Sunday, January 9, 2022

03- Red Clift

 

"Khuyết"

Thi ca là sự khúc xạ của thể tính tồn tại qua tâm ồn thi sỹ, ngôn ngữ trong thi ca là âm thanh phát ra từ cuộc giáp mặt của thi sỹ với thể tính tồn tại bởi trực cảm thăm thẳm của thi sỹ. Trên bước phiêu du hằng hữu của nó, thể tính tồn tại đã chọn những tâm hồn lớn của người nghệ sỹ chân chính làm đối tượng diện kiến, hay nói cách khác chỉ có những tâm hồn lớn của người nghệ sỹ chân chính mới có thể vươn tới vùng không gian phi vật lý nơi đó thể tính tồn tại thực hiện cuộc viễn du vô thủy vô chung của nó.

Ở Phạm Công Thiện, ngôn ngữ bộc phát ra ngay lập tức trong cuộc chạm mặt đó, ngôn ngữ không hề do dự, ngây thơ và bộc trực, không có dấu vết xử lý, không qua lựa chọn, sàng lọc, không đắn đo.... như tiếng nói thơ dại của trẻ nhỏ, như phản xạ của ánh sáng khi chạm mặt tiếp xúc, mộc và giản như tiếng gà cục tác, như mùi rơm rạ sau chái bếp; đôi khi khinh bỉ vần điệu.

Còn trong thơ của Thầy Tuệ Sỹ, ta lại được chiêm ngưỡng thứ ngôn ngữ sang cả, uyên áo như bước ra từ một tòa lâu đài lộng lẫy nguy nga nào đó mà để xây nên nó người ta đã phải chịu nhiều hy sinh, tự mình trải qua biết bao thăng trầm thống khổ, chứng kiến bao nỗi chia ly thấm đẫm nước mắt của con người; đã có một sự thai nghén, ấp ủ, trăn trở, ưu tư qua những đêm đen dài như vô tận một mình đối diện với bóng tối, với hư vô. Như một loại cây gỗ quý nhiệt đới mọc lên từ vùng sỏi đá khô cằn và khí hậu khắc nghiệt, qua năm rộng tháng dài chịu đựng đắng cay trong dai dẳng, bền bỉ cuối cùng đã in hằn lên trên thân cây những vân gỗ vằn vện, ngoằn ngoèo có một không hai như muốn kể lại những biến cố đã xảy ra trên dòng biến dịch, như ngầm đánh dấu một trong những giai đoạn khó quên của lịch sử.

Trong tập thơ “Vọng” của Nguyễn Đức Sơn, ngôn ngữ thi ca hiện ra như là một chuỗi kết cấu của những mảnh vỡ từ một cuộc đổ vỡ lớn được ghép lại một cách ngẫu nhiên, vô định. Những gì đứng cạnh nhau khai báo rằng chúng vốn không thuộc về nhau. Cảm xúc chủ đạo khi đọc “vọng” là một sự đứt rời, sự bước hụt của những bàn chân liên tục dẫm vào chỗ trống rỗng, không nơi bám víu. Do tính cách dữ dằn, dứt khoát, và mãnh liệt khởi đi từ nguồn sống phun trào của nội tại, anh phải chứng kiến một cuộc đổ nát tan hoang và thê thảm khi chạm mặt thể tính tồn tại ở chiều bóng tối. Nhưng anh chấp nhận tất cả và gom góp những gì còn lại từ cuộc đổ vỡ, anh làm thành một tiếng “vọng”, hai tay nâng đỡ tiếng “vọng” đó như nâng đỡ một nỗi vạn thế sầu từ tiền kiếp thổi tới; anh dũng lầm lì bước tới, bước tới dù biết rằng cũng chẳng đi đến đâu, rằng “chuyện gì rồi cũng buồn thôi”. Đã có một cái gì trôi tuột đi mất như sông trong “vọng”, như một người vừa nắm trong tay mình một nhúm cát mịn, ý thức mình đã nắm thứ gì đó trong tay, giờ muốn giở ra xem thử mặt mũi nó như thế nào thì nó trôi tuột đi gần hết, những gì còn lại trong tay là không đủ, là chẳng còn gì, cảm giác đã đánh mất hoàn toàn cái đã vừa nắm vào trong lòng tay khoảnh khắc trước đó. Những thi sỹ như anh là đã được chọn bởi thể tính tồn tại để vẽ nên chân dung siêu thực về cuộc hiện diện đau khổ của chúng ta trên mặt đất bằng ngôn ngữ. Sau này, có lẽ chúng ta không bao giờ còn thấy có ai được chọn nữa trong cái thế giới mà tâm hồn con người đang ngày càng suy tàn này._Uyển Lan.


....tôi bắt đầu trở lại
khi cơn mưa chấm dứt những ngày hạ tàn
và bầy chim của tháng giêng
hãy vỗ cánh bay xa
và rừng cây
cao nhất trong hồn những người yêu nhau
hãy ngừng rơi lá
tôi cũng muốn nói với em
về một trí nhớ đã chết, thật sự đã chết
trên vĩnh viễn những đồi thông ước mơ.

 

.... đôi khi con người ta "lỡ lạc rơi vào" một trạng thái bí lối, u buồn hay tiêu cực nào đó và phản ứng lại với tình trạng đó tùy theo tính khí của mình. Nhưng có thể dừng lại một nhịp và thấy rằng những chuyện như vậy luôn luôn xảy ra, không có gì lạ. Ngàn năm nước đã chảy qua cầu, hỏi giọt nước có buồn không? "ta không buồn, hỏi ai buồn hơn nữa? ta không đi, sông núi có buồn đi?". Phản ứng kiểu nào cũng được, nó chỉ là lớp vỏ của ý thức, cho nó là thực tức là làm nô lệ cho nó mà thôi! Nhưng mà rằng thì là chúng ta chả phải luôn luôn làm nô lệ cho ý thức đó sao? vậy đường về ở đâu? im lặng + hít thở, nhìn mặt trời lặn xuống biển, nghe gió ban mai thổi, nghe lại những điệp khúc dương cầm đã rong chơi trên những tháng năm sầu mộng cũ.


..... chúng ta cần phải bắt đầu lại (mà không phải làm gì cả), toàn thể chúng ta phải bắt đầu lại với hư không để giải quyết cuộc khủng hoảng ý thức hệ của chúng ta, cuộc khủng hoảng ý thức hệ bóng tối đã thành lập nên những niềm tin mù quáng vào những phi lý của tồn tại:

..... rồi một ngày em chết theo trận cuồng phong
tôi âm thầm xây lên bia mộ
ghi tên tôi và tất cả những người còn sống
(trích "Tàn cuộc rong chơi" _ thiết nghiễm)


....tay mân mê định mệnh, chân đi dọc theo triền dốc tuổi thơ, tình cờ bắt gặp tia nắng mỏng nghiêng nghiêng rọi xuống trang vở của một ngày mới, ngày mà bất cứ người nào cũng biết, bất cứ người nào cũng từng ngồi bên khung cửa lớp học, lơ đễnh nhìn nắng đổ xuống sân trường từ phía những cành phượng đang vươn dài ra như những cánh tay khổng lồ, bây giờ đang trong mùa hạ, trường tan học lâu rồi mà, sao tai tôi vẫn như trong mơ hồ đang nghe tiếng giảng bài, tiếng cười nói bạn bè thời thơ dại???

"Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói,
Vẫn yêu người từ khoảnh khắc chiêm bao
Từ nguyên sơ đã một lời không nói
Nhưng trùng dương ngưng đọng cánh hoa đào
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi
Vì yêu người ta vói bắt trời cao." _Tuệ Sỹ
 
.....ta lịm ngất trên những bồng bềnh xa lạ
nghìn năm thân xác vùi trong cổ mộ
còn chút gì không? vệt buồn năm tháng
chiều lang thang qua những vùng gió loạn...
 

trên những vùng gió loạn, trong đêm tối ta có đôi lần nghe ra âm thanh vô cùng của buổi chiều tà và ta chợt thấy hồn mình chạy rượt đuổi theo những bóng hình ảo ảnh, cuộc rượt đuổi hụt hơi nhằm với bắt một thực tại bi đát. Đó chính là nỗi im lặng ồn ào mà ta từng nói tới trong những cơn say khi ta để lòng mình chìm sâu trong hải hồ lồng lộng nào đó quá xa mù, và chỉ có thể như thế mới khả dĩ nghe ra tiếng đồng vọng hư vô của mùa vàng trên tháng năm. Làm gì nữa? ta còn biết làm gì nữa trong lúc này đây, mùa đã về trên tháng năm, còn chút gì hư ảnh chỉ nên cho vào hư vô trống rỗng, cơn mưa mùa hạ xin thôi rơi bên khung cửa để cho mùa thu lác đác mang sợi vàng vắt ngang nỗi nhớ chìm sâu:

chiều năm xưa không có kẻ ra đi
thì ai là người ở lại ?
ai mới là kẻ phải đợi chờ?
ai nào tiễn đưa ai đâu!
sao nước mắt vẫn lưng tròng?
ôi bến My Lăng! bến My Lăng!
ta đã chìm sâu.

....cuộc đời là một nỗi im lặng ồn ào hay nói như Phạm Công Thiện là tiếng quạ kêu trong những dãy hành lang u tối. Nhưng cuộc đời cũng là một con bướm vỗ đôi cánh nhỏ để băng qua đại dương, là sự vắng mặt của con đò trên bến sông, nhưng không! Bến sông không bao giờ không có con đò, tự bến sông đã bao hàm luôn con đò trong lòng nó rồi, con đò chỉ tạm vắng mặt đâu đó như một người thân nào đó vừa mới đi xa.


......dường như phong lữ thảo rụng nhiều hơn chiều nay. Tháng tư, những cơn gió từ miền cổ độ đã trở mình để mang oi bức vào thành phố, cái thành phố đã xảy ra nhiều chuyện đau buồn mà đời người ai cũng phải gánh lấy. Ấy vậy là suốt một đời người, rồi thì chúng ta cũng chỉ loanh quanh mãi ở chỗ vui-buồn, không có mấy người có thể đi xa được để kịp nhận ra vẻ đẹp lồng lộng của mùa thu vàng có nắng ấm về qua kẽ lá hắt ánh chiều bàng bạc xuống dòng sông quê:

kể từ cuộc chia ly
dáng ai không còn trên xóm ven sông
sầu cổ độ theo tôi từ dạo ấy
sông cũng buồn theo nhịp vỗ thùy dương.
 
1. thôi huyễn tượng xô người theo cát bụi
đạp cung đàn sương đọng ứa vành môi
miền đất đó trăng đã gầy vĩnh viễn
từ vu vơ bên giấc ngủ mơ hồ. TS.
2. mộng ở đầu cây mơ lá cây
dòng sông ngừng chảy đợi mây bay
yêu nhau thỏ thẻ sầu năm ấy
chim hải hồ bay trắng tháng ngày
tình nhỏ quên rồi em ở đâu
mây bỏ trời đi tìm sông sâu
em về lồng lộng như sương trắng
hồn chết trôi về thương hải châu. PCT.
 

......có người dường như đang ngồi đợi chờ ai, thực ra đang ngồi rất thảnh thơi, nhưng rốt cuộc cũng vẫn là đang đợi một người, người không bao giờ tới, nếu người đó tới thì tôi phải đi..... đi là đi bước lịch nghiệm tồn sinh trong cuộc lữ, đi là đi để cuối cùng đến một lúc nào đó diện kiến hư ảnh thấp thoáng của bóng huỳnh trên con sông tàn bạo........huyền chi hựu huyền, đó là những đề từ vừa vay mượn vừa kế thừa từ những nghệ sỹ đông phương đích thực mà không khí đông phương huyền bí đã thấm vào trong tận tế bào, những lời đó có thể dùng làm chất liệu khởi hành cho một cuộc ra đi từ đêm tối, chỉ có những triết gia đông phương đích thực mới có thể tư duy từ mâu thuẩn, từ nghịch lý để thực hiện một cuộc lội ngược dòng làm đảo lộn trật tự lịch sử của cá nhân để làm cho cá nhân ấy trở nên vô cùng cao quý.


Bức tường trắng đã nhợt nhạt rong rêu
thì thiên tài cũng điêu tàn ủy mị
cuộc đời đó ta luân hồi vô thủy
nghe thời gian im giấc ngủ mơ hồ. Uyển Lan.


Bây giờ, giả sử ta ngồi lại trong một khoảnh khắc hay trong một vài phút và thử nhìn vào sự tồn tại của chính mình nói riêng, của con người nói chung. Có một điều có thể làm ta công nhận hoặc phản đối rằng con người hẳn phải là một tạo vật kỳ diệu của hoàn vũ và trong đó bộ não của con người là một tạo vật trung tâm đáng nói tới nhất. Và cái làm cho nó trở nên như thế chính là khả năng suy nghĩ, từ đó con người liên tục kiến tạo và làm sụp đổ vô số nền văn minh, vô số hệ giá trị..... nhưng cũng chính ở cách thức tư duy mà mỗi cá nhân lại có đầy đủ khả năng theo đuổi, công nhận hoặc phớt lờ và phá hủy toàn bộ bất kỳ hệ giá trị nào mà nó không muốn công nhận vì bất cứ lý do riêng tư nào. Mỗi cá nhân có đầy đủ khả năng kiến tạo lại cách thức nhận định và nhận thức thể giới cho chính nó do bởi cái mà nó vừa mới nhìn thấy, vừa mới lóe lên trong nhận thức của nó. Bỏ rơi và từ chối toàn triệt những lối mòn, kiến tạo một con đường mới là một kiểu khuyến khích thường được nhắc tới cho tinh thần sáng tạo trong học đường và trong các diễn đàn phát triển con người. Tinh thần này khiến cho con người tin rằng nó đang tiến vào một kỷ nguyên của vô số hệ giá trị mới liên tục được tạo ra làm thay đổi trên bề mặt bản chất của mọi thứ. Nhưng bản chất của thay đổi là không có gì thay đổi, chỉ là con người cần phải luôn luôn thay đổi để nhận ra điều này. Luôn luôn thay đổi và luôn luôn vẫn cứ như thế trong từng khoảnh khắc và trong thiên thu, giống như cứ đến mùa xuân thì hoa đào nơi đây lại cứ nở rộ khắp nhưng không có mùa hoa đào nào sẽ giống mùa hoa đào nào, cần hoặc không cần phải đi qua nhiều mùa hoa đào để biết được điều đó vì điều đó vốn cần và không cần phải được biết. Sự tồn tại người cũng vậy.


...đời sống là tiếng Kinh cầu âm âm vang vang trong đêm cỏ úa, mắt nâu tàn tạ nhìn về phương nào khi ánh chiều vàng dần hiu hắt đổ bóng dài vắt qua đôi niềm nhớ âm u, nỗi ám ảnh âm thầm dai dẳng nhất mà con người trong mọi nỗ lực đã tạo ra nền văn minh này là do bởi trong thẳm sâu của vô thức muốn chạy trốn, phủ nhận và chối bỏ nỗi cô đơn của chính mình

một mình đứng giữa cõi bơ vơ
có gặp ai không để đợi chờ
 
...ai tóc trắng đìu hiu trên đỉnh tuyết
bước chập chờn heo hút giữa màn sương
ta bước vội qua dòng sông biền biệt
đợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao.... Tuệ Sỹ

...đứng trước một tâm hồn khắc khoải kỳ vĩ như thế, hỏi trần gian còn có gì đáng nói nữa không?


…..cho đến bây giờ tôi vẫn đôi lần nhớ lại một mùa đông, mùa đông năm đó tôi một mình trên đỉnh sầu ngồi nhặt và xâu lại tất cả những chiếc lá rừng mùa thu vừa đi qua gửi lại, rồi thả lên dòng sông buồn của đời mình, dòng sông vẫn dài hơn, tại sao?

Lặng lẽ nằm im dưới đáy mồ
Không trăng, không sao mộng vẫn vơ
Tại sao người chết, tình không chết?
Quay mấy vòng đời môi vẫn khô. (Tuệ Sỹ)


Bi kịch của tôi là tôi vẫn còn thẳm sâu lưu luyến ánh sáng, ánh sáng đã đi qua không gì níu lại mà vẫn dai dẳng bám rịt lấy, cần phải can đảm để uống vào bóng đêm trước mặt như uống vào một thứ nước đen ma quái nào đó để mãi mãi quên hẳn trong đời mình đã từng nhìn thấy ánh sáng. Phải mạnh tay dứt khoát chặt đứt cây cầu để không còn đường quay lại, xóa đi ý niệm về một bến bờ để cây cầu nối vào. Đó là khi mình đã chết, thật sự đã chết trên vĩnh viễn những đồi thông ước mơ, chết luôn nghìn thu tiếng nguyệt cầm, xóa luôn dấu chân chờ đợi, xóa đi bóng hình mình trên vách đá đêm trăng, đứt luôn cánh diều tuổi thơ, bặt luôn bóng dáng ngư phủ cùng con đò trên dòng sông cô đơn, không còn dốc đá để gặp mặt tình nhân… thì đời sống còn gì nữa ngoại trừ sự hiện hồn về trôi lướt thướt hờ hững trên những bãi bồi thời gian:

… đêm huyên náo của trần ai dịu ngọt
ta thầm thương một bóng trăng gầy
miên man soi lầu vắng
chớ vội so phím cung tơ
sợ dang dở một thương khung mùa cũ
về đâu những miền lạc lõng mê hoang
tráng sĩ, hề!!! Không có quê nhà
thôi hề!!! Say khướt với trần ai….


…….đâu đó trên những con phố xa lạ vừa lướt qua chợt nhận ra những dư ảnh loáng thoáng của bóng huỳnh trên con sông tàn bạo, vừa khi ấy nghe vọng từ trong mơ hồ những thanh âm của sự lặng câm rạn vỡ làm đề từ cho một cuộc đi ra từ đêm tối. Như vậy hẳn phải có gì đó giống như là cần phải được nói ra, có thể nói ra trong sự câm nín hay trong sự âm thầm tịch mặc để bắt chước hoang vu, và trong tư thế tịch mặc đó, cuộc tồn tại bước tới và thực hiện cuộc diện kiến với hư không, diện kiến với đời sống. Mà cũng có thể là sự nói ra đó là để làm tiền đề cho sự lãng quên, làm hậu đề cho mùa thu, là đặt bước chân đầu tiên lên con đường dài thăm thẳm, là vết lăn dài trầm mặc đổ dài qua năm tháng, là dấu vết thiên di vô hình in trên nền trời mênh mông của loài chim cô đơn suốt đời bay trong âm thầm thương nhớ, duy chỉ bộ lông làm đồ vật tô điểm cho tồn tại.

Và ngày mới đã đến không cần chờ đợi, đêm qua trong khu rừng phía sau ngôi Thiền viện độc cư này đã thấy có một con nai cô đơn rón rén bước chân êm, nhẹ, nó rụt rè và hồ nghi ngó dáo dác xung quanh rồi sau cùng liều lĩnh băng ngang đại lộ trong cuộc mưu sinh của nó giữa một đêm âm thầm, lạnh lẽo và đơn độc, cuộc mưu sinh của nó dường như cũng nhiều bất trắc, nhưng nó cứ phải kiên trì bám lấy, dai dẳng như một thứ định mệnh. Thôi ta hãy cứ tạm quên đi những chuyện đêm qua trong khu rừng già mà cũng có thể được xem như khu rừng ký ức nào đó cũng được, quên đi những con nai đi ăn đêm cùng với những định mệnh mơ hồ nào đó của nó, tất cả chỉ còn là khái niệm chế định được đánh dấu và gắn nhãn hiệu làm phương tiện cho cuộc đổi chác hãy còn chưa ngã ngũ, cho nên tốt nhất là hãy quên đi chính mình. Có còn gì đâu nữa! Uyên giờ cũng đã xa xôi lắm rồi, nhữn….g bóng hình của quá khứ cần phải được quên lãng, những chuyện hôm qua…. có thể nào xem như là chưa từng hiện hữu?. Ngày đã vừa bắt đầu, ta hãy trở về trong hơi thở, bắt đầu cho trong một giây phút, đó! !... sự sống, và tất cả đang khởi đầu, và tấm màn sân khấu đã mở ra, kia là cuộc đời mà mỗi mỗi chúng ta bước tới. Sân khấu cuộc đời đó, là nơi ta ghi lại những dấu chân; đã có nhiều vội vã trong cuộc đi, trong cuộc trốn chạy, trong cuộc rượt đuổi, trong cuộc lăn dài theo con dốc định mệnh, và những bi kịch cứ diễn ra, chúng ta cứ đánh mất dần những gì thật sự của mình, cam tâm làm nô lệ cho thời đại. Nhưng dù sao chăng nữa, ngày mới vẫn cứ đến bằng những tia nắng mỏng xuyên qua những kẽ lá âm u của khu rừng định mệnh là nơi bóng tối trú ngụ. Ánh sáng dần chiếm lĩnh và ban bố sự sống khắp nơi. Bóng tối lùi xa trong sự trình hiện của ánh sáng. Sự trình hiện bên ngoài là do ở bên trong, Sáng ở bên ngoài do bởi đã sáng ở bên trong. Sáng ở bên trong do bởi đã sáng ở chỗ không bên trong không bên ngoài. Cần phải vay mượn những lời như thế để cùng nhau trong một cuộc rong chơi chỉ có thể diễn ra trong một lần mà thôi. ( "ngày dài ngồi nhớ Uyên")


... có người dường như đang ngồi đợi chờ ai, thật ra đang ngồi rất thảnh thơi, nhưng rốt cuộc vẫn là đợi một người, người không bao giờ tới:

 
ôi! tiếng gió sau núi đã trở về
mùa xuân hoa trắng treo nghành đá
ngôi mộ người nữ cỏ vẫn xanh
trẻ chăn dê nghe chuyện xưa chăm chú
khi ấy người qua đồng
thấy áy náy những tàn hoa lo âu
ngồi mỏm đá xưa tay huơ buồn không lửa
mang vết thương miệng cười
gió trời đi qua lồng lộng
yêu buồn tủi của nàng
yêu vầng trăng đầu tuần e thẹn
và đại ngàn biết người xưa đúng hẹn
thả cánh chim chiều về mộ đứng kêu


.... trong khoảnh khắc đó, tôi nhận diện dũng khí của con người trước đời sống trong đó con người phải luôn luôn vật vã tranh đấu trong rủi ro chỉ để giành được một ít chiến thắng nhỏ nhoi mà thôi. Và cái mùa hè tháng bảy oi ả đó là một chiến thắng. Tôi đã dành trọn đời mình theo đuổi sự nghiệp này để tái hiện lại những khoảnh khắc nhỏ nhoi trong lòng cái diện mạo lớn lao của lịch sử nước Mỹ, cố gắng phát hiện ra những thiên sứ loài người trong những thời khắc nguy khốn của chúng ta và phóng lớn giá trị đó lên, cố công nghe ra những câu chuyện của những kẻ đã nằm yên trong lòng mộ địa. Tất cả chúng ta ai rồi cũng chết, không ai sống mãi trên đời. Nhưng làm thế nào để sống trong nỗi ám ảnh thường trực của cái chết, của sự ra đi bỏ lại tất cả mà không phải sợ hãi, không phải hèn nhát và thua cuộc? Và làm thế nào để cất đi cái gánh nặng bại trận trước cái chết để thực hiện sứ mệnh đời người của mình một cách trọn vẹn trong ý nghĩa. Đây là thử thách của các bạn, của tôi và của tất cả chúng ta. Và lịch sử sẽ thể hiện vai trò trợ giúp của nó tại điểm này. Với thứ ánh sáng có được từ những bài học quá khứ, ta sẽ soi rõ được thực tại và hóa giải được những bi kịch khi những bi kịch đó toan đè lên thân phận của chúng ta. Những câu chuyện lịch sử của chúng ta có thể giúp chúng ta vượt qua những nỗi gian truân hiện sinh, cho phép chúng ta đưa cuộc đời của mình ra khỏi cái giới hạn nhỏ bé, chóng vánh trôi qua như phù du của một kiếp người.(Ken Burn at Stanford U).


....mùa thu vàng ở Manasas, tôi đã đi qua mười bảy ngày trong một nơi mà người ta gọi là Thiền Viện Chân Lý. Một mình, tôi cầm nguyên bình trà và tu một hơi hết sạch, ăn những thứ mua ở chợ K-mart. Lúc đó tôi hay hỏi mình liệu có thể nào tôi có thể tìm thấy được chính mình hay không khi mà tôi biết chắc rằng tôi phải sống trong một thế giới mà mọi thứ đều muốn biến mình thành kẻ khác. Rồi tôi đi qua mùa đông với cơn bão tuyết lớn nhất mười mấy năm qua ở Herndon, cho tới mùa hè tôi về lại Bù Đăng và tôi tạm cho là tôi có thể trả lời cho vấn đề đó. Là thế này: nói cho vui vậy thôi chứ làm sao mà tôi có thể trở thành chính mình được cho đến lúc tôi nhảy khỏi cái bóng của mình.

mai kia mốt nọ trời suy sụp
hỏi gió giang hồ thổi ở đâu? (Trần Phá Nhạc).

…. trên con đường đại lộ những giấc mơ tan vỡ, tôi nhìn dòng xe cộ đang nối đuôi nhau trước khi băng ngang con đường nhỏ vốn mang trong lòng nó một ít nhộn nhịp so với cái nơi rộng lớn, thưa người và có hơi hướng vắng vẻ này. Trước mặt là tiệm bán đồ cổ Antique Unique của người đàn ông có bộ râu kiểu Đức và quán rượu Tavern Old Town có gã to lớn tóc dài đội mũ cao bồi Texas, xa hơn về phía tay phải tôi nhìn thấy bảng hiệu của quán cà phê One Ice Coffee. Tôi đang đi về căn gác nhỏ của mình, trong lòng mang một nhúm hân hoan, trở về cái góc đơn côi nhỏ để mơ về cái đỉnh mùa đông năm đó tôi ngồi xâu tất cả những chiếc lá rừng mùa thu vừa đi qua gửi lại rồi thả lên dòng sông buồn của đời mình, dòng sông vẫn dài hơn, tại sao?

lặng lẽ nằm im dưới đáy mồ
không trăng không sao mộng vẩn vơ
tại sao người chết tình không chết?
quay mấy vòng đời môi vẫn khô. Tuệ Sỹ.

Uyên!

có một lần ở trên đỉnh đồi, trong đêm tối mình nằm đong đưa trên võng và nhìn lên bầu trời lấp lánh những vì sao. Trong duy thức nói rằng chính cái nhìn của mình đã gắn lên bầu trời những ngôi sao kia. Nếu có thể hiểu và tin cậy những điều như vậy, ta có thể đi qua muôn ngàn đau khổ và nhìn ngắm vẻ đẹp của trần gian này mãi mãi.


....rồi thì mình cũng đã về lại Sài Gòn, về để ngắm nhìn những cái ly. Những cái ly đã cạn quá nửa như phần nửa cuộc đời đã đi qua của chúng ta, chúng ta còn lại gì hả Uyên? tôi nhìn những chiếc lá ướt mưa rồi nhìn vào màu nắng trong mắt Uyên, trong đôi mắt Uyên đôi khi tôi thấy tuổi thơ của mình êm đềm xuôi về những dòng sông không trí nhớ. Trong đêm tối tôi chợt nghe ra âm vang đâu đó nửa như đứt quãng, nửa như rất rõ giọng hát ru khuya của những nàng ca sỹ yếu gầy, rồi tôi thấy những con đường ở Sài Gòn dường như đã bắt đầu phủ lá vàng của một mùa thu muộn vừa mới bắt đầu:

..... tôi bắt đầu trở lại khi cơn mưa chấm dứt những ngày hạ tàn

và bầy chim của tháng giêng
hãy vỗ cánh bay xa
và rừng cây
cao nhất trong hồn những người yêu nhau
hãy ngừng rơi lá
tôi cũng muốn nói với em
về một trí nhớ đã chết
thật sự đã chết
trên vĩnh viễn những đồi thông ước mơ"
(" Thư viết trên vùng biển xanh")


.....trong thăm thẳm lãng quên tôi thấy mình đi dọc theo đại lộ những giấc mơ tan vỡ, không tìm thấy quán café của tuổi trẻ lạc lối, dù đã đi ngang qua gần hết con phố có cửa hiệu u buồn trong thị trấn băn khoăn. Uyên ơi! thôi hãy về, về rửa chân trên bến sông cũ, mỗi tối khi Uyên đi ngủ nhớ khêu nhỏ lại ngọn bấc của cây đèn dầu và đem đặt bên bệ cửa sổ. Lão gác rừng đôi khi về khuya sẽ đến bên cửa sổ mồi lửa cho điếu thuốc lá cuối cùng của sự sống. Đêm nay trời có thể trở cơn gió lạnh, qua hết đêm nay ta sẽ mãi mãi không còn lưu lại chút gì cho nơi này bởi hơn hai mươi mùa hoa đi qua mà Uyên đã chẳng nói lời nào khiến thời gian tan chảy trong muôn trùng dai dẳng, rêu phong cuộc đời.

....mỗi con người dù đang đứng ở bất kỳ nơi đâu cũng có thể tự mình làm chứng nhân cho giá trị thẩm mỹ của đời sống của chính mình. "Giá trị thẩm mỹ" là từ tạm dùng, trong nhà Thiền hay dùng từ "Tánh", là từ trong câu "Cầm gươm xông trận cũng thấy Tánh". Vấn đề là mỗi chúng ta thường không có đủ mức năng lượng cần thiết để có được góc nhìn đó. Tuy nhiên, không thấy được toàn bộ thì chúng ta cũng có thể thấy được phần nào, từ đó mà chúng ta sẽ tiếp tục con đường của mình.


Bây giờ, giả sử ta ngồi lại trong một khoảnh khắc hay trong một vài phút và thử nhìn vào sự tồn tại của chính mình nói riêng, của con người nói chung. Có một điều có thể làm ta công nhận hoặc phản đối rằng con người hẳn phải là một tạo vật kỳ diệu của hoàn vũ và trong đó bộ não của con người là một tạo vật trung tâm đáng nói tới nhất. Và cái làm cho nó trở nên như thế chính là khả năng suy nghĩ, từ đó con người liên tục kiến tạo và làm sụp đổ vô số nền văn minh, vô số hệ giá trị..... nhưng cũng chính ở cách thức tư duy mà mỗi cá nhân lại có đầy đủ khả năng theo đuổi, công nhận hoặc phớt lờ và phá hủy toàn bộ bất kỳ hệ giá trị nào mà nó không muốn công nhận vì bất cứ lý do riêng tư nào. Mỗi cá nhân có đầy đủ khả năng kiến tạo lại cách thức nhận định và nhận thức thể giới cho chính nó do bởi cái mà nó vừa mới nhìn thấy, vừa mới lóe lên trong nhận thức của nó. Bỏ rơi và từ chối toàn triệt những lối mòn, kiến tạo một con đường mới là một kiểu khuyến khích thường được nhắc tới cho tinh thần sáng tạo trong học đường và trong các diễn đàn phát triển con người. Tinh thần này khiến cho con người tin rằng nó đang tiến vào một kỷ nguyên của vô số hệ giá trị mới liên tục được tạo ra làm thay đổi trên bề mặt bản chất của mọi thứ. Nhưng bản chất của thay đổi là không có gì thay đổi, chỉ là con người cần phải luôn luôn thay đổi để nhận ra điều này. Luôn luôn thay đổi và luôn luôn vẫn cứ như thế trong từng khoảnh khắc và trong thiên thu, giống như cứ đến mùa xuân thì hoa đào nơi đây lại cứ nở rộ khắp nhưng không có mùa hoa đào nào sẽ giống mùa hoa đào nào, cần hoặc không cần phải đi qua nhiều mùa hoa đào để biết được điều đó vì điều đó vốn cần và không cần phải được biết. Sự tồn tại người cũng vậy.

 
Ừ! thì về...
rừng chiều đã xanh xao màu hư phế
bỏ mặc lũ ve đang cùng khốn với điêu linh
ta về đây
hai tay nâng khúc nhạc hư phù bóng tối
đời đá vàng qua ngày tháng
đường nào dẫn vào hư vô?
đường nào trả tôi về những kỷ niệm?
thôi! hãy thắp lên ngọn nến
nơi cõi nguyệt lệ này

ta xin nguyện cầu cho đêm tối. Đó là đêm bất cứ người nào cũng biết, bất cứ người nào cũng từng ngồi trước đêm sâu, để nhìn cho rõ hơn, để thấy cho rõ hơn nơi những con đường đại lộ ta băng qua như trong một câu chuyện phim buồn, nhớ con sông quê và những đêm nước lũ mỗi người ngồi cô đơn vò võ trong bóng tối. Và đó là lý do mà người ta cần phải viết, và khi viết cần phải can đảm hơn chính mình, vượt qua chính mình để viết và để đọc, để khảo nghiệm lại chính mình và đời sống. Viết để xóa nhòa những khô cằn, bế tắc của đời sống vì đời sống rất nhiều khi không thực là đời sống mà chỉ là những thủ tục sống.


Mọi lý thuyết chỉ là một màu xám ngắt, chỉ cây đời vẫn mãi mãi xanh tươi_ V. Gothe.

.... đặt lại mọi vấn đề dưới một sự soi rọi mới, the power of now_Echart Tolle, khi băng ngang đại lộ hay đang di chuyển dọc theo nó hay đứng yên bên vệ đường .... thì người ta cũng là đang trên đường, một con đường không có điểm đầu và không có điểm cuối. Dùng điểm khởi đầu của chặng này làm điểm cuối của chặng kia, bất cứ lúc nào ngay nơi đang đứng cũng có thể được lựa chọn để bắt đầu cho một cuộc rong chơi mới mà trong đó ta có thể cho phép mình tái minh định lại mọi cảnh vật, hiện tượng và con người trong một khung cảnh mới, tái xác lập lại mọi hệ giá trị và thẳng tay ném bỏ mọi khái niệm cũ rích vào trong những vũng lầy quá khứ, ồ! sự trống rỗng của một buổi chiều windows.


....buổi sáng bước ra đường, đi dưới ánh mặt trời và biết rằng mỗi một ngày qua đều có thể nhìn thấy mặt trời và nhìn thấy những con đường phía trước. Nhìn thấy đại lộ giao nhau và những ngã rẽ dẫn ra muôn vạn lối mòn khác, luôn luôn là những lối mòn mà thôi, trừ khi......lúc này đây những cái cây hoa anh đào được trồng khắp nơi đã chuẩn bị ra hoa rồi, đó là mùa xuân. Vài ngày nữa thôi, những dòng người khắp nơi đổ về vùng Virginia, DC để thưởng ngoạn lễ hội hoa anh đào, lúc đó mình đã đi rồi...... buổi tối băng ngang một khu phố tranh tối tranh sáng, phía tay phải đằng trước là Old town Tavern, chỗ bán đồ cổ của người đàn ông có bộ râu kiểu Đức, phía dưới là quán rượu của người Mỹ trắng, thoáng thấy một gã cao to tóc dài đội mũ cao bồi, chắc là một người chơi nhạc trong đó... bóng dáng Clint Eastwood trong những bộ phim viễn tây Texas, không phải một Eastwood trong Bridges of Madison County dù không khác nhau mấy. Bây giờ mình trở về căn phòng cũng hơi quen thuộc, nhớ đến Uyên, Uyên giờ cũng đang trở nên một vùng xa xăm nào đó. Mọi thứ vừa là nó mà cũng không bao giờ là nó, căn phòng này cũng có thể chính là căn gác nhỏ của hai mươi năm trước, những tối yên lặng có thể mở toang cửa sổ cho ánh trăng lùa vào và ta có thể ngồi giữa sự tranh tối tranh sáng như vậy, mình đã mua được mấy bộ dây đàn Classic rồi đây, rồi cũng gặp lại guitar đó:

...... bàn chân lạc loài
lang thang chiều nội trú
tìm về căn gác trọ ngày xưa
thăm lại ánh đèn khuya
thấy em buồn
im lặng như mùa đông.

...... buổi hoang vu ta về dẫm lên vùng kỷ niệm
nghe thu muộn nhuốm buồn lên vách đá
chiểu phủ màn nhung lên đôi mắt người lữ thứ
sao em còn thơ thẩn đợi chờ ai? _ Uyển Lan.

.....ở đây trời đang khuya lắm, cũng như những năm tháng một mình trên đỉnh đồi ấy, đêm càng khuya càng mịt mùng thì mình có thể nhìn thấy thứ ánh sáng càng lộng lẫy hơn nữa. Nếu bây giờ Uyên ở đây mình sẽ chỉ cho Uyên thấy khung cảnh buổi trưa trong vườn ở một thị xã không vui buồn nào đó cây cỏ đang âm thầm mọc lên như thể không ai hay biết. Không có âm thanh nào khuấy động sự tịch lặng lúc ấy, im lặng lộng lẫy đi qua không níu lại được. Bây giờ thì mình biết là mình không biết mình đã đi xa đến nhường nào trong cái cõi đời mênh mông này. Đêm nay không có ngọn gió thổi buồn ngoài khung cửa, Uyên hãy nói với bầy ngựa hoang thôi hãy dừng bước, im lặng trong một phút làm ra vẻ như để tiễn đưa một linh hồn nào đó giống như là sẽ đi xa. Thật ra không có con đường nào cả, chỉ có tháng chín rụng đầy những lá phong. Trong thành phố Uyên sẽ gặp những người luôn mỉm cười và lòng cứ luôn sầu héo.

..... ai gọi tên tôi trong lều cỏ ngái
có dê cừu kêu xa vắng bên sông
tôi nào ngủ đâu sao tôi mơ thấy
ánh trăng mơ màng khắp lòng sông. 

Uyên!

....đó là một lần đi lang thang trong nhà sách Phú Thọ, mình đã mua 1 cuốn sách của Cổ Long, cuốn " Ai cùng ta cạn chén", do Nhã Nam in rất là đẹp. Vốn mình muốn tặng cuốn sách đó cho Uyên. Cổ Long vốn chỉ viết tiểu thuyết võ hiệp, riêng cuốn sách này là tự sự riêng tư và hiếm hoi của Ông, được viết ra trong những lúc cao trào của mình khi va chạm với đời sống. Trong đó mình nhận diện mơ hồ chân dung siêu thực của một người nghệ sỹ thực thụ đang di chuyển trong dòng trôi của mình, là một con người đang sống cuộc sống riêng tư độc đáo của mình. Cho đến ngay lúc này mình mới biết mình vẫn cứ lang thang hoài trong thế giới của những cuốn sách đủ loại từ khi còn rất nhỏ, chính trong cái thế giới giống như hư thực đó mình trôi chảy trong cái dòng của mình và theo khuynh hướng này cũng có thể nói là cái dòng đó lại làm bánh lái cho đời sống bên ngoài của mình. Nhưng đây cũng chỉ là một cách nói thôi, nó diễn bày được trong khuynh hướng của nó mà thôi. Không thể diễn bày được tổng thể.

Rồi tình cờ mình lại tặng cuốn sách đó cho Ông Sáu Du, trong đó mình có chép hai câu thơ của nhà thơ Lục Du ( Lục cũng là Sáu):

ngọa long dạ thính phong xuy vũ
thiết mã băng hà nhập mộng lai.

Cũng từ đó mình được biết là do cảm mến nhà thơ yêu nước Lục Du đời Nam Tống mà Ông lấy tên hiệu Sáu Du. Khoảng hơn tháng trước, qua facebook của chú Cường Luthier ( người làm đàn guitar có một không hai của Việt Nam) mình mới biết là guitarist Trần Văn Phú đã chết cho nên mình có gửi email báo tin cho Ông Sáu Du vì Ông Sáu Du có nói với mình Trần Văn Phú là bạn của Ổng. Trần Văn Phú là người chơi Flamenco xuất sắc đầu tiên của Việt Nam, sau này là Dương Kim Dũng.

Trong email trước đó, mình có nói nếu như sau này không có dịp gặp lại mình sẽ rất buồn, ổng nói có chi mà buồn, hãy coi như một cái duyên không thành mà thôi, khoảng thời gian cuối đời của tôi, tôi có duyên gặp gỡ mấy Thầy, tôi cảm thấy may mắn vô cùng. Rồi hôm nay, Ông Sáu Du đã ra đi rồi, phải không Uyên? Trước tết Ổng có kêu mình viết bài cho Suối Nguồn, Ổng nói chắc mình sẽ có nhiều điều để viết, nhưng mình biết mình không viết được. Tối hôm qua tự dưng mình muốn dịch một bài cho Suối Nguồn. Mình vẫn mơ có ngày mình có thể làm một bài thơ hay cỡ như bài Tiếng Chim Kêu của Ổng thì mình đủ mãn nguyện cho cái cuộc làm người của mình lắm đó Uyên:

ta bỗng khuya nay buồn không nói
ta bỗng chiều nay một mình say
hỏi ai cố cựu mà không nhớ
hỏi ai thân tình mà chia tay
bây giờ uống vào là quên hết
bây giờ chuyện vào là như say
một đêm gió thổi buồn mây xứ
một đêm mộng tưởng về bên nào
ai hay ta về đường còn xa
ai hay ta đi không ai chờ
có phải thu về buồn không nói
có phải xuân về không cành mai
ai đem đau đớn vào thân lữ
ai đem buồn vào hoa đêm bay
có phải em đi ngày hôm trước
có phải bạn đi chiều hôm nay
nỗi buồn không cớ mà đơn độc
nỗi đau chia cắt mà đắng cay
ta đưa nhau nhỉ rồi xa mãi
ta níu nhau về một quãng ngày
sao hỏi một đêm dài như tụng
sao xa một đêm buồn luân hồi
thì cứ lêu bêu ngày tháng lạ
thì cứ chênh vênh đường ngang trời
để đưa nhau về chôn giấc mộng
để khóc nhau về đau bốn phương
nhịp đập đâu mà người không nói
nhịp tim rỉ máu buồn vô thường
ai đem hoa trắng làm mưa đá
ai khóc bên thềm bụi cố hương". (Sáu Du)

Tiết trời đang trở lạnh. Mùa đông đã về, sáng nay nhiệt độ đo được là 58 độ F (14,44 độ C). Mấy hôm nay bầu trời thoáng đãng và trong lành, chỉ có lưa thưa vài cụm mây bồng bềnh lãng đãng ở sát đường chân trời. Không khí lạnh và khô ráp. Trời này mà vào những đêm trăng tròn, ngồi một mình trong rừng vắng thì còn gì đẹp và bình lặng cho bằng.

Hôm qua, buổi tối tôi đã một mình đi bách bộ trong rừng vắng. Khi ấy tôi đã tự hỏi mình, những ưu phiền và lo lắng trong cuộc sống thường nhật của con người, chúng đâu hết rồi? giờ này chúng đang ở đâu? Không cách gì tìm ra! Bởi vì chúng không có thực, chúng ta đã tưởng tượng quá nhiều mà thôi, tôi nghĩ.

Bây giờ là 4 giờ 45 phút, buổi sáng. Trong rừng, lũ chim đang ríu rít hót. Trong rừng có hàng trăm loại chim, vào những ngày trời nóng, lũ chim thích tắm và chơi đùa trong nước, tíu ta tíu tít trông thật vui mắt. Tôi đựng nước trong hai cái chậu bằng đất nung để lũ chim tới uống nước, bơi lội và chơi đùa trong đó. Tôi thích xem chúng tắm và chơi nước, chúng dường như cũng thích nghịch nước lắm. Ngày nào tôi cũng rải thóc cho chúng ăn, cho nên chúng đến thường xuyên để ăn, uống, và nghịch nước. Chúng cũng biết điều lắm, không chỉ đến để ăn uống, chơi đùa thỏa thích rồi bay đi, mà còn ca hát và dạy cho tôi bài học sâu sắc về cuộc sống vui tươi, hồn nhiên, buông bỏ mọi buồn lo, băn khoăn làm rối tâm trí. Hãy nhìn ngắm cuộc sống này theo cái cách mà mọi thứ đang vận hành, đang trôi chảy thế ấy. Thực tại. Và hãy sẵn sàng chết, sẵn sàng ra đi vào bất cứ lúc nào. Nhiều người hay than phiền “cuộc sống sao khó khăn, vất vả quá” (đương nhiên rồi, có ai nói là dễ dàng đâu chứ!). Nhưng dẫu đời sống có khó khăn thế nào đi nữa, bạn vẫn có thể vui vẻ sống và học hỏi vô số điều hay trong nó và tiến bộ. Còn nếu như bạn cho rằng mình không thể chấp nhận cuộc sống này thì bạn vẫn có thể vứt bỏ nó đi mà? Tại sao ta vẫn tiếp tục vừa đồng hành với nó vừa luôn mồm ca thán về nó, chẳng phải chúng ta đang lẩn quẩn trong cái vòng bế tắc của chính mình sao?

Còn lúc này thì tôi đang ở trong cái cốc của mình, tôi ngồi ở ngoài mái hiên, cảnh vật bốn bề thật yên bình, vắng lặng. Lòng bình an, tôi lắng tai nghe tiếng hai con chim cúc cu kêu đâu đó xa xa trên những ngọn cây, có tiếng gió xào xạc nhè nhẹ. Bây giờ đã là 4 giờ chiều rồi, tôi mới vừa tắm nước nóng xong và ra ngồi ngoài này. Đôi khi tôi cũng có ý nghĩ muốn tìm một cái hang đá nào đó trong núi để đến đó sống một mình trong cô quạnh. Nhưng tôi biết, rồi thì cũng chẳng có gì có thể làm ta thật sự mãn nguyện.

Tôi yêu một cuộc đời tĩnh lặng và yên bình. Tôi đã quăng ném hết mọi thứ gọi là “trách nhiệm, bổn phận” của cuộc đời này. Thứ tôi thật sự cần là tự do, bình an và sự thấu triệt sâu sắc cuộc đời mà tôi đang sống. Tôi không bao giờ quan tâm đến việc thâu nạp nhiều đệ tử hay rao giảng giáo pháp, và tiếng thơm này nọ… Tham cầu danh vọng là tự sát, Robert Penn Warren (*) nói.

Tôi muốn bạn hiểu rằng, tất cả những gì tôi cần ở cuộc đời này chỉ là sự giản tiện, tĩnh lặng và bình an. Tôi đã bỏ lại sau lưng hầu hết những gì tôi từng có. Có bao giờ bạn nghe tôi nói rằng tôi muốn thứ này, thứ nọ không? Tôi thật sự không cần gì hết, mang vác nhiều chỉ tổ vướng bận tâm trí thôi. Tôi có một ít bạn bè, đó là Ryokan, Thoreau (**), Zeno, và một người Thầy là Vinaya (Giới Luật).

Tôi nói với bạn, mà cũng là nói với chính tôi, là ta hãy lựa chọn cách sống, nơi ăn chốn ở sao cho có bình an, thoải mái, dễ chịu và thư thả. Hãy giải phóng chính mình khỏi những gánh nặng tâm lý, áp lực tinh thần, nhất là đừng bao giờ làm nô lệ cho những thứ mà người khác kỳ vọng nơi mình. Hãy cố gắng thu xếp một nơi để sống, một chỗ đứng; một vị trí mà ở đó bạn cảm thấy được là chính mình, ta không phải nói hay làm vì để làm hài lòng ai đó, bất kỳ ai.

Tôi đã học được cách sống một mình. Thi thoảng tôi cũng mong có ai đó cùng ngồi để tôi giải bày những điều sâu thẳm trong tâm trí tôi, nhưng thật khó để tìm được một người biết lắng nghe để hiểu và trân trọng. Hầu hết mọi người chỉ thích tìm đến tôi để nói về chuyện này, chuyện nọ. Cuối cùng, chỉ có tôi là người lắng nghe mà thôi.

Dạo chơi ở trong rừng. Tịch lặng vô biên. Không một bóng người. Chỉ có tiếng chim rừng ríu rít. Dấu vết của loài người đang mờ dần rồi khuất bóng. Tôi phải tách mình ra khỏi thế giới này.

Càng leo lên núi cao, càng không thấy bóng người. Hỡi đỉnh núi ngàn năm cô độc! ngươi sừng sững cô đơn đứng đấy tự bao giờ? Rồi đây liệu ta có gánh nổi sự cô đơn kia như ngươi không?

Uyển Lan dịch

(Snow in the summer - Sương rơi trên ngọn tuyết tùng. - U Jotika)

 (*) Robert Penn Warren (1905-1989): nhà văn, nhà thơ, người Mỹ đoạt giải Pulitzer cho tiểu thuyết và thơ.

(**) Ryokan Taigu: Thiền sư Nhật Bản, được biết nhiều qua thơ Haiku, thư pháp và lối sống cô tịch trầm mặc đặc dị độc nhất của mình.

David Henry Thoreau (1817_1862): nhà văn, nhà thơ, nhà tự nhiên học, nhà sử học, nhà triết học, nhà địa hình học mẫu mực người Mỹ.


No comments:

Post a Comment

MDTTA 17

  Pháp đệ 68 xuân thu Hôm nay Kỷ niệm Pháp đệ 68 xuân thu, Đã đi qua 2/3 đời người Như lão ngựa vượt dặm trường gian khó Qua cõi người s...