Sunday, August 21, 2022

Dạ Khách 2 (Mặc Thế Nhân)

 
Áo vải vương mang vô thường mộng
Tiêu sầu trỗi khúc động phù hoa
Ta nương cánh nhạn vào hư ảo
Đỉnh hạc hàn phong bóng nguyệt tà!
 
MỘT MÌNH THÔI!
"Nếu ta nghe thinh lặng quá dài
Chắc có lẽ cuộc đời đang khẽ thở
Cũng như
Sau tất cả những cuồng điên rực rỡ
Ta trở về Khép cửa Chờ Ta "...
Nếu ta nghe gió lộng cuối hiên nhà
Cũng có lẽ ta đang tìm xa vắng
Hình như
Sau những vỡ òa cuối mùa thinh lặng
Ta co ro đứng đợi hồn mình!
 
TUÝ HỒNG NHAN!
Mai người về cũng chỉ bấy nhiêu thôi
Chung rượu ấy chỉ một mình ta cạn
Đừng trách móc sao nói lời ngã mạn
Gió trần ai cuốn xác lá đi rồi ...!?
 
Lời ru ai đó ngóng trông
Muốn về quê Mẹ mà không có đò ! "
 
NGƯỜI TA CÓ NHIỀU NƠI ĐỂ ĐI- NHƯNG CHỈ CÓ MỘT CHỐN ĐỂ VỀ
MAI TÔI VỀ
Mai tôi về nơi miền xa sông trắng
Ngõ tâm tư khép lại một khung trời
Miền dấu yêu theo dĩ vãng quên trôi
Vùng kỷ niệm nhạt nhoà theo năm tháng
Mai tôi về dấu báo điều im lặng
Dưới mộ sâu dẫu chẳng muốn mang theo
Bao cơ cầu nỗi thân phận trớ trêu
Bức tranh đời hoạ muôn điều cắc cớ
Mai tôi về bước sông hồ dang dở
Cuộc trăm năm không⁰ mỏi một đêm rằm
Lời mẹ ru con sóng vỗ từ tâm
Đêm đối mặt nghe Thạch sùng tắc lưỡi
Mai tôi về giấc mơ chưa đủ tuổi
Câu ca dao khắc khoải níu tao nôi
Từng chiều trôi gió hú vọng bên đồi
Sương khói quyện về ru hồn ngọn cỏ
Mai tôi về đi qua miền cổ độ
Dấu hài xưa con sóng xoá mất ngôi
Nỗi nhớ quên phong kín lối ngang trời
Buồn giăng mắc như sương mai còn đọng
Mai tôi về sâù chia muôn cánh mỏng
Tia nắng reo tấu giai khúc tơ trời
Muôn nốt nhạc thánh thót gọi hồn tôi
Giữa Thiên hà bài thánh ca ý Chúa
Mai tôi về...là giả biệt cuộc chơi...!!!
(Tử Giang - 19/06/2017)
 
“Lời ru ai đó ngóng trông
Muốn về thăm Mẹ mà không có đò…”
Bỗng dưng nhớ lại những trắc ẩn, những đau đáu, những ước mơ trở về của Tử Giang - Hồ Viết Thắng:
 
MAI TÔI VỀ!
“Mai tôi về nơi miền xa sông trắng
Ngõ tâm tư khép lại một khung trời
Miền dấu yêu theo dĩ vãng quên trôi
Vùng kỷ niệm nhạt nhoà theo năm tháng”
Không biết thi nhân Tử Giang có gì ở “nơi miền xa sông trắng…” ấy nhĩ !? Cái khung trời đã khép lại ấy thi nhân đã cất giấu những gì trong cái góc riêng của đời mình nhĩ !? Có lẽ cũng là những ký ức buồn vui tuổi thơ với lần trốn học, tắm sông, hay rủ nhau đi bắt dế ngoài cánh đồng và những lần nợ đòn roi của Mẹ mà mãi mãi đời này và muôn đời sau không bao giờ trả nỗi ...có đúng không !? có phải không… cái miền dấu yêu theo dĩ vãng quên trôi của thi nhân có gì nhỉ!? Cái “giấc mơ chưa đủ tuổi” của tha nhân có gì mà nhạt nhoà theo năm tháng, mà “Buồn giăng mắc như sương mai còn đọng”. Hay vùng miên viễn xa ngái ấy cũng như Tèo xe ôm tôi với những lần trộm ổi vườn nhà bên cạnh nhĩ ! Mà biết làm sao bây giờ, cũng tại cây ổi trĩu quả quá và thơm quá… (thơm vào tận cả giấc mơ trưa cơ mà!) … đành vậy thôi!
Mà lạ thiệt! Bác gái nhà bên cạnh không mắng cái tội trộm ổi mà lại rầy la vụ té khi trèo cây mới lạ lùng, chẳng hiểu làm sao! có lẽ giấc mơ chưa đủ tuổi là vậy!
Cho nên:
“Mai tôi về bước sông hồ dang dở
Cuộc trăm năm không mỏi một đêm rằm
Lời mẹ ru con sóng vỗ từ tâm
Đêm đối mặt nghe Thạch sùng tắc lưỡi
Mai tôi về giấc mơ chưa đủ tuổi
Câu ca dao khắc khoải níu tao nôi
Từng chiều trôi gió hú vọng bên đồi
Sương khói quyện về ru hồn ngọn cỏ
Không biết có phải những hoài niệm và tiếc nuối một thời, tưởng ngủ quên bên bờ giậu thưa của thời hoa niên và sẽ thức giấc giằng xé tâm hồn của những con người tha hương hay không, mà khi tuổi đời của phận người lớn lên , già đi thì người ta hay quay về tìm những gì còn sót lại… trong ký ức hoang tàn ấy, trong cái góc riêng mơ màng ấy còn gì mà sao người ta cứ lục tung lên nhỉ! Một câu ca dao mẹ ru buổi trưa hè dỗ giấc cho ta qua bờ hữu hạn, một tiếng gió hú bên đồi, làn khói len trên mái rạ, bóng cha bước chân lần dò qua bờ ruộng cạn, bóng Mẹ về cuối buổi chợ trưa, chiếc bánh đa , bánh nậm … Ký ức có khi là tiếng nấc nghẹn ngào trong đêm vắng theo gió bay qua vùng tuyệt vọng của ai đó… tiếng kinh cầu đưa tiễn ai đó vừa qua cõi người ta… tiếng chuông giáo đường vừa se duyên cho hai định phần của kiếp người… đó là tất cả những điều tạo nên của nả mang theo của đời người… có lẽ vậy! Cho nên phải về thôi, không lại muộn mất bây giờ…! Dù con đường mưu sinh hay con đường công danh sự nghiệp ta chưa thấy toại ý cũng nên tìm về, quay về mà nhận diện chính mình… cho dù:
“Mai tôi về dấu báo điều im lặng
Dưới mộ sâu dẫu chẳng muốn mang theo
Bao cơ cầu nỗi thân phận trớ trêu
Bức tranh đời hoạ muôn điều cắc cớ”
Cõi người ta vốn vậy, cái bến thất tình lục dục vốn thế … thì có chi mà phải nặng lòng! Về đây cũng đâu cần:
“Bao cơ cầu nỗi thân phận trớ trêu
Bức tranh đời hoạ muôn điều cắc cớ”
Hãy giữ lại điều này trong tận góc cuối cùng của riêng mình và hãy cưu mang nó như một lần cúi xuống phận mình… bấy nhiêu cũng đủ rồi!
Dù sao thì cũng phải về thôi!
“Mai tôi về đi qua miền cổ độ
Dấu hài xưa con sóng xoá mất ngôi
Nỗi nhớ quên phong kín lối ngang trời
Buồn giăng mắc như sương mai còn đọng
Mai tôi về sâù chia muôn cánh mỏng
Tia nắng reo tấu giai khúc tơ trời
Muôn nốt nhạc thánh thót gọi hồn tôi
Giữa Thiên hà bài thánh ca ý Chúa
Cũng đâu có biết ngày qua vùng vĩnh biệt ta có còn nghe nhạc trỗi khúc nghê thường vang vọng đáy trời hay không, tiếng chuông ngân xuống thung ngàn sâu vời vợi hay không, tiếng mõ rền theo khúc siêu sinh hay không… Nhưng cũng đã đủ rồi một phận người. Cám ơn đức sinh thành đã đưa con đến đây, được nghe lời ru cuốn gió địa đàng của tha nhân, xuôi theo phận mình được thấy những chiếc lá rơi nghiêng qua vô thường, được thấy ai đó về cuối ngõ hạnh mĩm cười bên nhánh non tơ, cảm ơn trần gian cho ta được những lần cúi xuống nhỏ lệ với cưu mang phận người, cảm ơn đất trời cho ta những lần hạnh ngộ với những tâm hồn mang mang níu gió…với những tâm hồn buồn vương liếp nhớ.
Tèo xe ôm xin cám ơn tác giả MAI TÔI VỀ! đã cho xuôi cùng chuyến về thăm lại nơi chôn rau cắt rốn, vườn địa đàng xa vắng tự lâu rồi… Níu những ngôn từ của thi nhân, lần về cố hương được ru lòng đá cuội một lần vì hoa bỉ ngạn nở cuối mùa không đợi! không đợi!
 
VẾT MÒN THỜI GIAN
Em về nắng rụng ở đầu sân
Chỉ tiếc thời gian đã cạn dần
Chén tửu âm mòn không dễ vọng
Đêm tình sóng lặng chẳng buồn ngân
Nhiều hôm bỏ ngắm vườn trăng cũ
Những buổi ngồi mơ lạch suối ngần
Mộng giữa đôi bờ quay ảo giác
Nên đời lại mãi níu bàn chân
LCT 15/05/2019
 
Có ai đó đã nói: " Đường thi là thể thơ chỉnh chu đến khô khan, buộc ràng đến khuôn sáo, lễ nghi đến nặng nề..." thì xin mời vào đây mà nghe thi nhân của giòng Thạch Hãn nghiêng mạch thơ lòng với "VẾT MÒN THỜI GIAN" giữa một chiều ngược nắng khi hoàng hôn men theo về bên kia những triền nhớ:
"Em về nắng rụng ở đầu sân
Chỉ tiếc thời gian đã cạn dần"
Câu thơ như vạt nắng chiều sót lại bên bờ giậu thưa và hình như có chút lắng lòng đến mơ hồ của một liếp nhớ cố giấu mình cuối chốn hư hao, một không gian quá tỉnh lặng của một tâm hồn hoài niệm... một tiếng kêu thảng thốt của cánh vạc đi vào vùng vô định của trần thế để rồi:
“Chén tửu âm mòn không dễ vọng
Đêm tình sóng lặng chẳng buồn ngân”
Khi thời gian của kiếp người đã cạn dần thì những gì thuộc về ký ức cứ cồn lên, cứ ùa về làm khổ thêm thôi và như một điều mặc nhiên, người ta ngoảnh lại nhìn phận mình, phận người, nhìn lại những con đường mình đã đi qua những rong rêu đã lên màu tuyệt vọng. Những góc phố dịu dàng đã bắt đầu xa ngái đến vô tâm… và buồn… rất buồn ! Cũng đành thôi cứ để những giận hờn chính mình tìm về trong những giấc chiêm bao mà đay nghiến mà dỗi hờn để rồi:
“Nhiều hôm bỏ ngắm vườn trăng cũ
Những buổi ngồi mơ lạch suối ngần”
Đúng, chỉ còn lại những giấc mơ, những giấc mơ trưa mà ta thấy ta đã và đang lặng lẽ đi về cùng những mùa thu hay ngồi hong tóc đếm những mùa rất vội…đôi lần tự hỏi trăng mùa cũ có còn rọi sáng góc vườn hoang nữa hay không hay em giờ tóc đã sang màu huyền thoại mấy phần và em còn nhớ chút gì về ngày ấy không, ngày ta nghiêng hết phận mình, nghiêng hết hoang đường vào làn tóc rối ấy không !? bao nhiêu thì đủ những hoang tưởng nhĩ !? Không, không bao giờ đủ cho những hồn thơ cuốn gió địa đàng. Có chăng chỉ là những làn ranh của hai bờ hư thực đã nuôi nấng những tâm hồn sóng sánh chữ nghĩa khách thi hồ. Vậy mộng hay thực thì có sao đâu:
“Mộng giữa đôi bờ quay ảo giác
Nên đời lại mãi níu bàn chân”
Đành thế thôi! Thì đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt… Mai về rồi cũng như đá ngây ngô… vậy thôi!
Thưởng thức thi phẩm thất ngôn bát cú Đường luật của thi nhân giòng Thạch Hãn – dòng chứng nhân của thời gian để nghe trong tiềm thức những ký ức của con sông đất Mẹ, tôi nghe những nợ nần trở về trang trải, những cưu mang qua mùa khốn khó, tôi thấy những đổ vỡ vẫn còn nguyên đó, tiếng chới với ẩn giữa than van… Tôi tìm thấy cho riêng mình những lặng thầm cúi xuống, những úp mặt vào sông, những gì có thể và không thể và…
Cảm ơn anh thật nhiều!
.........
Chiều nay quay về ngõ hạnh
Tìm nhau trong những xác người
VẾT MÒN THỜI GIAN nhỏ lệ
Úp mặt vào tuổi đôi mươi!
Nguyễn Ngọc Cát Tường
 
THƠ LÀ GÌ!?
Thơ là nỗi lòng khắc khoải cõi trần ai
Trả nợ buồn vui trả chiều mộng mị
Buộc lại hư hao mơ điều dương thế
Là nén hương lòng khắc khoải khóc tha nhân!
Thơ là giọt buồn Mẹ bỏ lại cuối sân
Là khúc nôi Cha quên trên mảnh vá
Là ông giáo làng nợ đòn roi chưa trả
Là khói lam chiều len lén khóc mùa sang
Thơ là ơn em về cuối ngõ vương mang
Tường gạch vỡ loài rong rêu trổ nhánh
Những con chữ treo ngang bờ yên lặng
Cho liêu xiêu cho nát cả cơ trời!
Thơ là hai hàng lệ ướt dấu son mội
Là những cưu mang bạn bè không trả nổi
Thắp nến lên đi những lần rất vội
Khóc một lần cùng bạn trước mồ hoang
...
Thơ là gì!?
......là cúi xuống với đa mang!
Rồi bỏ lại ngày ta qua vùng vĩnh biệt!!!
 
Em đừng đi .... Những vạt nắng chiều bên kia dốc hoang tàn đã làm nhỏ lệ dòng Dương Tử!
Em đừng đi chiều nghiêng qua lầm lỡ
Anh tìm đâu hương tóc thoảng bên trời
Em đừng đi đợi thắp giùm trên mộ
Nén hương tàn anh đỡ thấy chơi vơi...
 
ĐỊNH MỆNH!
Cúi xuống tàn phai bên trời rộng
Hoang đường dỗ ngọt bóng chiều xuân
Về đi nhỏ hỡi hương còn mộng
Cứ giữ giùm nhau những nợ nần!
 
NGƯỜI QUA THÁNG GIÊNG
SAO KHÔNG ĐI HẾT NỬA CHIỀU?!
(Riêng tặng một mùa Thu)
Em qua tháng giêng thì ngày qua tháng mấy!?
Trái mơ non màu đã chín thuở giao thời
Con lật đật đã trở mình trong góc tối
Mắt nâu trầm chia hai nửa phút buông lơi!
Hoa cải cuối mùa có trổ nụ nữa hay không!?
Hãy nhặt lá mà theo xác ve đi tìm hạ
Về nguồn cội ngắm sương trườn qua nách lá
Nhớ khói lam chiều lặng lẽ đến co ro
Đã cố đuổi theo cho trọn một câu hò
Mà sóng đánh đò đưa dạt miền vô thức
Có đến đó đâu mà ngã nghiêng hư thực
Trách hờn chi cho tàn tạ cả chiều sang
Sao cứ làm đau hoa gạo chín cuối làng
Có ghét lắm thì sang thu mà giận dỗi
Áo sũng ướt tím cả lời nông nỗi
Còn không thương mà đứng đó giận mưa bay!
Người quên lời hò hẹn mà ai đâu có hay!?
Lá trầu vàng quắt queo bên cầu thuở ấy
Khúc nghê thường cuối sân đình vẫn vậy
Mộng xuân thì cứ ngắn mãi với Thu thôi…!!!
Nguyễn Nữ Xuân Hằng
Rất nhiều điều òa vỡ sau một câu trách nhẹ nhàng :
“Người qua tháng giêng sao không đi hết nữa chiều” là tựa của bài thơ và cũng chính là lời nhắn cho thi nhân có những bài thơ ru lòng đá cuội (là lời trần tình của người con gái - một tiểu thư chưa một lần yêu ai) Muốn tìm về động hoa vàng như thi nhân Phạm Thiên Thư nên tác giả không muốn buộc sợi tơ lòng, sống khép mình chay tịnh với nâu sồng tại gia... Có lẽ còn trong vòng duyên nghiệp vẫn phải vướng nợ trần ai nên do mê phú tứ mà từ mến thơ nên mến người ... Và từ mến người đem lòng ái mộ tài thơ phú muốn đươc một lần hạnh ngộ cùng thi nhân... và cũng vì là một nữ nhân khuê các nên đã từ chối rất rất nhiều khách thương hồ tìm đến với mình! ... và thời gian cứ thế trôi, nhưng người thì .... có lẽ không duyên nợ với nhau. Để rồi:
“Em qua tháng giêng thì ngày qua tháng mấy!?
Trái mơ non màu đã chín thuở giao thời
Con lật đật đã trở mình trong góc tối
Mắt nâu trầm chia hai nửa phút buông lơi! ”
Vẫn biết hỏi rồi cũng chính mình phải trả lời “Em qua tháng giêng thì ngày qua tháng mấy!?” Em đã vào mùa xuân chín rồi xin hỏi lòng anh bây giờ là tháng mấy hay là lòng người đã sang thu mơ hồ hay đã vào đông cong queo co ro mất rồi! Người có thể trả lời em không!? Khi trái mơ non đã chín, khi con lật đật đã trở mình trong góc tâm hồn thì mắt nâu trầm chia hai nửa về hai nơi là điều vốn vậy... thì sao người không nói gì! Đất trời Tây Đô vẫn trong xanh vời vợi và người Tây đô vẫn ngoan hiền như hoa cải vàng trên đồng... nhưng sao vẫn chỉ là hư vô, nhưng người vẫn chỉ là hư vô:
“Hoa cải cuối mùa có trổ nụ nữa hay không!?
Hãy nhặt lá mà theo xác ve đi tìm hạ
Về nguồn cội ngắm sương trườn qua nách lá
Nhớ khói lam chiều lặng lẽ đến co ro”
Sao người không về miền hạ tìm mảnh trăng dạ hồ, sao không về thăm mùa nước nổi mùa lục bình tím cả dòng sông mênh mông, mênh mang ... và khi màu hư hao đã trổ nhánh và hanh hao là bến đợi tha nhân thì điều giữ lại, cái gửi lại chỉ là:
“Đã cố đuổi theo cho trọn một câu hò
Mà sóng đánh đò đưa dạt miền vô thức
Có đến đó đâu mà ngã nghiêng hư thực
Trách hờn chi cho tàn tạ cả chiều sang”
Thế cũng đủ cho mội khối cưu mang cho những tứ thơ cuốn gió địa đàng. Cũng chẳng buồn ai, cũng chẵng giận ai... chỉ tiếc một niềm tin:
“Tưởng giếng sâu tôi nối sợi dây dài... ngờ đâu giếng cạn cứ tiếc hoài sợi dây.”
“Sao cứ làm đau hoa gạo chín cuối làng
Có ghét lắm thì sang thu mà giận dỗi
Áo sũng ướt tím cả lời nông nỗi
Còn không thương mà đứng đó giận mưa bay! “
Chỉ xin một lần được hỏi tao nhân mặc khách: Sao nỡ làm đau hoa gạo cuối làng... và cũng chỉ vậy thôi...
Thương mảnh trăng dạ hồ, thương cái bến sông Tiền :
“Người quên lời hò hẹn mà ai đâu có hay!?
Lá trầu vàng quắt queo bên cầu thuở ấy
Khúc nghê thường cuối sân đình vẫn vậy
Mộng xuân thì cứ ngắn mãi với Thu thôi…!!!”
Thôi thì thôi, mộng mị cũng đành thôi! cũng muốn phú tứ một lần say cho bỏ một kiếp hồng nhan ... Xin trả hết cho người, không duyên với thi nhân ... Mai em về gánh nước trăng ngàn ngõ thượng quan!
Xin ơn trời những hạnh phúc luôn tìm người, bên kia dốc đời mình người luôn viên mãn. Dù không một lần đối diện cùng người cũng xin được một lần mang ơn ai ... người nhé!
 
XIN ĐỜI CHÚT ƠN!
Thưa Thầy!
Con lại về đứng giữa nắng huyền quan
Cái ngõ rong rêu hoa vàng mấy độ
Khói tỏa đàn hương nắng chiều ngái ngủ
Về đây con nhớ lắm những ngày qua
Đã ngần ấy rồi Thầy cưỡi hạc đi xa
Chữ Thầy cho, con đem đổi cơm thiên hạ
Nhưng Thầy ơi con chưa bao giờ mặc cả
Con không bán mua chữ nghĩa bao giờ!
Chỉ khi buồn con buộc gió vào thơ
Con chiết mặc cả những điều trần thế
Con úp mặt vào những điều không thể
Con đa đoan nói hộ cõi người ta!
Thưa Thầy!
Nay con về thăm mộ lại đi xa
Con gánh phận mình vào miền sáng tối
Loài bỉ ngạn nở cuối mùa không đợi
Không biết giỗ sau con có quay về
Thầy ơi ... Con mang ơn!
Ông Giáo Làng cho con cả đam mê
Cả nhân sinh quan cả lòng trắc ẩn...
Nếu con không về xin Thầy đừng giận
Đứa học trò thiếu lắm nợ đòn roi!
 
ANH CÓ VỀ QUẢNG TRỊ VỚI EM KHÔNG!?
Anh có về Quảng trị với em không!?
Miền cát trắng và những điều chưa hiểu
Mẹ gánh bốn mùa chạy qua sông Hiếu
Cõng tháng ngày trả hết nợ nhân gian
Anh có về Quảng trị với em không!?
Em kể anh nghe người cha xứ sở
Vai vá hết cả những điều nức nỡ
Vẫn mĩm cười nhỏ lệ với cưu mang
Anh có về Quảng trị với em không!?
Em dẫn anh đi vào mùa lay võng
Câu hò trách bạn vang vào đồng vọng
Nghe mà thương nát cả cơ trời
Anh có về Quảng trị với em không!?
Chiều hư ảo núi ngã vào lòng biển
Tiếng chuông chùa níu ngàn lau hòa quyện
Cô lái đò bình phú lướt mặt sông
Anh có về quảng trị với em không!?
Câu em hỏi từ ngàn xưa Mẹ hỏi
Về đây theo em qua bờ nông nỗi
Múa bút ngang trời...Phú tứ một lần say!
Nguyễn Nữ Xuân Hằng
Tôi ôm số phận mình từ nơi chôn nhau cắt rốn chạy theo cuộc mưu sinh của phận người, có bao giờ tôi nghĩ rằng : cuối cuộc đăng trình của mùa du cư của định phần riêng cho mảnh đời mình lại có người hỏi “Anh có về Quảng trị với em không!?  Có phải tôi vô ơn mà bội bạc với nơi Mẹ tôi dẫn tôi đến với cuộc đời không!?... có phải không !? có phải những cơn gió Lào thôi qua miền quê với những đồi cát trắng đã cháy cả những phiến tâm hồn của tôi không... Không đâu ... thật mà! xứ sở ấy cưu mang tuổi thơ tôi bằng những dấu chân trần qua bờ ruộng cạn, bằng những mùa mưa gió bão bùng và những cơn lũ đã gọi tên những linh hồn tội nghiệp ... thì làm sao tôi có thể quên. Giật mình ngoảnh lại tất cả vẫn còn nguyên đây... tôi đi qua mùa đông rét mướt với hai túi quần đầy bắp rang của Mẹ, đi qua qua thu vàng phai xác lá với nỗi mong chờ Mẹ đầu ngõ, chờ Mẹ về sau buổi chợ tan với chiếc bánh tráng mè hay bánh nậm vẫn còn thơm cho tới bây giờ. Vẫn còn đây thôi, tiếng ve gọi hè sang trong những khu vườn và cái bến sông với những điều xa ngái một vời xa của đám bạn chăn trâu và nước vẫn mát cả tuổi thơ tôi cùng những lời dặn dò của Cha “Ráng lên con, ráng lên cho kịp bạn bè và chỉ duy nhất là học để sau này nên người...”
Có ai ngờ! bây giờ - cuối cuộc tha hương – cuối cuộc kiếm tìm, em lại hỏi tôi: “ANH CÓ VỀ QUẢNG TRỊ VỚI EM KHÔNG!?” có tội nghiệp anh không!
Em biết gì nơi ấy!? có phải những gì em có được là từ những đêm thao thức để biết về “gã xe ôm“ không!? Em chưa bao giờ thả hồn lên những đồi sim tím bạt ngàn trong chiều nhạt nắng để thấm đẫm cái biền biệt của chiều hoang, chưa nghe tiếng Mẹ ầu ơ ru con trưa hè dưới hàng tre trước ngõ hay những đêm trăng tiếng gàu tát nước múc cả ánh trăng đổ vào cuộc mộng để những câu hò đau đáu một niềm riêng chưa!?
Xin em đừng hỏi anh: “ANH CÓ VỀ QUẢNG TRỊ VỚI EM KHÔNG!?” Anh nhớ lắm nhỏ ơi!
Nhớ lắm ... rồi mai anh sẽ về!
Cảm ơn em – người con xứ mùa nước nổi! những giò lục bình tím man mác những khúc sông. Cảm ơn những câu thơ gợi nhớ màu ký ức của em, cảm ơn những lời nhắc nhở, xin mang ơn tấm lòng của Nguyệt!
Cảm ơn Kiều nữ Tây Đô!

No comments:

Post a Comment

Thơ Đạo 3

     Từ nguyên thủy rừng già dòng suối chảy     Bưởi hoa vườn mưa tạnh ửng phù dung     Tình đá tượng vẫn còn nguyên vẹn lắm     Gióng hồi c...