêu không vác nổi phận người
Thì hạt lệ chỉ mặn thêm hạt thóc
Tóc tơ nào gồng gánh được đầy vơi?
Bài thơ viết từ phía sau bóng tối
Xin tặng em và vạn nỗi cơ hàn
Cho vị mặn ngoảnh mặt đi nuốt vội
Nuốt cả đời vẫn chưa cạn lầm than
(Sau bóng tối)
Đời đã bọt. Sá chi bèo tấm áo
Hát đi em cho xào xạc ngàn dâu
Đừng cuối xuống cho trần truồng mộng ảo
Mây trên cao và nắng ở trên đầu
(Sau bóng tối)
Con chim hót trên cành vang tiếng gọi
Rót mùa Xuân vào những chấn song gầy
Hàng lá uá đã đường chân bước mỏi
Thì nỗi gì mà sợ gió rung cây.
(Dưới hàng cây trút lá)
Là đã hết con bướm vàng khép nép
Rúc trên vai quang gánh mẹ. Đi. Về
Khung trời mở lượn lờ con ngõ hẹp
Men dốc đời. Chập chững lối nhiêu khê...
Con. Thì mãi cánh diều chưa trọn gió
Chén. phiêu du. Dốc cạn. Quán không mùa
Quên thềm cửa những chiều mưa lá đổ
Tiếng thở dài rung bóng mẹ già nua..
 
Khúc hạnh ngộ chở chiều lên đỉnh gió
Chiếc lá vàng thong thả đợi mùa sang
Sông chẳng thể bước hoài con sóng nhỏ
Hát đi em cho lộng lẫy mây ngàn.
Trần gian đó. Ngôi đền thiêng máu lệ
Mỗi nụ hôn là nhịp thở ban đầu.
Nơi vạn vật chan hòa cùng Thượng Đế
Tạ Ơn Người cho ta được có nhau...
(Tạ ơn người ta đã có nhau)
 
như bóng tối và ánh sáng.
Buồn nhưng không bi lụy.
Luôn tìm thấy sự lạc quan.
 
Giữa bộn bề đường. Xe. Phố. Chợ
Gánh hàng rong che chở phận người
Miên man Dốc ngược. Đường cong
Gánh hàng rong
Đi cho hết đoạn hồng trần ngắn ngủi
Đôi đép mòn lầm lụi giữa phù hoa
 
Thuở mù tăm
Đời phôi thai có trăm nghìn nhánh rẽ
Số phận con người
Phải chăng là lẽ của tự nhiên?
 
Những vòng quay. Rời rã
Những con phố lạ
Một mảnh đời cô độc giữa phồn hoa
Những manh áo bôn ba
Phanh phơi những vòng quay tất cả
Có mảnh nào?
Vá được phận người rệu rã chốn phù sinh
 
Chùng gánh nặng vai gầy run mắt nắng
Nắng của trời. Vị đắng của vành môi
Đồi núi quạnh tấu bài ca im lặng
Hồn sương giăng ảo ảnh phía chân trời
Thời gian trôi nỗi sầu thành sa mạc
Ba mươi năm hạt cát chẳng phai màu
Dòng suối cạn gối đầu trên đỉnh thác
Rung phím đàn nhã nhạc giữa rừng sâu
 
dưới vành mũ đơn côi
Em gục đầu bên chiếc bóng, chơi vơi
Đất lặng im nghe lời than thở
“Mẹ ơi!
Con muốn được vui chơi, nhảy múa
Muốn được ùa ra và sà vào lòng mẹ
Như bao trẻ tan trường về
Con muốn lắm..Mẹ ơi!
Thương em bé mồ côi, thương người khất thực:
Ông ngồi vẽ vô cùng
Phết vào không
Những điêu tàn sống động
Khoảnh khắc Chagall và ngấn lệ nghìn trùng
Buốt một trời góa bụa
Mênh mông..
Ông ngồi giữa mù tăm
Như thế!
Sonate chiều
Lê thê
Những hợp âm ray rứt
Để nghe hồn khất thực..bóng cô liêu.
Tôi đã thấy từ phía sau ánh mắt
Có một điều rất thật ở vành môi
Là khô héo. Là ngậm ngùi. Se thắt
Hạt sương tan còn vướng lại bên đồi
Người góa phụ giữa đồi hoang bát ngát
Một đóa quỳnh lãng mạn với sương thâu
Dòng hư ảo đã triền nghiêng dốc cạn
Mây trên cao mà bông nở trên đầu
Rèm mi đó. Thì thôi em hãy khóc
Lệ trên môi là nước mắt trong lòng
Em có thấy một vì sao mới mọc?
Hạt bụi nào vừa đậu xuống hư không..
 
Một hình. Một bóng. Một đìu hiu
Dìu nhau hối hả giẫm lên chiều
Nhẹ gánh. Vơi quang. Trìu trĩu bước
Lũ con ngồi tựa cửa buồn thiu
Mẹ đã bỏ về trên núi cao
Tiếng rao vun vút tận phương nào
Chiếc gánh cong cong, bờ vai ấy
Vẫn oằn lòng con tận chiêm bao.
 
Bỗng một hôm
Một tin đau như xé nát bầu trời
Mẹ đột ngột ra đi giữa chiều mưa trút lệ
Tôi hoảng hốt trở về
Thể xác. Tâm hồn. Từng mảnh vụn vỡ tung
Mẹ đâu rồi???
Ánh mắt kia sao không mở
Chiếc chăn bông mới
Con đắp cho mẹ. Bây giờ
Đã trễ lắm
Mẹ ơi!!!
 
Lời nhắn nhũ là lời chưa đủ giọng
Là đôi tay chưa đủ tiếng trong hồn
Viên thuốc nhỏ sợ đi đường say sóng
Đưa con mà dòng lệ bỗng trào tuôn
Lời tạm biệt cũng là câu hẹn ước
“Ba yên tâm. Con sẽ cố học hành”
Trong khoảnh khắc giá gì ba níu đươc
Đôi mắt buồn ngoảnh lại phía sau lưng..
 
Chiếc ba lô sau lưng con bị chếch
Nghiêng một bên ba sửa lại cho ngay
Tay mẹ khẽ vén đường ngôi bị lệch
Mà run run. Sợ tuột phút giây này!
Con nhớ mãi ánh nhìn khi ngoảnh lại
Cái vẫy tay như níu cả nghìn trùng
Chân trái bước mà ngập ngừng chân phải
Cả bầu trời đọng lại phía sau lưng...
Ánh mắt ấy. Vô cùng. Trong khoảnh khắc
Đuổi theo con da diết buổi hôm nào
Là ân sủng mẹ cha hằng ban tặng
Chiếc áo này. Con phải mặc ra sao?
 
Mà hồn sương lạnh bóng trăng cài
Mà lênh đênh tím nghiêng màu áo
Lau lách chiều xao xác cỏ may
Có phải em. Vầng trăng tháng giêng?
Mông lung đáy nước giọt ưu phiền
Ta vẫn chờ em chiều sương khói
Lênh láng hồn. Lối nhỏ. Đò nghiêng..
 
Bông hồng nhỏ trong gió chiều hoang dại
Cánh hoa rung trải chiếu một tâm hồn
Tình du tử giữa muôn trùng khắc khoải
Nắng trên đầu chải rụng xuống hoàng hôn
Là ước vọng bồn chồn trong tâm thức
Phải chăng em là rất mực hoang đường
Là ảo ảnh. Là khói sương. Hư. Thực?
Mà tim trào ngực vỡ thú đau thương
Xin tạ ơn. Một tặng phẩm vô thường!
 
Hát đi em
Cho xanh màu giọt lệ
Những cung bậc đi về
Ngấn lệ nào,
Mà chưa từng rạo rực một niềm vui
Chảy về đâu
Giọt lệ sầu long lanh màu hạnh
Khi mọi nhánh sông đời đều xuôi về biển cả
Ngã ngàn sau..
 
Nhìn vũ trụ trong một hạt cát
Và thiên đường trong một đóa hoa
Nắm cái vô hạn trong lòng bàn tay
Và vĩnh hằng trong một khắc giây.
 
NGOÀI Ô CỬA
1.
Hắn cặm cụi bên chiếc phin nhỏ giọt
từng ý tưởng
trườn qua nét bút...lăn tròn
khúc dương cầm Fur Elise Beethoven
sang trọng
cô gái thành Viên xõa tóc. bềnh bồng
ngôn ngữ trỗ bông
mưa. những hạt mưa như từng đốm lửa
thắp cuộc tình
trên trang giấy xanh...
2.
Bên ngoài ô cửa
âm nhạc của bão giông
bản rock thường hằng,
tuôn chảy xuống mong manh
những hợp âm run rẩy
gió xoa đầu ngọn cỏ
con sẻ gầy phơi mỏ dưới lùm cây...
3.
Hòa tấu Paul Mauriat. The bird of wounds
những cánh chim" Lao vào hoàng hôn đẫm máu"
định mệnh. không phải là thứ để sợ hãi
mảnh đất của âm nhạc và thi ca
nằm ngoài ô cửa...
4.
Hắn cúi xuống tờ giấy
đọc. rồi thong thả...vo tròn
một tia chớp cắt ngang qua bầu trời mây xám xịt...
 

No comments:

Post a Comment

MDTTA 17

  Pháp đệ 68 xuân thu Hôm nay Kỷ niệm Pháp đệ 68 xuân thu, Đã đi qua 2/3 đời người Như lão ngựa vượt dặm trường gian khó Qua cõi người s...