Saturday, August 29, 2020

Du Trốc Tử

 Buổi ta về - Cuộc lữ - Đi tìm bóng tôi – Nỗi niềm phố thị - Trước mộ phần sám hối – Về lại thăm nhà – Một đêm trong lòng thác đổ - Vu vơ…Mẹ


Buổi ta về

Buổi ta về cầu chỉ còn một nửa
Đứng trơ vơ bên nửa nhánh sông buồn
Mẹ ra đứng gọi đò bên bến vắng
Dáng mẹ nhòa se thắt giữa chiều buông

Buổi ta về lúa sắp sửa ra bông
Cha tần tảo ra đồng khơi mạch nước
Cái thúng tròn vo chèo lên mạn ngược
Vớt mớ chà chươm phòng đến độ mưa dầm

Buổi ta về trời trở rét căm căm
Chị hái dâu nuôi tằm rồi dệt lụa
Sợi tơ giăng, sợi tơ vàng héo úa
Mà tin sương biền biệt buổi quay về

Buổi ta về cỏ dại phủ bờ đê
Anh vất vả bộn bề cùng đồng ruộng
Trên rẫy trồng ngô dưới đầm rau muống
Nửa đời trai chưa biết ngựa kinh thành

Buổi ta về trăng vẫn đủ năm canh
Em nũng nịu thích dỗ dành bánh kẹo
Áo trắng qua cầu, cầu tre lắt lẻo
Tóc thề buông mơ mộng mắt nai hiền

Buổi ta về trời sắp sửa ra giêng
Bé đi học bắt chuồn chuồn bươm bướm
Con bướm bay la đà con bướm lượn
Bé theo hoài mất hút ở trong hoa

Buổi ta về ta hỏi với riêng ta
Rằng cuộc lữ biết đâu là chốn đến
Dòng sông nào rồi chẳng trôi ra biển
Còn mong chi rong ruổi mộng miên trường

Buổi ta về nghe giọng nói quê hương
Buổi ta về rưng rức một niềm thương!

 Cuộc lữ

Người đi qua giữa đìu hiu phố thị
Lặng im trao bén nửa nụ xuân hồng
Nửa nụ kia nhờ mây trời bữa nọ
Giấu mang về gửi lại cõi hư không

Én chao nghiêng thả rớt lời thơ vụng
Giữa đường khuya lữ khách vẫy tay chào
Con sáo nhỏ qua sông rồi mới hỏi
Giọt thơ chiều có nhuộm nắng hanh hao?

Vàng cuộc lữ giữa bờ sương bến khói
Vẫn còn đi cho đến kịp trăng rằm
Con dế nhỏ cũng im lìm dưới cỏ
Giọt lệ này đâu phải bởi trăm năm

Còn đi mãi mới hay người vẫn đợi
Nụ vô thường rưng rức một niềm riêng
Quỳ xuống cỏ cúi hôn lòng đất lạnh
Tạ ơn đời một cuộc lữ thiêng liêng.

 Đi tìm bóng tôi

Cuối đêm gõ xuống đầu ngày
Đi qua với nhịp tim này hoang liêu
Tôi tìm tôi giữa tàn xiêu
Tôi tìm người giữa sớm chiều lặng câm

Nghe ra sóng dạt chỗ nằm
Bóng tôi lẫn trốn mù tăm chiều tàn
Tôi tìm tôi giữa khuya tan
Vô tình bước hụt vào mang mang hồn

Vẳng trong thể điệu sinh tồn
Du du đỉnh mộng chập chờn cuộc say
Ngỡ ngàng cắn thử ngón tay
Vẫn tê điếng mộng vẫn ngây ngất tình

Bỗng dưng gặp lại chính mình
Tự bao giờ vẫn lặng thinh giữa đời
Thôi thì tiếp tục cuộc chơi.

Nỗi niềm phố thị

Một tối đi về giữa phố đông
Lạc lõng bên đời một nỗi không
Một nửa vừng trăng treo cuối phố
Mây trỗ tầng cao một đóa hồng

Ta hỏi người hay hỏi riêng ta
Nửa đời rong ruỗi mộng du ca
Dừng chân quán trọ cười như khóc
Ai kẻ phiêu lưu chẳng nhớ nhà

Thắp ngọn đèn khuya soi bóng mây
Gió về thủ thỉ hát trong cây
Mở trang kinh mộng ươm vườn mộng
Sương xuống buồn nghiêng một chén đầy

Danh vọng ừ thì như bóng hoa
Chùa xưa còn mãi nhịp chuông tà
Kể chuyện thần tiên cùng nến vụn
Một đời đâu dễ để phôi pha

Thẹn với Nghiêm từ thẹn núi non
Vẫn hẹn ngày mai dẫu mỏi mòn
Nào phải sa đà nơi phố thị
Cố quận trong lòng vẫn sắt son

Dẫu biết quay về là tất cả
Xin để ngày mai hãy vẫn còn.

 Trước mộ phần sám hối

Con quỳ xuống
Giữa thiên thâu cùng hoa ngàn cỏ nội
Trải lòng ra giữa chiều vàng sám hối
Trước linh phần của mẹ cũ màu rêu

Con vẫn còn nguyên màu áo đất quê nghèo
Với tấm hình hài mẹ cho con thuở nọ
Mẹ bỏ con đi mười năm không một lời bày tỏ
Con hơn gì: bỏ mẹ đã hai mươi năm

Buổi mẹ ra đi
Con về lại cúi hôn lòng đất lạnh
Nghe lại từng lời ru nhớ nụ cười đen nhánh
Mưa đầy trời năm tháng cũ phôi pha

Con lãng đãng trời xa
Tìm kiếm bóng mình giữa chiều tà mộng thực
Mẹ lạy bốn phương trời cho con tỉnh thức
Nguyện hứng hết nghiệp trần cho con được bình yên

Sanh tử là gì ai hiểu được nhân duyên
Con gàn dở để ưu phiền lòng mẹ
Chiều nay quỳ giữa đồi hoang lặng lẽ
Cây lá nghiêng mình chim mỏi cánh thiên di 

Chiều ơi!  Chiều ơi! Úp mặt làm chi
Để bóng tối giao hòa con với mẹ
Cho con được thấy lượng Từ mở hé
Để lòng riêng trút nhẹ nỗi ưu phiền

Cắn ngón tay tìm một nỗi đau riêng
Gió thổi lộng qua cõi miền thơ dại
Như cuộc đời con giữa nghìn trùng quan tái
Còn đó muôn đời bóng mẹ choàng ôm

Bóng mẹ nhạt nhòa trong đêm thảo ngày thơm
Hiện giữa trang kinh chập chờn ánh sáng
Soi thấu đời con cả gừng cay muối mặn
Xin lạy tràn cảm tạ hết nhân duyên

Trong im lặng của bóng mình khắc khoải
Cảm nghe đầy tiếng mẹ gọi thiêng liêng.

 Về lại thăm nhà

Con về lại thăm nhà
Áo vướng bụi đường xa
Từ gửi thân cát bụi
Rưng rức những chiều tà

Mộ mẹ nằm bên đồi
Cỏ hoa làm ấm lạnh
Cha tuổi cũng đã già
Trước thềm nhìn cô quạnh

Chị tôi thay làm mẹ
Nuôi nấng đàn em thơ
Tuổi xuân qua mấy độ
Chị ơi! đến bao giờ?

Anh trai chừ lận đận
Mấy em đã có chồng
Còn dăm ba đứa nhỏ
Trường lớp vẫn chưa xong

Tôi về nhà vui mừng
Quây quần mâm cơm tối
Cơm tấm và canh rau
Rộn ràng nên bổi hổi

Cha bảo tội má mày
Suốt một đời lặn lội
Chưa sướng được một ngày
Đã về nơi chín suối

Mười năm từ trôi dạt
Bao nghĩa bạn ơn thầy
Chút danh còn chẳng trọn
Thì biết nói chi đây?

Lệ còn không biết nhỏ
Thì thơ sao nên lời
Con cúi đầu khấn nguyện
Thầy ơi! mẹ cha ơi!

Còn tấm thân bèo bọt
Rong rủi phận ươn hèn
Nghĩ đâu công báo đáp
Chỉ biết chuyện sách đèn

Con về lại thăm nhà
Áo vướng bụi đường xa
Từ gửi thân cát bụi
Rưng rức những chiều tà.

 

MỘT ĐÊM TRONG LÒNG THÁC ĐỔ

 

"Nhiều đêm thấy ta là thác đổ,

                         Tỉnh  ra  có  khi  còn  nghe".

                        (Trịnh Công Sơn).

 

Năm ấy, tôi vừa tròn 20 tuổi.

Mưa vẫn không cản được những bước chân rồ dại xăm xăm nẻo cuối rừng chiều. Đêm vội vã phủ chiếc lồng bí mật xuống thung lũng như muốn vồ lấy nguyên vẹn những gì ở đó, không cho thoát ra. Trên đỉnh của cái lồng bàn đêm chất ngất ấy, trớ trêu thay lại vắt cẩu thả một mảnh trăng the thé, vừa đủ rọi đường cho những tên trộm vô hình đến ngắm nghía những bảo vật rừng thiêng. Tiếng thác ầm ầm như những tảng đá to từ trên cao đổ xuống. Tôi ướt sũng. Lạnh. Đông cứng.

 

Bây giờ ngồi nghĩ lại, chỉ tưởng tượng một người đang đứng trong lòng thác Bongour giữa đêm mưa xám xịt cũng đủ thấy rùng mình kinh hãi. Chỉ với cái tuổi hai mươi, cái tuổi muốn gì làm nấy, cái tuổi khát vọng và đẩy nỗi khát vọng lên đến đỉnh, muốn thỏa mãn sự hiếu kỳ lẫn quằn quại, mới dám lầm lũi vào chốn thâm u một mình khi trong người chỉ có duy nhất một cái hộp quẹt, không đủ làm hun khói những lá cây sũng nước, nói chi đến một ngọn lửa sưởi ấm hồn đơn.

 

Tôi chọn một tảng đá to dưới cội trâm già, bên dòng thác lũ, lấy thân mình che mưa cho đống củi mục, nguyện cầu một ánh lửa bùng lên mà mãi không đỏ được, ngoài những ụ khói cứ xông thẳng vào mắt cay nồng. Tảng đá to hơn một cái bàn, nhưng cảm giác trong tôi chỉ là một miếng gỗ bồng bềnh trên ngọn nước. Cây trâm già nghiễm nhiên trở thành một vị hung thần quái ác, mang đầy đủ trên mình đôi mắt cú vọ và rắn độc lẫn những nụ hoa lan sặc sỡ sắc màu. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, nhưng không thổi tắt được cái đèn thuyền treo lủng lẳng trên ngọn cây. Nếu không có ánh trăng, mọi vật hoàn toàn chìm trong bóng tối, như thế có lẽ dễ chịu hơn. Còn bấy giờ thì mọi vật lại bắt đầu chập chờn chuyển động với những hình thù kỳ dị. Tôi lạc vào cõi nào chẳng biết. Tự dưng, mọi hình ảnh xung quanh mình cái gì cũng có hai mặt, vừa thiên thần vừa quỷ sứ, vừa thánh thiện vừa phàm tục. Và mỗi hình ảnh đi qua tôi đều chứa đầy hai cảm giác trái nghịch, vừa hạnh phúc vừa đớn đau, vừa quằn quại gan lì vừa tê mê chất ngất.

 

Vách đá dựng đứng, xếp đều từng lớp hệt những tháp Chàm ở Thánh địa Mỹ Sơn. Tháp Chàm di chuyển chập chờn. Từ trong cửa tháp, bóng hai thiếu nữ bước ra, mình đeo đầy còng cườm lục lạc, nhảy múa những vũ điệu ma quái của giống dân Hời, rồi họ đi vào, cửa tháp khép lại. Tháp Chàm hóa thành những bức lập thể của Picasso, tiến tới bóng tôi, mỗi lúc một gần. Tôi dùng hết tâm lực đẩy chúng ra xa, vách đá ngã sóng xoài trên thảm cỏ, biến mất.

 

Ánh trăng lại lóe lên, vàng rực cả lòng thác, đẩy rừng cây ra xa, xa lắm. Cả rừng cây nhuộm vàng ánh lá, lung linh và đầy huyền hoặc như bức "Mùa thu vàng" của Lévital. Rồi bóng tối như một mảnh vải, xỏa lần xuống che đậy bức tranh. Ở góc vàng cuối cùng tôi còn nhìn thấy, một con mèo hoang nhảy ra, cắm hai ánh nhìn vào lòng đá tảng.

 

Mưa, lại mưa.

 

Ngọn thác hùng vĩ dựng đứng như một mảnh thiên y mịn màng che vách núi, chốc chốc lại tung ra từng đợt sóng mù khơi, giăng mùng tứ phía. Tôi mải miết nhìn ngọn thác, từ đầu đến chân, rồi tự nhiên thấy thác chảy ngược, chảy từ dưới lên trên, chảy tới đâu khô tới đó, hệt như bàn tay vô hình nào đang cuốn bức lụa trắng ngần từ chân tới đỉnh. Vén lên tới đầu ngọn, thác im thin thít, không còn một âm thanh nào của nước, cái im lặng đến rợn mình, đến nỗi nghe rõ được từng giọt rơi tí tách trên lá, nghe rõ được âm thanh của một loài dế du mục đang gậm nhấm cỏ non. Bãi cỏ xát xô dựng hình loạn tứ bên bờ suối cạn, gợi nhớ đến bức "Hoa diên vĩ" của Vangogh. Rồi trên đỉnh cao, bóng Bồ-tát Quán Thế Âm lồng lộng theo mây đi xuống, màu áo hay màu mây mà mênh mông quá. Bồ-tát tay cầm nhành dương liễu, tay cầm bình cam lồ, Ngài nhúng nhành dương vào bình nước rồi rảy một cái, tự dưng thác chảy lại, như tự bao giờ vẫn vậy, như một cổ máy huyền vi có thể ấn nút tắt mở một cách tự nhiên, thật là kỳ diệu. Tôi thảng thốt, cúi đầu đảnh lễ với lòng thành kính vô biên. Chợt nghe có cái gì đi ngang qua trên đầu tôi, vùn vụt như một cánh đại bàng. Ngẩng đầu lên, mọi sự trở lại như cũ.

 

Ngồi tĩnh tọa trên phiến đá dưới rừng mưa, tôi hít thở thật sâu để cố tìm trở lại một ngọn thác Bongour thật sự sau những ảo giác mơ hồ. Nhưng có cái gì là thật sự đâu! Rừng cây xung quanh như những bóng người đang đứng, kẻ cúi đầu, người chắp tay, có nhiều người nắm tay nhau nhảy múa, hay cúi mình soi bóng xuống dòng nước cuồn cuộn nhập nhòa ánh sáng. Phải chăng tất cả mọi sự mọi vật chỉ là sự biến hiện của tâm thức con người? Phải chăng mọi khái niệm thiện ác, đẹp xấu, hạnh phúc hay đau khổ đều từ tâm cảm mông lung này? Thế thì tất cả xung quanh tôi lúc ấy, cái gì là giả, cái gì là thật? Đến những vách đá sừng sững bên ngọn thác Bongour kỳ vĩ kia cũng giả nốt sao? Chỉ có thằng tôi là thật thôi sao? Ồ mà tôi cũng chẳng thật, tôi cũng tan ra từng đợt theo khói, theo sương, theo hơi nước mơ hồ. Vậy ở đây cái gì là chủ thể, cái gì là khách thể? Nếu không có chủ khách thì thật là vô lý, ai sẽ là người cảm nhận mọi sự vật kia đây?

Mưa mỗi lúc một lớn, rào rạt trên những cánh rừng. Nước mỗi lúc một mạnh, chảy tuôn trào từ đỉnh thác xuống từng kẽ đá, dâng cao dần, cao dần. Tôi lạnh cóng, những tưởng ngồi lại tới sáng ở đây có lẽ tôi sẽ chết cứng vì lạnh. Tôi chợt nghĩ ra tại đây chỉ có cái lạnh là thật, còn cái gì cũng giả, kể cả tôi. Nhưng cái lạnh là cái gì? Chẳng qua cũng chỉ là cái nghiệp cảm của mình. Tôi nghĩ vậy. Tôi chợt muốn lao mình xuống dòng thác lũ kia, cho nó trôi đi đâu thì đi, không phải tôi muốn chết, muốn tự tử, mà là muốn buông xuôi tất cả. Thế rồi bỗng dưng, tôi chợt nghe có một con rắn đang gát đầu lên đùi của mình, lạnh tanh. Tôi run rẩy, sợ hãi. Té ra bây giờ chỉ có cảm giác sợ hãi là thật. Chỉ cần nó cắm đầu vào đùi tôi là chấm dứt tất cả. Nghĩ đến đó tôi thật sự hoảng hốt khi mường tượng phải xa lìa hẳn cuộc đời, cha mẹ, thầy bạn, người thân. Cảm giác đau khổ lại là cảm giác thật. Tôi lẹ làng dùng tay hất đầu con rắn ra xa rồi rùng mình đứng dậy. Về thôi!

Mưa vẫn rả rích, những tàn cây le le quất vào mặt túi bụi, đá lại quá trơn, tôi vội vã nên cứ trượt chân, đá đập vào ống quyển đau không thể tưởng, nhưng vẫn cố lao nhanh cho ra khỏi lòng thác, hướng về phía hừng đông mà chạy.

Về đến cô thôn, tiếng chuông khuya trầm ấm tỏa lan, rồi bao nhiêu chuông mỏ từ các thảo am lần lượt trỗi dậy, nhưng tiếng thác vẫn còn rền trong tâm khảm, từ ấy đến tận bây giờ.

 

Vu vơ ... Mẹ

 

Bỗng dưng! tôi chợt muốn viết về Mẹ. 

Vu vơ? Ừ thì vu vơ, chứ biết viết gì, nói gì? Nếu có gì để viết, để nói, thì thiên hạ đã nói giùm tôi hết rồi. Còn tôi, mỗi chữ "con thương Mẹ" tôi cũng chưa một lần nói ra được, nữa là ...


Người Việt Nam khác với người nước ngoài nhiều lắm! Chỉ một chữ "thương Mẹ", không bao giờ ta nói ra được. Nó linh thiêng quá! Nó kỳ diệu quá! Linh thiêng và kỳ diệu đến nỗi giả sử có ai đó nói từ ngữ này trước mặt mẹ thì thành ra giả tạo, trâng tráo. Trong âm nhạc Việt Nam chỉ có một lần, một lần duy nhất, ở bài Bông Hồng Cài Áo nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ mới cho mọi người được một lần ấp úng, một lần ngần ngại : "Mẹ ơi! mẹ ơi! Mẹ có biết hay không? Biết gì? Biết là ... biết là ... CON THƯƠNG MẸ lắm không?"

 

Chỉ có một lần liều lĩnh, như thu hết cả can đảm, và mượn lời nhạc chuyển giao, con mới thốt lên được lời thầm kín thiêng liêng ấy!

 

* * *

 

Con về lại Di Linh trong mùa mưa ngâu vần vũ. Ngồi bên mộ mẹ, mưa hay sương không biết, cứ từng đợt giăng hàng qua chiều vàng cổ độ (!). Chiều nay, trên lưng đồi này, chiều nay. Ngày qua, năm năm, mười năm, một ngày, một giờ, chiều nay. Mẹ vẫn nằm đó, từ độ con qụy xuống hôn vào lòng đất lạnh, từ độ bỏ thầy bỏ mẹ ra đi, lang thang khắp chợ cùng quê, vất vưởng trở về bên xác mẹ. Từ bữa nọ tới bữa nay, từ mỗi phút giây hay từ vô lượng kiếp giữa thiên thu vời vợi? Mẹ nằm cô liêu trên lưng đồi gió lộng, nhìn xuống mặt hồ biêng biếc giữa hoàng hôn. Phía Đông là rặng núi xanh, quanh năm mây trắng chít khăn tang buồn trên đỉnh. Chập chùng đồi núi Di Linh, ngan ngát hương đồng cỏ nội. Con ngồi đây, nén hương ấm để nói rằng trời lạnh, áo con ấm để nói rằng đời lạnh, lạnh vì mẹ không còn ở bên con.


Ngôn ngữ của con đã hóa thành ngọng nghịu. Sao mẹ lại không còn? Mẹ còn đó chứ! Trên mảnh đất này, giữa bầu trời này, nơi ngọn cỏ, cành hoa, nơi cánh chim trời, vệt nắng. Bây giờ con thèm hát, bài hát mà con yêu thích nhất: Quán Thế Âm. "Có bà mẹ đi tìm con, trên đỉnh đồi lan trắng, có bà mẹ đi tìm con, trên động hoa lan vàng..."


Bên thung lũng chiều vàng

Cỏ hoa bừng trỗi hát

Thoát nhiên tự trần gian

Mẹ hóa thành Bồ-tát.


Con tự hỏi nhân duyên gì mà mẹ làm mẹ con? Nhân duyên gì mà con làm con mẹ? Với con, con nghĩ rằng mẹ đã từng phát một đại nguyện đời đời làm mẹ của con chứ đâu phải đầu thai vào trả nợ. Không những thế! Mẹ còn là mây trời cho con ngắm, làm mặt nước cho con soi. Mẹ làm đá sỏi ngân vang giữa bụi đường đìu hiu quạnh vắng, mẹ làm tiếng thác rì rào giữa rừng khuya cô tịch. Nắng sớm, sương tà, trăng khuya, gối mộng, đâu đâu con cũng thấy mẹ hiện hữu, như chẳng bao giờ lìa xa con nửa bước.

Mẹ hiển hiện trên đường về, trong từng ngõ ngách của cuộc đời đầy đau khổ. Mẹ ban cho con hình hài ấm lạnh, mẹ ban cho con tình cảm ghét thương. Nhưng con giận mẹ, con trách mẹ nhiều lắm, bởi mẹ chẳng nói lời nào bằng ngôn ngữ thế nhân. Con làm sao hiểu được lời mẹ trong đường chiều là rụng? Con làm sao thấy được mẹ trong gió sớm trời quang? Con chỉ thích thấy mẹ mang tơi đội nón ra ruộng hái rau má về cho con ăn. Con chỉ thích thấy mẹ ngồi bên bếp lửa hồng à ơi câu cổ tích. Con đã từng yêu sách mẹ như thế, mẹ đã hứa với con, mẹ hứa mẹ sẽ suốt đời ở bên con, sao mẹ lại thất hứa?


Giờ mẹ nằm đó, trên lưng đồi này, chiều nay. Giờ thì con hiểu rằng mẹ thất hứa để tròn nguyện, nguyện của mẹ lớn quá, nên lời hứa với con trẻ trở thành vô nghĩa khi tấm hình hài của mẹ về với đất, hương hồn mẹ trở về với trời, và con về lại với đời, cuộc đời của con, cuộc đời mà mẹ cho con. Phật đã dạy con như thế!


Phật còn dạy rằng chỉ vì chữ Ái mà mọi chúng sanh phải tự ràng buộc nhau, đau khổ với nhau. Mẹ nghĩ đi! Có con nào không là con của mẹ, có ai trong cuộc đời này chẳng đã từng là con của mẹ, tất cả chì vì nhân duyên mà ràng buộc với nhau, đau khổ với nhau. Rồi bao nhiêu nước mắt, máu xương phải chất chồng để trả vay vì chữ Ái. Có Ái là có Thủ, có Thủ là có Hữu, có Hữu là có Sanh, có Sanh thì có Tử. Rồi vòng vô minh cứ mãi xoay tròn, xoay tròn như thế. Khi nào lượng Từ của mẹ không còn xem con là CON CỦA TA nữa, vô ngã, thì mẹ mới thoát khỏi ái ân triền miên muôn kiếp. Con tiếc nuối lắm, nhưng con vẫn muốn mẹ dứt hẳn nguồn yêu suối lệ, hóa thân thành vạn vật trong pháp nghĩa nhiệm mầu mà con đang phảng phất thấy nơi từng ngọn cỏ, cành hoa. Mẹ có hiểu ý con không?


Con vẫn thèm nghe điệu hát ru à ơi theo nhịp võng, con vẫn thèm hơi ấm bàn tay mơn trớn lúc bế bồng, ánh mắt ấy, nụ cười ấy còn hơn ngàn lời kể lể, nhưng con vẫn ước ao mẹ giũ sạch oan thân để về bên cõi Phật, làm một vị Bồ-tát, làm một Quán Thế Âm, làm một bà mẹ của tất cả chúng sanh, như đã từng làm mẹ của con. Chắc lúc ấy, mẹ là người đẹp nhất trên đời (!)

 

* * *

 

Hoàng hôn. Tiếng tù và của mục tử gọi trâu về du dương dưới chân đồi gió lộng, nhắc tôi trở về với mình trong hiện tại. Đàn trâu dấy bụi đỏ lên quyện với sương chiều bảng lảng, rồi thong thả đàn trâu lội xuống hồ xanh, đằm mình dưới nước, ngước đôi mắt long lanh lên nhìn trời mây lá cỏ. Từng vệt sáng tự trời cao nối dài xuống chân trời xa thẳm, như muốn pha màu cho bức tranh chiều Di Linh thêm phần huyền ảo.

 

Chiều theo gió xuống tự chân mây

Chiều xuống lưng đồi bên khóm cây

Chiều leo xuống cỏ, vờn thăm cỏ

Lìa cỏ, chiều ra bến nước đầy.

 

Tôi vẫn còn ngồi bên mộ mẹ, nghe bóng tối chìm dần vào cõi hồn ngát lạnh. Bất giác, từ vô ngôn mặc ngữ, tôi cất tiếng hát : Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ có biết hay không? Biết gì? Biết là... biết là... con thương mẹ lắm không?


Một cánh hạc bay qua, vạch một đường sáng cho bóng đêm dựng hình cô tịch. Tôi xuống đồi, vất vưởng, không biết rằng hai ống quần ướt đẫm vì cỏ ngậm hơi sương, và côn trùng đã dạo đầu bản giao hưởng đêm đêm giữa tư bề trống vắng.

 

No comments:

Post a Comment

MDTTA 17

  Pháp đệ 68 xuân thu Hôm nay Kỷ niệm Pháp đệ 68 xuân thu, Đã đi qua 2/3 đời người Như lão ngựa vượt dặm trường gian khó Qua cõi người s...