Saturday, February 26, 2022

Sơn Nguyễn 17

 
NGOÀI Ô CỬA
 
Tôi đã từng bắt gặp Anh Sơn Nguyên với những vần thơ lục bát "Bay trên đồi tịnh nhiên-(từ của Tự Hàn)"
Hôm nay tôi lại gặp Anh với những vần thơ thi vị, đủ màu sắc, đủ cung bậc, tràn đầy xúc cảm về tâm hồn, thân phận, tình yêu và cả tình thương gia đình, quê hương, đất nước
Phải nói rằng thể thơ tự do đã giúp ngòi bút Anh phóng khoáng hơn tạo nên một Sơn Nguyên vừa quen vừa lạ, vừa hoài cổ vừa hiện đại kết quả là những bài thơ đủ Thần- Khí- Nhạc- Tâm
Chúc mừng và giới thiệu với thi huynh thi hữu tập thơ NGOÀI Ô CỬA với 68 bài thơ chủ yếu thể tự do để thấy cái đạo đất trời bao la, cái tâm an hoà của con người bên ngoài ô cửa
Xin trích 2 bài thơ nói về khóc và cười của Anh
 
Cung Bậc
Khóc đi em
bởi đất đen không chối từ vị mặn
nỗi buồn nhỏ xuống khô cằn
sẽ biến thành đồng lúa xanh tươi
Cười đi Em
cho tinh cầu bừng lên sức sống
niềm vui trải bờ khát vọng
sẽ mênh mông khúc hát tình người
Khóc
để cứu chuộc niềm vui
nên xin em chớ bùi ngùi giọt lệ
Cười
là nụ hôn thượng đế
nhóm trên môi người thắp lửa đam mê
Những cung bậc
đi-về
gặp gỡ và chia ly...
Những Giai Điệu Của Thơ
Khóc đi em. Cánh chim kia vừa bị mất bầu trời
giọt chơi vơi
giọt núi đồi
thơ tôi về đối diện với chiều rơi...
Hát đi em. Cho quên đi thân phận làm người
điệu ngàn khơi
nhịp đất trời
thơ là diệu đế rong chơi...
Cười đi em. Dẫu gầm trời đêm nay mù sương
lửa yêu thương
khói đoạn trường
thơ rền tro bụi mười phương...
Em. Một đoá hồng giữa mênh mông lặng im
máu từ tim
lệ từ hồn
thơ là từng hơi thở
trần...truồng
Tuôn lướt
tới
vô ngôn...
 
GÓC CẢM ƠN
 
Khi bước vào đền thơ của ai đó, người ta thường dùng mọi phương tiện do tư duy và cảm giác đem lại. Sơn Nguyên, qua LỤC BÁT NGHÌN TRÙNG và NGOÀI Ô CỬA, đã đặt lên bàn tay chúng ta password khám phá thế giới nội tại của anh – một cuộc khám phá, mà theo tôi, giống như leo lên đỉnh Núi Bà (Tây Ninh) bằng chân trần. Gian nan bao giờ cũng thú vị.
 
“ Sương mai chở bóng chiều tà
Mòn chân chưa ngộ quê nhà dưới chân.”
 
Nên:
 
“Mơ màng về đứng trước sân
Ngó quanh một lát tần ngần rồi đi”.
 
Vâng, lại đi để bắt gặp quê nhà nơi nghìn trùng ngát hương và đẫm mật:
 
“Dưới chân hiện bóng quê nhà
Trên đầu hoa nắng đậm đà tiếng chim.”
 
Hôm nay đầu năm mới, theo mình nghĩ cũng là một năm sau bóng tối của năm cũ u ám, đầy đau thương và mất mát đã đi qua.
 
- Không biết vô tình hay cố ý, nhà thơ Son Nguyen đã cho ra đời tập thơ NGOÀI Ô CỬA kế tục...
 
"Đừng thở than
bóng đêm nào có lỗi
có ánh sáng nào
không đến từ bóng tối đâu em?
...
Có thượng đế nào
chìa bàn tay về phía than van?
...
Xin em
hãy mở cửa cho màu xanh hớn hở
hạnh phúc đơn sơ. đứng chờ trước ngõ..."
 
- Tác giả không
" Giậm chân hăm hở bước vào
Nhón chân lặng lẽ vẫy chào bước ra"
 
như ở Lục Bát Nghìn Trùng mà mở cửa nhìn ra "Ngoài Ô Cửa" đầy tính nhân văn, nhân ái với tâm hồn rộng mở...
 
"Tôi đã thấy từ phía sau ánh mắt
Có một điều rất thật ở vành môi...
Rèm mi đó thì thôi em hãy khóc
Lệ trên môi là nước mắt trong lòng..."
 
- Son Nguyen đã đứng sau bóng tối của biết bao thân phận để cất lên tiếng lòng từ thống thiết đến lạc quan, hạnh phúc rụt rè...
 
"Khóc đi em
bởi đất đen không chối từ vị mặn...
Khóc để cứu chuộc niềm vui...
Cười đi em...
Cười
là nụ hôn thượng đế..."
 
- Son Nguyen như ở trong tâm hồn của mọi người...
"Mắt ai ướt cả mùa thu ấy
Để lại bên chiều một ánh rơi"
 
- "Ngoài Ô Cửa" là sự mở cửa tâm hồn của tác giả để thâm nhập vào mọi thân phận, mọi vật mọi cảnh, tình...từ đó cất lên tiếng nói của lòng...
 
"Bên ngoài ô cửa
âm nhạc của bão giông
bản rock thường hằng
tuôn chảy xuống mong manh..."
 
Hay
 
"mưa. những hạt mưa như từng đốm lửa
thắp cuộc tình
trên trang giấy xanh"
 
- Son Nguyen đã bộc bạch những gì vô hình và thầm kín nhất của những thân phận một cách tài tình...
 
"Ông ngồi đó
lên đênh chiều thủy mặc
phủ định mình
từ ánh mắt...mông lung..."
 
- Ở Đinh Hùng, những bi thương đã được dựng dậy một cách rợn người...nhưng ở Son Nguyen lời thơ được thôi miên nhẹ nhàng thúc giục, cứu rỗi trong cảnh tình này...
 
"Nhón chân lên cho chiều hoang động đậy
Hát đi em cho thức dậy điêu tàn...
Son phấn đâu rồi
sao em...lạnh ngắt bờ môi? "
Chỉ là lướt qua...
 
Chắc rằng không thể nào nói hết được cả một tập thơ hay, đầy nhân sinh quan thăm thẳm của tác giả trong tập thơ NGOÀI Ô CỬA này và nhất là nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ vừa hiện thực vừa trừu tượng...lời thơ hàm súc vô cùng!
 
- Nhận được tập thơ NGOÀI Ô CỬA của Son Nguyen với sáu mươi tám bài thơ trước Tết vì bận quá nên chỉ mới xem qua.
 
Không cầm lòng được! Vội hồi đáp và giới thiệu đôi lời cùng với các bạn một tập thơ rất hay rất đáng trân trọng trong nền Văn học hiện đại Việt Nam!
 
 
LỜI TỰA
(Tập thơ NGOÀI Ô CỬA)
Kiều Giang
 
Ngôn ngữ của loài người mà tinh hoa của nó là Văn Chương, phải chăng đó là sự ủy nhiệm vĩ đại dành cho con người từ khi “loài sậy biết tư duy” bất chợt hiện diện nơi mặt đất như một cảm hứng của tạo tác.
 
Sơn Nguyên đến với thơ như một định mệnh, một sự thôi thúc vô tình của cuộc nhân sinh, như lời của văn hào Pháp Marcel Proust: “Cuộc nhân sinh thực sự, mà cuối cùng sẽ được hiển lộ, cuộc nhân sinh duy nhất được sống một cách trọn vẹn, là văn chương”.
 
Tôi và Sơn Nguyên quen nhau chưa lâu, nhưng anh em hình như đã hiểu nhau tự thuở xa xưa nào, phải chăng là chút duyên tri ngộ giữa trần gian.
 
Rồi một ngày anh đưa tôi bản thảo tập thơ mới viết (sau tập Lục Bát Nghìn Trùng mà vừa mới khai sinh đã chiếm một vị trí rất trang trọng trong lòng bạn đọc khắp nơi), mang tựa là Ngoài Ô Cửa. Tôi hăm hở và thú vị dấn bước thêm vào thế giới thơ của Sơn Nguyên. 68 bài thơ gần như đã cuốn hút tôi từ bài đầu đến bài cuối. Tôi như đã nhập vào hồn thơ của tác giả, không còn sự ngăn cách giữa người viết và người đọc.
 
Đọc cái tựa “Ngoài Ô Cửa”, tôi bỗng giật mình, sao có sự trùng hợp lý thú giữa cái nhìn của Sơn Nguyên trong nội dung tập thơ của mình và triết lý về ĐẠO, cách đây đã hơn hai ngàn năm của Lão Tử, một hiền triết Trung Hoa: “Bất khuy dũ nhi kiến thiên Đạo” (không nhìn ra cửa sổ mà hiểu được Đạo trời), như chỉ cần đi vào Tận cùng của Tiểu Ngã Atman sẽ tìm được Đại Ngã Brahman trong Upanishad của triết học Ấn Độ.
 
Tôi cũng có sự liên tưởng đến cách nhìn ra “Ngoài Ô Cửa” của nhà thơ người Anh William Blake, trong The Marriage of Heaven and Hell : “If the doors of perception were cleansed everything would appear to man as it is, infinite”(Nếu những cánh cửa của nhận thức được giữ sạch sẽ, mọi thứ sẽ hiện ra với con người đúng với bản chất của nó, là vô hạn). Phải chăng “Ngoài Ô Cửa” ở đây cũng chính là “ngoài cửa sổ hồn thơ” của tác giả?
Một phần nào trong bài viết này, tôi muốn nói đến cái “Đạo” và “cánh cửa nhận thức được giữ sạch sẽ” trong thơ Sơn Nguyên, hay tác giả còn đi xa hơn nữa để thi vị hóa tiếng thở dài của trần gian!
 
Sơn Nguyên đã nấp sau cánh cửa của tâm hồn mình để nhìn ra thế giới, ôi cái thế giới ngập tràn âm nhạc và thi ca cùng những khắc khoải về sự nghịch lý đã tạo thành dòng nhân sinh đầy hương hoa nhưng cũng đầy bất hạnh. Tác giả đã khá tài tình trong việc sử dụng ngôn ngữ hiện thực với ngôn ngữ trừu tượng để diễn đạt tính nghịch lý của hiện thể vô thường như: “âm nhạc của bão giông”, “những hợp âm run rẩy”. Ngoài ô cửa kia, trong “nét bút lăn tròn” của Sơn Nguyên là những hình tượng nổi bật của thao thức trần gian. Từ khúc dương cầm của Beethoven đến “cô gái thành Vienna xỏa tóc” đã làm cho ngôn ngữ của anh trổ bông ngan ngát:
 
“Bên ngoài ô cửa,
âm nhạc của bão giông
bản rock thường hằng,
tuôn chảy xuống mong manh những hợp âm run rẩy
…..
định mệnh. không phải là thứ để sợ hãi
mảnh đất của âm nhạc và thi ca
nằm ngoài ô cửa…”
(Ngoài ô cửa)
 
Thật khó mà tìm ra con đường để bước qua “khung cửa hẹp” đi vào tâm hồn nhà thơ Sơn Nguyên, khi mà những dòng thơ anh như giòng suối tinh khiết chứa đầy ẩn dụ và hiện thực huyền ảo đang tuôn chảy. Một kiểu nghệ thuật thi ca kết hợp giữa truyền thống và hiện đại được nhà thơ vận dụng khá nhuần nhuyễn và tài tình. Ít ai có thể đào sâu tính nghịch lý trong cách biểu cảm nỗi trăn trở, về những vết rách khó lành trong cuộc đời, trong miền đất lạ đầy nỗi cô liêu:
 
“Miền đất lạ đưa người vào cuộc lữ,
Thắp cô liêu bằng ngôn ngữ nụ cười
.....
Như cung phím dạo bài ca tan vỡ,
Hát đi em cho thấm giọng lưu đày
…..
Nghe hơi thở tự vườn xưa lạnh buốt
Vết rách buồn còn giọt lệ khô rơi”
(Vết rách)
 
Nhưng nhà thơ đã ôm thân phận vào lòng mình để tạo ra một thứ huyền ngôn, hé lộ nụ cười miên viễn, làm phục sinh một thân phận tơ non mơn mởn, đối mặt với từng phút giây của hiện thể cỗi già, vì biết rằng chết đi là để sinh ra. Hạnh phúc đơn sơ đang đứng chờ trước ngõ như chiếc chìa khóa mở cửa cho tiếng thở dài và giải phóng nỗi cô đơn, đó là nỗi ám ảnh mà cũng là bắt đầu của sự sáng tạo. Trong bài Chiếc Chìa Khóa, nhà thơ viết:
 
“Đừng thở than
bóng đêm nào có lỗi
có ánh sáng nào
không đến từ bóng tối. đâu em?
…. Chiếc chìa khóa nằm trong ngăn tủ
nơi cất giữ tiếng thở dài và thường trụ nỗi cô đơn…”
(Chiếc Chìa Khóa)
 
Và trong cái “khoảnh khắc” trở về với Nhất Thể đó, hồn thơ lại sống dậy bao rung cảm, vạn vật như đang reo ca trong trăn trở nhiệm mầu. Ngôn ngữ thơ của anh đôi khi nằm ngoài câu chữ luôn biến hóa khôn lường, để trở thành huyền ảo, nói như Archibald Macleish “ Bài thơ có khi không nên có nghĩa, nó chỉ hiện hữu thôi”. Nhà thơ như chơi đùa trên sự đa dạng của những cái được biểu thị, tạo dòng suối thao thức, vừa cay đắng vừa ngọt ngào trên phận người muôn thuở suy tư, nẻo “đi - về” chìm trong giông bão, cũng có khi rộn rã tiếng chim, rực rỡ bướm vàng:
 
“Đường về ngõ hạnh,
Bướm vàng khép cánh lim dim.”
(Nẻo về)
 
Sơn Nguyên thường sử dụng sự nghịch lý trong thi pháp của mình, vì thực ra “trạng thái mơ hồ khó hiểu chính là sự bắt đầu của kiến thức” (Kahli Gibran). Mỗi bài thơ đều bao gồm những nghịch lý. Nghịch lý là vần điệu, tập hợp được ý ngĩa và phản nghĩa: một cơ hội gặp gỡ ở một nơi chốn trong thời gian. Thơ Sơn Nguyên đã bắt đầu vượt qua truyền thống để tiến gần đến hiện đại. Một thứ ngôn ngữ làm cho người đọc không thể lường trước, nó cho phép từ này kết hợp làm rung lên những từ khác, tạo nên những hợp âm hoàn hảo của mỹ học. Thơ có khi phải dám quay lưng lại với vần, vần điệu có ngay trong ý nghĩa của từ, đi vào sự rung cảm không biên giới.
 
Sơn Nguyên còn mượn cả “Khúc Requiem”(Khúc cầu hồn), một sáng tác âm nhạc của Mozart viết năm 1791, rồi cũng như Virgilius kết hàng vạn câu thơ thành chiếc thuyền tình chở Dante đi vào luyện ngục để cứu rỗi linh hồn của kiếp nhân sinh vừa thánh thiện vừa tội lỗi, vừa khóc than vừa cợt đùa lên thân phận muôn đời cần cứu rỗi của con người.
 
Những linh hồn trong miền luyện ngục kia, một ngày nào đó đã thành:
 
“Hồn đá lạnh giữa trùng vây tan tác
Đã co ro vét cạn gió đông về
Đã lênh láng những vuông chiều sa mạc
Khượi tro tàn ngồi mặc khải đêm khuya
….Mây chẳng thể rót đầy con nước cạn,
Gió nghiêng mình nghe sỏi đá bơ vơ”
(Khúc Requiem)
 
Để rồi tác giả đang “rót rượu chờ”, mời những linh hồn, những thân phận bơ vơ kia, và sẽ còn mời cả chính mình giữa một thế giới huyễn hoặc mênh mông trong dòng nhạc suy tưởng của thiên tài Mozart.
 
Thân phận con người là một cái gì mơ hồ, huyền ảo, mênh mông nhưng lại hữu hạn và đầy bi đát. Nhà thơ đi từ thân phận của riêng mình đến thân phận của đồng loại. Trên con đường đầy bão giông nhưng cũng ngập tràn hương hoa ấy, nhà thơ bắt gặp lại chính bản thân mình trong nỗi xao xuyến cùng cực. Chính vì thế, tư duy trong thơ Sơn Nguyên chính là duy tư ngược, tư duy đa chiều, để nhận ra rằng, ngay trong tận cùng của nỗi khổ đau, con người vẫn tìm thấy ý nghĩa sống trong chính thân phận mình. Nỗi khắc khoải về thân phận trong anh thật xót xa và ray rứt như một “Vết Bỏng” giữa dòng đời huyễn mộng:
 
“Tay quờ với giữa khoảng không ảo vọng
Ôm vào lòng vết bỏng của ngàn năm”
…Dòng sông đó chập chờn trăng huyễn mộng
Đêm bềnh bồng vết bỏng chạm hư không”
(Vết Bỏng)
 
Cô đơn là tất mệnh của hữu thể tư duy, mà trước hết, văn thi sĩ là những người luôn chìm đắm trong xao xuyến về phận người, lặn ngụp trong bão giông của suy tưởng. Chính nỗi cô đơn trong thân phận mình đã làm cho con người luôn hoài nghi và đau đớn do những tác động gần như ngẫu nhiên phi chủ thể của xã hội mang lại, triền miên và vô cớ.
 
Trong nền văn học thế giới, cô đơn vẫn là đề tài “cháy bỏng” trong nhiều tác phẩm, đặc biệt từ Kafka, qua Marquez đến Coetzee. Với Sơn Nguyên, ta cũng tìm thấy nỗi cô đơn ấy xoáy sâu vào hồn anh đến nỗi dù cho “khúc mộ chiều” cũng không chôn cất nổi cô liêu:
 
“Thôi nhé người ơi! Khúc mộ chiều
Lệ nào chôn cất được cô liêu”.
(Khúc mộ chiều)
 
Để cứu rỗi thân phận trầm kha trong nỗi cô đơn ấy, cái mà Sơn Nguyên tìm được “ngoài ô cửa”, để bù đắp cho tất mệnh hữu hạn của thân phận kia là gì, phải chăng đó chính là tình yêu? Tình yêu lứa đôi hay tình yêu giữa con người với nhau, cũng đều là liều thần dược xoa dịu nỗi đau của sự cùng khổ và cô đơn dọc theo tháng năm của hữu thể bất toàn. Tình yêu như là một sức mạnh làm chuyển biến và nâng Tâm linh của vũ trụ lên cao hơn nữa, vì khi yêu, con người đã cố sống tốt hơn.
 
Đối với Sơn Nguyên, tình yêu là chính là sự bắt đầu nhưng cũng là cứu cánh của một đời người, vì chỉ có tình yêu mới cứu rỗi con người trong cõi nhân gian khỏi nỗi cô đơn và bất hạnh, nó để lại trong anh những vết hằn của năm tháng, vì “dấu chân người len kín cả đời tôi” hay “ Khoảnh khắc này sẽ lộng lẫy cả trăm năm” (Người tình). Chính vì thế mà những hình ảnh của người yêu là cả một trời thu lộng lẫy làm cho anh nhớ từng phím rung đang thăng hoa trong tóc nàng. Cuộc gặp gỡ thần tiên của anh và nàng nhẹ như gió thở đầu mây và giọt yêu thương của anh dành cho nàng là những giọt lưu đày vào cái hố thẳm yêu thương của bây giờ và mãi mãi. Cho nên khi mà “Đất khách không nương người viễn xứ” , lúc anh trở về, anh lại phải ngậm ngùi:
 
“ Mắt ai ướt cả mùa thu ấy
Để lại bên chiều một ánh rơi”
(Mắt ai ướt cả mùa thu ấy)
 
Từ đó nỗi hoài vọng về người yêu mãnh liệt đến nỗi làm cho “hoang phế đền đài”, và lòng đớn đau như loài “hạc núi khóc niềm đau lỡ tổ”. Đó là những hình tượng độc đáo làm cho hồn thơ bay bổng, tạo nên phong cách đặc trưng của thơ Sơn Nguyên. Phải chăng từ xương thịt của mình nên Adam cũng không bao giờ chịu mất đi phần xương thịt đó. Eva trong thực tế hay trong huyền thoại cũng không bao giờ bức ra khỏi Adam. Hạnh phúc và tội lỗi của loài người cuối cùng cũng chỉ từ nơi này?
 
Có lẽ dòng suối trong xanh êm đềm chảy qua tập thơ NGOÀI Ô CỬA chính là Thân Phận và Tình Yêu. Tiếp theo bản năng Libido mà Freud tiếp nhận từ tay Chúa để thăng hoa thành tình yêu đôi lứa, không có gì khác hơn là tình yêu đồng loại bắt đầu từ tình yêu thương những mảnh đời bấy hạnh, thân phận phụ nữ chân yếu tay mềm, yêu gia đình, yêu quê hương, yêu đền đài miếu cổ trong khuôn mặt của lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc. Tình yêu đã thấm đẫm trong thơ SN, làm cho nét nhân bản, nhân văn hiện rõ trong thơ anh. Hình ảnh người phụ nữ bàng bạc khắp nơi, ghi dấu ấn sâu thẳm trong hồn anh, là nụ cười lúc hoàng hôn, là tiếng khóc đầu đời……
 
Trên vai mỗi con người bao giờ cũng là một gạnh nặng của thân phận, nhưng có cái gì đó xót xa hơn, trần trụi hơn, đó là hình ảnh “gánh củi” trên vai những cụ già đang lẩn khuất đâu đó sau “mảnh vỡ tà dương”:
 
“Chùng gánh nặng vai gầy run mắt nắng
Nắng của trời, vị đắng của vành môi”
(Gánh củi)
 
Thân phận người phụ nữ có mặt trong hầu hết các tác phẩm văn học trên toàn thế giới từ cổ chí kim. Có khi họ là nguyên nhân của bao lớp sóng cuồng xô vào cuộc đời của đấng mày râu, cả giới bình dân lẩn quý tộc, như Tây Thi với Ngô Vương Phù Sai, như Josephine trong đời Napoleon, nhưng đồng thời họ cũng là hiện thân của biết bao nỗi đoạn trường trên chính phận liễu của mình, nhất là khi không may đã trở thành sương phụ nửa chừng xuân. Nỗi xót xa sâu thẳm đến tận cùng thân phận của những người phụ nữ bất hạnh được tác giả diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ thi ca trác tuyệt như se thắt, ngậm ngùi, lìa tan, hư không…
 
“Tôi đã thấy từ phía sau ánh mắt
Có một điều rất thật ở vành môi…
…Người thiếu phụ giữa đồi hoang bát ngát
Một đóa quỳnh lãng mạn với sương thâu..
…Rèm mi đó thì thôi em hãy khóc
Lệ trên môi là nước mắt trong lòng…”
(Góa phụ bên đồi)
 
Nhưng hình ảnh người phụ nữ gần gũi, cao cả, thao thiết, muôn đời là nguồn ân sủng, là nỗi xót xa và tự hào, đó là Người Mẹ. Mẹ là tinh hoa của nước mắt, là rạng rỡ của nụ cười, là tất cả sự thanh cao của ngôn ngữ con người dồn lại. Mẹ là tiếng gọi thiết tha nhất khi con biết nói tiếng người, là tiếng cuối cùng mấp máy trên môi khi con giã từ trần thế.
 
Với Sơn Nguyên, Mẹ là những chiều mưa con ngóng chờ nơi khung cửa, là tấm chăn bông ấm áp đêm đông, là đôi cánh ước mơ gắn lên ánh mắt, nụ cười, là những giọt mồ hôi nhỏ vào khung trời dĩ vãng. Để rồi một ngày kia mẹ bỏ con ra đi là con mất cả mặt đất lẫn bầu trời. Trong bài thơ Tấm chăn bông, anh viết:
 
“Nhớ tấm chăn bông
Mẹ đắp cho con mỗi khi trời mưa lạnh
Tấm chăn xưa vừa một chỗ nằm
…Con nhớ mãi bàn tay nhỏ run run
Nhét vào túi con những đồng tiền ít ỏi
….Bỗng một hôm
Một tin đau như xé nát bầu trời
Mẹ đột ngột ra đi giữa chiều mưa trút lệ…
….Chiếc chăn bông mới
Con đắp cho mẹ bây giờ
Đã trễ lắm. Mẹ ơi!!”
 
Để chuyển tải dòng tư tưởng cho “NGOÀI Ô CỬA”, Sơn Nguyên đã vận dụng nhuần nhuyễn thi pháp trong cách sử dụng nhiều biện pháp tu từ, trong đó nổi bật, mới mẻ và thành công nhất là ẩn dụ (metaphor) và phúng dụ (allegory), kết hợp với nhạc điệu để tạo nên sự run rẩy của cảm xúc, làm thăng hoa tư tưởng, ý thức và cả sự lắng sâu vào tiềm thức người đọc. Đặc biệt là phương pháp lồng ghép từ cụ thể đi đôi với từ trừu tượng, ngữ cảnh và thi cảnh hiện thực với huyền ảo. Nghệ thuật thi ngôn mà ít người vận dụng được đó là cách biến đổi loại từ, một cách làm giàu cho kho tàng ngôn ngữ, như trong câu thơ: “khỏa thân nỗi buồn sa mạc”. Trong câu này nỗi buồn là một danh từ, sa mạc cũng là một danh từ, nhưng tác giả đã biến đổi nó thành tính từ để bổ nghĩa cho danh từ nỗi buồn. Nỗi buồn sa mạc là sao, độc giả phải nhập vào tác giả để tự trả lời. Bàng bạc trong thơ SN sử dụng khá nhiều thi pháp này và công cụ ẩn giấu cũng là nét đặc trưng trong thơ anh. Phương pháp dùng từ đó kích thích tư duy và nâng tầm cảm thụ nghệ thuật của người đọc. Có khi, người ta có thể biến một danh từ thành động từ như trong câu thơ sau đây của nhà thơ Tuân Lê: “Người qua đây nhé, đừng lay/ Ta đang thần thoại bên cây phong trần”. Trong đó ta thấy từ thần thoại là một danh từ đã được dùng như một động từ, rất mới lạ, huyễn hoặc.
 
Sơn Nguyên vốn không phải theo nghiệp văn từ lúc mới vào đời. Anh tốt nghiệp đại học ngành khoa học tự nhiên, nhưng có lẽ “hồn thơ’ đã nhập vào anh như một định mệnh để thôi thúc anh bước vào “cuộc nhân sinh thật sự, duy nhất và trọn vẹn, đó là văn chương”. Do đó, tuy rằng số tác phẩm anh đã xuất bản không nhiều, nhưng đã gây được ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả.
 
Văn chương không phải là chuyện phù phiếm, nhưng văn chương nhất thiết cũng không phải là cánh đồng hoa dại, nó phải là công việc thiết yếu của sự rung cảm con tim và ánh sáng của trí tuệ, làm bệ phóng và định hướng cho tương lai đầy hương hoa của văn minh và nhân bản.
 
Và tôi tin tưởng rằng tập thơ NGOÀI Ô CỬA cũng sẽ đem lại được một tiếng vang nhất định trong nền thi ca Việt Nam hiện đại.
 
THƠ CUỐI NĂM TẶNG TỪ XA
 
Tôi thích thơ Sơn Nguyên, một nét bút lạ, hay và sung sức.
 
Cây xanh từ gốc lên cành
Tôi xanh từ ngọn nên đành chơi vơi.
Em ngồi đó cong bóng chiều thế kỷ
Vói trời cao không níu nổi mây ngàn.
"Đừng thở than
bóng đêm nào có lỗi
có ánh sáng nào
không đến từ bóng tối đâu em ?
...Chiếc chìa khóa nằm trong ngăn tủ
nơi cất giữ tiếng thở dài
và thường trụ nỗi cô đơn..."
 "...Rèm mi đó thì thôi em hãy khóc
Lệ trên môi là nước mắt trong lòng..."
Gánh hàng rong
Giữa bộn bề đường.Xe.Phố. Chợ
Gánh hàng rong che chở phận người
Tất tả.Ngược.Xuôi
Nặng gánh đầy vơi hay gánh đời vật vã?
Đôi quang mòn hối hả lệch bờ vai
Khoan nhặt cõi trần ai
Đìu hiu nắng quái
Cơn mưa chiều khắc khoải
Dội vào người hoang hoải giọt trăm năm
Thuở mù tăm
Đời phôi thai có trăm nghìn nhánh rẽ
Số phận con người
Phải chăng là lẽ của tự nhiên
Miên man
Dốc ngược.Đường cong
Gánh hàng rong
Đi cho hết đoạn hồng trần ngắn ngủi
Đôi dép mòn lầm lụi giữa phù hoa
Bóng chiều tà
Đường về đỉnh núi
Bao …xa?
 
((Thầy ơi!))
Tiếng gọi không lời từ trong sâu thẳm
Từ trong sâu thẳm của tâm hồn của người học trò, vang lên một tiếng gọi ((Thầy ơi!)), tiếng gọi này chỉ có hai con người : Thầy – Trò là có thể cảm nhận được mà thôi. Mối giao cảm này là một mối giao cảm của sự tĩnh lặng. Không cần thiết nói, không cần thiết nghe, không có gì để nói và không có gì để nghe…theo nghĩa thông thường nói & nghe của thế gian. Đó là một sự gặp gỡ, một sự gặp gỡ bên ngoài tâm trí, nhưng lại ở trong tâm hồn của hai thầy, trò. Một sự truyền trao bên ngoài lời nói. Một cái gì đó chỉ như ngọn lửa nhảy từ ngọn nến đang sáng này(Thầy) sang thắp cho ngọn nến kia (trò); ngọn nến chưa thắp sáng không còn như cũ nữa. Ngọn nến đang sáng(thầy) cũng không mất gì, và ngọn nến chưa thắp sáng(trò) trước đó, nay đã đạt được toàn bộ vũ trụ với một ý nghĩa mới, chất thơ mới, thực tại mới, vì thế mà ta có câu thơ.
 
Cánh cửa đầu đời thầy mở cho tôi
Có tên ngọn lửa.
 
Ông thầy mở cánh cửa này, chính là thầy đã khai tâm, mở trí cho người học trò của mình. Giúp cho học sinh thấy được rằng, bản thân mình có một con mắt bên trong, và bạn ấy phải có ý thức khai mở con mắt bên trong đó.
Tất cả con người chúng ta đều có con mắt bên trong, nhưng chúng ta không tự mình mở ra được, nó không phải là con mắt vật lý, mà chính là sự thấu hiểu, thấu cảm của trái tim và khối óc của con người, mà Phật giáo gọi là Tuệ giác – Duy Tuệ thị nghiệp. Chúng ta chỉ có thể nhìn ra bên ngoài, nhưng chúng ta không thể nhìn vào bên trong. Trong khi đó mỗi một giác quan đều có phần bên trong của nó, cũng như mọi thứ của thế giới này có cái bên ngoài thì cũng có cái bên trong. Vậy thì nếu chúng ta có thể nhìn ra bên ngoài thì chúng ta cũng có thể nhìn vào bên trong ; nếu chúng ta có thể hướng ra bên ngoài thì chúng ta cũng có thể hướng vào bên trong. Chỉ khi bạn có thể nhìn vào được bên trong thì ,bạn mới có thể làm cho ngọn lửa của tình yêu bùng cháy.
 
Một khi ngọn lửa tình yêu bùng cháy trong bạn thì nó sẽ bùng cháy một cách toàn bộ. Nó tiêu diệt chính bạn (về mặt tâm trí, tính cách, bản ngã, cái tôi ….) nhưng nó cũng cho bạn sự tái sinh, nó vừa là sự đóng đinh trên cây thập ác, lại vừa là sự hồi sinh cho bạn về mặt tâm thức . Đó chính là sự khai tâm, mở trí cho bạn , sự cải tâm, sự đổi hướng 180 độ cho bạn. Đó chính là thiên chức của bậc thầy, những người có khả năng giúp cho học trò của mình thấy được ngọn lửa của tình yêu trong chính tâm thức của họ.
 
Khổ thơ thứ hai:
 
Lửa từ ánh mắt, đôi môi
Từ bụi phấn rơi rơi trên bục giảng
Người đàn ông hiền lành và giản dị
Vắt cả óc tim mình lên tấm bảng vô tri
 
Sự linh thiêng là luôn luôn có, nghĩa là bất cứ điều gì tồn tại, hiện hữu trên thế này, đều tràn đầy tính Thượng đế , đều có sự thiêng liêng. Màu xanh của cây lá, màu đỏ, màu vàng…của hoa trái…. Tất cả đều linh thiêng. Con quạ đang kêu gào, mọt con chim đang bay lượn, một đứa trẻ cười khúc khích,và một con chó đang sủa….tất cả đều linh thiêng , không có gì khác đang tồn tại, đang hiện hữu, chỉ có điều vì bạn không có ngọn lửa của tình yêu, thì bạn sẽ không thể cảm nhận được tất cả sự thiêng liêng đó mà thôi. Ở đây người học trò sau khi đã giác ngộ, có được ngọn lửa của tình yêu thì bạn ấy đã cảm nhận được sự thiêng liêng trong những điều giản dị nhất, bình thường nhất như ánh mắt, đôi môi, bụi phấn rơi rơi trên bục giảng, của người thầy - Người đàn ông hiền lành và giản dị. Nhưng việc là của thầy lại vô cùng phi thường:
Vắt cả óc tim mình lên tấm bảng vô tri
 
Khổ thơ thứ ba:
 
Đã bao năm
thời gian tựa một chớp mi
bao dòng chảy ra đi nhưng sông thì ở lại
một kiếp tằm khắc khoải những đường tơ
 
Công cụ lao động của ông thầy giáo chính là bản thân mình, sinh mệnh của mình, đạo đức nhân cách của chính mình. Tác giả đã ví người thầy của mình như con sông, còn học trò như những dòng chảy, rất nhiều học trò đã khôn lớn, đã trưởng thành qua sự dậy dỗ của thầy. Thầy được ví như một kiếp tằm, dâng hiến bản thân mình cho đời những đường tơ vàng óng. Để có thể chuyển hóa những lá dâu màu xanh thành những sợi tơ vàng óng, thì trong con tằm phải có một ngọn lửa tình yêu nào đó của loài tằm. Tương tự như thế để có thể thắp sáng ngọn lửa trong tim của học trò, người thầy giáo cũng phải tự ném mình vào ngọn lửa của tình yêu, biến mình thành sự rực cháy, hòa tan tâm hồn của mình vào tâm hồn của những thế hệ học trò, để tỏa sáng, tràn ngập ánh sáng,giúp cho học trò được thăng hoa lên, bay lên trong bầu trời của mình.
 
Khổ thơ cuối cùng:
 
Thầy im lặng nhìn tôi
ánh mắt xa xôi và nụ cười thánh thiện
bỗng dậy lên một Ngọn-lửa-khác ở tim mình
Tôi nắm chặt tay người và buột miệng: “Thầy ơi!”
 
Trong lần gặp này với người thầy của mình, trong cái bắt tay với thầy. Người học trò năm xưa như cảm thấy sự hồi sinh, bỗng thấy mình trở thành ngọn lửa rực cháy thêm một lần nữa, và có một cái gì đó rất khác với những lần gặp thầy trước đó, phải chăng đó chính là sự tái sinh, sự phục sinh của một tâm hồn mới. Con người bình thường được biểu hiện bằng nước – Nước luôn chảy xuống nhưng chỗ thấp hơn. Nhưng con người tái sinh như người học trò này được biểu hiện bởi ngọn lửa rực cháy, bởi vì ngọn lửa luôn hướng lên cao, tạo nên một xúc cảm rất mạnh làm cho người đó, không thể kìm nén được, mà đã phải buột miệng thốt lên: “Thầy ơi!”. Chúng ta cảm nhận được tất cả sự THIÊNG LIỀNG trong hai tiếng THẦY ƠI! này. Mà người học trò đã thổn thức nói ra. Đến đây người đọc bỗng như cảm thấy một sự rung động rất mạnh nơi trái tim của mình. Thật đúng như tứ thơ sau đây đã nói giúp cho chúng ta những điều đó:
 
Thời gian chảy về từ cõi xa xăm
Trong da thịt tiếng thưa thầy thổn thức
Từng con chữ dội lên rung vòm ngực
Thầy mãi thiêng liêng từ ngày ấy đến bây giờ.
 
Bài thơ còn một số khổ thơ nữa, kính mời các bạn đọc và cảm nhận nhé! Do điều kiện thời gian và năng lực cảm nhận còn nhiều hạn chế, xin phép được dừng lại tại đây, nếu có điều gì khiếm khuyết mong các bạn hữu bỏ quá cho mình nhé.
 
Xin chân thành cảm ơn thi sỹ SON NGUYEN đã đem đến cho người đọc những giây phút thổn thức, thiêng liêng khi nhớ về những người thầy giáo, cô giáo, mà trái tim của họ đã từng chắp cánh ước mơ cho rất nhiều những thế hệ học trò của mình.
 
Mỗi con chữ nghe phập phồng hơi thở
Chảy âm thầm cuộn xiết một dòng sông ….
 
LÊ VĂN CHUNG

 

No comments:

Post a Comment

MDTTA 17

  Pháp đệ 68 xuân thu Hôm nay Kỷ niệm Pháp đệ 68 xuân thu, Đã đi qua 2/3 đời người Như lão ngựa vượt dặm trường gian khó Qua cõi người s...