Saturday, January 30, 2021

Sơn Nguyễn

 CÕI LỤC BÁT NGHÌN TRÙNG (*) TRONG THƠ SƠN NGUYỄN - Thoại Vi Nguyễn


“Một ánh mai
một nụ cười
Tất nhiên là một khoảng trời vô biên
....
Một hữu hạn
một vô cùng
Ngẫu nhiên chạm mặt là trùng ngộ thôi ”.
(Nhiên, trang 109)

Đó là mấy câu hoát nhiên trong tập “Lục bát nghìn trùng” của nhà thơ Sơn Nguyên. Bạn đọc ngỡ như gặp gỡ những thân quen lâu ngày qua câu chữ, há chẳng phải vì tương ngộ phong cách thơ vô vi thanh thoát đó sao ?.
Chúng ta (phần nhiều) thấy cuốn hút trước một đối tượng có khí chất hoặc tài hoa khác biệt vì khó trùng phùng, vì hiếu kỳ, vì thích khám phá, ... bởi họ là duy nhất. Thơ cũng vậy. Đa phong cách chưa hẳn là hay. Vì thế bạn và tôi - những người cảm thơ không chỉ bằng vỉa từ hay nguyên lý “tảng băng trôi” trong văn chương nghệ thuật - mà còn trân trọng cả văn phong, giọng điệu riêng của nhà thơ. Có thể chịu ảnh hưởng thi pháp, ngôn từ, nhưng thi ảnh, tư tưởng, tinh thần một bài thơ phải là chính mình. Thế nên trong bài lục bát thứ 30, bảo rằng thi nhân mắc míu Bùi Giáng về ngôn từ cũng đành vậy, miễn tứ thơ vượt thoát về tinh thần ngữ nghĩa:
“Chiêm bao mặc áo sa mù
Huyễn hư lấp lánh nghìn thu mịt mùng”.
Thi ảnh đẹp lấp lánh mặc huyễn mộng, hư vô trì níu. Cần gì hiểu lẽ đạo cao thâm vô thủy vô chung của vũ trụ từ thuở khai thiên lập địa. Thơ Sơn Nguyên là cõi chân như hoà vào minh triết, mờ mịt trong sa mù, tưởng hai thành một. Như thể vết chân của người tiền sử - tuyệt tích, như dấu nhạn qua sông – biệt mù.
“Lặng im. Nghe tiếng muôn trùng
Có người ngồi vẽ vô cùng bên sông
Vẽ tràn trang giấy hư không
Chiều tàn còn lại đoá hồng đỏ tươi”.
(Bài 31, trang 53)
Cái dấu chấm đặt sau im lặng thật là đắc. Dấu chấm khép lại khoảng lặng hằng hữu, đóng lại cánh cửa an tĩnh của vô cùng. Cõi thơ sáu tám hóa thành đóa thiền, là niêm hoa vi tiếu. Mỗi nụ cười vô ngôn là diệu khải. Mỗi bước chân thiền hành là chánh niệm hướng về trùng nguyên:
“Nhấc chân là đã nghìn trùng
Đặt chân là đã mịt mùng tro than
Lửng lơ bày cuộc trần gian
Loay hoay nhấc – đặt đã tàn cuộc chơi”
(Bài 69)
Vòng xoay thời gian nhìn ở phương diện sát thực cũng là bánh xe luân hồi. Nghiêng trái, rớt giọt cô liêu; nghiêng phải, hái quả vô hình. Người thơ – độc giả miên hành trên đường, lắm phen phải vòng qua bùng binh không – thời gian trước khi xác lập bản ngã trong veo, rồi tiến dần đến cõi bất khả vô ngã:
“Chẻ đôi giọt máu hữu hình
Một chùm hiu quạnh vô hình trong veo
Vin cành hái quả cô liêu
Không gian ngậm điếng một chiều mung lung”.
Thì đấy.
Tôi quả thật không muốn làm cái việc vô duyên vô cớ là chẻ đôi trường tư tưởng diệu khởi trong thi tập “Lục bát nghìn trùng”. Ngôn ngữ thơ đã thành cốt tủy, tư duy được nung thành máu thịt, hồn thơ đã chưng cất thành hương đời bất diệt. Vậy thì tôi còn dài lời vô vị làm gì ?

ĐI DỌC THEO "LỤC BÁT NGHÌN TRÙNG"
-Michiko Nguyen-
Cầm tập thơ trên tay, điều đầu tiên tôi trân trọng là bìa được trau chuốt rất trang nhã bằng lối viết thư pháp cùng bức tranh thủy mạc nhẹ nhàng, lật trang cuối cùng như thói quen, tôt bật thốt" ồ". Thì ra bìa do chính tác giả, anh Son Nguyen, chọn lựa rất kỹ càng từ bức tranh của một thiền sư Nhật Bản, thư pháp do một người bạn thân viết tặng, nhà thơ đã chọn lọc rất kỹ ngay từ bìa đầu tiên, sự tôn trọng dành cho bạn đọc của mình!

Hơn một tuần cho một quà tặng tinh thần, đến hôm nay, thật sự tôi vẫn chưa nghiền ngẫm hết 100 đoản khúc cùng 400 câu lục bát ngay phần đầu, và lang thang với trường ca lục bát cùng 1083 câu được chia làm 4 phần rõ ràng trong cõi thơ anh... Vậy đó, tôi cầm bút như một thôi thúc, thấy sao viết vậy như cách anh hành động gởi tặng tập thơ khi tôi chưa được hân hạnh đối diện!

Lục Bát Nghìn Trùng đã đưa tôi đi từ trạng thái huyền nhiên này qua tâm tư bình an khác mà càng đọc như càng thấy chính mình lơ lửng đâu đó

Thở ra cho cạn ngập ngừng
Hít vô cho dậy lừng khừng bước đi
Phố hồng lau lách rèm mi
Một tinh cầu nhỏ đi về xôn xao...
(Mở- trang 15)

Là tôi đang đi hay thơ đưa tôi đi trong cõi thiền đầy thức tỉnh giữa hỗn mang

...Kiểu gì tôi của ngày sau
Cũng là tôi của nguyên màu này thôi..

Để rồi giật mình

...Qua mình là một ngó theo
Qua sông là một tiếng chèo cô đơn...

Ai rồi cũng phải một mình, thấm thía nhân sinh, ai rồi cũng trải qua thơ ấu, đồng hành cùng buồn vui phận người

Romance nửa phím nghìn trùng
Ngùi trên điểm lặng mông lung tuổi buồn
Mong manh mọc cánh chuồn chuồn
Cõng theo nguồn cội trên đường phiêu linh...

Dầu đi đâu về đâu, nguồn cội vẫn đó với lòng mẹ tình cha

Mỗi lần cất tiếng " Mẹ ơi"
Là trăm năm vẫn như lời đầu tiên...

Xúc động chạm vào đáy tim khi nhớ về mẹ

..."Mẹ chờ con suốt từ trưa.."
Trách yêu. Mà sợ chưa vừa lời yêu...

Lời mẹ suốt một đời con mang theo, nặng trĩu ân tình

...Mẹ đi bỏ lại bên đời
Mái hiên. Ghế xếp. Một trời hoang thưa
"Mẹ chờ con suốt từ trưa..."
Tiếng yêu buốt cả nghìn xưa vọng về...
(Mẹ- trang 80)

Thú thật, đọc xong bài Mẹ, tôi đã xếp lại cuốn thơ LBNT, chạy ngay về với mẹ tôi, bên tai văng vẳng lời thơ "Mẹ chờ con suốt từ trưa", trời ơi, tôi cần phải vội vã hơn bao giờ, "Mẹ ơi!"

Đến hôm, nay, tôi tiếp tục với bài viết dở dang, Cha, người cha trong thơ anh Nguyễn Sơn cũng như bao người cha khác trên đời

...Tiếng "Cha" là tiếng vô ngôn
Cả đời con tập vẫn còn nói sai...
...Tiếng "Cha", tiếng của vô ngần
Loay hoay tập viết vẫn phân vân hoài...

Vâng, phân vân hoài nên nuối tiếc trải dài mãi khôn nguôi

...Khói nhang vàng ngắt mộ sầu
Người đi để lại nguyên màu xưa xa...
(Cha- trang 82)

Cõi thiền trong tập thơ lại đưa tôi đi tiếp vào mênh mông cùng những câu LB thanh thoát

...Này em tịch diệt vô thường
Hiện tiền thấu triệt con đường mở ra...

Con đường mở ra cho tôi, tình yêu không chỉ riêng dành, mà mênh mang hơn, trầm mặc hơn và cũng tha thiết hơn

Xin tôi một chút hao gầy
Để nghe tro bụi bám đầy hoàng hôn
Co ro vết bỏng trong hồn
Thịt da truy vấn cội nguồn nỗi đau...
(Chân Nguyên- trang 88)

Dẫu biết tất cả là phù du, nhưng bâng khuâng làm sao tránh được, nên thơ cứ thiết tha

...Tình em như một bài thơ
Chép vào định mệnh một tờ khói mây (Chép vào định mệnh một tờ khói mây- tr 89)

Tiếp tục hồi tưởng cùng chính mình trong cõi thơ của anh, mắt tôi dừng lại trước nỗi niềm mình từng nếm trải, từng đau thương cũng như dặn dò bản thân

...Trả người một thoáng xưa lay
Sương giăng cuối chữ khói bay đầu dòng...
Trả người mà chính tôi cũng nằng nặng
...Đứng lên dặn bước xuống rằng

Về thôi kẻo mất thăng bằng như chơi...( Tương tư- trang 90)

Thật vậy, bởi vì..về, cũng không kịp nữa rồi

...Chiều nay bông rợp phố phường
Có người ngồi nhớ đơn phương một người...
(Yêu thầm- trang 91)

Vì nhớ một người mà tôi mãi ngậm ngùi

...Cũng đành cát bụi là dâu
Trăm năm một khúc Phượng Cầu Tương Như
Cũng đành viễn ảnh là hư
Thì nhan sắc ấy đã từ chiêm bao...
(Bảy màu bước đi - tr 102)

Bất chợt, trong chốn đau thương kia, tôi ngộ ra rằng
...Thấy không em. Đẹp lạ lùng

Giọt sương vỡ xuống. Muôn trùng tan ra...
(Hiện tiền- tr 103)

Tan hết vào thiền, vào thơ, thì còn lại gì đây?

...Mơ màng đối ngẫu lặng im
Một dòng huyết lạnh từ tim lên đầu
Nắng tàn rải hạt mưa sâu
Chép lên sỏi đá một màu hoang vu...
( hạt bụi- tr 119)

Và Trịnh chừng như đang ngân nga đâu đây..." hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi...", cho tôi thêm chiêm nghiệm

...Rất gần mà cũng rất xa
Dường như đâu đó quanh tà áo phai
Ồ! Em. Gió lộng sông dài
Qua đồng một bận nhớ hoài nón che...(tr 121)

Chỉ cần một lần qua đồng, một hơi thở nhẹ, là xong một kiếp người

...Đêm thiêng còn lại vết người
Đền thiêng còn lại tiếng cười nhân gian
Gối đầu lên cội hồng hoang
Một chùm mây trắng... vút ngàn.. tan ra... (tr 123)

Cuối cùng, còn lại nhánh cỏ bên đường, hát với phù du...

Tập thơ với lời mở và lời bạt của 2 nhà thơ Lê Tuân và Như Không, sâu sắc, xúc tích, đã giúp người đọc thêm trải nghiệm và hiểu rõ hơn tâm hồn thơ của anh Sơn Nguyên. Riêng tôi, khép cuốn sách lại, tôi tự hỏi mình...Liệu tôi đã thấm được bao nhiêu phần thiền, hay cũng chỉ là bề nổi mà không thể diễn đạt được sâu sa như Lục Bát Nghìn Trùng?

Cám ơn tác giả đã gởi tặng một tập thơ giá trị không hề nhỏ với riêng tôi.

Trân trọng
TƯƠNG GIANG

TẢN MẠN VỀ TẬP THƠ “LỤC BÁT NGHÌN TRÙNG” CỦA NHÀ THƠ SƠN NGUYÊN
(Trân trọng giới thiệu với độc giả yêu thơ, đặc biệt là thơ lục bát về một thi tuyển với 1483 câu từ hay đến rất hay, của một người bạn vốn quen biết trên thi đàn, một tuyển tập thơ được chắt chiu, nâng niu từ nội dung cho đến hình thức. Đẹp và thi vị vô vàn.)
Gọi là tản mạn lan man, không dám nói lời giới thiệu vì đã có các bạn tao nhân mặc khách của anh đã làm nhiệm vụ tròn trĩnh cả rồi, nhất là lời tựa đĩnh đạc của Lê Tuân và cả lời bạt kinh điển của Như Không, vốn hai người bạn chí cốt của Sơn Nguyên. Tập thơ đã được đề tặng khá lâu, nhưng một lời đáp từ thì cứ lần khân mãi, đến hôm nay, nhân ngày Sinh Nhật của nhà thơ Sơn Nguyên, tôi không còn khất được nữa, mà nhất thiết phải có chút “ Qùa” mừng Sinh Nhật nhà thơ…
Cá nhân tôi cách đây hơn 2 năm, vào cuối tháng 9.2018 có ngẫu hứng bình loạn về một tứ thơ tám chữ với tựa đề “ Huế ” của Sơn Nguyên, rồi từ đó tôi còn tiếp tục được thưởng thức các sáng tác khác, mà hôm nay, thi tuyển Lục Bát Nghìn Trùng là sáng tác đầu tay, ra đời sau 1483 câu phiêu bồng sơn thủy...
Cố thi sĩ công giáo, Bùi Nghiệp nổi tiếng giỏi về đường thi, phú tế…vừa mới chào từ biệt nhân gian chưa tròn tháng, lúc sinh thời có tâm sự với tôi rằng, một bài thơ chỉ cần một vài câu hay là đã khó tìm, huống chi là cả một bài đều hay. Riêng tập thơ Nghìn Trùng Lục Bát, thú thật với độc giả rằng tôi không tìm ra được một câu nào “được” cả " tạm được"…Thưa rằng, là vì câu nào cũng hay và cả quá hay !!!
Cả thảy 1483 câu đều bay bỗng, phiêu bồng, lãng đãng, mờ mờ ảo ảo, mộng mị…Nhưng không làm người đọc phải suy nghĩ , trầm tư mêng mông, bao la gì cả ; mà gần gủi, dung dị và thế thôi. Thi nhân đã dụng chữ tài tình, khéo léo, gãy gọn . Dường như 400 câu lục bát Tìm Tôi, Sơn Nguyên đã ước lệ, tự ví mình như một chiếc đò chao nghiêng, đón nhận mọi tài sắc, tinh hoa của mọi thời, mọi thi đàn rớt xuống đây, và mình chỉ còn một việc đem ra khoe với thiên hạ. Nào là Nguyệt, là Sông, là Mưa, là Bướm, là Phố , là Nắng, là Sương, là Bụi, Bờ…tất nhiên sẽ trở thành “Lục Bát Nghìn Trùng Tìm Tôi ”. Và khi chiếc đò đã khẳm, Sơn Nguyên lại nhẹ nhàng chao nghiêng trả lại cho nhân gian 1083 ca từ Lục Bát Tìm Người vời vợi trong Cõi Gió, Hạt Bụi, Ballads và Bài CaThân Phận.
Nhận cho mình và trả cho đời sòng phẳng, không ai nợ ai, nhưng có ai cho không bao giờ, ví như nước đáy giếng, khi múc cạn, nước lại phọt ra nhiều hơn, trong veo hơn, ngọt ngào hơn. Tôi đồ rằng, sau tập thơ Lục Bát Nghìn Trùng, Sơn Nguyên đang thai nghén các thi phẩm khác và con đò sẽ lại chao nghiêng trả lại cho đời những bài ca lục bát ngàn trùng khác…
Và in như rằng, Sơn Nguyên sẽ tự gom lại tất tần tật càn khôn, cõi ta bà…để rồi kết liễu mọi sự, mọi vật và cả mọi thời trong một Sát na, nghĩa là một hơi thở mà thôi, vạn vật vô thường:

“…Muôn vàn cũng thực là hư
Triệu năm định nghĩa hai từ sát na
Dưới chân hiện bóng quê nhà
Trên đầu hoa nắng, đậm đà tiếng chim…(trang 37)

Và rồi trong phần hai, “ Lục Bát Tìm Người ” Sơn Nguyên đã ngầm giới thiêu Lục Bát toàn cảnh:
* Lực Bát cổ tích: Dù không nói ra, nhưng trong thơ bàng bạc những chuyện cổ tích được bà ngoại kể lúc nằm nôi, chuyện nghĩa tình tào kháng của sự tích trầu cau, tiếng gọi bống ơi của nàng Tấm...Người xưa gọi là " Ý tại ngôn ngoại "
* Lục Bát điển tích:

"...Từ trong lộng lẫy điêu tàn
Thắp hai hàng nắng trang hoàng nỗi đau
Tro tàn cát bụi bên nhau
Khỏa thân niệm khúc Phượng cầu năm xưa"

Sơn Nguyên đã nhắc nhở chuyện tình chàng Tư Mã Tương Như với nàng Trác Văn Quân, như thầm kể mối lương duyên của đôi uyên ương này, bền bỉ đến tận cùng thời gian vô tận.
Vào năm 2012, trên chuyến xe lửa Nam Băc, xuôi về Huế mừng lễ vị thầy của mình, khi tàu dừng bước tại ga Tháp Chàm trong sương mờ sớm mai, trong tiết đông lành lạnh, bỗng dưng tôi mường tượng nàng công chúa Huyền Trân làm cống vật nạp cho Chiêm vương, tôi chợt cảm hứng :
“ Chừng nghe một tiếng ru hời
Huyền Trân khép lại một đời khuê môn”
Dù chỉ chừng 2 câu lục bát, tôi đồ rằng đã nói lên cả một bối cảnh lịch sử và cả một giai thoại về mối tình thiên thu giữa Huyền Trân và hộ tướng Trần Khắc Chung.
Lục bát vốn là thế, lục bát là cổ tích, là ca dao, là kho tàng truyền khẩu, là lời ru trong nôi, là câu hò sông Hậu, là mái chèo khua đêm trăng… Trong lục bát nghìn trùng của Nguyễn Sơn thoang thoảng tiếng sáo Trương Chi, lấp ló nàng Tiên Dung của Chữ Đồng Tử, bàng bạc dấu chân Âu Cơ…Có cả Cây tre trăm đốt, …Cho tới lục bát ca dao ‘ Hôm qua tát nước đầu đình. Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen”; hoặc ‘ Chiều chiều, ông Ngự ra câu. Cái ve cái chén cái bầu sau lưng” hoặc “ Thương em anh chẳng dám vô. Sợ truông nhà Hồ. Sợ phá Tam Giang…"
Ngoài ra, tôi còn thấy có cả Kim Vân Kiều của cụ Tiên Điền, Kiều Nguyệt Nga của cụ Đồ Chiểu và mới đây nhất Động Hoa Vàng của Phạm Thiên Thư…bàng bạc trong Lục bát nghìn trùng của Sơn Nguyễn.

“ Kể từ vô tận là không
Có con đường thẳng đi vòng nghĩa trang
Râm ran phía cội hoa vàng
Tiếng con sáo sậu hót tràn phù du.”

Để biểu cảm về một bài thơ đã khó, huống hồ cả một tập thơ thì càng khó…E rằng Sơn Nguyên không đòi hỏi khắt khe gì đâu, bỡi vì quý mến anh, yêu thơ anh, nên chúng tôi mới tự nguyện làm công việc này, dù chỉ mới dừng lại ở mức độ phiến diện, dù thơ anh dụng ngôn từ dung dị, dễ hiểu, nhẹ nhàng không cầu kỳ, bi triết hay siêu hình; nhưng phát tiết từ tâm trạng, từ cảm thức, từ tưởng tượng. Nên Lục Bát của anh hư hư, thực thực, mộng ảo hoà quyện tinh tế, Sơn Nguyên làm thơ khéo léo và dễ dàng, các âm tiết, thanh vận được sử dụng tài tình, như đã nói, chỉ cần Sơn Nguyên chao nghiêng mạn đò là thơ ca vùn vụt tuôn ra, đọc thơ Sơn Nguyên, độc giả có cảm tưởng như đang đi trên một chiếc đò vô định, phiêu bồng và huyễn mộng:

“ Nghìn trùng lục bát dòng sông
Ai đem con nước mà đong mây trời
…Bướm khuya gáy rụng ưu phiền
Một con đò nhỏ lạc miền thiên hương
Từ trong quán trọ bên đường
Câu thơ gõ phím vô thường rung lên.”

Đi giữa cuộc đời vô cảm, bận bịu, hưởng thụ, trào lưu…độc giả sẽ cảm thấy thư thản, phiêu diêu về một chốn tịch liêu. Đi giữa xã hội ồn ào, náo nhiệt, tù mù, rối bời…độc giả dường như ngộ được nỗi an nhiên tự tại:

“ Một ánh mai một nụ cười
Tất nhiên là một khoảng trời vô biên”

Trân trọng giới thiệu với độc giả yêu thơ, đặc biệt là thơ lục bát về một thi tuyển với 1483 câu từ hay đến rất hay, của một người bạn vốn quen biết trên thi đàn, một tuyển tập thơ được chắt chiu, nâng niu từ nội dung cho đến hình thức. Đẹp và Thi Vị vô vàn.
17.1.2021
Nguyễn Hùng Dũng






No comments:

Post a Comment

MDTTA 17

  Pháp đệ 68 xuân thu Hôm nay Kỷ niệm Pháp đệ 68 xuân thu, Đã đi qua 2/3 đời người Như lão ngựa vượt dặm trường gian khó Qua cõi người s...